Bảo vệ đức tin trong thế giới chống Kitô

119

Bảo vệ đức tin trong thế giới chống Kitô

02PHI LỘ – Năm nay là Năm Đức Tin, chúng ta cần xem lại đức tin của mình cả chiều ngang, chiều dọc, chiều cao, chiều sâu, chiều dài và chiều rộng. Nhờ đó mà xứng đáng là môn đệ của Đức Kitô, cả về danh nghĩa và thực tế. Mùa Xuân về, mùa Chay đến, mỗi người hãy tự suy nghĩ về cách sống của mình – nhất là khi chúng ta gặp những người chống Kitô giáo. Trên trang GotQuestions.org có đăng cách lập luận thú vị, xin mời bạn cùng tìm hiểu!

Là Kitô hữu, có hai điều chúng ta có thể làm để ủng hộ Đức Kitô là “sống Lời Chúa” và “nhận biết Ngài”. Chúa Giêsu nói: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:16). Nghĩa là chúng ta phải SỐNG và HÀNH ĐỘNG theo Phúc Âm. Chúng ta cũng phải “mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6:10-17) và thế gian xung quanh chúng ta. Trước hết, Thánh Phêrô khuyên: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3:15). Những gì chúng ta có thể làm là sống và hành động như Đức Kitô, phần còn lại cứ phó thác cho Ngài lo liệu.

Những người phê bình Kitô giáo ngày càng nhiều. Một phần vì có nhiều người không tin Thiên Chúa hoặc không hiểu gì về Ngài. Tuy nhiên, số người chống Kitô giáo tăng cũng do nhận thức. Với nhiều chủ đề, những người coi thường Kitô giáo là những người lớn tiếng nhất trong số những người không có niềm tin tôn giáo. Đại đa số những người không tin đều không đủ sức làm phiền các tín hữu. Một số ít người không có niềm tin Kitô giáo tỏ ra bực tức, lớn tiếng, cay cú và làm ồn ào để làm ra vẻ đông số hơn.

Lời lăng mạ chủ yếu từ số người ngoại đạo cho rằng các tín hữu là “dốt nát”, “ngu xuẩn”, “bị tẩy não”, hoặc cho rằng các tín hữu kém thông minh hơn những người không có niềm tin tôn giáo. Khi một Kitô hữu khéo léo bảo vệ đức tin, lại bị cho là “tin mù quáng”, “cực đoan”, hoặc “cuồng tín”. Khi họ biết các tín hữu sống tử tế và yêu thương, người vô thần giống như kẻ ngu si nói: “Làm gì có Thiên Chúa” (Tv 53:1). Đa số những người không có niềm tin tôn giáo đều không có lý do riêng để coi các Kitô hữu là tiêu cực, nhưng đôi khi họ nghe nhiều từ những người chống Kitô giáo cho rằng các Kitô hữu chỉ làm ra vẻ vậy thôi. Họ cần những tấm gương sống như Đức Kitô để thấy sự thật.

Dĩ nhiên, khi người nào đó nhận mình là Kitô hữu mà không hành động như Đức Kitô, thì đám đông tức giận và lớn tiếng sẽ coi người đó là giả hình. Đây là điều chúng ta đã được cảnh báo: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:11), hoặc: “Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ” (Rm 1:28-30).

Cách tốt nhất là trích dẫn câu Kinh thánh nói chống lại những người làm như vậy. Hãy nhắc cho những người vô thần biết rằng chỉ vì ai đó nhận mình là Kitô hữu, thậm chí nghĩ mình là Kitô hữu, thì cũng chẳng phải người đó là Kitô hữu. Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7:16 & 20). Rất rõ ràng. Và hãy nói với những người chỉ trích đó rằng “chẳng ai lại không phạm tội” (x. Rm 3:23).

Điều quan trọng cần nhớ rằng, dù khéo léo thuyết phục cỡ nào thì cũng không ai có thể ép buộc người khác tin cái gì mà họ không muốn tin. Dù đó là chứng cớ hoặc là tranh luận, người ta sẽ chỉ tin cái mà họ muốn tin (x. Lc 12:54-56). Kết tội không là nghề của các Kitô hữu. Chúa Thánh Thần mới kết tội người ta (x. Ga 14:16-17), và tùy họ tin hay không tin. Điều chúng ta có thể làm là cố gắng hết sức để sống như Đức Kitô. Đáng buồn là có nhiều người vô thần đã từng đọc toàn bộ Kinh thánh chỉ để tìm lý lẽ để chống lại các Kitô hữu, và có nhiều Kitô hữu hầu như không đọc Kinh thánh.

Người ta khó mà kết tội một Kitô hữu nào đó là người tin mù quáng và đáng ghét nếu người đó thể hiện cách sống tử tế, khiêm nhường và trắc ẩn. Khi một Kitô hữu có thể thảo luận, tranh luận hoặc vạch trần chính xác những cách tranh luận trần tục, cái nhãn “dốt nát” không còn thích hợp nữa. Một Kitô hữu đã đọc các bài tranh luận trần tục và có thể lịch sự dẫn chứng các điểm sai sót sẽ giúp “hạ hỏa” các định kiến từ phía những người vô thần. Hiểu biết là vũ khí mạnh, và điều đó bất khả khuất phục khi chúng ta để cho Đức Kitô hướng dẫn chúng ta cách sử dụng.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ)