BÌNH AN CỦA CHÚA
Ngày kia có một người đậu xe bên lề đường, rồi vào trong một cửa hàng để mua sắm mấy thứ cần thiết, khi quay trở ra thì thấy trên ghế ngồi có một mẩu giấy với hàng chữ: Thưa ông, tôi đã tính ăn cắp chiếc xe hơi này, nhưng tình cờ đọc thấy lời cầu phúc “Bình an cho quý bạn”, được dán trên tấm kính. Lời cầu chúc này khiến tôi dừng lại và suy nghĩ. Tôi tin chắc nếu tôi ăn cắp chiếc xe này, thì hẳn ông sẽ không còn được bình an và chính tôi cũng vậy. Vì đây là lần đầu tiên tôi ra nghề. Tôi cũng cầu chúc bình an cho ông và cho cả tôi nữa.
Câu chuyện ngộ nghĩnh trên đây khiến chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Khi vào bất cứ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này. Nếu ở đó có người yêu chuộng sự bình an, thì sự bình an sẽ ở lại trên người ấy, bằng không sự bình an sẽ trở lại với các con.
Áp dụng lời phán dạy này và câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng: Tấm bảng gắn trên kính xe đã đem lại sự bình an của Đức Kitô cho kẻ đang dự tính ăn cắp xe. Kẻ ăn trộm này là người yêu chuộng sự bình an của Đức Kitô, nên sự bình an đã ở lại trên anh ta. Vậy đâu là sự bình an của Đức Kitô?
Kinh Thánh thường dùng danh từ bình an với bốn ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, trên bình diện quân sự thì bình an ám chỉ một tình trạng không có chiến tranh giữa các dân tộc. Ý nghĩa thứ hai trên bình diện cá nhân, thì bình an ám chỉ tình trạng yên ổn của từng người. Ý nghĩa thứ ba trên bình diện tôn giáo, thì bình an là mối liên hệ tình nghĩa tốt đẹp giữa Thiên Chúa và chúng ta. Cuối cùng, bình an còn được Kinh Thánh dùng để nói lên tình trạng trong đó mọi người trên mặt đất sống hoà thuận với Chúa, với người khác và với chính bản thân.
Đây là sự bình an mà Chúa nói đến khi Ngài tuyên bố: Ta để lại sự bình an cho các con, Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Đây cũng chính là sự bình an mà các thiên thần đã cầu chúc trong đêm Giáng sinh: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Sự bình an này chẳng la gì khác ngoài việc thực thi Nước Chúa trên trần gian. Để thực hiện sự bình an này, Đức Kitô đã xuống thế làm người để hoà giải con người với Thiên Chúa cũng như hoà giải con người với nhau. Bởi vì sự bình an đích thực phải là kết quả của sự hoà giải.
Như thế, để có được sự bình an của Chúa, chúng ta cũng phải sống tinh thần hoà giải. Có được sự bình an trong tâm hồn mà thôi chưa đủ, Đức Kitô còn muốn chúng ta mang sự bình an này đến cho những người chung quanh chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta hãy cầu nguyện như lời kinh của thánh Phanxicô Assie: Lạy Chúa, xin hãy biến con thành khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Bởi vì như lời Chúa đã phán: Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Lm. Đaminh Xuân Trường