Bí quyết duy trì sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng

68

Người ta nói rằng trong số 100 cặp vợ chồng ra tòa xin ly hôn thì có đến 70, 80 phần trăm trong số họ than rằng họ ly hôn vì không hợp nhau. Tuy cách nói đó có vẻ chung chung nhưng cũng là một bằng chứng cho ta thấy rằng trong đời sống vợ chồng để có được sự hòa hợp lâu bền quả là một điều cực kỳ khó khăn, phức tạp.

Chúng ta đều biết rằng hôn nhân không phải là một đóa hoa hồng xinh đẹp mà là một cuộc chiến đầy cam go, thử thách trong đó hai bạn nam nữ là những chiến binh cực kỳ dũng cảm. Cuộc sống sau đám cưới là những chuỗi ngày phải đấu tranh gian khổ để duy trì hạnh phúc, bình an trong gia đình. Sớm muộn người ta sẽ phải trải qua những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” hay những tình huống dở khóc dở cười “ông nói gà, bà nói vịt”, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”…

Tác giả Dale Carnegie trong quyển “Tâm lý vợ chồng” khi đề cập đến những va chạm hằng ngày xảy ra trong cuộc sống lứa đôi đã viết như sau: “Cuộc sống vợ chồng là một cuộc sống tế nhị, con người khi lập gia đình phải hiểu được những khó khăn, phiền phức trong cuộc sống lứa đôi đó, mới có thể mang lại cho nhau nguồn hạnh phúc chân thật đúng như lòng mình mong muốn. Yêu tức là thừa nhận, yêu là tha thứ, đó là một chuyện đương nhiên không ai không biết, nhưng không phải vì thế mà câu chuyện vợ chồng trở thành đơn giản, mọi người đều thừa biết là thế, song cuộc sống vợ chồng vẫn là một cuộc sống phiền toái luôn luôn phức tạp…”.

Có người đã nói, “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Đúng vậy. Rắc rối thường xảy ra nhất có lẽ là sự bất đồng tâm lý và cách ứng xử giữa hai người. Có những bất đồng nho nhỏ về chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Nhưng cũng có những bất đồng nặng nề liên quan những vấn đề lớn trong gia đình như chọn chỗ ở, thay đổi nghề nghiệp, giáo dục con cái, việc chi tiêu trong gia đình, việc dựng vợ gả chồng cho con cái vv.

Tuy nhiên, trước những bất đồng, xung khắc, mâu thuẫn nào đó trong đời sống vợ chồng, nếu đôi bạn biết tìm ra những cách thức giải quyết cơ bản nhất thì tất cả những rắc rối sẽ dần được hóa giải. Trên hết, vẫn là dựa vào tình yêu mà hai người đã đoan hứa dành cho nhau ngày kết hôn. Chính tình yêu là chìa khóa giúp giải quyết mọi vướng mắc của cuộc sống lứa đôi, như ca dao có câu: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Sau đây, ta có thể liệt kê một số bí quyết nhằm giúp duy trì sự hòa hợp, hòa thuận lâu dài giữa hai vợ chồng.

1- Nhận biết và tôn trọng sự khác biệt của nhau

Khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, các bạn phải nhận biết ngay những khác biệt của người bạn đời mình. Sự khác biệt về giới tính (nam-nữ), khác biệt về tâm-sinh lý, về cá tính, về tính cách, về tuổi tác, về nghề nghiệp, về địa vị xã hội, về truyền thống gia đình, về nền tảng văn hóa, về tôn giáo, về nhân sinh quan, về sở thích, về khuynh hướng, về mối quan hệ xã hội vv.

Sự khác biệt vợ chồng là lẽ tự nhiên. Nó chẳng những không làm mất đi sự hòa hợp, trái lại đó chính lại yếu tố khiến cho bản thân vợ và chồng bổ trợ, nâng đỡ nhau, đồng thời giúp cho đời sống hôn nhân thêm phong phú, khởi sắc.

