Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới

91

thánh hiến3Tại sao tôi phải theo lý tưởng sống khó nghèo trong khi ngày nay mọi người hầu như đang chạy theo một thứ chủ nghĩa duy vật chất, thèm khát chiếm hữu, vô cảm trước những nhu cầu và nỗi khổ của người khác, dửng dưng với việc phải biết tiết chế sử dụng những tài nguyên thiên nhiên? Nhiều người không ý thức tài nguyên của hành tinh có giới hạn, cần được tôn trọng và bảo vệ công trình tạo dựng bằng cách giảm bớt tiêu thụ, biết sống thanh đạm và tự kềm hãm những ước muốn của mình. Câu trả lời của người bước theo Đức Kitô sống đời thánh hiến, qua việc sống khó nghèo theo Phúc âm, mang nhiều hình thức khác nhau, làm chứng cách mới mẻ và mạnh mẽ về sự từ bỏ và tiết độ, bằng một nếp sống huynh đệ, đơn sơ và hiếu khách, làm gương cho những người dửng dưng với nhu cầu của tha nhân; và thường kèm theo hoạt động dấn thân phát huy tình liên đới và bác ái.

  1. Nguồn cội của đức nghèo khó Kitô giáo


Nghèo khó: từ thân phận của con người đến thờ lạy Thiên Chúa

Nghèo khó là một hoàn cảnh sống của con người, bởi vì con người là một thụ tạo giới hạn, mỏng manh, bấp bênh, luôn có nhu cầu phải thỏa mãn và cái chết không thể tránh thoát được. Con người là loài phải chết, điều đó cũng đủ để nói lên tình cảnh nghèo hèn cùng cực của con người. Chúng ta chào đời trần trụi tay không, được ủy thác cho người khác dưỡng nuôi chăm sóc, và chúng ta chết cô độc, điều ấy bộc lộ tất cả thân phận khốn khổ, bất toàn của ta. Số phận con người là số phận của loài thụ tạo giới hạn, không tự mình có đầy đủ mọi sự và độc lập được, và chính vì thế ta được kêu gọi sống phụ thuộc lẫn nhau (tương thuộc), chia sẻ cho nhau, liên đới với nhau, điều đó đã được ghi khắc trong trung tâm cuộc sống.

Mọi người, nam cũng như nữ, cần phải nhìn nhận, đón nhận, đảm nhận phận nghèo khó cơ bản này, mà nếu không có cái nghèo ấy người ta không thể đi suốt con đường nhân linh hóa trong quan hệ với người khác, với nhân loại, với toàn thể tạo thành, vũ trụ. Chính vì khó chấp nhận điều đó mà người ta dung túng ý định tránh né trong mơ mộng, ảo tưởng rằng có thể sống mà không cần người khác hoặc thậm chí chống lại người khác, khi đi trên hành trình của hiệp thông khó khăn và nhọc nhằn. Thế nhưng, sống chấp nhận thân phận nghèo khó bản thể của con người là một đòi hỏi cơ bản đối với mọi người, dù là Kitô hữu hay không Kitô hữu, nếu muốn trở nên người nhiều hơn, càng ngày càng là người hơn. Vì thế mà ta hiểu tại sao đức vâng phục Kitô giáo khởi đi từ sự chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, chấp nhận chính mình và sự thật – thực tại của mình.

Và chính sự nghèo khó từ căn để này của phận người – là con người sau cùng dứt khoát phải chết, phó thác sự sống mình trong tay Tạo Hóa, Đức Chúa Cha (x. Lc 23,46; Tv 31,6) – đã đưa người tin đến chỗ thờ lạy Đức Chúa hằng sống. Hành động thờ lạy này, vốn là cao điểm của lòng tin, mục đích của niềm tin, gắn kết với Thiên Chúa, là cái gì đây? Đó là sự thú nhận cái nghèo nàn, những thiếu thốn của mình; là có thể nói với Thiên Chúa rằng: “Xin cho ý Cha được thành sự” (Mt 6,10; 26,42; x. Lc 22,42); là đứng trước nhan Thiên Chúa đối diện và nói với Ngài, trong khi nhìn nhận Ngài là nguồn cội và cùng đích của sự sống chúng ta. Có thể nói rằng ai không nghèo và không cảm thấy mình nghèo hèn không thể thờ lạy Thiên Chúa, nhưng thờ Mammon, tiền tài của cải thế gian. Đây là một trong những cám dỗ đầu tiên Chúa Giêsu chịu trong hoang địa (x. Mt 4,8-9), được vượt qua bởi những lời sau đây: “Người hãy thờ lạy Đức Chúa Thiên Chúa ngươi và chỉ thờ lạy một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10; Đnl 6,13).


