Bệnh “tâm thần phân liệt hoang tưởng” trong đời sống dâng hiến

180

Cách xa nơi đông vui náo nhiệt của cao nguyên Lâm Viên là thị xã Đức Trọng – Lâm Đồng với những con đường uốn lượn rợp bóng thông reo. Đi sâu vào con đường đất đỏ ven đồi, dưới thung lũng xanh lúa, và sườn đồi cà phê rợp bóng, là chốn bình yên ẩn khuất để đón những con người “không bình thường”. Cuộc đời ồn ào, khổ đau, cạnh tranh khốc liệt ngoài kia, bỗng khiến họ một ngày nào đó chẳng còn nhận ra mình. Mọi sự chẳng còn hiện hữu như vốn có, mà có cũng như không, không mà như có, không tính cách, chẳng trí tuệ, chỉ còn những cơn điên loạn gào thét bất thường. Họ gần ba trăm con người, những bệnh nhân tâm thần ở thể nặng, không người thân nào cưu mang, khó có khả năng phục hồi. Những khi tỉnh tỉnh chút, có người nhận mình từng là giáo viên, doanh nhân, sinh viên, ca sĩ, đại gia…

Có khi nào trong đó có tôi không? Vì đôi khi tôi cũng sống trong “hoang tưởng”, nghĩ mình phải là thế này, phải là thế nọ, phải nắm được chức vụ này, phải giữ cho được địa vị kia. Mặc dù tôi “bất tài vô đức” nhưng vẫn nghĩ rằng “chỉ có mình là xứng đáng” và “mình không làm thì ai làm được?” Rồi vì không được như mình tưởng, cho nên tôi đâm ra chán đời giận người. Tôi bị bệnh “hoang tưởng” thật rồi. Tôi có hơn gì những bệnh nhân ở trại tâm thần này đâu!

Ấy thế mà nơi đây còn giữ một câu chuyện rất đẹp. Có một sư cô bị điên. Nhà Chùa phải đưa cô lên rừng vì ở đồng bằng đã làm mọi cách cứu mà không được. Chốn cô tịnh tu hành, chẳng lẽ để cô phá phách la hét hay sao ? Họ gởi cô tới đây với chút hi vọng được yên ổn. Cô dọn một góc nhỏ thờ Đức Phật Thích Ca. Mỗi ngày cô tụng kinh ê a, trong khi hàng trăm bệnh nhân khác cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều.

Vài tháng sau, tự nhiên cô dõng dạc tuyên bố: “Các người bắt kinh không có hay. Từ nay tôi phải dẫn kinh cho mấy người mới được!” Và thật lạ lùng, cô thuộc kinh làu làu. Hóa ra khi cô niệm Phật ê a, thì tai cô, trí cô lại thu lượm và nhớ thuộc lòng chuỗi kinh lòng thương xót Chúa. Cô dẫn kinh lòng thương xót rất hay. Mọi bệnh nhân dù là Công Giáo, Tin Lành, người Kinh, người K’hor, đều nghe cô răm rắp !

Nơi đây không ai có thể giải thích một hiện tượng rất lạ lùng. Cho dù suốt ngày suốt đêm các bệnh nhân chìm trong cơn điên cuồng, nhưng duy nhất có quãng thời gian trong ngày họ rất tử tế và rất hiền, đó là giờ cầu kinh lòng thương xót Chúa lúc ba giờ chiều.

Sau một thời gian làm “bà quản kinh”, dẫn kinh lòng thương xót cho các nữ bệnh nhân mỗi 3 giờ chiều tại đây, sư cô được khỏi bệnh, tỉnh táo. Nhà Chùa và các phật tử tới rước cô về. Họ bảo cô muốn đọc kinh Chúa, kinh Phật cũng được, miễn cô khỏi bệnh là ân phúc rồi.

Ôi, từ chốn gọi là điên rồ nhất đã phát sinh những sự tuyệt vời, mà kẻ nhận mình tỉnh táo như tôi phải ngỡ ngàng quá đỗi. Huyền diệu thay, lòng Chúa xót thương!

