Biểu Tượng, Bí Tích và Mầu Nhiệm Phục Sinh
Qua PV, Ðức Kitô, Ðấng Cứu Độ và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu độ trong, với và qua Hội Thánh. Hôm nay chúng ta sẽ đào sâu về việc cử hành PV và các BT của Hội Thánh.
I. Dấu Chỉ và Biểu Tượng
Con người chúng ta dùng các dấu chỉ và biểu tượng (ngôn ngữ, chử chỉ và hành động) mà liên lạc với nhau. Sự truyền thông của chúng ta với Thiên Chúa cũng dùng những dấu chỉ và biểu tượng.
Những dấu chỉ giao ước là cắt bì, xức dầu thánh hiến các vua và tư tế, đặt tay, các lễ vật, và lễ Vượt Qua trong Cựu Ước. Hội Thánh nhận ra nơi những dấu chỉ đó hình ảnh tiên trưng cho các BT của Tân Ước.
Những dấu chỉ được Ðức Kitô sử dụng đem lại ý nghĩa mới cho những biến cố và dấu chỉ Cựu Ước, nhất là biến cố Xuất Hành và Vượt Qua, vì chính Người là ý nghĩa của mọi biểu tượng này
Những dấu chỉ Bí Tích. Từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, chính qua những dấu chỉ BT của Hội Thánh mà Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ vụ thánh hóa.
PV cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Mỗi cuộc cử hành BT là một cuộc gặp gỡ giữa con cái Thiên Chúa với Cha mình, trong Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần. Đây là cuộc đối thoại bằng hành động và lời nói. Những hành động trong PV biểu thị những gì Lời Chúa muốn diễn đạt: vừa là sáng kiến ân sủng của Thiên Chúa, vừa là lời đáp trả trong đức tin của Dân Chúa. PV Lời Chúa là phần cốt yếu trong các cử hành BT. Chúa Thánh Thần không những chỉ khơi dậy đức tin để các tín hữu hiểu Lời Chúa; nhưng qua các BT, Ngài còn thực hiện “những kỳ công” của Thiên Chúa được Lời Chúa loan báo.
Toàn thể đời sống PV của Hội Thánh xoay quanh Hy Lễ Thánh Thể và các BT. Có hai cụm từ rất quan trọng mà chúng ta cần hiều trong PV:
1. Anamnesis – Tưởng niệm – Lời cầu nguyện tưởng niệm trong PV gợi lại những hành động và biến cố cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt là biến cố Vượt Qua. Lời nguyện này làm cho những biến cố đó hiện diện giữa chúng ta ở đây và lúc này.
2. Epiclesis – Xin Thánh Thần Xuống – Trong lời nguyện này Hội Thánh xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên các lễ vật để biến chúng thành Mình và Máu Đức Kitô.
Truyền thống Công Giáo tin rằng Chúa Thánh Thần luôn ngự xuống và biến đổi bất cứ vật gì hay người nào mà trên chúng/họ Hội Thánh xin Ngài ngự xuống.
II. Các Bí Tích
BT là dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu do Chúa Giêsu thiết lập và trao phó cho Hội Thánh để thông chuyển ơn thiêng liêng cho chúng ta.
Các Bí Tích của Đức Kitô và của Hội Thánh
Tất cả các BT đều được Đức Kitô thiết lập vì những lời nói và việc làm trong cả cuộc đời của Người đều có giá trị cứu độ, mà ngày nay Người thực hiện qua các BT nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấng hoạt động trong Nhiệm Thể Người là Hội Thánh.
Các Tông Đồ tiếp tục truyền thống này và đặt nền tảng cho các thừa tác vụ có chức thánh của các giám mục, linh mục và phó tế là nhửng vị thay thế Đức Kitô mà cử hành các BT hôm nay.
Nhờ Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã nhận ra trong số các cử hành PV có bảy BT do Đức Kitô thiết lập. Chính Đức Kitô hoạt động trong các BT, nhờ Chúa Thánh Thần, trong Hội Thánh. Thừa tác vụ linh mục là dây nối kết hoạt động PV với lời nói và việc làm của Đức Kitô.
Ba BT Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức còn in vào linh hồn một “ấn tích”, nhờ đó người tín hữu được tham dự vào chức tư tế của Ðức Kitô và trở thành phần tử của Hội Thánh với cấp bậc và phận vụ khác nhau. Ấn tích này không thể xóa được, luôn tồn tại trong họ như bảo chứng tích cực của ân sủng.