Sự nghèo khó và người nghèo trong Cựu ước

Trong Cựu ước, nghèo được cho là túng thiếu, trong khi giàu có là dấu của bình an hiện diện, như ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa ban xuống cho người công chính, cho tín hữu (x. Tv 34,10-11; 112,1.3). Tuy nhiên người nghèo luôn là đối tượng được Thiên Chúa bảo vệ, chăm sóc và quan tâm. Những người nghèo là hệ quả của một sự bất công xã hội nào đó, là nạn nhân của áp bức và bóc lột, bởi thế có sự hiện diện những kẻ thuộc giai cấp quyền lực và giàu có bóc lột. Người nghèo bởi thế bị tước mất phẩm giá, chính vì thế Thiên Chúa xót xa và cảm thương họ, đến độ đau khổ cùng họ (x. Xh 2,25), trở nên đấng cứu độ và báo oán cho họ (Tv 72,12-14). Trong sách Torah Thiên Chúa tỏ ý muốn của Ngài đối với xã hội Do thái: “Tuyệt nhiên giữa anh em đừng có người nghèo” (Đnl 15,4), và vì lợi ích của người nghèo, Ngài muốn các định chế lề luật gìn giữ, bảo vệ những kẻ bần cùng, như các cô nhi, góa phụ, khách ngoại kiều cư ngụ trong xứ (x. 22,20-26; 23,9; Lv 19,33-34; Đnl 10,17-19; 27,19).

Tuy nhiên, những người nghèo này, nạn nhân của lịch sử, cũng được coi và hiểu, đặc biệt trong lời rao giảng các tiên tri, là những người đang sống trong hoàn cảnh mong đợi, khao khát, đói khát sự công chính và khiêm hạ. Trong viễn tượng này, những người nghèo là những người không có quyền lực, không kiêu căng, tự mãn, bạo lực, và chỉ mong ngóng Thiên Chúa đến mang ơn cứu độ, đợi chờ ngày của Chúa; họ là “những người nghèo trong tâm hồn” (Mt 5,3; x. Tv 34, 19 LXX), những anawim, những người nghèo của Thiên Chúa (x. Xp 2,3) sống trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, trong hiền lành và khiêm hạ.


Đức Giêsu, người nghèo lý tưởng

Nhìn và chiêm ngắm Đức Giêsu, cả trước khi giải thích những lời lẽ và đòi hỏi của Người phải sống nghèo khó trước sự kiện Nước Thiên Chúa đến, người Kitô hữu có thể hiểu tinh thần nghèo khó theo Phúc âm. Đức Giêsu, “vốn giàu có, lại trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8,9). Chúa Con, vốn dĩ là Thiên Chúa, đã không nghĩ phải nhất quyết giữ địa vị này, giữ khư khư đặc quyền của một Thiên Chúa vốn là bất tử, quyền năng, chúa tể hoàn vũ, mà lại tự hủy mình đi mặc lấy phận nô lệ của con người (x. Pl 2,7). Chúa Giêsu đã muốn sống sự nghèo khó triệt để, thực sự của thân phận phàm nhân, và đã chọn lựa như thế vì yêu thương, vì muốn liên đới với loài người chúng ta, bởi tự do của tình yêu Ba Ngôi đi ra ngoài mình (ékstasis).

