Trong cuốn “Nói với chính mình” Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lãi là chuyện bình thường.
Một sự kiện khác cũng khiến chúng ta phải ngạc nhiên không ít: một số người Việt Nam từ hải ngoại trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như sau: Dầu cố gắng che giấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, thì cái tông tích ấy vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài hay qua cách phục sức, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quý hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì điều này hẳn phải là một báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu hiệu của sự khô cạn tình người trong xã hội chúng ta đang sống.
Thực vậy, khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc và tình liên đới cũng trở thành mong manh. Một khi tình người bị chối bỏ, thì tất nhiên niềm tin tôn giáo cũng sẽ chỉ là chuyện thừa thãi mà thôi.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống con người. Trong số mười người được chữa lành, thì chỉ có một người quay lại ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Chúa Giêsu hẳn đã chua xót trước sự vô ơn của con người khi thốt lên: Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại này mà thôi. Tỷ lệ quá thấp, chỉ có một phần mười. Và một phần mười ấy theo Chúa Giêsu nhận xét lại là thành phần ngoại giáo. Mặc dù là goại giáo theo nghĩa tôn giáo, nhưng lại rất có đạo theo nghĩa đạo làm người. Mà bởi đạo làm người cũng là thể hiện của đạo Chúa, cho nên người ngoại giáo Samaria này, theo cái nhìn của Chúa Giêsu, hẳn phải là người có đạo hơn chín người Do Thái kia, bởi vì người này đã thực thi cái nhân đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn.
Con người không thể là người một cách sung mãn mà không cần đến người khác. Nói lên hai tiếng cám ơn là nói lên tình liên đới thâm sâu giữa người với người. Tôi không thể là tôi nếu không có người khác. Tôi cần có người khác để sống hoàn thiện, để được hạnh phúc. Từ cha mẹ tôi, gia đình tôi, những người thân thích của tôi cho đến cả những kẻ thù của tôi…Tất cả đều đã đóng góp vào sự trưởng thành của tôi. Không ai nghèo đến độ không có gì để trao tặng. Cuộc đời là một chuỗi những lãnh nhận, từ sự sống cho đến những thành đạt. Không có gì chúng ta đang có mà không do lãnh nhận từ người khác. Do đó biết ơn là một đòi hỏi thiết yếu nhất của trái tim con người. Không có lời rủa sả nào thậm tệ bằng ba tiếng: Đồ vô ơn. Hơn nữa, lòng biết ơn còn là con đường dẫn chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn mọi ơn huệ.
Người Samaria được chữa lành, đã ngợi khen Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Như vậy, lòng biết ơn chính là nẻo đường dẫn anh đến gặp gỡ với Thiên Chúa. Sống cho ra người, sống cho có tình nghĩa, đó là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Vô thần, xét cho cùng, cũng chỉ là vô ơn, bởi vì kẻ chối bỏ Thiên Chúa thì dĩ nhiên cũng sẽ chối bỏ người đồng loại của mình.
Lm. Đaminh Xuân Trường, GP.Bắc Ninh