Chúng ta phải khẳng định một điều là hòa hợp vợ chồng không phải là sự hòa tan, là sự đồng hóa hai cá thể thành một hay là sự đánh mất cái bản sắc riêng độc đáo của từng người. Trái lại, ý nghĩa đích thực của hòa hợp chính là “sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau, nên có thể người hiền lành lại chấp nhận lấy một người tính tình nóng nảy, hai người sống với nhau ít khi nổi xung, bởi vì người hay nổi nóng luôn luôn được tính hiền lành làm nguội lạnh đi các cơn thịnh nộ vô lý. Vậy hòa hợp chính là thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau”. [1]

Do đó, một khi chúng ta đã nhận ra sự khác biệt tất yếu giữa nam nữ, thì chúng ta phải biết tôn trọng người bạn đời của mình với tất cả thực tại cá nhân của họ. Mặc dù giữa nam và nữ luôn tồn tại muôn vàn khác biệt, nhưng họ chấp nhận hôn ước để kết hợp thành đôi-vợ-chồng, để sống với nhau suốt đời. Tình yêu là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho đôi bạn chấp nhận nhau, nương tựa nhau, khích lệ nhau. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là cuộc hôn nhân trong đó hai người nam nữ, thay vì loại trừ nhau do khác biệt giới tính, thì lại bổ sung cho nhau. Họ chấp nhận “tương khắc” chứ không “xung khắc”. Ca dao VN có câu: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Đó là ý nghĩa của việc nên-một-với-nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị trong cộng đồng gia đình. “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai”.

2- Sẵn sàng chấp nhận vai trò của nhau

Theo tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Ki-tô” thì chúng ta cần nhìn nhận điều này: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Vì hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân…”. Và “Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy…” [2]

Trong đời sống hôn nhân gia đình, mối quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái mặc nhiên được xác lập, và từ đó hình thành sự phân công phân nhiệm của từng người. Chẳng hạn, thông thường người vợ sẽ lo việc chăm sóc con cái, đảm nhận việc nhà (nội tướng), trong khi người chồng làm việc ngoài xã hội (ngoại tướng), kiếm tiền nuôi gia đình, đồng thời giữ vai trò “thủ trưởng” của đơn vị tiểu-gia-đình mình. Như ông bà ta thường nói, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Sự phân công là như vậy. Nhưng trên thực tế, hiện nay, do điều kiện kinh tế và hoàn cảnh xã hội thay đổi, nhiệm vụ “chuyên trách” truyền thống của vợ chồng có thể không như xưa. Trong khi người vợ tần tảo ngoài xã hội thì có thể ông chồng phải ẩn mình trong bốn bức tường ngôi nhà mình. Việc kiếm tiền sẽ do phụ nữ, còn việc nội tướng sẽ do đàn ông. Tuy nhiên, dù tình hình có thay đổi thế nào đi nữa, thì chồng vẫn là chồng, vợ vẫn là vợ. Và mỗi người phấn đấu làm tốt công việc của mình. Người ta thường nói: “Kẻ xay lúa, người bồng em” là vậy.

Dù ai làm gì và làm cách nào thì vợ chồng như đũa có đôi. Họ đồng thuận trong chí hướng và hành động để đạt mục tiêu kiến tạo gia đình hạnh phúc, ấm no. Trong khi mỗi người chu toàn trách vụ của riêng mình thì cả hai cũng đều cố gắng tôn trọng vai trò, chức năng của bạn mình. Đã xa rồi cái thời phu xướng phụ tùy (chồng làm gì vợ cũng làm theo) hay lệnh ông không bằng cồng bà (đàn ông sợ vợ).

Khi hai người tôn trọng vai trò của nhau, mối quan hệ vợ chồng luôn được duy trì một cách hài hòa và đồng thuận. Không còn kẻ trên người dưới. Không còn kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp nữa! Xin được nhắc lại câu này, “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing).

3- Tích cực bổ trợ cho nhau

Như trên đã nói, sự khác biệt vợ chồng không ngăn cản chúng ta giúp nhau thăng tiến về mọi mặt. Vợ chồng cần nhau để bổ trợ cho nhau bởi vì trên đời này không ai là hoàn hảo, toàn mỹ cả. Người thì dư cái này nhưng lại khuyết cái kia. Người thì giỏi lãnh vực này nhưng lại yếu mặt kia. Chồng có thể là tấm gương cho vợ noi theo, vợ có thể là bài học cho chồng học hỏi.

Thực vậy, “Hai vợ chồng phải biết giúp đỡ và bổ túc cho nhau. Mỗi người cố gắng phát triển những đức tính mà thiên nhiên đã phú bẩm để giúp họ chu toàn phận vụ của mình trong đời sống hôn nhân.