Các Bí Tích của Đức Tin – Các Bí Tích Cứu Độ
Ðức Kitô đã sai các Tông Đồ đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để nhận các BT. Mục đích của các BT là thánh hóa con người, xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô, cùng thờ phượng Thiên Chúa, nhưng cũng là những dấu chỉ, giữ vai trò giáo huấn và củng cố đức tin. Khi cử hành các BT, Hội Thánh tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận từ các Tông Đồ; Trong các BT:
1) Lex Orandi, Lex Credendi (Luật cầu nguyện là luật đức tin), Hội Thánh tin như Hội Thánh cầu nguyện. Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, đức tin của Hội Thánh được đem ra thực hành. BT là cách Hội Thánh sống đức tin. PV là một yếu tố cấu thành Truyền Thống thánh thiện và sống động của Hội Thánh. Các thừa tác viên hay cộng đoàn không được tùy tiện sửa đổi hay thêm bớt bất cứ một nghi thức BT nào.
2) Ex Opere Operato – Vì Đức Kitô hành động qua các BT, nên các BT ban ân sủng mà BT biểu hiện, và ân sủng cần thiết phần rỗi. Hội Thánh khẳng định rằng các BT có hiệu quả “ex opere operato” (do chính sự việc được thực hiện). Khi được cử hành theo ý Hội Thánh, quyền năng của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần hoạt động trong và qua BT ấy không phụ thuộc vào sự thánh thiện của bản thân thừa tác viên. Tuy nhiên, hiệu quả của các BT còn tuỳ thuộc vào thái độ nội tâm của người lãnh nhận.
3) Việc Dạy (Học) Giáo Lý- Từ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vang vọng”. Đây là một tiến trình và việc chuẩn bị cho các BT mà trong đó một người được đào luyện để sẵn sàng “vang vọng” Lời Chúa trong chính đời mình.
Các Bí Tích của Sự Sống Muôn Đời
Ngay từ thời các Tông Đồ, PV chia sẻ ước muốn của Đức Kitô: “Thầy khao khát ăn lễ Vượt Qua này với các con…cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.” Trong các BT của Đức Kitô, Hội Thánh nhận được bảo chứng gia nghiệp của Người, đã dự phần vào đời sống vĩnh cửu, đang khi “chờ đợi ngày hồng phúc, ngày Chúa Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Ðấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.
III. Vai trò của Chúa Ba Ngôi trong Phụng Vụ và Bí Tích
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong mỗi cuộc cử hành PV và BT.
- Chúa Cha là nguồn mạch của mọi phúc lành và kêu gọi một sự đáp trả bằng cảm tạ và chúc tụng cùng việc bác ái. Trong PV, ta đáp lời trong đức tin và đức ái vì những phúc lành thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách vô điều kiện.
- Chúa Con – Mầu Nhiệm Phục Sinh được làm cho hiện diện trong việc cử hành các BT, và chúng ta tham gia vào sứ vụ của Người như tư tế, ngôn sứ và vua. Mỗi buổi PV là lại sống Mầu Nhiệm PS của Đức Kitô, làm cho Đức Kitô hiện diện và sống trong mỗi thời đại tín hữu.
- Chúa Thánh Thần có ba nhiệm vụ:
- Chuẩn bị cho Hội Thánh gặp Chúa Giêsu. Qua việc nhắc lại những biến cố cứu độ trong Cựu Ước, CTT giúp ta giọn mình kỹ càng để tham dự các BT.
- Nhắc lại và làm cho Đức Kitô hiện diện cộng đồng tín hữu bây giờ và ở đây
- Hợp nhất Hội Thánh để thi hành sứ vụ của Đức Kitô.
Khi tham dự Phụng Vụ dưới thế, chúng ta được cùng thần thánh trên Thiên Đàng tham dự vào chính Mầu Nhiệm của Thiên Chúa được Ngài thông ban cho chúng ta qua Mầu Nhiệm Vượt Qua, là Mầu Nhiệm được Chúa Thánh Thần làm cho hiện diện trước chúng ta trên Bàn Thờ. Nhờ sức mạnh của ân sủng, chúng ta được Thiên Chúa trao cho sứ vụ làm cho Đức Kitô hiện diện trên thế gian qua đời sống hằng ngày của mình như những “Alter Christus”.
giaoly.org