Biết mình – bước đầu tiên cho tiến trình huấn luyện linh mục, tu sĩ

147

Biết mình – bước đầu tiên cho tiến trình huấn luyện linh mục, tu sĩ

Biết mình là khởi đầu của mọi khôn ngoan. Ngày xưa, ở bên Đông, Lão Tử (604 TCN), triết gia người Trung Quốc quả quyết rằng: “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng.” Nơi khác, chính ông khẳng định: “Biết người thì khôn, biết mình thì sáng.” Ở bên trời Tây, Socrate (469 – 399 TCN), một triết gia nổi tiếng người Hy lạp, đã để lại một sứ điệp cho con người mọi thời khi nói: “Tiên vàn bạn hãy biết mình.
Mục tiêu đầu tiên của hành trình huấn luyện là giúp người thụ huấn biết mình. Vì thế, đào tạo là một quá trình giúp người thụ huấn trở về với chính mình để nhận biết mình, khám phá những tiềm năng và những giới hạn của bản thân. Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng cần phải thực hiện.

1. Biết mình thật khó nhưng cần thiết

Trong cuộc sống, có một điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ đó là chúng ta biết đủ thứ nhưng lại rất ít biết mình. Chúng ta cố gắng học nhiều thứ nhưng lại ít học để nhận biết mình. Chúng ta có thể khám phá vụ trụ, thế giới bao la, học hỏi nhiều môn khoa học khác nhưng lại ít để tâm chinh phục chính mình.
Hơn nữa, việc nhận biết chính mình là một công việc khó khăn và phức tạp vô cùng. Dù già hay trẻ, đã nhiều lần chúng ta nói: “Thật sự, tôi không hiểu được tôi.” Điều đó rất đúng và cũng chẳng lạ gì vì con người thường không hiểu chính mình. Con người chỉ đi từ từ từng bước trong việc hiểu biết bản thân, tự mình nó và cùng với nhân loại.[1] Các triết gia, thần học gia cũng như các bậc thầy tu đức trong Giáo Hội đều công nhận: biết mình khó vô cùng. Người Việt Nam diễn tả sự khó khăn đó trong câu ca dao: “Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người.”
Chúng ta không hiểu hết chính mình bởi vì mỗi người là một thế giới vô cùng huyền bí, sống động và phong phú, nếu không muốn nói là vô cùng phức tạp. Đối diện với con người là đối diện với một huyền nhiệm lớn lao. Trong chúng ta, có những khoảng không gian sâu thẳm, mà chúng ta ít khi để tâm khám phá tường tận, đó là thế giới nội tâm của chính mình, là sự tổng hòa kỳ lạ giữa các tầng nấc thể lý, tình cảm và tinh thần trong con người.
Quả thế, theo cái nhìn của Kitô giáo về con người, mỗi người là một huyền nhiệm, một nhân vị, chứ không phải là một sự vật, đồ vật hay như một “vấn đề”[2]. Mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng một cách kỳ diệu, nên mỗi người là một nhân vị hết sức độc đáo, duy nhất và không thể thay thế. Mỗi người có những vẻ đẹp, sự phong phú, những tiềm năng, sở trường và sở đoản riêng. Mỗi người có sự khác biệt, không ai giống ai. Mỗi người có một phẩm giá vô cùng cao quý như Kinh Thánh cho biết: “Con người là hình ảnh Thiên Chúa” (St 2,3).
Chính vì sự phong phú đó mà chúng ta ít hiểu biết mình cách trọn vẹn. Nhưng biết mình là bước đầu tiên và quan trọng để có thể đào tạo mình nên người tốt, nên một Kitô hữu trưởng thành, trở thành một linh mục hay một tu sĩ thánh thiện. Đào tạo phải giúp ứng sinh trở về với chính mình để nhận biết mình. Bởi vì, biết mình là điều kiện tiên quyết của mọi thay đổi nội tâm, tinh thần và nhân cách.