Đức Giêsu, theo những gì các sách Phúc âm thuật lại, không thuộc giai cấp bần cùng nhất của xã hội thời Người, không là người cùng khốn và chưa bao giờ được gọi là một người khốn khổ (ptochós) về phương diện xã hội. Ngài thuộc một gia đình làm nghề thủ công, con của một bác thợ mộc (x. Mt 13,55) có khả năng với nghề nghiệp ấy bảo đảm nuôi sống gia đình ở mức sống trung bình. Chúng ta không biết gì về cuộc đời của Đức Giêsu trong những năm tháng từ thời thơ ấu cho đến khi khởi đầu sứ vụ công khai của Người. Từ các Phúc âm chúng ta có thể rút ra được rằng Người chỉ có thể đã từng đi “theo” Gioan Tẩy Giả (x. Mc 1,7; Mt 3,11; Ga 1,15.27.30), hoặc giả sống trong một cộng đoàn môn đệ của Gioan, một cộng đoàn sống nhiệm nhặt nhưng không khốn cùng, chờ đợi ngày của Chúa.

Trong thời gian hoạt động công khai rao giảng, trong bức tranh cuộc đời rong ruổi nay đây mai đó, Đức Giêsu, theo nghĩa là Người có thể trông nhờ vào một ngôi nhà nào đó mà Người lưu lại tạm thời (x. Mc 1,29.35) và hưởng nhờ sự hiếu khách từ phía các môn đệ và những người có lòng với Người, có lương thực để ăn nhà để ở (chỉ cần nghĩ tới Matta, Maria và Lazarô: x. Lc 10,38-42; Ga 12,1-2). Phúc âm thứ tư cho ta biết có một “quỹ chung” (Ga 12,6; 13,29) trong nhóm các môn đệ, có lẽ chăng đó là những gì có được do lao động đánh bắt cá. Sau cùng, Người được gọi và được người ta công nhận là một rabbi và là tiên tri, với uy tín và uy quyền đó Người còn được hay mời đến các nhà giàu sang khoản đãi ăn uống (x. Lc 5,29-32; 7,36-50; 19,1-10).

Thế nhưng, sự nghèo khó thật của Đức Giêsu là sự nghèo khó của một con người không có gia đình, “không có chỗ để tựa đầu” (x. 8,20; Lc 9,58), một người không chỗ tựa nương vì không thân với bất kỳ quyền lực chính trị, kinh tế và tôn giáo nào, một người đứng “ở giữa” (Lc 22,27) các anh em mình trong cộng đoàn chứ không ăn trên ngồi trước, một người hằng ngày sống cuộc sống mình vì Nước Trời và vì anh em, một người đã không thể cậy dựa vào tiền của sung túc và chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là sự nghèo khó đích thật của Kitô giáo, là mẫu gương cho tất cả mọi người. Nếu như có ai đó là đối tượng của mối phúc thật thứ nhất – “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3) – thì đầu tiên đó phải là Đức Giêsu, người nghèo trước mặt Thiên Chúa, nghèo trong tâm hồn vì đã xua đuổi dọc suốt cuộc đời và sứ vụ của mình các cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-11; Lc 4,1-13), cám dỗ về chiếm hữu (lợi), về quyền bính và thống trị (danh và quyền).

Như thế, Đức Giêsu đã là một người nghèo, đúng hơn một người nghèo theo lý tưởng, không vì nghèo theo nghĩa xã hội, nhưng là cái nghèo của một ‘anaw, “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29), biết chia sẻ và hiệp thông. Như một người nghèo, Chúa Giêsu đón tiếp những người bạn nghèo, đơn sơ, bệnh tật, và Người chết như một người nghèo không ai bảo vệ: cả bằng cách đó Người đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa (x. Ga 1,18).