Trở về nhà, tôi cất công tìm hiểu thêm về chứng bệnh gọi là “tâm thần phân liệt hoang tưởng”. Đó là một căn bệnh tâm thần mãn tính, trong đó một người bị mất liên lạc với thực tế, có ảo tưởng và nghe những điều không có thực, thính giác ảo giác.

Ảo tưởng là tự quan trọng hoặc hạ mình, tin rằng đang nổi tiếng hay là có mối quan hệ với một người nổi tiếng. Giữ những niềm tin sai sự thật mặc dù chứng cứ ngược lại. Một mối bận tâm với một hoặc nhiều ảo tưởng.

Thính giác ảo giác là nhận thức về âm thanh – thường là tiếng nói mà không ai nghe thấy nhưng có vẻ thực sự. Những tiếng nói này thường khó chịu. Có thể có những lời chỉ trích liên tục những gì đang suy nghĩ hoặc làm, hoặc có ý kiến độc ác thật hay tưởng tượng về những lỗi lầm.

Những người bị tâm thần phân liệt hoang tưởng, có thể không nhận ra mình cần giúp đỡ hoặc có triệu chứng. Điều này là do ảo tưởng hoặc ảo giác có vẻ rất thực tế. Điều trị bằng cách cố gắng lấy hết can đảm để tâm sự với một ai đó, đó có thể là người thân yêu, tin tưởng, người chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, một nhà tư vấn, một vị linh hướng, hay ai đó trong cộng đồng đức tin.

Tôi lại chạy đến với Đức Thánh Cha Phanxicô thì thấy bệnh của tôi nằm trong 15 căn bệnh đã được ĐTC bắt mạch kê toa. Đó là bệnh hoang tưởng tâm thần phân liệt trong cuộc sống (existential schizophrenia).

Theo ĐTC, đó là bệnh của những người sống hai mặt, sống một cuộc đời nước đôi (double life). Đó là hậu quả của một thứ giả hình chính hiệu, của một kẻ sống tầm thường, và dần dần đời sống tâm linh trở nên trống rỗng, cho dù khoa bảng, bằng cấp, chức tước, địa vị, cùng với các danh hiệu hàn lâm cũng không thể nào khỏa lấp được.

Đây là một thứ bệnh thường xảy ra nơi những người bỏ bê việc mục vụ, và chỉ giới hạn vào những công việc bàn giấy, thủ tục hành chánh, thu mình vào tháp ngà yên ổn với các công việc quan liêu, luật lệ cứng ngắc, đánh mất sự tiếp xúc với thực tại, với những con người cụ thể. Với cách sống như thế họ tạo cho mình một thế giới song song, một thứ thế giới lưỡng diện (a parallel world), trong đó họ gạt qua một bên tất cả những gì họ nghiêm khắc dạy dỗ người khác, và sống một cuộc đời kín đáo nhưng thường là phóng đãng.

Chết thật! Chắc tôi bị bệnh đó rồi! Vậy mà xưa đến giờ không biết, cứ tưởng mình ngon lành lắm! ĐTC đã bắt đúng bệnh của tôi. Thảo nào tôi thấy lòng mình bất an. Có cái gì đó không thật nơi tôi. Dường như tôi đang sống trong “thế giới ảo”! Khoa học kỹ thuật càng tinh vi bao nhiêu, càng đưa con người xa rời thế giới thật bấy nhiêu. Tất cả đều có và chỉ có trên mạng, trên internet, trên màn hình vi tính, còn trên thực tế người ta chẳng nắm bắt được gì! Từ những chuyện kinh doanh làm ăn buôn bán, trao đổi hàng hóa tiền bạc… cho đến những chuyện chia sẻ tình cảm, kết bạn, trao đổi tâm tình, cái nào thật, cái nào ảo, có ai biết chắc được đâu!

