BÍ TÍCH THÁNH THỂ
PHƯƠNG DƯỢC CHỮA LÀNH TÂM HỒN VÀ THÂN XÁC
Lời Chúa: Ga 6, 52-58
Bài Giảng Tĩnh Tâm Dòng MTG Thủ Đức
Ngày 10 tháng 01 năm 2021
Dẫn Nhập:
Kính thưa Sr. Tổng và Quý Soeurs, tháng này là tháng Giêng của năm mới 2021 và là gần tháng cuối của năm Âm lịch 2020. Tháng đầu và tháng cuối gặp nhau trong buổi tĩnh tâm này, thiết nghĩ rằng với đề tài: “Bí Tích Thánh Thể – Phương Dược Chữa Lành Tâm Hồn và Thân Xác” đã và sẽ rất có ý nghĩa với mỗi người chúng ta. Vì tất cả chúng ta điều quy chiếu về một điểm duy nhất trong cuộc sống Kitô hữu là Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch Tình Yêu.
Hôm nay, tôi xin hầu Quý Soeurs câu chuyện phép lạ Thánh Thể. Câu chuyện do chính người đàn ông được ơn kể lại. Anh vừa kể, vừa xúc động và khóc nức nở. Anh đã cho phép ghi lại câu chuyện này như một tâm tình tri ân, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, và cũng như một thông điệp gửi đến những ai còn đang hồ nghi, hoặc không tin tưởng vào Bí Tích Thánh Thể. (x. câu chuyện phần riêng)
Tôi đã đọc nhiều câu chuyện phép lạ Thánh Thể, và tôi cũng suy niệm nhiều trước Nhà Tạm, nhưng hôm nay khi nghe câu chuyện về trường hợp mà nó đã xãy ra cho chính anh, trực tiếp liên quan đến Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi bỗng thấy mình được tăng thêm đức tin. Tôi nhớ lại lời Thánh Tôma Tiến Sĩ trong khi suy niệm về Thánh Thể. Ngài viết: “Ta hãy lấy Đức Tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì!”.
Quý Soeurs biết câu chuyện trên chỉ là một trong các câu chuyện phép lạ Thánh Thể đã xãy ra trên thế giới. Có biết bao người được chữa lành tâm hồn và thân xác nhờ tin yêu vào Thánh Thể Chúa. Vậy hôm nay, trong tháng của đầu năm mới này, Tôi cùng quý sơ suy niệm một chút về Thánh Thể Chúa, như là trung tâm, là cốt lõi của tất cả cuộc sống chúng ta trong năm mới 2021 mà chúng ta phải quy về.
I. Thánh Thể Bí Tích Của Tình Yêu
Kính thưa Quý Soeurs, vào tháng 10 năm 2004, Đại hội Thánh Thể quốc tế tại Mexico đã được khai mạc. Để chuẩn bị cho THĐGM họp tại Roma vào tháng 12- 2005 với chủ đề: “Eucharistia Fons et Culmen Vitae et Missionis Ecclesiae” (Thánh Thể là Suối Nguồn và Chóp Đỉnh Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội). Tại Giáo Hội Việt Nam năm 2005 là năm Mùa Chay Thánh Thể. Giáo Hội khẳng định Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu (Vat. II, Lumen Gentium, số 11.).
BTTT được gọi bằng nhiều từ khác nhau như: Cuộc tưởng niệm việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại, Hy tế Thánh lễ, Hy tế ca ngợi, Hy tế thiêng liêng, Hy tế tinh tuyền và thánh thiện, Bí tích hiệp thông, sự thánh, Bánh các thiên thần, Bánh bởi trời, Thuốc trường sinh, Của ăn đàng (GLGHCG 1330-1332).
Chính BTTT có một vai trò vô cùng quan trọng trong cử hành cũng như đời sống của Giáo Hội. Chính vì vậy BTTT được tin nhận dưới rất nhiều khía cạnh:
BTTT – Một di chúc: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Thánh Thể là di chúc thiêng liêng mà Chúa Giêsu đã để lại cho các Tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Giáo Hội Công Giáo vẫn coi di chúc của Chúa Giêsu với việc cử hành Thánh Thể. Vì thế, Giáo Hội hết sức trân trọng và cố gắng trung thành với LỜI di chúc này qua muôn thế hệ.