Người chồng phải trau dồi và phát triển những đức tính cần thiết cho một người chủ trong gia đình. Những đức tính đó là khách quan trong phán đoán, cứng rắn trong quyết định, kiên trì trong các dự tính, bền chí trong việc làm và biết nhìn xa. Nói chung, người chồng phải trau dồi và phát triển những đức tính bảo đảm được sự làm chủ của lý trí và ý chí trên tình cảm và những thúc đẩy của bản năng.

Về phía người vợ, những đức tính cần thiết cho một người vợ phải là nhạy cảm để thấy được những nhu cầu, chú ý và quan tâm đến những nét đặc thù của con người, cảm thông với những khổ đau của người khác, tế nhị trong cách đối xử, lắng nghe và nhất là không lãng quên. Nói chung, những đức tính mà người vợ cần trau dồi là những đức tính nói lên sự hiện diện thường xuyên của một quả tim đang yêu”. [2]

4- Biết lắng nghe và đối thoại để tạo sự đồng cảm

Lắng nghe và đối thoại là điều hết sức quan trọng và cần thiết đề xây dựng và phát huy sự hòa hợp giữa hai vợ chồng. Hôn nhân không phải là đặt hai bức tượng cạnh nhau để rồi giữa hai cá thể không tương tác, không đối thoại, không lắng nghe, không đồng cảm.

Tác giả Minh Nguyên, trong bài “Đối thoại trong hôn nhân” đã viết như sau:

“Trong hôn nhân, đối thoại lại càng quan trọng hơn, thiếu đối thoại hay đối thoại không đúng sẽ đưa đến hiểu lầm, buồn giận và ngăn cách. Đối thoại quan trọng như thế nên có người đã nói: Đối thoại đối với tình yêu cũng như dòng máu đối với sự sống, không thể thiếu được. Nói một cách khác, thân thể cần máu để sống và tăng trưởng thể nào thì đối thoại cũng cần cho mối quan hệ giữa ta với người ta yêu thể ấy. Nếu muốn hôn nhân được ngọt ngào, tốt đẹp, đường dây đối thoại giữa vợ chồng phải được tốt đẹp. Khi đối thoại bế tắc, vợ chồng không trò chuyện trao đổi với nhau, hôn nhân đó sẽ gặp khó khăn.

“Đối thoại là gì mà quan trọng như thế? Tiến sĩ Norman Wright, trong một bài học dành cho các bạn trẻ sắp lập gia đình, đã định nghĩa đối thoại như sau: Đối thoại là một tiến trình qua đó ta bày tỏ chính mình bằng lời nói, thái độ và cử chỉ, để người nghe có thể tiếp nhận và hiểu những điều ta bày tỏ. Nói một cách khác, đối thoại là dùng lời nói và cử chỉ, chia sẻ tư tưởng, cảm xúc của ta một cách rõ ràng để người kia có thể hiểu được. Để đối thoại mang lại kết quả tốt đẹp, chúng ta không những cần nói nhưng cũng cần có người lắng nghe.

“Trong hôn nhân, sở dĩ có những lúc vợ chồng phiền giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói, mà cũng có khi vì không có ai lắng nghe.

“Những người mới yêu nhau trò chuyện với nhau rất nhiều. Họ mong gặp nhau mỗi ngày, và khi gặp thì trao đổi với nhau nhiều điều. Lắm khi chỉ nhìn nhau chứ không nói một lời nào nhưng vẫn hiểu nhau và cảm thấy gần nhau. Khi còn là người yêu của nhau, nếu có điều gì hiểu lầm hay phiền giận chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua, vì đang sống trong tình yêu và đang cùng hướng đến một mục đích, đó là hướng đến ngày cưới. Tuy nhiên, khi nên vợ chồng rồi, khi có điều buồn giận chúng ta không dễ làm hòa với nhau và vì đời sống bận rộn, chúng ta cũng ít có thì giờ trò chuyện với nhau. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và chết.” [3]

5- Biết hòa giải đúng cách, đúng thời điểm

Có người đã nhận định một cách chua chát: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder). Có lẽ trong nhiều trường hợp điều đó không sai. Bởi vì một hay cả hai bạn đều muốn là kẻ chiến thắng trong cuộc tranh cãi vụn vặt thường ngày. Vợ chồng thay vì “hút” vào nhau, thì họ lại bị đẩy xa nhau do những thành kiến, định kiến hay bất đồng này nọ.

