Biết và Sống (Thứ Năm Tuần 9 Thường niên)

313

LỜI CHÚA: Mc 12, 28b-34

“Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

CHUAKhi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: ‘Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi’. Còn đây là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Người: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa. Đó là lời Chúa.

.

SUY NIỆM

Biết nhớ, biết quên, biết vui, biết buồn, biết thắc mắc…., phải chăng đó là những trạng thái tự nhiên trong quá trình phát triển và trưởng thành nhân cách của mỗi người ? Dù công khai hay thầm kín, mọi người vẫn có chung ước mơ là được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Tuy nhiên đâu phải ai ai cũng biết áp dụng câu tục ngữ dưới đây làm quy luật sống cho mình : muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.

Người luật sĩ trong Tin mừng hôm nay, ông thật diễm phúc là đã hỏi đúng nơi và đã học đúng chỗ về thực tại tâm linh, chỉ Đức Giêsu mới giúp ông thỏa lòng ước mơ về cái biết đầy đủ nhất : “yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính mình ngươi”. Cũng như người luật sĩ, Chúa Giêsu đang cần mỗi chúng ta phải biết sống niềm tin yêu ấy, để rồi Chúa cũng nói “bạn không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu”.

Trong xã hội nhiều người vẫn đang chủ trương không cần giỏi, nhưng cần phải hiểu biết, để không ai được phép “đè đầu đè cổ” ta. Không cần ta phải giầu sang phú quí, nhưng cần mọi người biết tôn trọng giá trị nhân phẩm của nhau. Không nhất thiết ta phải tài giỏi, nhiều bằng cấp, nhưng cần mọi người đều được đối xử công bằng, có lý có tình. Thiết thực hơn, đâu phải cứ hành động để người ta tâm phục khẩu phục là thành công, nhưng điều cần hơn là ta và mọi người luôn biết sống yêu thương, đó phải là lý tưởng của cuộc đời này.

Cái biết của giầu sang là mơ được giầu mạnh hơn, cái biết của nghèo đói là chỉ cần no đủ, cái biết của đau bệnh là cần gặp thầy gặp thuốc, cái biết nào cũng hướng tới sự sống. Cái biết của người trong nhóm luật sĩ là muốn Đức Giêsu chỉ cho “trong các giới răn, đâu là điều quan trọng nhất” ? Cái biết của Đức Giêsu năm xưa là chia sẻ, là giúp cho cả chúng ta hôm nay hiểu đâu là hạnh phúc, là sự sống đời đời, đó cũng là mục đích Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Sống ở đời có người “tự ti mặc cảm” vì sự giới hạn khả năng của mình, ai hỏi cái gì cũng không biết, nói đến việc lớn việc nhỏ gì đều trả lời là tôi không có chuyên môn ! Cũng không ít người lại cho rằng biết nhiều khổ nhiều ! Với chúng ta, chẳng ai hỏi bạn có biết, có tin Đức Giêsu không ? Bạn đang ở tình trạng vui hay buồn, đâu là việc làm ưu tiên, đúng hơn chúng ta nên tự hỏi tôi có biết Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ, Đấng hằng yêu thương tôi không ?

Ngày hôm nay mỗi khi cầu nguyện, gặp gỡ Chúa, người Kitô hữu sẽ không hỏi đâu là điều răn đứng đầu, đâu là giới răn trọng nhất, bằng niềm tin và lòng khiêm tốn, chúng ta nên “xin Chúa cho con biết Chúa, xin Chúa cho con biết con”. Biết Chúa yêu Chúa không phải là cái biết lý thuyết, biết con không phải là biết mình đạo đức, nhưng là biết mình lúc nào cũng cần có Chúa, để có thể sống mến yêu và sống hạnh phúc đời đời. Amen.

Lm. Jos.DĐH, GP. Xuân Lộc