Bố mẹ nên làm gì khi các con chành chọe?

55

Bọn trẻ cãi vã, tranh đồ chơi, thậm chí đánh nhau chí chóe luôn là thử thách đối với bất cứ vị phụ huynh nào. Tất nhiên vẫn luôn có cách để bạn giúp các con giải quyết những xung đột…

siblings-02b43Bạn thường phản ứng thế nào khi mấy đứa nhóc chành chọe? Bạn hét lên hoặc xin chúng “để cho cái nhà được yên”, đuổi mỗi đứa về một phòng hay tìm ra bằng được xem đứa nào gây sự trước? Đúng là rất khó đứng ngoài những cuộc cãi nhau của bọn trẻ vì thường chúng sẽ làm ầm nhà lên, hoặc thể nào cũng có đứa chạy ra mách mẹ.

Điều tra nghiên cứu đã cho thấy, cứ 4 nhà có hơn 1 đứa con thì đến 3 nhà phải chịu cảnh “chúng nó” chành chọe. Cha mẹ nên có thái độ thực tế về những cuộc tranh cãi của trẻ. Cãi nhau chưa biết chừng lại tốt, vì trẻ học hỏi được không ít qua hoạt động này. Xung đột không đáng ngại, chỉ có cách giải quyết xung đột mới là điều đáng phải lưu tâm.

Khi bọn trẻ chành chọe nhau, bạn có thể tiếp cận theo hai cách: Tham gia vào hoặc đứng ngoài. Hãy để ý đến lứa tuổi, sự trưởng thành, khả năng phân loại, thu xếp mọi việc của trẻ, và cả bản chất vấn đề tranh cãi nữa. Một số nhân tố gây cãi cọ như tranh nhau quyền ngồi trên ghế bành thì không đáng để làm lớn chuyện, cha mẹ có thể đứng bên ngoài chuyện này, để trẻ tự giải quyết.

Hãy để kệ cho chúng “chiến đấu” với nhau nếu bạn có thể – tìm phòng khác yên tĩnh hơn hoặc yêu cầu bọn trẻ ra ngoài mà tranh cãi. Cách này hiệu quả khi cuộc chiến của trẻ nhằm mục đích lôi kéo bố mẹ. Xử lý cách này, bạn tự nhấc mình ra khỏi bức tranh của trẻ. Nhớ là bố mẹ càng tham gia giải quyết vấn đề, lần sau trẻ càng có xu hướng khiến bố mẹ phải bận rộn hơn với chuyện của chúng. Cho nên, hãy từ chối tham gia!

Nhưng sẽ có lúc bạn không thể phớt lờ cuộc chiến của bọn trẻ, sự trợ giúp của bạn là cần thiết để giải quyết xung đột. Trong trường hợp ấy, hãy cho trẻ thấy bạn có thể giúp chúng tìm ra giải pháp, nhưng bạn không đứng về “phe” nào (dù trẻ sẽ luôn muốn lôi kéo bố mẹ về phe của chúng). Hãy dạy con giải quyết vấn đề theo cách dễ được chấp nhận hơn thay vì làm đau nhau, la hét hay khóc lóc. Ví dụ:

– Tập trung vào cảm xúc trước. Yêu cầu con bình tĩnh trước khi bạn có thể nói chuyện với chúng. Có thể bảo trẻ ngồi xuống hoặc đi ra ngoài cho bớt nóng giận. Bạn thừa nhận cảm xúc của con.

– Tập trung vào vấn đề gây tranh cãi chứ không phải cuộc tranh cãi. Hãy bỏ qua những lời mách “nó đánh con trước”. Nên đi ngay vào vấn đề. Nếu đây là cuộc chiến tranh giành chương trình TV yêu thích, bạn hãy tập trung vào cách phân chia giờ xem.

– Giúp trẻ nhìn sự việc từ hai phía. Bạn lắng nghe con, rồi giúp chúng nhìn nhận lại sự việc theo cách nhìn của bên kia. Yêu cầu trẻ suy nghĩ về phản ứng của mình, có cách phản ứng nào tốt hơn không nếu chuyện lại xảy ra vào lần tới?

– Khôi phục lại quan hệ của trẻ. Bạn tập trung vào mối quan hệ giữa trẻ hơn là tập trung vào trận chiến. Với trẻ nhỏ, lý do gây cãi cọ có khi được chúng quên từ lâu trước khi có bố mẹ tham gia vào giải quyết. Cho nên một lời xin lỗi, một cái ôm, vuốt má, cho nhau kẹo… cũng là xong.

Thước đo một gia đình không nằm ở việc con cái nhà đấy có hay chí chóe không mà nằm ở việc chúng có cùng nhau giải quyết được mọi việc không. Nhớ rằng bọn trẻ yêu nhau rất nhiều và đánh nhau cũng hăng không kém. Cha mẹ nên hiểu các con mình cần được trao cho cơ hội tự giải quyết vấn đề của riêng chúng, có những lúc cãi nhau là cơ hội dạy trẻ các kỹ năng giải quyết xung đột tuyệt vời.

Huyền Anh
Theo BodyandSoul