Biểu tượng

74

 

Bieu-Tuong 1BIỂU TƯỢNG MÙA XUÂN
Mùa Xuân có vài biểu tượng là Mai vàng và chim én. Có một thứ mà ngày nay không còn phổ biến, nhưng ngày xưa cũng được coi là một biểu tượng của Tết: Cây nêu.
Cây nêu là một nét văn hóa dân tộc, và là một trong các tục lệ cổ truyền của nhiều dân tộc tại Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán. Dân gian có câu:
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng NÊU ăn chè.

Cây nêu là một thân cây dài khoảng 5-6 mét, được “trồng” (cắm, dựng) trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên Đán, trên ngọn cây được treo một vòng tròn nhỏ và nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng – tùy theo địa phương, phong tục và dân tộc.
Theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc dựng cây nêu ngày Tết đã lan rộng hơn. Tuy nhiên, có lẽ vì người ta văn minh hơn, nên ngày nay cây nêu dần dần xa lạ với chúng ta. Từ tuổi trung niên trở lên có thể “quen” với cây nêu. Nhưng giới trẻ ngày nay hoàn toàn xa lạ vì không còn được nghe nói đến cây nêu, thậm chí chẳng hiểu cây nêu là gì, mà nếu có ai nhắc tới cây nêu thì bị cho là “nói nhịu” hoặc viết sai chính tả. Cây nêu chỉ còn thấy lác đác ở một số vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc bộ hoặc Tây nguyên.
Theo “Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, sự tích cây nêu được tóm tắt như sau:
Ngày xưa, quỷ chiếm toàn bộ đất nước, còn người chỉ làm thuê, và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột người quá tay, và cuối cùng quỷ tự cho mình hưởng quyền “ăn ngọn, cho gốc”. Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức “ăn ngọn, cho gốc”.
Sang mùa khác, quỷ lại chuyển qua phương thức “ăn gốc, cho ngọn”. Phật bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật trao cho người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng quỷ nhất định bắt người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.
Phật bàn với người điều đình với quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
Do mất đất sống nên quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên quỷ bị thua sau khi bị bên người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột,… và quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.
Do đó, hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là những ngày quỷ vào thăm đất liền, người ta theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để ngăn cấm quỷ.
Truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam đã lý giải tại sao ngày Tết phải cắm nêu, phải treo cành trúc trước nhà. Cách lý giải đó không đi ngoài thuyết Phật giáo và Lão giáo. Cây nêu trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa Thiên thần và Quỷ dữ, nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người. Ngày tiễn Thần linh về trời, con người cần có những “bảo bối” của Thần linh để đề phòng, cảnh giác mà chống lại sự xâm nhập của ác quỷ lúc con người vui Xuân, ăn tết.
Thường là 23 tháng Chạp, người ta dựng cây nêu – gọi là thượng nêu. Người ta dựng nêu với quan niệm rằng từ ngày này cho tới đêm giao thừa (đêm trừ tịch), vắng mặt ông Táo (ông Công), ma quỷ sẽ nhân cơ hội này mà lẻn về quấy nhiễu dân chúng, thế nên người ta phải dựng nêu làm “bùa hộ mệnh” để an tâm ăn Tết. Ngày 7 hoặc 8 tháng Giêng âm lịch là ngày làm lễ dỡ cây nêu xuống – gọi là hạ nêu.
Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch. Cây nêu của người H’mông vùng Tây Bắc được dựng trong lễ hội Gầu Tào (cầu Phúc hoặc cầu Mệnh), tổ chức từ ngày 3 đến 5 tháng Giêng âm lịch.
Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các “đồ lễ” được treo, cây nêu được coi là “cây vũ trụ” nối liền Đất với Trời, do tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của các dân tộc cổ xưa – hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày Tết bao gồm dụng ý thờ kính Thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ tà ma và trừ những điều xấu của năm cũ.