2. Làm sao để biết mình?

Hành trình huấn luyện được bắt đầu từ khi ứng sinh biết được con người thật của mình. Nói một cách cụ thể, đó là khi ứng sinh nhận biết những mặt mạnh và mặt yếu, những vùng tự do và thiếu tự do, nhờ đó mà họ có thể quảng đại “xin vâng” khi đáp lại lời mời gọi, đồng thời họ biết rằng giữa con người hiện thực của mình và dự phóng của Thiên Chúa nơi họ vẫn còn một con đường dài.[3]
Để nhận biết mình, trước hết cần phải nhận biết căn tính của mình và sau đó là khám phá sự thật con người của mình.

2.1. Ý thức mình là ai

Biết mình trước hết là sự nhận biết mình là ai. Đây là sự nhận ra hay xác nhận căn tính mình để sống đúng với căn tính đó. Nếu không ta sẽ bị vong thân hay vong ngã. Nghĩa là ta đánh mất chính mình, không xác định được mình là ai, không hình thành được căn tính của mình. Đây quả là một thứ đánh mất nền tảng! Ngày hôm nay có nhiều người đánh mất ý thức về căn tính của mình. Có nhiều bạn trẻ sống trong tình trạng mập mờ về căn tính nơi họ. Giáo dục tiên vàn phải giúp cho người thụ huấn ý thức về căn tính của mình, nhận thức cái tôi hiện tại mà mình đang có và cái tôi lý tưởng mà mình được mời gọi trở thành. Với tư cách là một con người, mỗi người là một hữu thể có ý thức và tự do. Mỗi người được mời gọi lớn lên trong ý thức, để làm chủ bản thân, và lớn lên trong tự do, để chịu trách nhiệm về bản thân. Với tư cách là một Kitô hữu, để siêu việt bản thân, ta được mời gọi sống trong tương quan liên vị mật thiết với Thiên Chúa và với tha nhân. Với tư cách là người theo Chúa trong ơn gọi tu trì, ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự (x. Mc 12,29-30) và hiến thân phục vụ tha nhân theo gương của Đức Kitô. Ý thức tôi là ai giúp ta xây dựng đời mình, thể hiện mình và phát triển mình theo căn tính đó.

2.2. Nhận biết sự thật về mình

Biết mình là một quá trình trở về khám phá chính bản thân, đối diện với con người thật của mình, khám phá hành vi, thái độ, tình cảm, những khuynh hướng, khả năng, tiềm năng, tính tình, nhu cầu, động lực thúc đẩy và những giới hạn, khuyết điểm, tật xấu cũng như những sự bất nhất và xung đột trong con người ta. Đây là sự hiểu biết, sự khám phá càng ngày càng sâu về chính bản thân mình.

– Cách hành xử và thái độ:

Trước hết, ứng sinh phải chú trọng đến hành vi và thái độ của mình. Chúng ta biểu lộ mình cách dễ thấy nhất qua hành vi và thái độ. Những tình cảm và động lực bên trong sẽ thể hiện ra bên ngoài qua thái độ và cách hành xử của chúng ta. Ta phải lưu ý đến các thói quen, các phát biểu, các mối tương quan, phản ứng, thái độ tích cực hay tiêu cực trước cuộc sống, sự đồng nhất hay bất nhất giữa lời nói và việc làm. Các hành vi và thái độ cần được nhận biết và phân định theo nguyên tắc:“Ở đâu thiếu sự mạch lạc giữa giá trị mà họ tuyên xưng và hành vi họ thực hiện, nơi ấy cần phải xem xét cẩn thận.”[4] Hành vi và thái độ của tôi có phù hợp với Lời Chúa dạy không? Chúng có phù hợp với sự chân thật trong lòng mình không? Hay chỉ là “ngoài miệng thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” như cụ Nguyễn Du diễn tả.

– Những tình cảm và cảm xúc:

Tôi có trưởng thành về mặt tình cảm và cảm xúc chưa? Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục trong tôi như thế nào, có phù hợp với đời tu không? Huấn luyện con người và nhất là huấn luyện linh mục – tu sỹ đòi hỏi quan tâm và huấn luyện cảm xúc, tình cảm và tâm tình của ứng sinh. Cần phải giúp họ nhận biết, lớn lên và trưởng thành con tim.

– Các khuynh hướng:

Khuynh hướng vị kỷ hay vị tha, quy ngã hay quy xã hội, hoặc quá thích tiền bạc, quyền lực, hoặc quá lập dị, cá nhân chủ nghĩa, gây hấn hoặc nhu nhược… Biết mình là biết các khuynh hướng đó. Cái nào bị phình to ra, cần phải nhận biết để điều chỉnh cho phù hợp và quân bình.

– Những động lực thúc đẩy:

Một cách chung chung, động lực thường được hiểu như một ước muốn, một khao khát thực hiện một dự phóng, một mục tiêu nào đó của cuộc sống. Động lực này có những yếu tố bên trong và những yếu tố bên ngoài. Các yếu tố bên trong nằm ở tầng sâu thẳm của nội tâm mỗi người.
Nhận biết những động lực thúc đẩy ta hành động đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Đó là sự nhận biết giúp ta hiểu “tại sao ta hành động”.
Sự nhận biết này giúp ta nhận diện và phân định các động lực thúc đẩy ta hành động. Có những động lực thuộc ý thức, có những động lực vô thức và có những động lực siêu nhiên. Chúng có phù hợp với đạo lý và lương tâm không? Nhất là chúng có phù hợp với các tiêu chuẩn của Tin Mừng không? Ta cần phải xem xét các động lực thúc đẩy. Một hành vi nhân linh có thể được thực hiện bởi rất nhiều lý do khác nhau. Ví dụ: một hành vi bác ái giúp người nghèo, nhưng hành vi đó có thể được thúc đẩy bởi lý do siêu nhiên như Chúa Giêsu dạy, hay bởi lý do tâm lý và nhân loại như để được nhận biết, để quảng cáo mình hay gây sự chú ý của người khác; hoặc giúp người nghèo để được người khác giúp lại mình theo kiểu “hợp tác nuôi cá, cá nuôi xã mình” v.v…
Khi chọn lựa đời sống tu trì, ứng sinh có thể được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau. Có những động cơ ban đầu rất trần tục và nhân loại. Ta có thể kể ra một số động cơ:
Đi tu để thoát ly đời sống gia đình bất hạnh; để tìm kiếm đặc ân; thỏa mãn tham vọng của cha mẹ; cần có một người cha hay người mẹ; sợ đàn ông hay đàn bà (tương giao); tìm an toàn; được kính trọng vv… Đây là những động cơ giống với trường hợp của hai anh em Gioan và Giacôbê: theo Chúa để được ngồi bên hữu, bên tả Chúa trong vương quốc Người (x. Mc, 10,20-37).
Có những động cơ siêu nhiên. Đó là những động cơ phát xuất từ sự trưởng thành tâm linh khi bước theo Chúa. Hoặc là từ chính ân sủng của Thiên Chúa lôi kéo và thúc đẩy một ứng sinh theo Chúa. Đi tu vì tình yêu Chúa và dâng hiến chính mình phục vụ tha nhân.
Các ứng sinh cần thanh luyện những yếu tố “trần tục và nhân loại” trong ước muốn trở thành linh mục hay tu sĩ. Tiếp đến, họ cần phải vun trồng động lực chính đáng của ơn gọi: là muốn biết và yêu mến Chúa Giêsu, muốn giúp người khác cũng nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu. Đây là “ý hướng ngày lành” để theo Chúa, là động lực chính yếu và căn bản của ơn gọi tu trì mà Giáo Luật đòi hỏi. Để xây dựng một ý hướng ngay lành trong ơn gọi, các ứng sinh cần có xác tín như thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8).

