Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Thánh lễ, tại quãng trường thánh Phêrô sáng thứ tư, 21/03/2018
14. Phụng vụ Thánh lễ. IV. Hiệp lễ
Anh chị em thân mến
Hôm nay là ngày đầu tiên của mùa xuân: Mùa xuân tươi đẹp!. Nhưng điều gì đang xảy ra trong mùa xuân? Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc. Tôi hỏi anh chị em một vài điều nhé. Nếu cây trồng hay thảo mộc bị mắc bệnh, nó sẽ cho hoa đẹp hay hoa xấu. Không! Cây trồng nếu không được tưới bởi nước mưa, không được tưới cách tự nhiên, liệu chúng có thể ra hoa đẹp được không? Không!. Cây trồng bị bứng rễ hay không có rễ, chúng có thể ra hoa không? Không! Cây không có rễ có thể ra hoa được chứ? Không! Đây là một thông điệp: Cuộc sống của người tín hữu có nhiệm vụ phải nở hoa trong những việc bác ái hay trong việc thiện. Nhưng nếu anh không có gốc rễ, anh không thể đơm hoa. Và gốc rễ là ai? Là Chúa Giêsu! Nếu anh không ở với Chúa Giêsu, trong gốc rễ thì không thể đơm hoa. Nếu cuộc sống anh không được tưới bằng kinh nguyện và bí tích, liệu có tồn tại những cánh hoa kitô hữu không? Không! Bởi vì kinh nguyện và bí tích tưới cho gốc rễ và làm cho cuộc sống của chúng ta nở hoa. Tôi chúc cho anh chị em mùa xuân này được nở hoa như là hoa Phục sinh, hoa của những việc lành, phúc đức, làm việc thiện cho những người khác. Anh chị em hãy nhớ, đây là một đoạn thơ rất hay ở đất nước tôi, đó là “cây có hoa, từ cây được trồng dưới đất”. Nhưng không bao giờ chặt đứt gốc rễ với Chúa Giêsu.
Giờ đây chúng ta tiếp tục bài giáo lý về Thánh Lễ. Tiến trình của Thánh lễ, trải qua nhiều thời điểm khác nhau, hướng đến việc Rước lễ, tức là hiệp nhất chúng ta với Chúa Giêsu. Sự hiệp thông bí tích: không phải là hiệp thông thiêng liêng để rồi anh có thể thực hiện ở nhà và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn rước Chúa cách thiêng liêng”. Không! hiệp thông bí tích là hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô. Chúng ta cử hành Thánh Thể để được Chúa Kitô nuôi dưỡng, Đấng trao ban cho chúng ta chính Ngài trong Lời và trong Bí tích trên bàn thờ, để làm cho chúng ta nên đồng dạng với Ngài. Chính Ngài nói rằng: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Cho nên hành động mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ Mình và Máu của Ngài trong bữa Tiệc Ly, giờ đây vẫn tiếp tục ban qua sứ vụ của các linh mục và phó tế, các thừa tác viên thông thường phân phát Bánh sự sống và Chén cứu độ anh em mình.
Trong Thánh lễ, sau khi bẻ Bánh được truyền phép, là Mình Thánh Chúa Giêsu, linh mục nâng bánh lên cho các tín hữu thấy rồi ngài mời họ tham dự vào bữa tiệc thánh thể. Chúng ta nhận ra những lời vang lên từ bàn thánh : “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc của Chúa: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Được gợi hứng từ một đoạn của sách Khải huyền – “Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9). Ta nói là “tiệc cưới” bởi vì Chúa Giêsu là hôn phu của Giáo hội – lời mời này kêu gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, suối nguồn của niềm vui và thánh thiện. Đó là lời mời mang lại niềm vui và cùng với nó thúc đẩy việc thẩm tra lại lương tâm dưới ánh sáng đức tin. Thực vậy, nếu như một mặt, chúng ta thấy khoảng cách vốn ngăn cách chúng ta khỏi sự thánh thiện của Chúa Kitô, thì mặt khác, chúng ta tin rằng Máu của Ngài đã “đổ ra để tha tội”. Tất cả chúng ta được tha tội qua bí tích rửa tội, và tất cả chúng ta đã được tha tội hay chúng ta sẽ được tha mỗi lần chúng ta đến với bí tích hòa giải. Anh chị em đừng quên rằng : Chúa Giêsu luôn tha thứ. Chúa Giêsu không mỏi mệt để thứ tha. Chúng ta thì mỏi mệt để cầu xin ơn tha thứ. Khi nghĩ đến giá trị cứu độ của Máu Chúa Giêsu, thánh Ambrosio đã thốt lên: “Tôi luôn luôn phạm tội, nên tôi luôn phải cần đến thuốc” (De sacramentis, 4, 28: PL 16, 446A). Trong niềm tin này, chúng ta cũng muốn nhìn lên Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian và chúng ta kêu xin Ngài: “Ôi lạy Chúa, con không đáng dự phần vào bàn tiệc của Chúa: nhưng chỉ một lời con sẽ được cứu độ”. Chúng ta đọc câu này trong mọi thánh lễ.
Dù chúng ta đi theo đoàn rước lên Rước lễ, chúng ta đi tiến đến bàn thờ để rước Chúa, nhưng trong thực tế thì chính Chúa Giêsu đến gặp chúng ta để làm cho chúng ta nên giống Ngài. Có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu! Để cho mình được Thánh Thể nuôi dưỡng nghĩa là để cho mình được biến đổi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể. Thánh Augustinô giúp chúng ta hiểu được điều ấy khi nói về ánh sáng mà ngài cảm nhận được khi nghe Chúa Kitô nói: “Ta là lương thực cao sang. Con hãy lớn lên, và hãy ăn ta. Và không phải con làm Ta biến đổi trong con, như lương thực nuôi thân xác con, nhưng con sẽ được biến đổi trong Ta (Confessioni VII, 10, 16: PL 32, 742). Mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta sẽ nên giống Chúa hơn, chúng ta thay đổi nhiều hơn trong Chúa Giêsu. Bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu Chúa thế nào, thì những người lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa bằng Đức tin cũng được biến đổi trong Bí tích Thánh Thể hằng sống như vậy. Khi vị linh mục trao Mình Thánh Chúa, ngài nói với anh rằng: “Mình Thánh Chúa Kitô”, anh thưa “Amen”, tức là anh nhận biết ơn sủng và cam kết để trở thành Thân Thể Chúa Kitô. Vì khi anh lãnh nhận Thánh Thể, anh trở thành Thân Thể Chúa Kitô. Điều ấy Tuyệt vời, rất tuyệt vời. Trong khi chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta tự bứng ra khỏi những ích kỷ của mình. Rước Chúa, mở ra và kết hiệp chúng ta với tất cả những người đang làm một với Chúa. Đây là điều kỳ diệu của Hiệp lễ: chúng ta trở nên điều chúng ta lãnh nhận.
Giáo hội luôn mong muốn các tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa với bánh được thánh hiến trong cùng Thánh lễ; và dấu chỉ của bàn tiệc thánh thể được biểu lộ trọn vẹn hơn nữa nếu được rước Chúa dưới hai hình, mặc dù chúng ta biết Giáo lý Công Giáo dạy rằng rước lễ chỉ dưới một hình thôi, chúng ta đã lãnh nhận Chúa kitô trọn vẹn rồi (QCTQ 85, 281-282).
Theo cách thực hành của Giáo hội, như đã nói, các tín hữu thường đi lên Rước Lễ theo hàng, và rước lễ bằng cách đứng với lòng tôn kính hay quỳ gối, như Hội Đồng Giám Mục đã quyết định, rước lễ bằng miệng, hoặc, nơi nào cho phép, thì bằng tay. (QCTQ 160-161). Sau khi hiệp lễ, thinh lặng, cầu nguyện thầm giúp chúng ta giữ trong tâm hồn ơn sủng đã lãnh nhận. Kéo dài một chút thời gian thinh lặng, bằng cách nói với Chúa Giêsu trong tâm hồn, giúp ích nhiều cho chúng ta. Cũng có thể hát một bài Thánh vịnh hoặc một bài ca tạ ơn (QCTQ, 88) giúp chúng ta ở với Chúa.
Phụng vụ Thánh Thể kết thúc sau lời nguyện Hiệp lễ. Trong nghi thức này, nhân danh mọi người, linh mục hướng về Thiên Chúa để tạ ơn Ngài vì đã ban cho chúng ta là những thực khách của Ngài và xin cho những điều chúng ta đã lãnh nhận biến đổi đời sống chúng ta. Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta mạnh mẽ để đem lại hoa trái cho những việc lành, để sống như là người kitô hữu. Đó là ý nghĩa của lời nguyện hôm nay, chúng ta cầu xin Thiên Chúa qua việc “thông phần vào bí tích của Ngài vừa trở nên thần dược cứu độ, vừa cứu chữa chúng ta khỏi mọi nết xấu và gìn giữ chúng ta trong tình thân. (SLRM thứ Tư tuần V mùa chay). Chúng ta hãy đến gần với Bí tích Thánh Thể: lãnh nhận Chúa Giêsu, Đấng biến đổi chúng ta trong Ngài, làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Thiên Chúa là Đấng tốt lành và rất tốt lành.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