Rồi bây giờ thế giới ảo đó ảnh hưởng đến cả đời sống tâm linh của tôi nữa. Tôi sống 2 mặt trong một con người. Bề ngoài ai cũng thấy tôi đạo mạo, đạo đức, xúng xính với bộ áo dòng, với cuốn sách kinh trên tay. Trên tòa giảng, tôi trổ tài hùng biện, khoa chân múa tay, dạy dỗ răn bảo giáo dân rất hay. Ai cũng khen tôi… khéo nói! Thế nhưng khi rời tòa giảng, tôi cũng để lại đó tất cả những gì tôi đã nghiêm khắc dạy dỗ người khác, tôi sống cái thế giới của riêng tôi, cho tôi, mà chẳng cần quan tâm đến ai. Tôi bỏ bê việc mục vụ, đi du lịch hết nước này đến nước kia cho sướng, tìm đủ cớ để xuất ngoại, nào là “đi cho biết đó biết đây, ở nhà ôm xứ biết ngày nào khôn?”; nào là đi vận động quyên góp để sửa chữa, xây cất cơ sở, nơi thờ phượng; nào là đi tu học để rửa bằng, để có bằng cấp nước ngoài cho oai với thiên hạ, để dễ bề thăng quan tiến chức! Cứ đi học “nước ngoài” là ngon hơn “nước trong” rồi, bất kể học hành thế nào, tiếp thu được những gì, áp dụng ra sao những điều đã học.

Thích bay nhảy, sính bằng cấp, ham chức tước, trọng hình thức, khoái bề ngoài… dần dần đời sống nội tâm của tôi cạn kiệt, đời sống đạo đức của tôi khô như ngói. Tôi không kiên trì làm được việc gì tốt lành. Tôi mau chán, dễ gắt gỏng cáu kỉnh vô cớ.

Tệ nhất là tôi “nói một đàng, làm một nẻo”, những gì tôi giảng dạy không ăn nhập gì đến những gì tôi sống. Tôi sống một thế giới “lưỡng diện”. Thay vì “khắt khe vơi mình, dễ dàng với người” thì tôi lại “khắt khe với người, dễ dãi với mình”. Chúa nói rất đúng về căn bệnh “giả hình chính hiệu” này của tôi: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các ngươi nuốt hết tài sản của bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn… Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ… Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!…” (Mt 23, 13-32)

Căn bệnh “ảo tưởng” rất trầm trọng này nếu không chữa trị kịp thời bằng việc hoán cải, là điều rất cần thiết và không thể thiếu được, thì sẽ lây lan sang một thứ bệnh khác mà ĐTC gọi là “Bệnh Thần Thánh Hóa Giới Lãnh Đạo-Thần Tượng Hóa Bề Trên” (divinizing directors). Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên, ve vãn các vị Bề Trên của mình, nịnh hót để lấy lòng của các vị, hy vọng được ban bố “ơn mưa móc”. Họ là loại người tham danh vọng (careerism), chộp bắt cơ hội, xu thời (opportunism). Họ tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa. Những người mắc căn bệnh này quên mất lời nhắc nhở của Chúa Giêsu: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘rap-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha của anh em trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một người lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,8-12).

ĐTC chỉ rõ những người mắc bệnh này là những người khi phục vụ chỉ nghĩ đến điều mà họ “phải đạt” cho bằng được, chứ không nghĩ tới điều mà họ “phải làm”. Những người này bủn xỉn, nhỏ nhặt, hèn hạ, và chỉ hành động vì cái tính vị kỷ quái ác của họ. Đó là căn bệnh của những người sống theo tính xác thịt, theo thói thế gian, chứ không theo sự hướng dẫn của Thần Khí, như thánh Phaolô tông đồ viết cho tín hữu Galat: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy anh em không còn thỏa mãn những đam mê của của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh cãi, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau.” (Gl 5,16-26).

Những người sống “hai mặt” thì “đội trên đạp dưới”. Một mặt thì khom lưng, luồn cúi, nịnh bợ, lấy lòng cấp trên. Mặt khác thì tác oai tác quái, chà đạp, o ép, bắt nạt người dưới.