Giáo huấn của Chúa Giêsu về đức nghèo khó

Nghèo khó là yếu tố cốt yếu của người môn đệ khi đi theo Chúa Giêsu trong viễn cảnh Nước Trời đang đến gần. Trước hết Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ đón nhận và sống ưu tiên số một cho Nước Trời, quy hướng mọi sự về đó. Bởi thế, những người nghèo theo tinh thần được cho là có phúc, vì Nước Trời là của họ, họ là những người sống tình trạng mong đợi, khao khát và đón nhận Nước ấy. “Tin mừng, Phúc âm được loan báo cho những người nghèo” (x. Lc 4,18; Is 61,1), Đức Giêsu đã công bố như thế ngay từ đầu sứ vụ của Người trong hội đường Nazaret. Đức Giêsu kêu gọi, nếu muốn làm môn đệ Người, phải từ bỏ của cải, nhà cửa ruộng vườn, gia đình, khởi đầu cuộc hành trình làm môn đệ bằng sự từ bỏ, tự hủy (kenosis) nghĩa là hóa mình ra không:

– Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí (Lc 12,33).

– Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33).

– Hãy bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi (Lc 18,22tt).

Người đã gặp gỡ Đức Kitô và muốn đi theo Người là kẻ giống như người kia đã gặp thấy viên ngọc quý hay kho tàng ẩn giấu (x. Mt 13,44-46) và có thể bán đi tất cả, bỏ mọi sự, để đạt cho được của ấy vì yêu mến điều tốt đẹp đó quý giá nhất trên tất cả, là: Nước Trời, Tin mừng, chính Đức Kitô. Gia đình, tài sản vật chất và thậm chí mạng sống mình (x. Mt 10,37-38; Lc 14,26-27) có thể trở thành vật cản và mâu thuẫn với việc ta triệt để đi theo Chúa. Bởi thế, khi người tín hữu cảm thấy mình được kêu gọi đi theo Chúa thì họ phải làm một chọn lựa dứt khoát và triệt để. Người môn đệ chọn Chúa trên hết mọi sự, và như thế họ mới có thể bước đi theo Người, với ý thức mình đã từ bỏ hết mọi thứ “bả vinh hoa phú quí” (Mc 4,19), “thần Tiền Của” (Mt 6,24; Lc 16,13), từ bỏ sự giàu sang của ma quỷ mà đức tin đòi hỏi.

Nói cách khác, việc từ bỏ mọi sự Đức Giêsu thấy như là một điều kiện thiết yếu để người môn đệ đi theo Người dấn thân trọn cuộc sống mình với Người. Đó là đảm nhận một điều kiện giải thoát người môn đệ khỏi ngẫu thần và khỏi sự quyến rũ của giàu sang, một điều kiện tự hủy giúp ta khó có thể quay trở lại đàng sau nữa (x. Lc 9,62). Từ bỏ, bán hết của cải, bố thí cho người nghèo quả thật là tương đương với việc ta chặt chiếc cầu ở đàng sau lưng mình. Sự từ bỏ của cải này cũng đồng thời là việc ta chia sẻ để hiệp thông với những người nghèo. Làm phúc bố thí, thực hành từ bi bác ái, giúp đỡ và chia sẻ với những người bé mọn (x. Mt 25,31-46) là những cách thức chia sẻ để từ bỏ mình luôn nhắm tới hiệp thông (koinonia) với Đức Chúa hằng sống và với anh chị em.

Ngay cả lối sống của Kitô hữu cũng thể hiện sự nghèo khó về tiện nghi, phương tiện, để không cậy dựa vào chúng hơn sức mạnh của Lời Chúa. Chúng ta nhớ Chúa Giêsu đề nghị với các môn đệ những yêu sách khá khó khăn khi sai các ông đi sứ vụ (x. Mc 6,7tt.; Lc 10,1-16). Nếu quả thật Nước Thiên Chúa thuộc trước tiên những người nghèo, thì việc loan báo Nước ấy không thể phó giao cho những sứ giả giàu có cũng như cho các phương tiện giàu sang và quyền lực. Trong cách sống cũng như trong khi thi hành sứ vụ, người Kitô hữu phải luôn bộc lộ cụ thể qua những hành vi, qua lối sống, cách ăn mặc, và thể hiện bên ngoài giá trị tối thượng là Nước Thiên Chúa, rằng sứ vụ là công trình của Thiên Chúa và rằng chính Thiên Chúa sắp đến rồi, vì đã bắt đầu thời đại cuối cùng rồi và “Chúa đã gần đến” (Pl 4,5), “đã ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13,29; Mt 24,33).