BTTT – Hy lễ tạ ơn: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn” (1Cr 11, 24). Chúc tụng và tạ ơn là tâm tình chủ yếu trong cử hành phụng vụ của người Do Thái. Đây cũng là yếu tố then chốt khi Chúa Giêsu lập BTTT trong Bữa Tiệc Ly: “Đang bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng,… Rồi Người cầm chén rượu nho dâng lời tạ ơn” (Mc 14, 22-23; 1Cr 11, 24). Ngày nay trong đời sống của Giáo Hội, BTTT vẫn là Hy Tế Tạ Ơn: “Thánh Thể là Hy Tế Tạ Ơn và chúc tụng công trình của Đấng Sáng Tạo. Nhờ Người, Giáo Hội có thể dâng Hy Tế chúc tụng và tạ ơn vì mọi điều thiện hảo Thiên Chúa đã thực hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa”. ( GLCG 1359-1340)
BTTT – Bàn tiệc hiệp thông: “Tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17). Người Kitô hữu tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể Chúa trong cử hành Thánh Lễ, cũng chính là lúc họ tham gia vào sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng Nước Chúa cho muôn dân. Họ trở thành một cộng đoàn đồng trách nhiệm, bình đẳng, thuộc về nhau và cùng nhau tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô.
BTTT – Bí Tích của niềm hy vọng cánh chung: Thánh Thể là Bí tích của niềm hy vọng Kitô giáo cách ưu việt. Thánh Thể là việc nếm trước bữa tiệc cánh chung. Thánh Tôma Aquinô đã mô tả Thánh Thể như bảo chứng cho vinh quang tương lai. Cộng đoàn Kitô hữu cử hành Thánh Thể như: “Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang tương lai”[1]. Tất cả những khía cạnh rất tốt đẹp nơi BTTT Mà tôi vừa nêu ra cho Quý Soeurs, bao trùm lên tất cả những điều tốt đẹp đó, chính là: Thánh Thể Bí Tích Của Tình Yêu.
Thánh Thể chính là tình yêu huyền nhiệm của Chúa Giêsu. Chính vì vậy, BTTT là Bí tích tình yêu, Bí tích tràn đầy đức ái. Bí tích chứa đựng chân lý, Chúa Giêsu sống động. Thiên Chúa là Tình Yêu (x. Ga 4,8) và là Đấng yêu thương ta đến cùng (x. Ga 13,1). Nơi Thánh Thể Chúa là tình yêu dành cho nhân loại và chỉ là tình yêu, nên Thánh Gemma Galgani đã nói: “Trên Thiên Đàng có một trường học, trên đó người ta học sao để yêu mến. Trường này là nhà Tiệc ly, Thầy dạy là Chúa Giêsu, và môn học ở đây chính là Thịt Máu Người”. Thánh Phêrô Giuliano Eymard tông đồ Thánh Thể cũng viết: “Được Chúa chiếm đoạt và chiếm đoạt được Chúa là đoạt được tình yêu hoàn hảo”.
Mọi cách diễn tả tình yêu, ngay cả cách diễn tả cao siêu nhất và sâu xa nhất, đều được hiện thực trong Thánh Thể. Đó là tình yêu đã bị đóng đinh, tình yêu liên kết, tình yêu tôn thờ, tình yêu chiêm niệm, tình yêu cầu nguyện và tình yêu thỏa mãn sướng vui. Thánh Bênađô đã ví von rằng: “Thánh thể là tình yêu vượt trên mọi tình yêu”. Còn đối với thánh Tôma Aquinô cho biết, khi ta đón nhận Thánh Thể Chúa, là lúc ta đón nhận chính tình yêu. Vì vậy, ta phải sinh ra tình yêu trong mọi hành động, lời nói nơi cuộc đời của ta: “Thánh thể là nhiệm tích tình yêu, là tình yêu và sinh ra tình yêu” (Thánh Toma Aquino).
II. Thánh Thể, Nguồn Mạch Yêu Thương
Tĩnh tâm là chúng ta đang sống trong bầu khí thánh thiêng để cầu nguyện, gặp gỡ, tâm sự và lắng nghe tiếng Chúa Giêsu gọi mời. Trước Thánh Thể Chúa Kitô giờ này, chúng ta đang đắm mình chiêm ngắm Tình Yêu Thánh Thể.