ĐTC cho biết, bệnh này cũng có thể xảy ra cho cả các cấp trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên để được sự tuân phục, trung thành và tùy thuộc về tâm lý. Bệnh này cũng có thể tấn công cả thành phần Bề Trên nữa, khi các vị ve vãn bề dưới để chiếm được lòng thuần phục của họ, chiếm được lòng trung thành của họ. Các vị ấy ban cho bề dưới những “đặc quyền, đặc lợi”, ưu ái họ hơn những anh chị em khác trong cộng đoàn, để họ luôn lệ thuộc và thần phục bề trên một cách “tối mặt”, mù quáng. Thậm chí các vị ấy còn dùng cả biện pháp chính trị, là “vận động hành lang” với những lời hứa hảo để kiếm phiếu, để được đắc cử, tái đắc cử, để củng cố địa vị, nắm chắc quyền lực… Nhưng kết quả cuối cùng là một sự đồng lõa với nhau thực sự, một “liên minh ma quỷ” chỉ để lợi dụng lẫn nhau mà thôi.

Triệu chứng của “bệnh hoang tưởng tâm thần phân liệt” là “thính giác ảo giác” khi tai tôi thích nghe những lời ngon ngọt, lời đường mật, lời nịnh hót, lời tâng bốc cho tôi lên “chín tầng mây xanh”. Chung quanh tôi chỉ toàn những nịnh thần, không ai dám nói thẳng nói thật với tôi, vì sợ mất lòng cấp trên, sợ bị “đì sói trán”! Từ đó tôi sống trong “ảo tưởng”, không thấy được bộ mặt thật của mình, sống xa lìa thực tế, không gần gũi với những người thấp cổ bé miệng, không bênh đỡ những người bị ức hiếp chèn ép, bị đối xử bất công. Tôi tiếp tay với những người có chức có quyền gạt họ ra ngoài lề cộng đoàn không một chút thương tiếc, không mảy may chạnh lòng xót thương.

Nếu sống hai mặt như thế trong đời sống dâng hiến, thì làm sao tôi cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, mà trở thành dụng cụ đem ơn cứu độ cho anh em?

Trong buổi tiếp kiến sáng 29-5-2015 dành cho 50 Hồng Y, Giám Mục và linh mục, tu sĩ tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, Đức Thánh Cha khẳng định Năm Thánh Lòng Thương Xót có mục đích làm nổi bật hơn hồng ân Lòng Thương Xót của Chúa. Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

“Con người ngày nay đang mong đợi Giáo Hội biết đồng hành với họ, cống hiến cho họ chứng tá đức tin, khiến Giáo Hội liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt là những người cô đơn và bị gạt ra ngoài lề. Bao nhiêu người nghèo đang chờ đợi Tin Mừng giải thoát! Bao nhiêu người bị đẩy ra những vùng ngoại biên cuộc sống do xã hội tiêu thụ gây ra, đang chờ đợi sự gần gũi và tình liên đới của chúng ta!”

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc các tín hữu phải cảm nghiệm cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình để trở thành dụng cụ cứu độ cho anh chị em.

Thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Oscar Romero ngày thứ bảy 23-05-2015 tại quảng trường Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc ở San Salvador, thủ đô của El Salvador, có 7 Hồng Y, 90 Giám Mục và hơn 1,000 linh mục tham dự, cùng với một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có tổng thống Ecuador và tổng thống Panama, đã thu hút 250.000 người.

ĐTC Phanxicô đã gửi đến Đức Cha José Luis Escobar Alas, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục El Salvador, một lá thư, Ngài viết:

“Đức Cha Romero đã xây dựng hòa bình bằng sức mạnh của tình thương, làm chứng về đức tin bằng cuộc sống hiến thân đến cùng…

“Trong hòan cảnh rất khó khăn, Đức Cha Romero đã hết lòng hướng dẫn, bênh đỡ và bảo vệ đoàn chiên, luôn trung thành với Tin Mừng và hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Sứ vụ của Đức Cha Romero trổi vượt vì sự quan tâm đặc biệt đối với những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề…

“Tiếng nói của vị Tân Chân Phước tiếp tục vang vọng ngày nay để nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, là cộng đồng anh chị em được tập hợp quanh Chúa, là gia đình của Thiên Chúa, trong đó không được có sự chia rẽ nào. Đó là điều mà Giáo Hội ngày nay tại El Salvador, Mỹ Châu và trên toàn thế giới đang được kêu gọi thực thi: một Giáo Hội giàu lòng thương xót, được biến thành men hòa giải cho xã hội.

“Đức Cha Romero mời gọi chúng ta sống hợp với lương tri, tôn trọng sự sống và hòa hợp. Cần từ bỏ “bạo lực gươm giáo, bạo lực oán thù”, và sống “sức mạnh của tình thương mà Chúa Kitô chịu đóng đanh trên thập giá đã để lại, sức mạnh làm cho mọi người vượt thắng ích kỷ và để không còn những chênh lệch tàn bạo giữa chúng ta”.

Đức Cha Romero đã sống rất thật khi luôn “quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề”, còn tôi sống rất ảo khi chỉ quan tâm đến những người giầu có, quyền cao, chức trọng.

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-5-2015, dành cho 16 Giám Mục nước Mozambique, ĐTC khích lệ các vị tăng cường mục vụ tại những miền “ngoại ô” của giáo phận và của cuộc sống con người: “Anh em hãy đi vào lòng cộng đoàn tín hữu của anh em, cả trong những khu ngoại ô của giáo phận thuộc quyền, và trong mọi “cảnh vực bên lề” của cuộc sống, nơi có nhiều đau khổ, cô đơn và lầm than của con người. Giám Mục nào sống giữa đoàn chiên của mình, thì có đôi tai rộng mở để lắng nghe tiếng nói của đoàn chiên.”

Người mục tử cần có đôi tai rộng mở để chăm chú nghe tiếng nói, tiếng than thở, than khóc của những con chiên cô đơn lầm than, chứ đâu phải để nghe những lời tâng bốc nịnh hót của sói rừng đội lốt chiên non!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Cuba, Raul Castro, vào sáng Chúa Nhật 10-05-2015 gần một giờ trong đại thính đường Phaolô VI, và tặng cho tổng thống một bản sao của Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, một huy chương lớn khắc hình Thánh Martin đang bao bọc người nghèo với chiếc áo choàng của mình.

Raul Castro rất vui mừng đón nhận món quà này, vì nó nhắc nhớ nhiệm vụ của ông không chỉ giúp đỡ và bảo vệ người nghèo, mà còn tích cực đề cao phẩm giá con người. Ông sẽ có mặt tại tất cả các Thánh Lễ do Đức Thánh Cha cử hành trong thời gian ĐTC thăm Cuba vào tháng 9-2015.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc tiếp kiến với ĐTC Phanxicô, tổng thống Raul Castro nói về sự cởi mở của đảng Cộng sản Cuba với niềm tin tôn giáo: “Tôi xuất thân từ đảng cộng sản Cuba, là đảng không cho phép các đảng viên theo đạo, nhưng bây giờ chúng tôi đã bỏ lệnh cấm đoán này, đó là một bước quan trọng… Nếu Đức Giáo Hoàng giữ vững đường lối hiện nay, tôi sẽ theo đạo Công Giáo!”

Raul Castro, cũng như những người chân chính ngày nay, không “Thần Thánh Hóa Giới Lãnh Đạo – Thần Tượng Hóa Bề Trên” nữa. Họ chỉ “tâm phục khẩu phục” nếu những vị bề trên, những người lãnh đạo, “giữ vững đường lối” như ĐTC Phanxicô, nghĩa là sống những điều mình giảng dạy, và chỉ giảng dạy những điều mình sống mà thôi. Nếu tôi không sống trung thực như thế, mà cứ sống “hai mặt”, sống giả hình, thì dù có khéo che đậy cách mấy, trước sau mặt nạ cũng rớt, thần tượng cũng sụp đổ, căn bệnh tâm linh “hoang tưởng” trầm kha sẽ vô phương cứu chữa.

Ôi! Năm “Đời Sống Dâng Hiến” đã được một nửa đường rồi, mà tôi vẫn dậm chân tại chỗ, với “lối sống hai mặt”, giả hình chính hiệu, trong căn bệnh “tâm thần phân liệt – thể hoang tưởng” cho đến bao giờ đây ?

Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp mở rồi, mà lòng tôi vẫn khép chặt lại với căn bệnh “Thần Thánh Hóa Giới Lãnh Đạo – Thần Tượng Hóa Bề Trên” thì làm sao tôi thành dụng cụ đem ơn cứu độ đến cho anh em được?

Mong lắm thay.

Tín Thác