Biết tha thứ cho bản thân mình và người khác

122

Biết Tha Thứ Cho Bản Thân Mình và Người Khác

Vốn dĩ, là phàm nhân ai mà chẳng có lỗi lầm. Khi phạm lỗi, ta luôn mong mỏi nhận được sự tha thứ. Vậy khi người khác gây cho ta vết thương thể xác và cả vết thương lòng, liệu ta có dễ dàng tha thứ?

Điều chúng ta cần để sống hạnh phúc hơn, cũng là bước đầu tiên để yêu thương lấy bản thân, chính là học cách tha thứ cho chính mình.

Đã sinh ra làm người thì ai cũng phạm lỗi lầm dù ít hay nhiều, nếu biết quên đi những lỗi lầm của chính mình và của người khác thì sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Nên nhìn vào những mặt tích cực của người khác để tha thứ, người chỉ thấy toàn khuyết điểm xấu của người khác sẽ không bao giờ biết tha thứ là gì.

Tha thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi ai đó làm cho ta tổn thương, ta cần phải rất bao dung và trưởng thành, sẵn sàng gạt cái tôi của mình sang một bên để chấp nhận một lời xin lỗi chân thành. Thế nhưng, nếu người chúng ta cần tha thứ lại là chính mình thì sao?

Trong quá khứ có thể bạn đã từng làm một việc sai trái và chúng ta luôn cảm thấy day dứt lương tâm. Có thể bạn đã cầu xin sự tha thứ từ người khác nhưng chính chúng ta lại không thể buông tha cho mình.

Điều chúng ta cần để sống hạnh phúc hơn, cũng là bước đầu tiên để yêu thương lấy bản thân, chính là học cách tha thứ cho chính mình.

Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng học cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó, từ bỏ, bước tiếp và tha thứ cho bản thân là điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của bạn.

Tha thứ có nghĩa là chúng ta chấp nhận bản thân, chấp nhận những gì đã xảy ra và bạn sẵn sàng bỏ qua nó và tiếp tục cuộc sống của mình mà không cần nghĩ lại về những gì đã qua.

Tha thứ cụ thể là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó là lựa chọn theo đuổi những điều kì diệu của tình yêu. Biết tha thứ sẽ thay đổi chúng ta từ một cái “tôi” tách biệt sang một cái “tôi” biết thay đổi, biết buông bỏ và sống trong tình yêu thương thực sự.

Nhưng tha thứ không hề dễ dàng. Thật khó để có thể thật lòng tha thứ và yêu thương những kẻ đã từng hãm hại hay đã từng làm ta tổn thương sâu sắc. Khi oán giận đi kèm với nỗi đau và sự thất vọng, thì việc giải phóng nó để tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn dường như là một điều không thể.

Tha thứ cho bản thân cũng tương tự như vậy. Nó là một cuộc chiến mà mỗi tâm hồn trong cuộc chiến ấy phải tự đấu tranh trong nhiều ngày, nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm để quên đi một sai lầm nào đó trong quá khứ.

Đương nhiên, việc cảm thấy tiếc nuối khi mắc sai lầm là điều hoàn toàn hợp lý. Sự bực bội, cảm giác tội lỗi và xấu hổ chính là thứ làm nên sự chính trực và lòng tự trọng trong mỗi con người. Tuy nhiên việc dằn vặt bản thân ngày này qua ngày khác chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Học cách tha thứ cho bản thân không đồng nghĩa với việc bạn yếu đuối hay dung túng cho sai lầm. Tha thứ nghĩa là bạn đã dũng cảm chấp nhận, đối mặt, và có kế hoạch sửa chữa sai lầm trong quá khứ để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai. Hãy luyện tập tha thứ cho bản thân và bạn sẽ thấy mình đang phát triển và tiến bộ hơn mỗi ngày.

Tha thứ chính là phương thức chữa lành tốt nhất. Bản thân chúng ta sẽ được “giải thoát” khỏi những âu lo, buồn bã. Bớt nặng lòng thì chúng ta mới trở nên vui vẻ và thần thái trở lại. Chúng ta có thể bộc lộ cảm xúc của mình khi tức giận nhưng hãy học cách tha thứ, học cách mở lòng mình trước.

Để làm được điều đó, mội chúng ta hãy tập dần cách điều khiển cảm xúc và hành động của mình, quan trọng hết là cầu nguyện nhiều hơn, suy niệm nhiều hơn như Chúa Giêsu đã kêu gọi anh em tha thứ 70 lần 7. Chỉ khi tha thứ cho người khác là tha thứ cho chính bản thân! Mình làm đau nhau nhiều rồi, mình mạt sát nhau bằng lời nói đủ rồi, mình tha thứ cho nhau được không?

Lm. Anmai, CSsR