Bí tích Rửa tội, dấu chỉ đức tin Kitô giáo

230
Bài giáo lý thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô về Bí tích Rửa tội.
Vatican, Thứ tư, 19/04/2018

2. BÍ TÍCH RỬA TỘI, DẤU CHỈ ĐỨC TIN KITÔ GIÁO.

Anh chị em thân mến.

Trong mùa Phục sinh này, chúng ta tiếp tục những bài giáo lý về Bí tích Rửa tội. Ý nghĩa của Bí tích rửa tội nổi bật cách rõ ràng do việc cử hành của nó, do đó chúng ta chú ý đến Bí tích này.

Khi nhìn lại những cử chỉ và lời nói của phụng vụ chúng ta có thể gặt hái được ơn thánh và sự dấn thân của Bí tích này, một bí tích luôn cần được tái khám phá. Chúng ta nhớ lại bí tích này lúc rảy nước thánh mà ta làm vào ngày Chúa nhật khi bắt đầu thánh lễ, cũng như việc lặp lại lời hứa rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh. Thật vậy, những gì xảy ra trong khi cử hành Bí tích Rửa tội khơi dậy một sự năng động tinh thần xuyên qua toàn bộ cuộc sống của những người chịu phép rửa; nó là khởi đầu của một tiến trình qua đó cho phép một người sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Giáo hội. Bởi thế, khi trở lại với nguồn mạch của đời sống kitô hữu, mang lại cho chúng ta sự hiểu biết đúng đắn về ơn đã lãnh nhận trong ngày chúng ta chịu Phép rửa và làm mới lại sự dấn thân của chúng ta sao cho phù hợp với điều kiện mà hôm nay chúng ta thấy mình đang có. Đổi mới sự dấn thân, hiểu đúng ơn này, đó là Bí tích Rửa tội, và nhớ đến ngày chúng ta chịu Phép rửa.

Thứ tư tuần trước tôi đã xin mọi người làm bài tập về nhà, nhớ lại ngày Rửa tội, ngày tôi được Rửa tội là ngày nào. Tôi biết rằng một số người trong anh chị em biết ngày đó, số khác thì không; những người không biết ngày này, thì hỏi cha mẹ, hỏi mọi người, hỏi cha mẹ đỡ đầu rằng: “con được rửa tội vào ngày nào?”. Bởi vì Bí tích Rửa tội là một sự tái sinh và nó giống như là sinh nhật lần thứ hai. Anh chị em hiểu không? Hãy làm việc này ở nhà, hãy hỏi cho biết : “Tôi được rửa tội vào ngày nào?”.

Trước hết, trong nghi thức đón nhận, có hỏi tên của ứng viên, bởi vì cái tên cho thấy được căn tính của một người. Khi chúng ta giới thiệu về mình, chúng ta nói ngay tên của mình: “Tên tôi là thế này”, như thế là thoát ra khỏi cái vô danh. Người vô danh là người không có tên. Để bước ra khỏi cái vô danh đó chúng ta giới thiệu ngay tên của mình. Không có tên thì bạn vẫn chưa được biết đến, không có quyền và nghĩa vụ gì. Thiên Chúa kêu gọi mỗi một người qua cái tên, Người yêu thương từng người chúng ta trong cái cụ thể của lịch sử đời ta. Bí tích Rửa tội thắp lên ơn gọi nơi từng người để sống như người kitô hữu, sẽ được phát triển trong suốt cuộc đời. Nó bao hàm một sự đáp trả cá nhân và không vay mượn theo kiểu “cắt và dán”. Thật vậy đời sống người tín hữu được dệt nên bằng một chuỗi những lời kêu gọi và đáp trả: Thiên Chúa tiếp tục kêu tên chúng ta qua từng năm tháng, bằng cách làm vang lên lời mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Con của Ngài, bằng trăm phương nghìn cách. Vì vậy cái tên thật là quan trọng.! Nó rất quan trọng! Những bậc cha mẹ nghĩ đến cái tên để đặt cho con trước khi nó chào đời: đó cũng là một phần của sự mong đợi một đứa trẻ, theo tên của mình, sẽ có được căn tính ban đầu, cũng như đối với cuộc sống kitô hữu gắn bó với Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, để trở thành người kitô hữu là một ơn đến từ trên cao (x. Ga 3,3-8). Đức tin không thể mua được, nhưng phải xin, và lãnh nhận như một ơn. “Lạy Chúa, xin ban tặng cho con ơn đức tin”, đó là lời cầu nguyện tuyệt vời. “Ước gì con có đức tin” đó là lời cầu nguyện tuyệt vời. Ơn thánh phải xin chứ người ta không thể mua được. Cho nên, “Bí tích rửa tội là bí tích của đức tin, qua đó con người được ơn sủng của Chúa Thánh Thần chiếu dọi, hầu đáp lại Tin mừng của Chúa Kitô” (Nghi thức rửa tội trẻ em, phần dẫn nhập, số 3). Việc đào tạo những người dự tòng và chuẩn bị cho các bậc cha mẹ, chẳng hạn như lắng nghe Lời Chúa trong chính việc cử hành Phép rửa, hướng tới việc khơi dậy và đánh thức một đức tin chân thành hầu đáp trả Tin mừng.