Một tình yêu hiến mình
Trước khi hoàn tất chương trình cứu chuộc, Ngài đã để lại lời trăn trối cuối cùng:“Thầy sẽ ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chính vì yêu, Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly với các môn đệ. Ngài hiến mình trong tâm bánh nhỏ để nên nguồn sống cho linh hồn con người và ở cùng nhân loại mỗi ngày cho đến tận thế. Thử hỏi có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Thiên Chúa đã biến mình trong tấm bánh tinh tuyền để dưỡng nuôi linh hồn ta mỗi ngày không? Thử hỏi có ai đã yêu thương nhân loại như Đức Giêsu chưa? Trước Thánh Thể Chúa Giêsu lúc này, mỗi tu sĩ trong Hội Dòng chúng ta đã đáp trả lại tình yêu của Ngài đến mức nào? Đời sống mỗi tu sĩ đã nên một với Thánh Thể Chúa Giêsu cách trọn vẹn chưa? Chúng ta đã tôn thờ Thánh Thể đúng với tinh thần là môn đệ của Chúa Kitô chịu đóng đinh chưa?
Giáo Hội khẳng định rằng:“Thánh Thể là trung tâm, là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của mỗi Kitô hữu và của Giáo Hội”. Một linh mục khi chiêm ngắm về Thánh Thể Chúa đã say mê và viết lên rằng: “Bí tích Thánh Thể xuất hiện như là trung tâm điểm qui hướng mọi chiều kích đời sống Giáo Hội, cũng như của con người. Tất cả những Bí tích khác, các thừa tác vụ khác, kể cả các hoạt động tông đồ đều gắn liền và hướng về đó. Vì tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ cách đặc biệt qua việc Đức Kitô hiến ban chính mình nơi Thánh Thể”.
Vì thế, trong Thánh Thể, Chúa Kitô thật sự hiện diện giữa chúng ta và làm cho đức tin của chúng ta lớn mạnh. Như trong những bữa ăn thường, con người trở nên mạnh hơn, nhờ được hấp thụ luơng thực, để biến nó thành một yếu tố của thực tại thân xác mình. Nói như thánh Augustin khi chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể: “Trung tâm là Chúa Kitô, Đấng lôi kéo chúng ta tới Người; Người làm cho chúng ta đi ra khỏi chúng ta để biến chúng ta nên một với Người” (x. Confessions, VI, 10, 16).
Quả thật, trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, ngài đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể„ (1 Cor 10: 17). Vì thế, mỗi người trong chúng ta được trở nên tấm bánh để sẻ chia cho người khác, sau khi lãnh nhận tấm bánh là chính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu từ nơi bàn thánh. Chúng ta được mời gọi trở nên tấm bánh cho người khác. Chẳng hạn: Sức khỏe và khả năng; Thời giờ và tiền bạc; Thiện chí và tình cảm… những thứ mà kẻ ít người nhiều, ai cũng có. Vấn đề chỉ là, ta có sẵn sàng trở nên tấm bánh đời mình cho người khác để chia sẻ những gì ta đang sở hữu hay không mà thôi.
III. Phương Dược Chữa Lành Tâm Hồn Và Thân Xác
- Đấng Sáng Lập say mê Thánh Thể
Quý Soeurs thân mến, Giáo Hội khẳng định Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu và BTTT chính là Bí tích Tình Yêu cứu độ. Chính vì giữ một vai trò quan trọng trong đời sống người Kitô hữu, mà ngay từ đầu, Đấng Sáng Lập của Dòng MTG, Đức Cha Pierre Lambert De La Motte đã một lòng say mê Thánh Thể: Ngài gia nhập Hiệp Hội Thánh Thể (Lịch sử Dòng MTG trang 70) và (Tiểu sử số 26) cho biết: “Đức Cha Pierre Lambert rất tôn sùng Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước nhà tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho vấn đề khó khăn”. Từ những trang lịch sử trên, cho chúng ta khẳng định với nhau rằng: Đức Cha rất yêu mến Thánh Thể, Ngài dành một chỗ ưu tiên trong đời sống của Ngài cho Bí tích Thánh Thể. Ngài tâm sự và bàn hỏi với Chúa Giêsu Thánh Thể mọi việc quan trọng trong vai trò người lãnh đạo giáo đoàn. Với biết bao khó khăn gian khổ của sứ vụ, tôi tin chắc rằng nơi Thánh Thể Chúa, Đức Cha Lambert đã kín múc được nguồn ân sủng cao vời, và chính nơi Thánh thể Chúa, Đức Cha được nâng đỡ, được soi sáng, được yêu thương, được hướng dẫn để Ngài vượt qua mọi gian nan thử thách. Chính Bí tích tình yêu này là phương dược an ủi nâng đỡ và chữa lành Đức Cha Pierre Lambert cả hồn lẫn xác. Chính Bí tích tình yêu này là cái neo và bến đỗ bình an để Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập của Hội Dòng neo đời mình vào đó và đã sống bến bờ bình an nhất.
