Bức thư của một bạn trẻ cải đạo từ Tin lành sang Công giáo gây tiếng vang trên mạng xã hội

66

“Tôi đã khám phá ra một điều: tất cả các tín điều và giáo lý của Giáo hội Công giáo đều dựa trên Thánh Kinh”.

Bức thư ngỏ của một bạn trẻ rời bỏ đạo Tin lành gây tiếng vang trên mạng xã hội tại Brasil. “Vâng, tôi đã trở thành một người Công giáo”. Caio Batista, một chàng trai ở Rio de Janeiro, đã chia sẻ điều đó trên trang Facebook của mình và đã được hàng nghìn người khác chia sẻ.

Chúng tôi thuật lại sau đây lời chứng của Caio với việc trình bày về những lý do khiến anh đã nhận ra và chấp nhận trọn vẹn đức tin Kitô giáo trong Giáo hội Công giáo Tông truyền Rôma.

Vâng, tôi đã trở thành một người công giáo!

“Tôi biết nhiều người sẽ hỏi tôi: “Tại sao vậy Caio?”. Tôi hiểu rằng đối với nhiều người đã từng biết tôi thì thật khó để hiểu về sự thay đổi này. Vì vậy, tôi đã viết bài này, để công khai quyết định của tôi và đưa ra một số lý do về sự thay đổi của tôi”.

Tôi xin nói trước, bài này không có mục đích để biện hộ, nó không nhằm mục đích “cải đạo” những người theo Tin lành và để nói cho biết ai đúng, ai sai. Nếu các bạn bình luận, tôi hy vọng các bạn hiểu rằng đây không phải là sự mở đầu cho một cuộc tranh luận, mà là lời giải thích về điều đã đưa tôi trở về nhà, căn nhà ngọt ngào, hoặc như vị cựu Trưởng lão Scott Hahn từng nói, “Ngôi nhà ngọt ngào ở Rôma”. Và bây giờ chúng ta cùng đến với các sự kiện.

Tuổi thơ theo đạo Tin lành

Caio nhớ lại:

“Sinh ra và lớn lên trong gia đình theo đạo Tin lành, tôi luôn có niềm tin chân thành vào Chúa Kitô, một niềm tin được truyền lại cho tôi từ những người thân trong gia đình, đã đưa tôi đến nhà thờ khi tôi còn nhỏ. Tôi lớn lên với lòng yêu mến Thiên Chúa và Lời của Ngài, là điều khiến tôi học hỏi Kinh Thánh ngày càng nhiều hơn. Ở tuổi thiếu niên, tôi đã tiến một bước trong đức tin. Tôi rời khỏi hệ phái ngũ tuần, nơi tôi đã lớn lên và đã trở thành một tín đồ. Tôi yêu thích thần học Cải cách vì chưa từng yêu thích giáo lý nào khác cho đến thời điểm đó và tôi đã miệt mài với nó, đi tìm một chỗ dựa vững chắc cho đức tin, như tôi đã từng tin tưởng. Tôi xác nhận lần nữa tình cảm của tôi dành cho tất cả anh em đã chào đón tôi vào Giáo hội Tin lành ở Cachoeiras de Macacu, Rio de Janeiro.

