Bông lúa trĩu hạt (Thứ Sáu Tuần 3 Thường niên)

321

Lời Chúa: Mc 4, 26-34

326 Một hôm, Ðức Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” 30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” 33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. 

Suy niệm:  

Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh
chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.
Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người,
chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.
Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ
trong tổng số dân trên thế giới.
Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ.
Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa.
Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không?
Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng,
cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh.
Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi
chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô.
Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không
dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.
Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa,
cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.
Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất
là bắt đầu nảy mầm và lớn lên,
theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi.
Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng
và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.
Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.
Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày,
chẳng cần con người can thiệp.
Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này
khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng,
hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.

Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.
Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu,
vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây,
và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.
Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.
Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu
và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới.
Sau hai mươi thế kỷ,
Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.
Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.

Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.
Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất,
và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây.
Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái.
Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.
Ðây là lúc ta phải sống niềm tin:
tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu,
bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.
Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa,
dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.

Cầu nguyện:  

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

ĐỂ NGƯỜI GIẢI THÍCH

Hôm nay, thánh sử Máccô đã thuật lại cho ta nghe những dụ ngôn của Chúa Giêsu. Thánh nhân khẳng định: “Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết” (Mc 4, 33-34). Ta ngẫm nghĩ về cách mình đã đọc Lời Chúa.

Việc đọc Lời Chúa lắm khi thật khó khăn: ta đọc nhưng không hiểu gì cả, hay đọc và hiểu cách nông cạn, hiểu hoàn toàn bằng nghĩa đen, và không hiểu được lời Người dạy dỗ. Chỉ dùng trí hiểu để đọc Lời Chúa, ta sẽ gặp bế tắc. Việc đọc lời Chúa đòi hỏi ta phải có một con tim biết mở ra trước tác động của Thần Khí Đức Kitô, đồng thời cần phải luôn trung thành với ân sủng Người ban, đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, đọc trong truyền thống Tông đồ và sẵn sàng thực thi những lời Chúa đã dạy.

Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm Nước Trời bằng cách dùng dụ ngôn, nói về những gì thuộc về thiên nhiên để giúp những thính giả có thể hình dung được. Người kể chuyện về những hạt giống được gieo xuống và mọc lên. Lời của Chúa cũng được gieo xuống tâm hồn ta mỗi ngày. Lời ấy đã nảy mầm và mọc lên theo cách Chúa muốn. Ngày còn bé, ta được cha mẹ dẫn đi nhà thờ, dù lúc ấy ta đến nhà thờ, ngồi ở ghế và chỉ ngủ đến hết giờ kinh nhưng có một thứ gì đó đã âm thầm lớn lên trong lòng ta. Ta không hay biết rằng, những tháng ngày ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn ta biết chừng nào. Chỉ đến khi ta lớn khôn, ta nghe theo tiếng gọi hối thúc trong tâm hồn, ta đáp lại tiếng mời gọi của Chúa, lúc ấy ta mới nhận ra tiếng gọi tình yêu của Chúa đã lôi cuốn ta từ tấm bé. Hạt giống ơn gọi đã nảy mầm và mọc lên từ ngày ấy. Hôm nay ngẫm lại đời mình, ta mới nhận ra những hoa trái đức tin đã được trổ sinh theo những tháng ngày trong đời mình. Thiên Chúa vẫn dõi theo ta, đồng hành với ta trong từng biến cố. Người vẫn có đó, vẫn ở đây vì ta.

Cuộc đời của ta cũng giống như một dụ ngôn vậy. Có những lúc, ta phải đối diện với nhiều thử thách, những khó khăn, lúc ấy ta không hiểu được những gì Chúa muốn ta phải làm, không hiểu được tại sao điều ấy lại xảy đến cho ta. Ta không hiểu và ta nghĩ rằng mình chẳng đủ sức để sống yêu thương như Chúa mời gọi. Lúc ấy, ta có chạy đến với Chúa để xin Người giải nghĩa dụ ngôn cuộc đời cho mình không? Chúa vẫn tìm mọi cách, Người dùng những gì rất gần gũi quanh ta để tỏ cho ta biết thánh ý Người. Có khi đó là một người bạn, là cha mẹ, là anh chị em của ta. Đó cũng có thể là một biến cố mất mát trong đời. Ngày Chúa gọi người cha thân yêu về trời, ta đã giận dỗi Chúa. Ta thấy mình hụt hẫng, bơ vơ, mất đi điểm tựa của đời mình. Trong khoảng trống của lòng mình, trong tình trạng bơ vơ của tâm hồn, ta tìm đến Chúa. Ta nhận ra chính Chúa mới là điểm tựa vững chắc của đời mình. Chỉ có Chúa là nơi thuyền đời ta cần thả neo. Ta cần thả neo nơi chính cung lòng của Thiên Chúa bằng tấm lòng cậy trông phó thác. Chúa vẫn nói với ta tùy theo mức độ ta có thể nghe.

Lạy Chúa! Cuộc đời của con cũng là một dụ ngôn, dụ ngôn do chính Chúa đang kể. Con là thính giả và cũng là nhân vật chính của câu chuyện cuộc đời mình. Chúa vẫn thấy con loay hoay tìm đáp án cho cuộc đời mình. Chúa biết con cần Chúa. Mỗi ngày, xin lôi kéo con, giành giựt con ra khỏi những đam mê để con biết đến với Chúa, lắng nghe Người giải nghĩa hết những điều con băn khoăn, thao thức. Để rồi, khi được ở với Chúa, con cũng sẵn sàng mang liềm ra gặt những bông lúa trĩu hạt, vì Chúa nhắn đã đến mùa, đã đến lúc con cần hành động. Amen. 

Bông hồng nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức