VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO Bốn điều cuối cùng

Bốn điều cuối cùng

Tập trung suy tư về 4 điều này sẽ giúp chúng ta định hướng cuộc sống đối với những gì thực sự là vấn đề trên thế gian này.

Hết ngày, hết tuần, hết tháng và năm cũng dần hết, Năm Phụng Vụ cũng đang ở vào giai đoạn kết thúc, Giáo Hội muốn chúng ta tập trung vào những điều được gọi là “Bốn Điều Cuối Cùng”, đó là Sự Chết, Phán Xét, Nước Trời và Hỏa Ngục.

Đây là những điều không dễ thảo luận, vì chúng ta được nhắc nhớ về sự chết của mình. Nhưng chúng ta cần suy tư vì thực tế tương lai của chúng ta có thể giúp chúng ta chọn lựa đúng trong hiện tại. Với sự chết và kiếp sau, cuộc đời của chúng ta có cơ hội thay đổi, buộc chúng ta phải cân nhắc hệ lụy đời đời của các động thái.

  1. SỰ CHẾT

Sự chết là kết thúc cuộc sống trần gian. Cuộc đời của chúng ta được đo bằng thời gian, chúng ta biến đổi trong dòng thời gian đó, cứ lão hóa dần. Đối với các sinh vật trên trái đất, sự chết là cái kết bình thường của cuộc sống. Sự chết gởi sứ điệp khẩn cấp cho cuộc đời của chúng ta: Việc nhớ mình sẽ chết giúp chúng ta nhận biết rằng chúng ta chỉ có một khoảng thời gian giới hạn để đưa cuộc đời của chúng ta tới sự viên mãn.

Qua sự chết, Thiên Chúa mời gọi con người trở về với Ngài. Do đó, các Kitô hữu có thể trải nghiệm ước muốn về sự chết như Thánh Phaolô: “Tôi muốn ra đi và ở với Đức Kitô”. Ngài có thể chuyển sự chết của ngài thành hành vi vâng lời và yêu thương đối với Chúa Cha, noi gương Đức Kitô. Thánh Teresa Lisieux tự sự: “Tôi muốn chịu đóng đinh, có nước hằng sống trong tôi, nước đó thầm thì nói với tôi: Hãy đến với Chúa Cha. Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa, tôi phải chết để gặp Ngài. Tôi không chết, tôi đang đi vào sự sống”.

  1. PHÁN XÉT

Sự chết chấm dứt cuộc đời nhân thế như khoảng thời gian mở ra mà chấp nhận hoặc khước từ ân sủng được thể hiện nơi Đức Kitô. Tân Ước nói về cuộc phán xét là gặp Đức Kitô khi Ngài giáng lâm, nhưng cũng xác định rằng mỗi người sẽ được thưởng ngay sau khi chết theo hành động và niềm tin của mình – đực mô tả trong dụ ngôn phú hộ và Ladarô, lời Chúa Giêsu nói với người trộm lành, và các lời khác trong Tân Ước nói về số phận của linh hồn – số phận này có thể khác đối với những người này và những người kia.

Mỗi người nhận phần tương xứng đời đời ngay lúc chết, trong cuộc phán xét riêng: Vào Nước Trời – ngay lập tức hoặc chịu thanh luyện một thời gian nơi Luyện Hình, hoặc phải phạt đời đời. Tất cả chúng ta đều bị phán xét về lòng yêu thương.

  1. NƯỚC TRỜI

Những người chết trong ơn nghĩa Chúa và được thanh luyện để nên giống Thiên Chúa mãi mãi, vì họ nhãn tiền nhìn thấy Ngài tỏ tường, diện đối diện.

Kết hiệp với Thiên Chúa và những người sống trong Đức Kitô có thể hiểu điều đó. Kinh Thánh nói về điều đó qua các hình ảnh: sự sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới Nước Trời, Nhà Cha, thành thánh Giêrusalem trên trời, Thiên Đàng. Mắt không thấy, tai không nghe, loài người không thể biết điều Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những người yêu mến Ngài.

  1. HỎA NGỤC

Chúng ta không thể kết hiệp với Thiên Chúa nếu không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta cũng không thể yêu mến Ngài nếu chúng ta phạm tội trọng phản nghịch Ngài, phản nghịch với tha nhân và chính mình: Ai không yêu thương thì vẫn ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân, và hãy biết rằng không một kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời. Thiên Chúa muốn chúng ta không tách khỏi Ngài nếu chúng ta không thỏa mãn các nhu cầu của người nghèo và người bé mọn – những người anh em của chúng ta. Chết trong tội trọng mà không ăn năn và không chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa là tình trạng vẫn cách xa Ngài theo ý muốn tự do của chúng ta. Tình trạng tự loại trừ này là không kết hiệp với Thiên Chúa, và phải ở nơi được gọi là Hỏa Ngục.

Thiên Chúa KHÔNG TIỀN ĐỊNH cho ai vào Hỏa Ngục. Tự ý xa cách Thiên Chúa là tội trọng, và cố chấp tới cùng, đó là tại chúng ta. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể và các lời cầu cho các tín hữu, Giáo Hội cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn ai phải chết mà bị phạt, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Exit mobile version