Đức Thánh Cha mời gọi biến tình yêu gia đình thành tình yêu dành cho xã hội
Sau đó, ngài nói đến ba giá trị hay ba nguyên tắc xã hội phải được dạy ở nhà: sự nhưng không (anh em đã được tùy nghi lãnh nhận, anh em phải rộng rãi cho đi), tình liên đới và tính bổ túc.
Bài diễn văn của Đức Thánh Cha diễn ra sau lời chào mừng của 3 vị lãnh đạo Ecuador và phần trình diễn của ban hợp xướng dành cho những người bị hội chứng Down hay bị khuyết tật. Một trong những người đến chào đón Đức Thánh Cha có cụ bà 85 tuổi, bà giải thích rằng mình đã phục vụ như một giáo lý viên trong suốt 60 năm.
Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn của mình bằng cách xin vui vẻ tha thứ vì ngài không đối diện hoàn toàn với khán giả, ánh sáng cho bục giảng nằm một bên và ngài cần ánh sáng vì “Tôi không thấy rõ”.
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha khích lệ người nghe mở rộng việc chăm sóc gia đình ra toàn thể xã hội: “Xã hội chúng ta được hưởng nhờ khi mỗi người và mỗi nhóm xã hội cảm nhận mình thực sự thoải mái như đang ở nhà. Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái cảm thấy thoải mái như ở nhà; không ai là ngoại lệ. Nếu mội người nào đó gặp vấn đề, thậm chí là vấn đề nghiêm trọng, ngay cả khi người ấy là nguyên nhân, những người còn lại trong gia đình sẽ đến để giúp đỡ người ấy, cả gia đình nâng đỡ anh ta. Vấn đề của người ấy là vấn đề của cả gia đình. Chẳng lẽ không nên giống như vậy trong xã hội hay sao?”
Đức Thánh Cha đã ứng khẩu không theo văn bản chuẩn bị sẵn, ngài nói rằng một hình ảnh lóe lên trong đầu ngài, cảnh tượng ngài đã nhìn thấy ở Buenos Aires, những người phụ nữ xếp thành hàng dài để gặp con trai hoặc chồng mình trong tù. Mặc dù những người đàn ông đã “cư xử tồi tệ, họ vẫn là một phần của mái ấm gia đình”, Đức Thánh Cha suy tư và nói rằng những phụ nữ này đã dạy một bài học lớn: “Giá mà chúng ta có thể nhìn các đối thủ hay các láng giềng chính trị của chúng ta theo cùng một cách chúng ta nhìn con cái hay người bạn đời của chúng ta, người mẹ hay người cha chúng ta thì hay biết mấy! Chúng ta có yêu mến xã hội của mình không? Chúng ta yêu mến đất nước, cộng đồng mà chúng ta đang cố công xây dựng không? Chúng ta có yêu nó một cách trừu tượng, bằng lý thuyết không? Chúng ta hãy yêu mến bằng hành động hơn là lời nói của mình! Trong mỗi người, trong những hoàn cảnh cụ thể, trong cuộc sống chúng ta với nhau, tình yêu luôn dẫn đến sự thông hiểu, không bao giờ dẫn đến sự cô lập”.
Rộng rãi cho đi
Sau đó Đức Thánh Cha nói đến giá trị đầu tiên trong ba giá trị: sự nhưng không. Ngài nói: “Các bậc cha mẹ biết rằng tất cả con cái của họ được yêu thương như nhau, mặc dù mỗi đứa có tính cách riêng của chúng. Nhưng khi con cái từ chối chia sẻ những gì chúng đã nhận được một cách nhưng không, mối tương quan này bị phá vỡ. Tình yêu của cha mẹ sẽ giúp trẻ vượt qua sự ích kỷ của chúng, học cách sống với người khác, biết nhường nhịn và kiên nhẫn”.
Một lần nữa ngài đi ra khỏi bản văn soạn sẵn, ngài kể rằng ngài thích hỏi trẻ con một câu hỏi: nếu con có hai cái kẹo, và một người bạn đến, con sẽ làm gì? Ngài cho rằng, nhìn chung câu trả lời là chúng sẽ cho bạn một cái kẹo. Nhưng nếu câu hỏi là có một cái kẹo và một người bạn đến, thì những câu trả lời từ cho bạn bè, chia kẹo ra, hoặc giấu trong túi.
Đức Thánh Cha giải thích: “Trong đời sống xã hội rộng lớn hơn, chúng ta sẽ thấy rằng ‘sự nhưng không’ không phải là điều phụ thêm, mà là một điều kiện cần thiết của sự công lý”, ngài nhấn mạnh, lặp đi lặp lại từng từ. “Chúng ta là ai, và chúng ta có gì, những gì đã được ban cho chúng ta để chúng ta có thể dùng nó phục vụ tha nhân”.