Trong tiến trình nghiên cứu về ‘Cải cách’ Tin lành, tôi đã bắt gặp những câu trích dẫn của Calvin về thánh Augustinô, là điều đã khơi gợi trí tò mò của tôi để nghiên cứu các tác phẩm của ngài. Tôi đã đọc những gì mà vị Tiến sĩ về ân sủng đã viết về Ân Sủng và Ơn Cứu Rỗi. Tôi thấy có điều gì đó gây ấn tượng cho tôi. Mặc dù Calvin đã trích dẫn thánh Augustinô khoảng 420 lần, nhưng thần học về Ân sủng và Ơn Cứu Rỗi của thánh Augustinô hoàn toàn khác với những gì mà Calvin đã thuyết giảng, vì nền thần học này được tạo ra từ những cắt giảm và những áp dụng sai lầm. Điều đã đánh thức sự tò mò trong tôi đó là khoa cứu độ học “Augustinô”, bởi vì nó mạch lạc và vững chắc hơn nhiều so với Calvin, và nó đã khiến tôi đào sâu vấn đề. Khi đàm luận với những người bạn công giáo, tôi nghe nói rằng thánh Augustinô đã đóng góp rất nhiều cho học thuyết về Ân sủng trong đạo công giáo và tôi đã xác minh, tìm hiểu ngọn nguồn. Đúng là như vậy. Giáo hội Công giáo, bị cáo buộc cách sai lầm trong việc giảng dạy về ơn cứu rỗi “bằng việc làm”, là Giáo hội rất gần với thần học về ân sủng của thánh Augustinô. Điều đó đã dẫn tôi đến bước thứ hai…”

Duy đức tin [Sola Fide]

“Tôi đã nghi ngờ về “Sola Fide” của Luther, và càng đọc Thánh Kinh, tôi càng xa tránh nó. Cho đến một ngày tôi phát hiện ra rằng Luther có vấn đề với sách Giacôbê trong Tân ước và dẫn đến việc gọi nó như “Thư Rơm”. Tôi đã đọc thư Giacôbê rất kỹ và tôi phát hiện ra lý do khiến Luther có ác cảm với cuốn sách thuộc quy điển này. Và đây là vấn đề:

“Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,24).

Sau đó, tôi phát hiện ra rằng điểm duy nhất trong Thánh Kinh mà từ “chỉ” và “đức tin” lại nằm trong chính câu Kinh Thánh mà Luther phủ nhận. Tôi không thể tiếp tục ủng hộ lý thuyết trên của Luther, trong sự đối lập với Thánh Kinh. Rồi tôi bắt đầu đọc Công đồng Trentô (chống cải cách) và tôi đã hiểu rằng thần học về sự công chính hóa của công giáo là nền thần học gần với Thánh Kinh nhất”.

Duy Thánh Kinh [Sola Scriptura]

“Bước thứ hai là đặt câu hỏi về “Sola Sciptura”, và đối với điều này không có gì phù hợp hơn là tự hỏi: “Sola Scriptura nằm ở đâu trong Thánh Kinh?” Nếu lý luận của Luther cho rằng Thánh Kinh là quy tắc duy nhất của đức tin và thực hành, vậy thì không có gì đúng hơn là tìm nơi cuốn Thánh Kinh câu nói này. Thánh Kinh không nói về nó! Các bản văn được dùng để bảo vệ cho luận điểm này rất là cơ bản.

Ga 5, 39; 2 Pr 1, 20-21; 2 Tm 3, 14-17

Các bạn tự đọc lấy và hãy trả lời cho tôi cách chân thành: ở chỗ nào trong bản văn này nói rằng Thánh Kinh là quy tắc Duy Nhất của đức tin và thực hành? Bởi vì những bản văn này đề cập đến Thánh Kinh Cựu Ước, mà vào thời điểm nó được viết ra thì quy điển của Tân Ước vẫn chưa được hình thành (Tôi không phủ nhận rằng Kinh thánh không thể sai lầm).

Tôi đã tiến hành một nghiên cứu về các công đồng đại kết trong lịch sử Giáo hội, vốn xác định quy điển Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước. Trong đó chúng ta có Công đồng miền lâu đời nhất là Công đồng Cartagine, ngày 28/8/397 và sau đó là Công đồng đại kết ở Firenze ngày 25/7/1431. Cả hai Công đồng đều diễn ra trước “Cải cách Tin lành”, và cả hai đã xác định quy điển Thánh Kinh bao gồm 7 cuốn Cựu ước[1] thuộc thứ quy điển [deuterocanonici] mà ngày nay không có trong Kinh Thánh tin lành nữa, bởi vì nó bị loại ra sau cuộc Cải cách. Tuy nhiên, hậu công đồng cải cách Trentô (1564), những cuốn sách trên được tái xác nhận như quy điển. Vậy nên bác bỏ ý tưởng cho rằng Giáo hội công giáo đã thêm các sách đó vào Thánh Kinh sau cuộc Cải cách. Thêm một lời nói dối khác được phơi bày.