Cây nêu của người Kinh mang triết lý âm dương thông qua những con số Lạc thư (1) và các quẻ Kinh dịch (2) được thể hiện qua các biểu tượng treo trên ngọn cây (tùy từng địa phương) – có thể là cái túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, và những miếng kim loại. Khi có gió thổi, chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, nghe vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng với những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng “nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu”.
Buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch, người ta còn đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ.
BIỂU TƯỢNG CỨU ĐỘ
Với các Kitô hữu, nhất là người Công giáo, cây nêu chỉ là thứ xa lạ, có biết cũng chỉ qua sách báo – vì chúng ta không dị đoan. Tuy nhiên, Kitô giáo có một loại “cây nêu” đặc biệt: Thánh Giá. Loại “cây nêu” này không riêng gì ngày Tết mà là suốt tháng, quanh năm, lúc nào cũng được dựng “nêu cao” để triệt tiêu ma quỷ. Người ta cũng đeo Thánh Giá trước ngực, và hằng ngày ai cũng làm Dấu Thánh Giá nhiều lần – nhất là khi vừa thức dậy buổi sáng và chuẩn bị đi ngủ ban đêm, thậm chí là khi uống và ăn.
Sách Dân Số (21:4-9) kể: Từ núi Ho, dân Ít-ra-en lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Êđôm; trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết. Dân đến nói với ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi”. Ông Môsê khẩn cầu cho dân. Đức Chúa liền nói với ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”. Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột,hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống”.
Sách Khôn Ngoan cũng nói rõ: “Ngay cả khi dân Chúa bị thú dữ hung hăng xông vào, và rắn trườn ra cắn chết, thì cơn thịnh nộ của Ngài cũng không kéo dài vô tận. Họ phải chịu hành hạ ít lâu như là chịu một lời cảnh cáo; rồi họ được một dấu hiệu cứu thoát nhắc họ nhớ đến luật Ngài truyền. Vì bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu,không phải do vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16:5-7).
Đặc biệt là Đức Giêsu đã minh định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Và Ngài hứa chắc chắn: “Khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Chính Thánh Giá là “Cây Nêu Thánh” có sức mạnh ngăn chặn ma quỷ, tẩy trừ điều xấu, và che chở những người thành tâm tín thác vào Đức Kitô.
Lạy Ngôi Hai cứu độ, xin thương xót chúng con là những tội nhân, và xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.
.
TRẦM THIÊN THU
Rộn ràng Xuân Giáp Ngọ 2014
_______________________________
(1) Bát QuáiLạc Thư, và Hà Đồ là ba họa đồ được truyền lại từ thời xa xưa, có nguồn gốc từ các bộ tộc phía nam sông Dương Tử cổ đại. Mỗi họa đồ được truyền tụng, phát triển, và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Bát quái gồm Bát Quái Tiên Thiên và Bát Quái Hậu Thiên. Hà Đồ và Lạc Thư thường được nhắc chung mặc dù lạc thư được sử dụng nhiều hơn do tính cách dễ hiểu. Theo truyền thuyết Trung quốc, trên sông Hoàng Hà đã từng xuất hiện con long mã trên mình có đồ (đường ngoằn nghoèo) gọi là Hà đồ và trên sông Lạc Thủy xuất hiện thần quy (linh quy, rùa thiêng), trên lưng có thư gọi là Lạc thư. Do đó mà người ta đặt ra Bát quái và cửu chương
(2) Kinh Dịch (giản thể; phồn thể: 易經, bình ấm: Yì Jīng; IPA Quảng Đông: jɪk gɪŋ; Việt bính Quảng Đông: jik ging; các kiểu Latin khác: I Jing, Yi Ching, Yi King) là bộ sách kinh điển rất lâu đời của người Trung Hoa. Kinh ( jīng) nghĩa là một tác phẩm kinh điển, tiếng Hoa có gốc từ “quy tắc” hay “bền vững”, hàm ý tác phẩm này miêu tả những quy luật của Tạo Hóa bất biến theo thời gian.
Dịch ( ) có nghĩa là “thay đổi” hay “chuyển động”. Đó là một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và chuyển dịch. Ban đầu, Kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các nhà triết học Trung Hoa. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á đông và được coi là một tinh hoa của cổ học Trung Hoa, nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh,… Kinh Dịch được cho là có nguồn gốc từ huyền thoại Phục Hy (伏羲 Fú Xī).