Nếu những người dự tòng trưởng thành bày tỏ trực tiếp những gì mà họ muốn nhận lãnh từ Giáo hội như một ơn, thì các trẻ em được cha mẹ và những người đỡ đầu trình bày điều ấy. Cuộc đối thoại với họ, cho phép họ bày tỏ ý muốn cho những đứa trẻ lãnh nhận Bí tích Rửa tội và ý định cử hành phép rửa đối với Giáo hội .

“Biểu hiện của tất cả các điều trên là dấu thánh giá. Vị chủ tế và cha mẹ ghi dấu thánh giá trên trán của các em” (Nghi thức rửa tội trẻ em, phần dẫn nhập, số 16). “Dấu thánh giá diễn tả dấu ấn của Chúa Kitô nơi những ai đang thuộc quyền sở hữu của Ngài và là biểu hiện ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô giành được cho chúng ta nhờ thập giá của Ngài”. (GLCG 1235). Trong nghi thức rửa tội chúng ta làm dấu thánh giá cho các em. Nhưng tôi muốn trở lại với một đề tài mà tôi từng nói với anh chị em. Những đứa trẻ của chúng ta có biết làm dấu thánh giá không? Không ít lần tôi thấy các em không biết làm dấu thánh giá. Và anh chị em, cha mẹ, ông bà nội ngoại, những người đỡ đầu phải dạy cho chúng biết làm dấu thánh giá vì nó lặp lại những gì đã làm trong Bí tích rửa tội. Anh chị em hiểu chưa?. Hãy dạy cho chúng biết làm dấu thánh giá tốt hơn. Nếu các em học được điều này khi còn nhỏ, sau đó nó sẽ thực hiện tốt điều này khi lớn lên.

Thánh giá là dấu hiệu cho biết chúng ta là ai: chúng ta nói, nghĩ suy, nhìn ngắm, hành động dưới dấu thánh giá, nghĩa là hành động dưới dấu thánh tình yêu của Thiên Chúa cho đến trọn đời. Những đứa trẻ thì được ghi dấu trên trán. Những người dự tòng trưởng thành cũng được ghi trên các giác quan, bằng những lời sau: “Con hãy lãnh nhận dấu thánh giá trên tai để lắng nghe tiếng Chúa”; “trên mắt để thấy được gương mặt sáng ngời của Thiên Chúa”; “trên miệng để đáp lại Lời Chúa”; “trên ngực, để Chúa Kitô cư ngụ nhờ đức tin trong tâm hồn con”; “trên vai để mang lấy ách nhẹ nhàng của Chúa Kitô” (Nghi thức gia nhập kitô giáo cho người lớn, số 85).

Chúng ta được trở thành Kitô hữu theo mức độ mà thập giá được ghi dấu nơi chúng ta như một dấu hiệu “vượt qua” (x. Kh 14,1; 22,4), bằng cách làm cho nó hữu hình, ngay cả bên ngoài, cách mà người kitô hữu đối mặt với cuộc sống. Hãy làm dấu thánh giá khi chúng ta vừa thức dậy, trước bữa ăn, khi đứng trước nguy hiểm, bảo vệ chống lại sự dữ, ban đêm trước khi đi ngủ, nghĩa là tự nói với chính mình và cho người khác, chúng ta thuộc về ai, người mà chúng ta muốn là ai. Đó là lý do rất quan trọng để dạy cho trẻ con biết làm tốt dấu thánh giá. Và giống như chúng ta làm khi bước vào nhà thờ, chúng ta cũng có thể làm dấu khi ở nhà, bằng cách giữ bình nước thánh nhỏ – như một số gia đình đã làm. Như thế, mỗi lần chúng ta vào hay ra khỏi nhà chúng ta làm dấu thánh giá với nước ấy, nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta đã được rửa tội. Đừng quên, tôi lặp lại: dạy cho các em nhỏ làm dấu thánh giá.

 2
3
4
5
6

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va