– Những xung đột nội tâm:

Biết mình bao gồm việc nhận biệt các xung đột nội tâm. Đây là sự xung đột giữa lý tưởng, giá trị và sự thiếu trưởng thành, hoặc bệnh hoạn tâm lý, hoặc sự phình to các khuynh hướng. Hay đúng hơn những xung đột nội tâm là hậu quả của sự rối loạn, thiếu hòa điệu giữa tình cảm, động lực thúc đẩy và cách hành xử, đời sống luân lý với các giá trị và lý tưởng mà mình theo đuổi. Cần phải nhận diện những nguyên nhân gốc rễ của những sự bất nhất hay những xung đột đó. Nhận biết những sự bất nhất và mảnh gãy giữa các tầng nấc thể lý, tình cảm và tinh thần trong con người chúng ta để hòa điệu và hội nhập các yếu tố đó, hiệp nhất chúng nên một trong cùng một bản vị duy nhất.
Tất cả những điều này được khám phá trong sự liên hệ hiện nay giữa quá khứ và hiện tại, hay giữa cái tôi hiện tại và cái tôi mà lẽ ra họ đã thể hiện và phải thể hiện, cùng với những điều tích cực và tiêu cực trong cuộc mạo hiểm của mọi thụ sinh.

3. Từ chân thành đến sự thật
Như đã nói ở trên, biết mình thật quan trọng, vì nếu không biết mình thì không thể trưởng thành, không thể có biến đổi trong huấn luyện. Nhưng việc biết mình phải được thực hiện như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần phải làm sáng tỏ điều này: nếu người thụ huấn biết mình một cách chân thành thôi thì chưa đủ, mà họ còn phải biết mình một cách chính xác. Vì chân thành thì chủ quan, còn sự thật thì khách quan. Chỉ chân thành với mình mà thôi chưa phải là điều kiện cần và đủ của sự chính xác. Và họ cũng không ngờ rằng giữa sự chân thành và sự thật họ là ai còn có một khoảng cách dài thăm thẳm.[5]
Thật vậy, có những sự hiểu biết về mình nhiều khi còn rất chủ quan và giới hạn, cần phải vượt ra biên giới chủ quan để tiến tới sự hiểu biết về chính mình như mình đang là một cách khách quan. Đó là sự hiểu biết chính mình dựa theo sự thật về mình, không trốn tránh, không giả vờ, không phỏng chiếu, không đeo mặt nạ đối với chính mình. Người biết mình theo sự thật là người nhận biết cả những nguyên nhân ẩn bên trong các hành vi và tâm tư của mình. Ta không chỉ nhận biết và thấu hiểu cảm xúc trong lòng mà ta dễ nhận ra, nhưng còn phải biết cảm xúc ấy bắt nguồn từ đâu – cội nguồn đích thật – và điều đó không phải lúc nào cũng hiển nhiên và dễ nhận thấy. Chẳng hạn: một người nhận mình thường có khuynh hướng bám víu các mối tương quan, khao khát và tìm kiếm tương giao vv…, người đó không chỉ nhận biết những điều đó nhưng còn phải khám phá cho biết chúng phát xuất từ đâu, sự thật đó phát xuất từ nhu cầu nào (trong trường hợp này có thể từ nhu cầu muốn được yêu thương)[6].
Thứ đến, họ phải tìm ra nguồn gốc và sự phát triển của nhu cầu ấy trong cuộc sống quá khứ của mình. Khi họ khám phá được gốc rễ của cảm xúc hay tìm kiếm sự thật của mình trong quá khứ, điều đó thường giúp họ hiểu rõ một số nhu cầu nhất định trong đời sống tinh thần và những tính khí, tâm trạng liên quan đến nhu cầu đó, hay hiểu được vai trò năng động tâm lý của xu hướng nội tâm: ví dụ, nhu cầu yêu thương quá mức có thể bắt nguồn từ một hình ảnh bản thân nghèo nàn, hay từ thói quen lôi kéo sự chú ý của người khác, hay từ nỗi sợ cô đơn vv… Nếu họ nhận diện gốc rễ của cảm xúc ấy một các chính xác, họ có thể can thiệp trên chính gốc rễ chứ không chỉ can thiệp trên hành vi.
Giáo dục là giúp ứng sinh có khả năng nắm bắt được sự thật, ngõ hầu họ có thể quản lý sự tự do của mình. Quả là ngây ngô nếu xem việc biết mình như một chuyện đương nhiên. Ai không muốn khám phá sự thật của mình, thì cũng không bao giờ có tự do. Nếu trong thời gian đào tạo, ứng sinh không khám phá được sự thật của mình, thì chẳng hy vọng gì trong tương lai họ sẽ khám phá được; trong khi đó tất cả tiến trình huấn luyện hiện tại đã có nguy cơ rơi vào quên lãng hay đưa đến hậu quả thiếu hữu hiệu và không có kết quả đối với họ.
Như thế, điều quan trọng là người thụ huấn phải khám phá tất cả những điều ấy càng sớm càng tốt, ngõ hầu họ tập trung sự khôn ngoan vào việc huấn luyện: chỉ khi nào họ ở trong sự thật, họ mới có thể thực hiện cuộc hành trình của sự thật.[7] Vì như Chúa Giêsu nói: “Sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).