Trong đời sống cộng đồng gia đình, vợ chồng nếu muốn yên lành, êm ấm thì tốt nhất là nên dĩ hòa vi quý. Một trong những phương cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất, đó là biết nhượng bộ “đối tác” của mình và biết giữ im lặng khi cần thiết.

Có một nguyên tắc thế này: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson). Nguyên tắc này chắc chắn sẽ giúp hai bạn tránh được rất nhiều nguy cơ đổ vỡ do những bất đồng xảy ra thường nhật. Hoặc, “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê” (Ca dao VN).

Bên cạnh đó, khi cần thiết, hai bạn nên áp dụng nguyên tắc vàng, đó là im lặng. Sự im lặng sẽ giúp giải tỏa những hờn giận, nghi kỵ, xung đột nào đó trong cuộc sống chung vợ chồng. Hãy nhớ rằng: “Phân nửa những ‘vấn đề’ trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng” (Khuyết danh).

Ngoài ra, chúng ta biết rằng khi xung đột, mâu thuẫn xảy ra, chúng ta phải biết tùy thời điểm thích hợp để giải quyết, vì nếu không chọn thời điểm thích hợp thì có khi chuyện nhỏ thành to, chuyện đơn giản thành phức tạp. Cuối cùng chúng ta không đạt được mục đích theo ý mình muốn.

Thực vậy, “Lựa chọn thời điểm để hóa giải mâu thuẫn là một điều rất quan trọng. Hãy quyết định trò chuyện khi cả bạn và đối phương đều đã bình tĩnh, bớt tức giận. Bởi vì khi đó đôi bên mới có thể suy nghĩ thấu đáo những lời người kia nói và thấu cảm, đồng cảm với nhau. Nếu như bạn đời của bạn vẫn đang bực bội, khó chịu trong người, đừng vội phân trần hay giải thích với người ấy bất kỳ điều gì vì điều đó chỉ gây phản tác dụng. Thay vào đó, hãy làm những hành động thể hiện sự quan tâm dành cho đối phương, để người ấy cảm nhận được tình cảm chân thành từ bạn. Ví dụ như làm bữa ăn tối, hay pha cho người ấy một cốc nước trái cây mà người ấy thích, hoặc nếu có thể, đàn hát một bài hát như một lời nhắn nhủ sẽ giúp đối phương nhanh chóng bình tĩnh trở lại”. [4]

6- Thương nhau chín bỏ làm mười

Để luôn có sự hòa hợp vợ chồng, chúng ta cần xác định rằng hôn nhân là một cam kết sống chung đến hết đời và là một cuộc đồng hành dài hơi, nên những khó khăn, phức tạp, va chạm là điều dễ xảy ra. Chẳng hạn như một câu nhận xét sau: “Hôn nhân là gặp nhau, lấy nhau và sau đó là cãi nhau”. Những cuộc cãi vã, hờn dỗi do mâu thuẫn, bất đồng, bất hòa từ những chuyện vụn vặt thường ngày giữa hai vợ chồng có thể kéo dài từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến sự đổ vỡ không thể hàn gắn được.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng tình yêu sẽ chiến thắng tất cả vì tình yêu có sức mạnh hóa giải mọi khác biệt, mọi bất đồng, mọi mâu thuẫn. Tục ngữ VN có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Điều đó có nghĩa là khi yêu nhau thực tình, đôi bạn sẽ vượt qua mọi phiền toái, khó khăn trong cuộc sống chung, để cùng xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bình an.

Xét thực tế, hai bạn phải biết học cách nhượng bộ nhau, học im lặng để lắng nghe bạn đời mình, học chia sẻ để chứng tỏ sự quan tâm của mình, học tha thứ để hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ, học quảng đại để biết cho đi nhiều hơn là nhận lại. Như câu nói sau: “Chỉ tình yêu mãnh liệt mới có thể xua tan những hiểu lầm vụn vặt nảy sinh trong cuộc sống chung“ (Theodore Dreiser). Và “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ dàng tan vỡ bấy nhiêu” (G. Lombroero)./.

Aug. Trần Cao Khải

_____________

[1] Nguyễn Đình Xuân – Tâm lý học tình yêu gia đình – NXB GD 1993

[2] D. Wahrheit – Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô – MVGĐ

[3] Nguồn: ubmvgd.org

[4] Bài “7 quy tắc vàng giúp chị em hóa giải mâu thuẫn vợ chồng” – Nguồn: giadinh.net.vn