Đức nghèo khó và cộng đoàn Kitô hữu

Trình thuật của sách Công vụ Tông đồ về khai sinh cộng đoàn mới các môn đệ Chúa Giêsu ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,42-47; 4,32-37) luôn là cảm hứng cho cuộc sống của Hội Thánh và của các cộng đoàn Kitô hữu. Trình thuật mô tả Hội Thánh tại Giêrusalem như thể hiện một cộng đoàn hợp thành phù hợp với ý Chúa, một cộng đoàn trong đó mọi người sống bác ái yêu thương và chia sẻ, các của cải “được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4,35), để sao cho “không ai phải thiếu thốn” (Cv 4,34). Họ siêng năng không những nghe các tông đồ giảng dạy, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng, mà còn luôn luôn hiệp thông với nhau (x. Cv 2,42), và để mọi sự làm của chung (x. Cv 2,44), chia sẻ của cải “cho mọi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,45).

Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn chia sẻ, trong đó không có của riêng, trong đó có một sự kết nối chặt chẽ giữa sở hữu và lao động không nhằm tư lợi nhưng nhằm đến sự hiệp thông chia sẻ. Ở đây một yếu tố quan trọng làm nên nét “dị biệt Kitô giáo” là các Kitô hữu sơ khai đã sống và làm không theo kiểu của thế gian. Chính vì thế, trong các cộng đoàn của thánh Phaolô vị Tông đồ yêu cầu “chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn” (Rm 12,13), “chia sẻ với người túng thiếu” (Ep 4,28), không phải để lại tạo ra cái nghèo khổ cho ai nhưng để có sự đồng đều hướng tới hiệp thông với Chúa và giữa anh em với nhau (x. 2Cr 8,11-15). Không phải là các Kitô hữu đã cử hành Thánh Thể, lễ bẻ bánh, vốn là hành động có ý nghĩa chia sẻ, hiệp thông trong một Thân Thể duy nhất, là Thân Mình của Đức Kitô hay sao? Nếu các Kitô hữu mà không chia sẻ với nhau các của cải lương thực mình có, thì khi ấy “họ không phân biệt được Thân Thể Chúa và như thế là, họ ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11,29), khi ấy họ “khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người nghèo” (1Cr 11,22). Họ chịu phán xét như Thư thứ nhất thánh Gioan nói: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3,17).

Một yếu tố thứ hai cần nhấn mạnh trong đời sống của cộng đoàn Kitô hữu là sự quan ngại đối với của cải giàu sang. Tinh thần nghèo khó, vốn đòi hỏi phải tuyệt đối không bao giờ đặt tin tưởng vào của cải, dù là của ta hay không của ta. Những lời công kích của thánh Giacôbê, phản chiếu những lời các tiên tri thời cổ Israel tấn công những kẻ giàu có áp bức, bóc lột người nghèo (x. Gc 5,1-6), khiến ta phải suy nghĩ. Ở đây tố cáo của cải giàu sang đáng ghê tởm, chỗ khác ta đọc thấy: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6,10). Vì thế, người Kitô hữu được cảnh báo có thể trở thành người quản gia của Satan, tức là kẻ phục vụ cho các ích lợi của nó; không phải quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu bằng những lời này: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý” (Lc 4,6) hay sao? Cộng đoàn Kitô hữu đặt tất cả mọi sự vào mục đích xây dựng sự hiệp thông và chia sẻ, chống lại những cám dỗ trong đời sống hằng ngày chỉ biết tích lũy của cải vì tham lam. Sống đẹp, đơn sơ, thanh đạm, nghèo khó là lời chứng thuyết phục, luôn được bảo đảm và canh tân mỗi ngày bằng sự chia sẻ với người khác, với những người nghèo.

