Biết sao cho vừa lòng

61

Có một sự thật là trong mọi hành xử, ta thường có xu hướng muốn làm vui lòng người khác, đặc biệt là những người ta quan tâm. Lòng với lòng hòa hợp với nhau, ta mới thấy an vui và hạnh phúc. Mọi người đồng lòng với nhau, thì sẽ chẳng có hiềm khích, ganh tị, hãm hại nhau. Bởi thế, sống làm sao để vừa lòng nhau là một nỗ lực mà ta không ngừng cố gắng. Đó thực sự là một lý tưởng, nhưng cũng là một điều khó thực thi vô cùng! Bởi lẽ, thế giới này có biết bao con người. Số lượng con người mà ta gặp gỡ trong một ngày thôi đã không thể đếm hết được. Mỗi con người lại là một huyền nhiệm khôn tả. Họ có lối nghĩ, quan điểm, cách hành xử khác nhau. Bản thân ta cũng chẳng giống họ. Làm sao để có thể làm vừa lòng nhau trong tất cả mọi sự, mọi tình huống, mọi hoàn cảnh được? Hay đặt một câu hỏi thiết thực hơn: liệu đó có là điều khả thi?

Lòng người, miệng lưỡi con người, chẳng ai có thể kiểm soát nỗi! Khi ta làm điều xấu, chắc chắn là ta sẽ không được lòng nhiều người rồi. Nhưng cả khi ta sống tốt, ta cũng chưa chắc được “yên thân” trước xét đoán của người khác. Ta sống ngay thẳng thì họ bảo ta giả hình. Ta làm việc lành thì họ bảo là phô trương. Ta trung thực thì bị cho là ngu dại. Ta cứng rắn thì bị nói là bảo thủ. Ta mềm mỏng cũng bị đánh giá là thiếu lập trường. Ta mạnh mẽ thì bị cho là khô khan. Ta lãng mạn lại bị chê là ướt át… Những đánh giá của họ có thể đúng, có thể sai. Trong một số trường hợp, những nhận xét ấy có thể được kiểm chứng, nhưng phần lớn chỉ là quan điểm cá nhân. Trước hàng loạt những ý kiến đa chiều và phức tạp của người dưng, làm sao để có thể sống mà làm hài lòng được hết tất cả mọi người.

Lần dở lại các trang sử từ cổ chí kim đến nay, ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy một nhân vật nào, dù vĩ đại đến mấy, có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Ngay cả những nhà sáng lập tôn giáo, hay các hiền triết khôn ngoan, các bậc tôn sư… dù đời sống của họ được cho là sáng như gương và không hề có tí tì vết nào, cũng bị người này người nọ chê trách. Chỉ nghĩ đến điều này thôi cũng đủ cho chúng ta thấy được sự phong phú trong cái nhìn và lối nghĩ của con người. Quả vậy, các vị thánh nhân ấy bị chê trách hay thậm chí là bị ghét bỏ, không phải là do họ, nhưng là do những ganh tị và hiềm khích của người đời. Bóng tối có bao giờ ưa ánh sáng? Sự xấu sao có thể hài hòa với sự lành? Họ càng sống tốt, càng đạo đức, càng làm nhiều việc có ích, họ càng bị những người đối nghịch xem là cái gai cần nhổ bỏ. Có rất nhiều người trong số các anh hùng này đã phải trả giá cho sự công chính của mình bằng cái chết vô cùng thương đau.

Nhưng những mẫu gương ấy nói cho chúng ta biết rằng điều quan trọng nhất để có được sự bình an trong tâm hồn không phải đến từ những cái bên ngoài, nhưng xuất phát từ chính nội tâm. Ta cần những đánh giá của người khác để giúp phản tỉnh và soi lại chính mình, nhưng ta cũng phải biết sàng lọc và làm chủ những lời ấy, chứ không hùa theo mọi điều người ta nói. Ta sẽ cảm thấy bình an, khi lương tâm ta không hề cảm thấy hỗ thẹn về bất cứ điều gì mình làm. Lương tâm nhắc bảo ta phải làm lành lánh dữ. Bất cứ khi nào ta làm ngược lại, ta sẽ cảm thấy có chút áy náy trong lòng. Cứ sự thường, khi ta làm điều lành, những người khác sẽ đồng tình với ta, và hành vi ấy của ta sẽ làm “vừa lòng” họ. Giả như có người bất mãn điều gì đó với ta, họ nói điều chống lại ta, nhưng lương tâm và lý trí ta không cảm thấy cắn rứt gì, thì ta chẳng cần bận tâm đến những chống đối ấy. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một lương tâm đã được huấn luyện, thuận theo những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp được người đời chứng thực.