Tạm kết
Như vậy, có thể nói rằng: giai đoạn đầu tiên và nền tảng của quá trình huấn luyện là giai đoạn khám phá bản thân để biết mình. “Giáo dục là đánh thức lương tâm người thụ huấn để họ nhận ra sự thật đang hiện diện trong lương tâm mình, sao cho họ có khả năng tự suy luận, tự phán đoán và tự do trong một thế giới mà tự do là một sự mạo hiểm, một sự thủ đắc và không bao giờ là điều có sẵn hay một quà tặng phú bẩm”.[8]
Giáo dục là đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng để giúp ứng sinh “lôi kéo” sự thật của mình ra. Nếu một ứng sinh không bao giờ khám phá được sự thật của mình, thì chẳng bao giờ hy vọng người đó sẽ khám phá được gì về mình hoặc họ sẽ có những thay đổi nào trong tương lai.

LM Pet. Nguyễn Văn Hương

 

Tài liệu tham khảo:

1.  A. Cencini, Tâm Tình Chúa Con. Hành Trình Huấn Luyện Đời Sống Thánh Hiến. Nxb Tôn Giáo, 2012.
2.  Michel Quoist (Nguyễn Thị Chung dịch), Xây Dựng Con Người Nhân Bản, Nxb Tôn Giáo, 2000.
3.  E. Balduci, L’Insegnamento di don Milani, Roma 1995, 100.
4.  Alessandro M. Ravaglioli, Psicologia. Studio interdisciplinare della personalità, EDB, Bologna 2006.
_______________
[1] Michel Quoist (Nguyễn Thị Chung dịch), Xây Dựng Con Người Nhân Bản, Nxb Tôn Giáo – 2000, 11.
[2] Triết Gia Gabriel Marcel phân biệt: phạm trù huyền nhiệm và phạm trù vấn đề. Phạm trù huyền nhiệm thì không thể cân đong đo đếm được, cần phải kiên nhẫn khám phá và tiếp cận dần dần, càng khám phá, càng thấy mới mẻ. Còn phạm trù vấn đề là thuộc phạm vi khoa học, có thể đo lường được như 2 x 2 = 4.
[3] A. Cencini, Tâm Tình Chúa Con. Hành Trình Huấn Luyện Đời Sống Thánh Hiến, Nxb Tôn Giáo – 2012, 235.
[4] A. Cencini, sđd, 248.
[5] A. Cencini, sđd, 141.
[6] Ibid.
[7] A. Cencini, sđd, 140; 224.
[8] E. Balduci, L’Insegnamento di don Milani, Roma 1995, 100.