- BBTT phương dược chữa lành hồn xác chúng ta
Người ta nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Quý Chị có Đấng Sáng Lập vô cùng say mê Thánh Thể. Tôi tin rằng, Quý Chị cũng theo Cha mình, yêu mến và tôn thờ Thánh Thể (Không biết quý Chị có những quy định cụ thể nào như: Chầu Thánh Thể chung, riêng. Viếng Thánh Thể, suy niệm Thánh Thể…) Nhưng chắc chắn một điều: Ở cộng đoàn nào nhà Quý Chị cũng có một nơi cho Chúa Giêsu Thánh Thể ngự. Nơi đó, chính là trung tâm quy tụ Chị Em; nơi đó, chính là nơi Quý Chị gặp gỡ Thiên Chúa; và nơi đó, chính là nơi Quý Chị tìm đến cho mọi sinh hoạt của đời mình cũng như của Hội Dòng. BTTT chính là phương dược thiêng liêng chữa lành hồn xác của Quý Chị khi ai đó đang bị bỏ rơi, hiểu nhầm, đau khổ, thất vọng, mất mát, bất hạnh …
Tìm đến của Ăn Đàng là tìm đến bến bờ bình an nhất, tìm đến con đường duy nhất để gặp gỡ Chúa và sống tình yêu trao ban với Ngài. Nhưng: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy ai ăn mà không phân biệt được thân thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em có nhiều người ốm đau, suy nhược và cũng có lắm người đã chết” (1Cr 11, 28-30).
Mỗi lần rước Thánh Thể Chúa là chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa, chúng ta được xóa bỏ tội lỗi, xóa bỏ án phạt. Vì trước khi đến với BTTT chúng ta phải đến với Bí tích Hòa Giải. Nơi Thánh Thể Chúa, tâm hồn chúng ta được thanh sạch, trong trắng vì chính Ngài là nguồn mạch Sự Sống. Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tâm hồn cho ta. Tay Chúa Giêsu đặt trên người phong cùi, bệnh tật. Lời Ngài mang lại sự sống cho những thân xác thối nát. Ngài trả lại thị giác cho người đui mù, mở tai cho người điếc lác, tháo cởi lưỡi cho người câm lên tiếng, làm cho người bất toại bước đi và cho người chết sống lại. Chính vì Ngài nói: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga10,10). Bệnh tật làm đau đớn thân xác con người, thù hận làm tê liệt con tim, lỗi lầm làm suy nhược con người: Tất cả đều là hậu qủa của tội!
Tất cả những tội lỗi, bệnh tật, yếu đuối, bất trung, bất tín, sa ngã trong phận người Quý Chị đi tìm phương dược chữa lành ở đâu? Quý Chị đến với Thánh Thể Chúa nhưng có xác tín và đặt tất cả khổ đau, bất hạnh và yếu đuối của chính mình vào Thánh Thể Chúa chưa? Có dành chút thời gian riêng tư nào cho Chúa nơi nhà tạm mà Chúa đang ẩn mình chờ mỗi một chúng ta không?
Chúng ta chỉ có thể trung thành với Chúa bằng cách chiêm ngắm Thánh Thể và chia sẻ hoàn toàn cuộc sống của chúng ta mà thôi. Chỉ bằng một sự cảm thông và chia sẻ như thế, chúng ta mới có thể tỏ bày Thánh Thể Chúa Giêsu, nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa.
