“Nhà Bè nước chảy làm đôi, ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Mảnh đất nhà Bè toàn dừa nước rất mộc mạc và bình dị đến khó tả. Ngôi nhà nguyện mang tên “Giáo điểm Tin Mừng” ở giữa rừng dừa hoang sơ. Một vùng trời xanh ngắt với sông nước ấy, Chúa đã chọn để thi thố lòng thương xót của Ngài cho nhân loại.
Những mái nhà lá nhấp nhô trong rặng dừa nước tạo nên một không gian yên tĩnh. Những con đường cây cỏ um tùm, phủ kín một màu xanh hoang dại… không có gì thu hút, không có chi đặc biệt. Thế nhưng, lòng thương xót Chúa đã cuốn hút con người về nơi đây. Mỗi tuần lễ, hàng chục ngàn người từ muôn nẻo đổ về đây. Họ đứng chen chúc dưới cái nắng chói chang hay mưa tầm tã. Họ thiếu thốn tất cả nhưng tâm hồn chất chứa lòng tin nơi Chúa. Họ giang tay thành tâm lần hạt, cầu nguyện và tham dự thánh lễ kính lòng thương xót Chúa trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Nơi giáo điểm Tin Mừng, họ đã phác họa những dấu chỉ lòng thương xót dành cho ai chưa biết tới lòng thương xót của Chúa. Khi mọi phương thế trần gian đều bó tay thì quyền năng Chúa sẽ ra tay thực hiện, Chúa đã tỏ mình ra cho những người Chúa yêu. Biết bao người khô khan tội lỗi được ơn hoán cải quay về nẻo chính đường ngay. Lòng thương xót của Chúa sẵn sàng lặn lội đi tìm cho bằng được con chiên lạc và khi tìm thấy Người vui mừng vác chiên trên vai và đưa về nhà (x. Lc 15, 4-6). Những mảnh đời nghèo khổ, đói khổ, đau khổ, buồn khổ… tất cả đều tín thác vào Chúa, để “đến cùng Chúa, Chúa sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Vì Chúa của lòng xót thương là: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đi công bố cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18).
Chúa đã thi thố sức mạnh tình thương của Ngài nơi người mục tử, để qua vị ấy Chúa tỏ lòng thương xót đến dân của Ngài. Sứ mệnh được Chúa giao phó cho các mục tử trong ngày lễ Phục Sinh: là trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa Cha ( x Ga 20, 21-23). Tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Chúa của lòng xót thương, qua nghi thức đặt tay trên từng người bệnh của vị mục tử, Chúa chữa lành họ. Sứ mệnh ấy còn trao ban cho mỗi chúng ta:“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20). Khởi đi từ giáo điểm Tin Mừng, chúng ta được mời gọi ra đi gieo rắc hạt giống lòng Chúa thương xót qua cuộc sống, sinh hoạt, bổn phận thường ngày. Đó chính là dấu chỉ sự dịu dàng của Chúa trao ban cho toàn thế giới và trên tất cả những ai đang đau khổ, những người đang cô đơn và bị bỏ rơi, không có hy vọng được tha thứ…
Tình yêu nhân hậu, lòng thương xót của Chúa từ ngàn xưa cho đến hôm nay đang sống động một cách cụ thể, rõ nét và mạnh mẽ nơi từng người chúng ta, cả với những người chưa có niềm tin vào Chúa. Tự vấn lương tâm, chúng ta đặt câu hỏi: Tôi đã mở rộng con tim cho tình yêu và sự tha thứ của Chúa chưa? Đã bao lần tôi cùng chung tay góp sức với mọi người để xoa dịu nỗi đau của những con người bất hạnh?
Chúng ta hãy họa lại lòng thương xót nơi anh em mình, hãy là dụng cụ lòng thương xót của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. “Lòng thương xót có thể làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn” (ĐHY Walter Kasper). Thật đẹp biết bao hình ảnh lòng thương xót Chúa dành cho những người con yêu dấu của Ngài. Vẻ đẹp cao quý này tạo thêm hương thơm, khi con cái Chúa biết ý thức sống tinh thần thương xót và nhân hậu trong đời sống thường ngày, trong tương quan với nhau, đặc biệt những anh chị em bất hạnh đau khổ, nghèo hèn, yếu đuối.
Lê Chung, Thanh Tuyển sinh Mtg Thủ Đức