Một đặc tính thứ ba của tinh thần nghèo khó trong đời sống cộng đoàn Kitô, đó là: liên đới với người nghèo, nhìn đến những người nghèo, xem người nghèo như dấu chỉ huyền nhiệm của Chúa Kitô, và đồng thời, cũng là “mầu nhiệm tội lỗi ở trong thế gian”, họ là nạn nhân của lịch sử những kẻ quyền thế, những người thống trị thế giới này (1Cr 2,8). Lựa chọn ưu tiên người nghèo có nghĩa là chia sẻ các của cải cả ở bên ngoài cộng đoàn, với những người nghèo đang sống trong thế giới.

  1. Sống tinh thần nghèo khó như thế nào

Mục đích của sống đức nghèo khó là bác ái yêu thương

Nghèo khó tự thân không phải là một mục đích của đời Kitô hữu, nhưng là một phương thế sống để yêu thương hơn nữa, để bước vào không gian của đức mến vốn “không bao giờ mất được” (1Cr 13,8). Do đó, tinh thần nghèo khó cần luôn luôn và trước hết phải được chứng thực trong thực hành đức mến hằng ngày hướng đến những người đang sống với chúng ta, những người khác, đến những người túng thiếu nhất. Tinh thần nghèo khó luôn phải được đo lường bằng tình yêu, như Đức Giêsu đã nói về người phụ nữ tội lỗi ăn năn đã xức dầu thơm quý giá đắt tiền cho Người (x. Mc 14,3-9; Mt 26, 6-13; Ga 12,1-80).

Sống nghèo khó là chia sẻ

Thực danh của đức nghèo khó là chia sẻ. Từ koinonía, theo nghĩa “thông dự những gì người ta có”, được tác giả sách Công vụ Tông đồ sử dụng để chỉ “sự dị biệt” người ta sống trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai: các tín hữu khi ấy “siêng năng tham dự hiệp thông” (Cv 2,42); “họ để mọi sự làm của chung” (hápanta koiná: Cv 2,44); “mọi sự đối với họ là của chung” (hápanta koiná: Cv 2,43). Hình ảnh lý tưởng đó của Hội thánh sơ khai luôn là linh hứng cho đời đan tu về sau và cho tới hôm nay. Chia sẻ, hiệp thông của cải có nghĩa là không ai có tiền của, tài sản, lợi tức lao động riêng tư: tất cả thực sự là của chung và dùng chung.

Khía cạnh này của đức nghèo khó hẳn là gây vấp phạm nhất, tạo nghịch lý nhất và đáng sợ nhất; chúng ta nhớ Học thuyết xã hội công giáo tuyên bố rằng quyền tư hữu tài sản là một quyền không thể bị khước từ! Các đan sĩ trong đan viện không có tài sản gì riêng tư ngoài bộ áo quần và sử dụng các dụng cụ lao động, tất cả mọi sự khác đều thuộc về sở hữu chung. Chia sẻ của cải là khía cạnh khó sống nhất nhưng nếu không có điều đó thì cũng không có khả năng sống hiệp thông, vốn là mô thức của cộng đoàn Kitô giáo.

Nghèo khó là làm việc bằng chính đôi tay mình

Nghèo khó của đời sống đan tu biểu lộ nơi lao động bằng đôi tay của mình và không để mình phải nên gánh nặng cho người khác.

– Mỗi người phải làm việc bằng chính sức mình hầu tạo ra của cải mà cứu giúp những người túng thiếu (Ep 4,28).

– Ai không muốn làm việc thì đừng có ăn (2Tx 3,10).

– Chúng tôi xin và kêu mời anh em trong Chúa Giêsu Kitô hãy làm việc trong bình an và dùng phần ăn mà mình đã kiếm được (2Tx 3,12).