Với Thánh Thể Chúa Giêsu, Ngài mời gọi chúng ta chờ đợi và nhận biết gương mặt của Thiên Chúa trong mỗi người là anh chị em chúng ta, nhất là những người mà khổ đau làm cho biến dạng.
Với Thánh Thể Chúa Giêsu, Ngài cho chúng ta hiểu được rằng: Chính Thiên Chúa là cội nguồn yêu thương. Chúa bẻ tấm bánh đời mình và ta cũng được mời gọi bẻ tấm bành đời ta cho Chúa và tha nhân.
Với Thánh Thể Chúa Giêsu, Ngài ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng chính Tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân.
Với Thánh Thể Chúa Giêsu, Ngài mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng và phó thác trong tình thương vô biên của Thiên Chúa, để Ngài trở nên phương dược chữa lành những đau đớn, những bầm dập của đời ta.
Thay Lời Kết:
Khi chúng ta nói đến Thánh Thể là nói đến tình yêu, một tình yêu sâu nặng lạ lùng hơn mọi tình yêu, một tình yêu không một ai, không một cách thế nào giải thích được. Người yêu ta, không phải vì ta xứng đáng cho Người yêu, mà chỉ vì có một điều, một điều duy nhất là vì Người là tình yêu. Nói cách khác, lý do của việc Chúa yêu ta không ở nơi ta, nhưng là ở nơi Chúa.
Vì thế, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: khi càng yêu mến Thiên Chúa và cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa bao nhiêu, thì chúng ta lại càng được yêu thương và thành công trong việc yêu thương tha nhân bấy nhiêu. Bởi vì chúng ta sẽ được khả năng trông thấy nơi mỗi người gương mặt của Chúa Kitô, là nguồn mạch yêu thương vô cùng tận.
Chính Thánh Thể Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta cách yêu thương của Ngài và khiến ta gần gủi với tha nhân và hành xử với đôi mắt và con tim của Thiên Chúa. Như lời Chúa đã nói: “Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; … Thực, Ta bảo các ngươi: mỗi lần các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25, 35-40).
Có Một lời kinh thật hay của Thánh Tôma Aquinô, xin phép đọc cho Quý Chị nghe như một lời kết của bài tĩnh tâm hôm nay:
“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, con đang tiến đến với BTTT, Con Một Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Con bệnh tật con đến cùng thầy thuốc sự sống, Con nhơ nhớp con đến cùng suối nhân từ, thương xót, con đui mù con đến cùng ánh sáng hằng hữu, con nghèo khó con đến cùng Thiên Chúa Toàn năng. Vậy con nài xin lòng thương xót từ nhân, xin Chúa chữa con khỏi suy nhược, thanh tẩy con khỏi nhơ bẩn. Soi sáng con khỏi đui mù, cho con thoát khỏi cảnh cùng khốn, được mặc y phục Đức Tin Đức Cậy Đức Mến để khỏi phải trần trụi. Lạy Thiên Chúa nhân từ thương xót, xin cho con hưởng dùng Thánh Thể Con Một Chúa, thân xác sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, để con được gia nhập nhiệm thể là Hội Thánh Ngài và được dự phần trong nước Ngài.”./.
Gợi ý suy niệm
- Bí tích Thánh Thể chứa đựng rất nhiều khía cạnh của đời sống. Vậy, Quý Chị đã, đang và sẽ làm nổi bật khía cạnh nào của Bí tích tình yêu trong chính cuộc đời mình?
- Bí tích Thánh Thể là phương dược chữa lành hồn xác. Vậy, trong tất cả mọi biến cố vui buồn của người nữ tu MTG, Quý Chị tìm đến Thánh Thể như là suối nguồn yêu thương của cuộc đời mình chưa?
- Say mê Thánh Thể chính là sự hiện diện của Chúa nơi Hội Dòng mình. Vậy Quý Chị thực hành thế nào để tình yêu Chúa nơi Bí tích Thánh Thể ngày càng lớn mạnh trong Hội Dòng?
Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD
[1] Lm. Phao lô Vũ Chí Hỷ, SSS. Thánh Thể Bí Tích của Niềm Hy Vọng Cánh Chung Trong Tư Duy Hiện Đại. Tr. 5.