Khát khao được sống hạnh phúc trong tình đời vẫn luôn là khát khao chính đáng mà Tạo Hóa đã ghi khắc nơi tâm trí mỗi người. Tình đời được trao ban và sẻ chia khởi phát từ chính tình người dành trao tặng nhau. Khi ấy, nỗi khát mong tìm kiếm và tìm thấy hạnh phúc là nguyên cớ cho những người nam người nữ tìm đến với nhau. Tuy nhiên, cái giá để trả cho hạnh phúc ấy không hề nhỏ nếu không muốn nói rằng bạn có thể sẽ phải đánh đổi nó bằng chính mạng sống mình. Thực tế, chuyện một người nam hay người nữ kiếm tìm một bạn đời trăm năm cho mình hẳn đã đầy thách đố, nhưng làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc giữa hai người cho bền lâu mới thật khó biết bao trong thời đại ngày nay. Phải chăng, sau khi đã nhọc nhoài tìm kiếm và đoan hứa sống với nhau trọn đời, người ta không còn đủ sức để yêu thương nhau nữa trước những nắng sương mưa gió của cuộc đời hay sao?! Vậy, làm thế nào để ta còn có thể tiếp tục xây đắp và thăng hoa tình yêu ấy?
Thực tế, phương cách sống thế nào cho hạnh phúc của mỗi gia đình cũng phong nhiêu và rất riêng. Tuy vậy, nếu xét kĩ, nền tảng để xây đắp hạnh phúc gia đình vẫn luôn cần bốn chữ T. Bốn chữ T ấy đầy thách đố nhưng thực sự ‘thuốc đắng mới giã tật’!
Chữ T thứ nhất: Thủ thỉ. Đó là những hành vi như nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với nhau. Thực tế, có những người chồng nói hết phần vợ hoặc người vợ chiếm trọn vai chồng trong đối thoại. Hệ quả của việc mất cân bằng này là những ngày ‘ồn ã’ hoặc những tháng ‘im lặng’ giữa hai vợ chồng bởi vì chẳng ai hiểu ai, chẳng ai biết nói hay lắng nghe nhau. Thực tế, chẳng người vợ nào lại không muốn nghe những lời nhẹ nhàng từ người chồng yêu quý thay vì anh to tiếng la mắng; cũng chẳng người chồng nào lại không muốn đón nhận những cử chỉ dịu dàng từ người vợ thân thương thay vì chị im lìm cam chịu. Thủ thỉ luôn là điều kiện cần cho cả hai người thổ lộ tâm tư của riêng mình trong một thái độ hiền hòa với người mình yêu.
Nhưng hiền hòa quá dễ khiến ta trở nên nhu nhược. Khi ấy, ta cần phải can đảm. Can đảm để nói ra những khúc mắc trong lòng, để đối diện với thực tại của gia đình. Đó là lúc ta sống chữ T thứ hai: Thành thật hay là sự chân thành. Để yêu và được yêu, con người ta cần chân thành với chính mình và với người mình yêu. Bởi lẽ, ‘người ta có thể quyến rũ người phụ nữ bằng sự dối trá, nhưng người ta chỉ có thể chinh phục nổi họ bằng tấm lòng chân thật’ (khuyết danh). Nếu như cuộc nói chuyện của hai người luôn diễn ra trong hiền hòa thì sẽ đâu có chuyện cãi vã, nhưng đấy là cuộc sống quá lý tưởng. Thực tế, gia đình nào mà không có những tiếng to – nhỏ thì đó lại là điều khiến ta lo sợ nhất: sống đó mà như đã chết rồi! Khi ấy, gia đình không phải là nơi của sự sống mà lại là nấm mồ của sự chết. Vậy, hãy can đảm để chân thành với nhau; hiền hòa trong việc lắng nghe và chia sẻ con người thực của mình cho nhau. Nhờ vậy mới “thuận vợ thuận chồng”, hai người mới một dạ một lòng với nhau để tận tâm chăm lo cho tổ ấm của mình.
Chữ T thứ ba: Tận Tâm. Sau những chia sẻ chân thành về những giới hạn của chính mình, hai người sẽ hiểu nhau hơn. Đó sẽ là điều kiện thiết yếu để họ có thể ‘tát cạn Biển Đông’. Cuộc sống gia đình luôn tràn ngập những thách đố: chung chia trách vụ giáo dục con cái; dung hòa những cá tính riêng của mỗi người; gánh nặng cơm áo gạo tiền…luôn khiến gia đình chao đảo và nổi chìm. Nhưng chính khi cả hai đã đồng tâm nhất dạ, gánh nặng cuộc đời cũng dần trở nên nhẹ nhàng bởi có sự chung chia, ‘vấn đề ngăn sông cách núi dần tan biến bởi lòng người chẳng còn ngại núi e sông nữa.’ (Nguyễn Bá Học). Chính khi cả hai biết nhẫn nại gắng tâm tận lực cho tổ ấm thì điều gì có thể ngăn cản họ? Phải chăng là đói khổ, nhọc mệt, gió sương cuộc đời…?! Khi người ta đã thương nhau thực sự thì họ chẳng còn biết mệt mỏi. Thật như thân cò khuya đêm sớm sáng lặn lội, kiếm tìm thức ăn cho con mà chẳng khi nào eo xèo điều chi!
Lao tâm khổ tứ nhọc mệt cả đời, tưởng chừng mọi sự sẽ êm xuôi! Nhưng phận người giới hạn, chẳng ai tránh khỏi những lỗi lầm. Cuộc sống gia đình cũng thế. Tuy vậy, Tạo Hóa đã lắng lo và ban cho ta một liều thuốc để chữa trị những vết thương trong gia đình. Đó là sự tha thứ.
Chữ T thứ tư: Tha Thứ. Thực tế, liều thuốc này cũng có nhiều cấp độ: hơi đắng, đắng vừa và rất đắng. Nhưng điều kì diệu sau tất cả những vị đắng đót ấy lại là sự ngọt ngào, cái mà chỉ những ai đã uống mới có thể cảm nghiệm được. Tha Thứ – một liều thuốc không hề dễ uống nhưng là cần thiết để có thể duy trì sức sống của gia đình. Ta liên tưởng tới cảnh một bé thơ khóc lóc thảm thiết, nôn mửa tới tận mật xanh khi uống thuốc nhưng nó cần phải uống nếu muốn được cứu sống. Gia đình cũng như vậy, nó như đứa trẻ cần được chăm sóc từ cả hai phía: cha và mẹ; có khi nó phải uống những viên thuốc nó không muốn, nhưng nó tin tưởng vào ba mẹ như con người tin vào Tạo Hóa đã trao gửi viên thuốc ấy cho mình. Và để có thể tha thứ, ta không thể không cần một tấm lòng quảng đại, biết hi sinh và tin tưởng dành cho người mình thương mến!
Tóm lại, ước mong có thể với 4 chữ T cùng sự trợ giúp của các nhân đức: Thủ Thỉ trong hiền hòa, can đảm để Thành Thật, nhẫn nại để Tận Tâm, quảng đại và tin tưởng để Tha Thứ; đó có thể là một vài điều hữu ích cho người trẻ đang trong bước đầu xây dựng gia đình. Nhờ sống trung tín với bốn chữ T ấy, họ có thể chăm lo cho đứa con mình là Tổ ấm nhỏ bé được hạnh phúc cùng Tổ ấm lớn lao của nhân loại !
Giuse Nguyễn Văn Lương, S.J.