Sống nghèo khó là giúp đỡ người nghèo

Sống nghèo khó là giúp đỡ người nghèo túng với những thành quả do chính sức mình làm ra. Có nhiều hình thức khác nhau để giúp người nghèo. Giúp người nghèo qua đường dừng lại gõ cửa nhà mình xin giúp đỡ, nhưng cũng cần giúp những người nghèo khác ở xa hơn trong vùng ta ở hay những vùng miền xa xôi hơn trên thế giới. Truyền thống đan tu xưa kêu gọi trích một phần mười huê lợi kiếm được để giúp người nghèo. Giúp đỡ người nghèo còn một hình thức truyền thống nữa là đừng đòi hỏi điều gì nơi khách xin đỗ nhà.

Sống nghèo khó là biết sống chừng mực

Chia sẻ của cải là điều rất tốt nhưng chưa đủ. Người tận hiến còn biết đảm nhận một cuộc sống trước hết ở tầm mức cá nhân, sao cho thật đơn sơ, thanh bạch, chừng mực, rồi kế đến ở tầm mức cộng đoàn cũng thế.

Tinh thần khó nghèo cộng đoàn

Một khi người ta sống cộng đoàn, mà sống tạm bợ thiếu ăn hoặc thiếu thốn đủ điều, là một điều thật khó khăn. Thế nhưng tinh thần khó nghèo cộng đoàn xuất phát từ đòi hỏi về tính triệt để của Tin mừng. Một hình thức của nghèo khó cộng đoàn trong truyền thống đan tu phản chiếu nơi chọn lựa cung ứng phục vụ cho khách chỗ ăn ở và tiện nghi tốt mà cộng đoàn không dành cho mình. Theo truyền thống đó, khách đến nhà là Đức Kitô đến viếng thăm.

Nghèo khó trong tâm hồn

Tinh thần nghèo khó hay nghèo khó trong tâm hồn bộc lộ qua thái độ khi người ta tiếp đón những người nghèo, hèn mọn đến gõ cửa nhà, qua cung cách ta cư xử, lắng nghe họ, không xét đoán căn cứ trên tình trạng nghèo hèn đơn sơ của họ. Người có tâm hồn nghèo khó thì khiêm nhu, không ngại tiếp xúc gần gũi với những người nghèo. Trái lại, kẻ không có tâm hồn nghèo khó thì hay xa lánh người nghèo và không bao giờ thích hòa mình vào cuộc sống của họ, không quan tâm đến những quyền lợi hay nhu cầu của họ, lại càng không muốn sống phận thiếu thốn của họ.

Kết luận

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với những người sống đời thánh hiến rằng trong Năm Thánh hiến này (2015) ngài mong đợi anh chị em đó “đánh thức thế giới” vì đặc trưng của đời thánh hiến là tính tiên tri. Ngài nói:

“Như tôi đã nói với các bề trên tổng quyền: “Tính cách triệt để không chỉ dành riêng cho các tu sĩ, nhưng là điều đòi hỏi nơi hết mọi người. Nhưng các tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, đó là cách thức của một tiên tri”. Đây là điều đòi hỏi ưu tiên: “những vị tiên tri làm chứng cho Đức Giêsu đã sống ở thế giới này… Một tu sĩ không bao giờ được khước từ tính cách tiên tri” (29/11/2013).

Tiên tri được Chúa ban khả năng truy tầm lịch sử mình đang sống và giải thích những biến cố, tựa hồ người lính canh ban đêm và biết được khi nào hừng đông đến (x. Is 21,11-12). Ông hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết những người anh chị em của mình. Vị tiên tri có khả năng phân định và tố giác tội lỗi và những bất công, bởi vì ông là con người tự do, chỉ trả lẽ với Thiên Chúa chứ không phải trả lẽ cho quyền bính nào hết, ông chỉ quan tâm đến lợi ích của Thiên Chúa chứ chẳng có lợi lộc nào khác. Vị tiên tri thường đứng về những người nghèo và những người cô thế cô thân, bởi vì ông biết rằng chính Thiên Chúa đứng về phía họ”.[1]

–––––––––––––––––––––––––––––––––

[1] ĐGH Phanxicô, Tông thư gửi tất cả những người thánh hiến nhân dịp Năm Đời Sống Thánh hiến

 

Luy Nguyễn Anh Tuấn