Thường thì người khác sẽ hài lòng khi ta làm theo ý họ, nhưng đâu phải lúc nào ta cũng có thể chiều lòng hết tất cả mọi người. Có đôi khi ta làm người này vui thì lại khiến cho người khác buồn. Hay cũng có lúc ta làm mích lòng người này lại giúp cho người nọ vui. Đã đành là trong cách hành xử, ta phải khéo léo, tế nhị và khôn ngoan. Nhưng ngay cả khi ta rất giỏi trong việc lấy lòng người khác đi chăng nữa, ta cũng có thể bị đánh giá là ba phải hay lươn lẹo. Chính vì vậy, dù rằng có được tương quan tốt với người khác sẽ giúp ta hạnh phúc, nhưng không phải là ta bất chấp mọi thứ để làm người khác hài lòng. Cứ mãi chạy theo những đòi hỏi của người khác sẽ vô tình khiến chúng ta trở thành kẻ quỵ lụy và lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, nặng nề. Đó là chưa nói đến việc trong một số trường hợp, ta phải luồn cúi, chạy chọt, nịnh nọt để được ưu đãi.

Đúng ra mà nói, đích điểm trong mọi hành vi của chúng ta không phải là cố lấy lòng người khác nhưng khuôn theo chân lý và thể hiện giới luật yêu thương. Ta sẽ an vui khi lương tâm ta thấy thanh thản, chứ không phải khi được người khác tán dương. Dĩ nhiên là nếu ta có thể làm hài lòng được nhiều người thì ta cũng sẽ thấy hạnh phúc, nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất, bởi lẽ đó là những cái ở bên ngoài ta, không dính chặt với ta. Lương tâm là cái ở ngay trong ta. Nó sẽ luôn đi theo ta trên mọi nẻo đường, trong mọi khoảnh khắc, chẳng bao giờ xa rời. Nó là tiếng nói giúp ta biết phải làm sao, phải hành xử thế nào. Chính nó cũng là thẩm phán, chất vấn ta về những gì ta nghĩ ta làm ta nói. Vì lương tâm mọi con người đều hướng người ta đến sự lành, nên chỉ cần làm theo tiếng lương tâm, ta tự khắc sẽ thấy an vui và làm nhiều người hài lòng yêu mến.

Các bậc thánh nhân đã cho chúng ta thấy điều đó. Trong từng tư tưởng, lời nói hay hành động, các vị ấy luôn dựa vào chân lý và tình yêu. Chân thì cũng là Thiện, mà Thiện thì cũng có nét Mỹ. Bước đi trên con đường Chân-Thiện-Mỹ ấy, các vị luôn thấy lòng bình an, dù có khi bị một số người đối nghịch thù ghét. Người ta có quyền đối xử với mình thế nào tùy người ta. Còn mình, nếu muốn có hạnh phúc, mình phải trao ban cho họ tình yêu mến, không ghét bỏ, không kỳ thị, không loại trừ. Dĩ nhiên, để có thể hoàn thiện hơn, ta cần được người khác góp ý, dạy dỗ. Nhưng hãy lắng nghe và đón nhận những góp ý của người khác với một sự nhận định và suy xét thấu đáo, chứ đừng vội vàng hùa theo, cốt chỉ để làm hài lòng họ. Mình sống mà “vừa lòng” mình, nghĩa là không làm điều gì trái với lương tâm thì tự khắc hương thơm nhân đức sẽ lập tức lan tỏa và cảm hóa người khác, làm “vừa lòng” họ. Còn những ai vì ganh ghét hay đố kỵ mà không ưa mình, hãy cứ để họ ra bên ngoài tầm chú ý. Thời gian sẽ làm chứng cho ta, sự công chính sẽ biện hộ cho ta, lịch sử sẽ lên tiếng thay cho ta.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