Bạo lực

47

Ky-nang-lam-cha-me4Những ngày đầu xuân Ất Mùi, khi những bông mai còn chưa tàn và những cánh đào còn chưa phai, báo chí đã cung cấp cho chúng ta những con số đáng buồn về số người chết do tai nạn giao thông, do tự tử và do bạo lực. Chuyện xưa như trái đất! Nhưng điều đáng lo ngại là con số thống kê nạn nhân của bạo lực: chỉ trong một tuần lễ, 6200 người phải nhập viện vì đánh nhau, trong số đó có 15 người tử vong. Chắc chắn đây là con số thống kê chưa đầy đủ, có lẽ thực tế, số nạn nhân còn cao hơn nhiều. Trước những thông tin này, nhiều tác giả đã nhận định, trong xã hội ta, “hung hãn đã lên ngôi”. Xem ra, người Việt chúng ta ngày càng hiếu chiến, không phải với kẻ thù, mà với những người cùng chung sống trong làng, trong xã. Đây là những xung đột giữa những người “tối lửa tắt đèn có nhau”. Phần lớn các nhà bình luận đều cho đó là nguyên nhân của rượu, nhưng theo thiển ý của người viết bài này, cần phải nghĩ đến những nguyên nhân sâu xa hơn là chất lỏng có chứa chất cồn này.

Thực ra, bạo lực không chỉ tồn tại trong mấy ngày tết. Từ những thông tin của báo chí, chúng ta thấy bạo lực tràn lan từ gia đình đến trường học, từ phố chợ đến làng quê. Biết bao người mẹ người vợ đã là nạn nhân của bạo lực gia đình do những ông chồng vũ phu luôn lấy “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” làm phương pháp trút giận thường ngày. Những trẻ em là con cái của những gia đình này, dù không sứt đầu mẻ trán, nhưng mang tổn hại và những di chứng tâm lý suốt đời.

Trong môi trường giáo dục, ngay từ những lớp giáo lý mầm non, chúng ta đã thấy những bảo mẫu “dạy” trẻ bằng đòn roi và những hình thức khổ nhục đến khó tin. Những trẻ em tâm hồn còn như tờ giấy trắng đã được học những “bài học” về bạo lực và đã là nạn nhân của bạo lực dã man. Rồi tại các trường tiểu học và trung học, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc trong thực thế chỉ còn là một khẩu hiệu. Bạo lực học đường là một vấn đề thường thấy. Những xung đột giữa thày cô và học sinh, giữa học sinh với nhau. Có những trường hợp những xung đột đó còn được quay video phát tán trên mạng. Bạo lực nghiễm nhiên được công nhận như “chuyện hằng ngày ở huyện”.

Thế rồi, bạo lực cũng chẳng tha chốn linh thiêng, nơi chùa chiền, đền, phủ. Mỗi khi mùa xuân đến, người Việt chúng ta nô nức đi lễ hội đầu năm để cầu may. Ai cũng biết, người đi lễ cần có tâm hồn thanh tịnh, hài hòa thì những ước nguyện của mình mới được thần thánh chấp nhận. Thế nhưng vẫn xảy ra những ẩu đả, tranh cướp, hành hung ngay trong các lễ hội. Người ta đã báng bổ thần thánh, biến nơi thờ tự thành cái chợ, thậm chí thành… võ đường. Trang báo điện tử “zing.vn” ngày 24-2-2015 đã đăng đồng thời những tấm ảnh về nghi lễ linh thiêng ở Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) và những tấm ảnh ghi lại cuộc hỗn chiến giữa một số thanh niên dẫn đến thương tích và đổ máu. Những hành động bạo lực đã làm hoen ố hình ảnh và ý nghĩa của lễ hội. Có thể kể biết bao dẫn chứng về bạo lực nơi các lễ hội, nhất là tại Đền Trần (Nam Định) sẽ diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng sắp tới.

Khi gia đình và nhà trường, những cái nôi đào tạo nhân cách con người cũng sặc mùi bạo lực, thì đương nhiên bạo lực sẽ tràn lan trong xã hội. Khi những nơi linh thiêng khói trầm nghi ngút cũng bị biến thành nơi ẩu đả, thì bạo lực sẽ chẳng còn từ một ai. Hầu như không có ngày nào mà báo chí không đưa tin về các vụ chém giết, cướp bóc, xâm hại tình dục. Người dân đón nhận quá nhiều những thông tin thể loại này, đến nỗi dường như vô cảm trước một tình trạng xã hội mà cái ác đang diễn ra hằng ngày.