Khi nói cụ thể về sự cần thiết bảo vệ Amazon, Đức Thánh Cha nhắc đến Thông điệp Laudato Si , cổ vũ Ecuador giữ vai trò hàng đầu: “Ecuador – cùng với các nước khác tiếp giáp với Amazon – có cơ hội để trở thành một giáo viên sinh thái trọn vẹn. Chúng ta đón nhận thế giới này như là sự kế thừa từ thế hệ trước, nhưng cũng là sự vay mượn các thế hệ tương lai, chúng ta sẽ phải trả lại nó!”
Chịu trách nhiệm về người khác
Chuyển sang nguyên tắc liên đới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Kinh nghiệm tình huynh đệ trong gia đình làm nảy sinh tình liên đới trong xã hội, trong đó không chỉ bao gồm việc trao cho những người túng thiếu, mà còn cảm thấy phải chịu trách nhiệm với người khác”.
Khi nói về tình liên đới, Đức Thánh Cha lại ứng khẩu để nói về vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ. Đề cập đến hai nhóm người bị xã hội loại bỏ – những thai nhi chưa sinh ra và người già – ngài đề nghị như trong nhiều dịp khác rằng thiếu việc làm cho giới trẻ cũng là một hình thức của sự bất công cần phải được điều chỉnh. Đức Thánh Cha nói: “Hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn sẽ cung cấp cơ hội thực sự cho mọi người, nhất là giới trẻ, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng kinh tế được tất cả mọi người chia sẻ (chứ không phải chỉ đơn thuần tồn tại trên giấy, trong thống kê kinh tế vĩ mô), và thúc đẩy sự phát triển bền vững có khả năng tạo ra một cơ cấu xã hội vững chắc và gắn kết”.
Cuối cùng, khi nói về tính bổ túc, Đức Thánh Cha nói rằng mỗi người phải nhìn nhận sư tự do và sự tốt lành vốn có nơi tha nhân. Ngài lưu ý: “Các cá nhân và các nhóm có quyền đi theo con đường riêng của họ, mặc dù đôi khi họ có thể mắc phải lầm lỗi”.
Đức Thánh Cha nhắc nhở thêm: “Đối thoại là cần thiết và là nền tảng để đạt đến chân lý, vốn không thể áp đặt, nhưng phải tìm kiếm bằng tinh thần chân thành và có phê phán. Trong một nền dân chủ tạo cơ hội cho cá nhân tham gia, mỗi nhóm xã hội, các dân tộc bản địa, người Ecuador gốc Phi, phụ nữ, các hiệp hội dân sự và những người dấn thân vào các dịch vụ công cộng là tất cả những thành phần không thể thiếu trong cuộc đối thoại này”.
Đức Thánh Cha nói rằng những chỗ ngài đến thăm là hình ảnh của cuộc đối thoại này: “Những bức tường, hàng hiên và tu viện của thành phố này hùng hồn nói lên quan điểm này. Bắt nguồn từ các yếu tố văn hoá Incan và Caranqui, đẹp trong tầm vóc và hình dáng của chúng, mạnh dạn và nổi bật kết hợp các phong cách khác nhau, các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi ‘trường phái Quito’ tóm kết sự đối thoại tuyệt vời, với những thành công và thất bại, vốn là lịch sử của Ecuador. Hôm nay chúng ta thấy vẻ đẹp của nó. Nếu quá khứ đã được đánh dấu bởi các lầm lẫn và lạm dụng – làm sao chúng ta có thể phủ nhận điều đó! – chúng ta có thể nói rằng sự hợp nhất đã mang kết quả tỏa ra sự dồi dào đến mức chúng ta có thể nhìn về tương lai với niềm hy vọng lớn lao”.
Đức Thánh Cha kết thúc một ngày trong chuyến tông du bằng việc viếng nhà thờ Thánh Inhaxiô, chỉ cách vài phút lái xe từ nhà thờ Thánh Phanxicô, nơi ngài vừa trò chuyện với các nhóm xã hội dân sự. Ngài đã dành khoảng 25 phút để cầu nguyện tại nhà thờ. Vào ngày thứ Tư 08/07, ngài sẽ đến thăm nhà dành cho người già do Dòng Thừa Sai Bác Ái đìe hành, và sau đó ngài gặp các giáo sĩ và tu sĩ, trước khi khởi hành đến Bolivia vào buổi trưa.
Tạ Ân Phúc