Để kết thúc lý thuyết về ‘Sola Scriptura’, tôi chỉ cần hai bản văn Thánh Kinh khác :

2Tx 2, 15: “Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ”. Vị Tông đồ Phaolô xác định có hai nguồn truyền thống cần được bảo tồn: các thư tín và truyền khẩu, khi tái khẳng định giáo lý công giáo về Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Để hoàn tất, thánh Phaolô tiếp tục trong thư 1Tm 3,15: “Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý”. Thánh Phaolô tái xác nhận thẩm quyền của Giáo hội như trụ cột và điểm tựa của chân lý, có trách nhiệm bảo vệ các truyền thống mà các tông đồ đã nhận được từ chính Đức Kitô.

Phá vỡ những phản kháng chống lại học thuyết

Caio nhấn mạnh:

“Đây là Huấn quyền thiêng liêng của Giáo hội! Bắt đầu từ điều này, tâm hồn của tôi trở nên nặng trĩu, bởi vì các nền tảng đức tin trong đạo Tin lành của tôi đã bị phá hủy. Tôi không còn lựa chọn nào khác cho bằng phá bỏ niềm tự hào của tôi và nghiên cứu các tín điều công giáo, chống lại những điều tôi từng phản kháng. Chính từ đây, khi lấy Thánh Kinh làm nền tảng, tôi đã bị đánh bại bởi chân lý Đức tin Tông truyền.

‘Vấn đề’ về việc tôn kính Đức Maria đã được giải quyết:

Kẻ thù của con rắn : St 3, 15

Người đàn bà lộng lẫy và nữ vương : Kh 12

Sự thánh thiện của Đức Maria : St 3, 15; Lc 1, 28

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa: Lc 1,43

Đức Maria Mẹ của mọi kitô hữu: Kh 12 , đặc biệt là câu 17

Đức Maria trọn đời đồng trinh : Is 7, 14, Êzêkiel 44, 2, Lc 1, 34

‘Vấn đề’ về Luyện ngục cũng đã được giải quyết:

Dt 12, 14; Mt 12, 31; 2 Macb 12, 39-45; 1 Cor 3, 10; Lc 12, 45-48; Lc 12, 58-59; 1 Pr 3, 18-19; Êph 4, 8-10

Và điểm cốt yếu để giải quyết mọi nghi ngờ là sự chắc chắn khi đón nhận Chúa Kitô cách thực sự và trọn vẹn trong Bí tích Thánh Thể: Mình và Máu Chúa đã lôi cuốn tôi cách không thể cưỡng.

Ga 6, 52-58; Mt 26, 26; 1 Cor 10, 16-17; 1 Cor 11, 23-34

Như vậy đó! Tôi không có cách nào để nhấn mạnh hết tất cả mọi thứ bởi vì tôi sẽ kéo dài thêm, nhưng tôi phát hiện ra một điều: tất cả mọi tín điều và giáo lý công giáo đều dựa trên Thánh Kinh. Sau quá trình cầu nguyện và nghiên cứu thật nhiều tôi không thể nào không trung thực hơn với bản thân và với giáo hội mà tôi đã từng lui tới: Tôi phải đưa ra một quyết định.

Không hề dễ dàng tí nào, không được như vậy và sẽ không tiếp tục như vậy, nhưng Thầy của chúng ta đã dạy chúng ta một điều: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24 ).

Caio Batista
—–

[1] [ND: Giuđitha, Tobia, 1 và 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và Thư Giêrêmia]

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: https://it.aleteia.org