Nếu con số thống kê về bạo lực trong mấy ngày tết làm chúng ta giật mình, thì góp phần ngăn chặn bạo lực là việc không của riêng ai. Mỗi người đều có trách nhiệm trong một xã hội nhuốm màu bạo lực. Không phải chỉ hô khẩu hiệu, nhưng phải hành động từ ngày hôm nay, một cách thực tế, tùy theo hoàn cảnh và địa vị của mình.

Đã hai ngàn năm, một người đã là nạn nhân của bạo lực. Đó là Đức Giêsu thành Nagiarét. Trong lời giảng dạy, Người luôn lên án bạo lực, kêu gọi sống yêu thương hòa bình. Mong ước của Người là xây dựng một thế giới “tứ hải giai huynh đệ”, mọi người đều là con của một Cha trên trời. “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37). “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10,42) “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3,13). Những ý tưởng lên án bạo lực rải rác trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu. Khi chịu chết treo trên thập giá, Người đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình. Qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu đã thực hiện điều Người dạy các môn đệ là hãy yêu kẻ thù bách hại mình (x. Lc 6,35)  Khi chứng kiến cái chết đau thương của Chúa Giêsu và tâm tình phó thác của Người, vị sĩ quan Rôma đã phải thốt lên: “Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Chúa Giêsu không lấy lời chửi rủa để đáp lại lời chửi rủa, không lấy bạo lực để đáp lại bạo lực. Lời dạy “hãy yêu thương kẻ thù” là một nét đẹp siêu việt của Kitô giáo.

Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Trung, trong một bài viết trên báo Tiền phong Online ngày 26-2-2015, sau khi đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến bạo lực, đã đề nghị “Nhà nước nên dùng các thiết chế văn hóa, tâm linh khuyến khích sống hướng thiện, làm lành, tránh dữ. Các tổ chức tôn giáo nên tăng cường hỗ trợ xã hội phát huy tính hướng thiện thay vì chỉ chăm chú mở lễ hội cầu may, cầu lợi”.  Đã lâu rồi, ta mới thấy một tác giả đề cập tới vài trò của tôn giáo trong việc ngăn chặn bạo lực, lành mạnh hóa xã hội. Bởi lẽ trước đây, người ta thường trích dẫn câu nói của Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của dân”.  Một trong những lý do dẫn tới những “lỗ hổng” lớn trong ngành giáo dục, đó là thiếu sự cộng tác của các tôn giáo. Trong nền giáo dục mang tính chất tôn giáo, con người được hướng dẫn sống theo lương tâm và có trách nhiệm trước Thượng Đế. Những việc làm xấu có thể giấu được cha mẹ, làng xóm và thày cô, nhưng không thể che giấu trước Đấng Tối Cao, trước thần linh và tiên tổ. Tóm lại, cần phải nhìn nhận vai trò quan trọng của tôn giáo là góp phần tích cực hình thành nhân cách con người. Cho đến nay, các dòng tu Công giáo chỉ được phép mở lớp mẫu giáo mầm non. Giáo Hội Công giáo mong muốn cộng tác vào sự nghiệp giáo dục của đất nước, nhưng cho đến nay, những đề nghị này vẫn còn đang trong tình trạng “nghiên cứu”. Ước mong trong tương lai gần, Giáo Hội Công giáo có thể đóng góp phần mình trong sự nghiệp trồng người, nhằm hướng tới một tương lai tươi sáng, không còn bạo lực, con người sống với nhau nhân ái hơn.

Mỗi khi Tết đến Xuân về, tại quê hương Việt Nam chúng ta, nhất là ở miền Bắc, rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức. Đây là những sinh hoạt tâm linh mang nét đẹp văn hóa của một dân tộc đa tín ngưỡng. Tiếc thay, nhiều người thiếu ý thức lại biến những lễ hội đó thành dịp làm ăn thương mại, thực hành mê tín dị đoan, thậm chí, đối với một số bạn trẻ, đây là dịp để trả thù ân oán giang hồ.

Tạ ơn Chúa, những nhà thờ Công giáo, trong thời chiến tranh cũng như lúc hòa bình, vẫn vang lên lời kinh cầu nguyện quanh năm, mùa Xuân cũng như mùa Hạ, không ồn ào cạnh tranh, không chào mời níu kéo,  không phô trương thương mại, nhưng tạo một bầu không khí linh thiêng, êm ả, góp phần giúp con người hướng thượng và siêu thoát. Ước chi giáo huấn của Chúa Giêsu thấm nhuần mỗi người chúng ta, để chúng ta biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12).

+ Gm Giuse Vũ Văn Thiên

gphaiphong.org