“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Chúa nhật II Phục sinh)

251

“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

(Ga 20, 19-29)

Chúa Nhật II Phục Sinh

Chúa đã sống lại! Nhưng Mầu Nhiệm Phục Sinh có ý nghĩa gì đối với những môn đệ của Chúa Giêsu, những người đang kinh hoàng sợ hãi và thất vọng sau biến cố tử nạn của Thầy mình? Với người Kitô hữu trong thời đại này, Phục Sinh có ý nghĩa gì? Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra với các môn đệ khi các ông đang họp nhau trong phòng kín vì sợ người Do Thái. Dư âm của biến cố Tử Nạn là nỗi kinh hoàng vẫn đang chiếm hữu tâm hồn các môn đệ trong căn phòng đóng kín cửa. Chính trong tình trạng ấy, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến.

“Bình an cho anh em!” Bình an, Shalom, là cách chào quen thuộc của người Do Thái khi họ gặp nhau. Các môn đệ đã mất đi sự bình an từ khi theo Thầy lên Giêrusalem (x.Ga 14,27) và đặc biệt trong biến cố Tử Nạn (x.Ga 16,32). Hôm nay Chúa Phục Sinh mang lại cho các ông sự bình an mà tự các ông không thể tìm lại được. Sự bình an không đến từ sự sắp xếp ổn thỏa bên ngoài như một sự “dĩ hòa vi quý” nhưng đến từ tâm điểm của thập giá. Bình an chứa đựng sự tự do và sự sống được phát sinh từ chiến thắng tối hậu trên đau khổ và sự chết (x.Ga 14,27). Niềm vui nhìn thấy Chúa Phục Sinh đã xua tan đi nỗi kinh hoàng hãi sợ nơi các môn đệ và đem đến sự bình an đích thực của Chúa Phục Sinh.

Cùng với lời chúc bình an, Chúa Giêsu lập tức trao cho các môn đệ sứ vụ: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.  Tin Mừng Gioan làm nổi bật sứ vụ của Chúa Giêsu: Sai và được sai. Trong suốt Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hơn 40 lần nhắc tới việc Ngài được Chúa Cha sai đến. Ngài là Đấng được sai vì thế “lương thực của Thầy là làm theo ý  Đấng đã sai thầy” (4,34). Ngài đã không làm điều gì tự ý mình nhưng là làm những việc Cha làm (Ga 5,19; 3,14). Sứ vụ của Chúa Giêsu đã được hoàn tất trên thánh giá: “thế là đã hoàn tất!” (19,30). Hoàn tất sứ mạng Cha trao phó, Chúa Giêsu trở nên như Chúa Cha, Đấng sai đi. Cùng với việc trao ban Thần Khí của Cha cho các môn đệ, sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu giờ đây được chuyển giao và tiếp nối nơi các môn đệ của Ngài. Các Ngài trở thành những người được sai đi đem lại ơn tha thứ và hòa giải cho thế giới (x. 20,23).

Môn đệ chính là người được sai đi. Khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, người dự tòng được trở nên Kitô hữu, người có Chúa Kitô, hay người theo Chúa Kitô, nói khác đi đó là người môn đệ của Chúa Giêsu. Người được tuyển chọn để tiếp nối sứ vụ cứu độ của Thầy bằng cách đem Tin Mừng bình an và ơn tha thứ và hòa giải đến cho nhân loại. Trở thành Linh mục, là trở nên “Đức Kitô” cho nhân loại. Đời sống của họ phải liên tục họa lại gương mặt của Đức Kitô Mục tử, Đấng đã đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (10,10). Đấng đã hiến mình vì đoàn chiên (10,11). Trở nên tu sĩ là chọn lựa theo sát Chúa Kitô bằng Ba Lời Khấn Dòng; để nơi bản thân họ họa lại gương mặt của Đức Kitô Nghèo Khó, Vâng Phục và Khiết Tịnh; Đấng hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa Cha để trở nên khí cụ cứu độ của Ngài. Thật vậy, Phục Sinh không đơn thuần là một biến cố để ăn mừng hay một niềm vui chóng tàn nhưng là một Mầu Nhiệm đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải luôn sống và lựa chọn theo Chúa mỗi ngày. Đức tin vào Chúa Phục sinh biến chúng ta nên những người được sai đi để trọn đời sống của chúng ta, chúng ta không sống cho chính mình nhưng cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Ước gì chúng ta có được tâm tình của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Sr. Anna Nguyên Hiệp

HD MTG Thủ Đức