Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng Giáo Dục – Đào Tạo

58

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục – Đào tạo

Chất lượng giáo dục:

Mỗi năm, khi thời điểm kết thúc năm học, kỳ thi tốt nghiệp các bậc trung học, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng… cận kề, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục – Đào tạo lại rộn ràng, bàn tán chuyện: Chất lượng giáo dục.

Đã một thời, do phiến diện, xã hội đánh giá chất lượng giáo dục dựa trên những con số: Phần trăm học sinh lên lớp, phần trăm học sinh Giỏi – Khá về văn hoá, phần trăm học sinh Tốt – Khá về hạnh kiểm, bao nhiêu phần trăm học sinh tốt nghiệp các bậc trung học, bao nhiêu trường học đạt hoặc vượt chỉ tiêu, … mà không xét xem những con số ấy có phản ánh đúng thực chất những tiêu chí được đánh giá không ?

Chính vì cách đánh giá dựa trên những con số, và là những con số “chưa thực”, làm phát sinh nhiều “bệnh”, những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục và xã hội như là “thành tích”, “làm gian – báo dối” …, mà một thời ngành Giáo dục – Đào tạo đã tốn nhiều công sức, thời gian để “chữa trị” chúng.

Cải cách giáo dục:

May mà khi nhận ra rằng: Sản phẩm của ngành Giáo dục – Đào tạo, là những học sinh tốt nghiệp ở các bậc học, đặc biệt ở Cao đẳng, Đại học không đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển xã hội, các nhà Quản lý giáo dục – đào tạo đã phải thực hiện Cải cách Giáo dục mà một trong những mục tiêu của nó, là nâng cao chất lượng giáo dục.

Ở tầm mức quốc gia, để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục – Đào tạo đã và đang lấy chuyển đổi phương pháp dạy và học làm biện pháp chính. Thực chất là hoán đổi vai trò của thầy – trò trong quá trình dạy và học. Thầy từ vai trò truyền thụ kiến thức, sang vị trí hướng dẫn, định hướng quá trình tiếp thu kiến thức của trò; trò từ vai trò thụ động, sang chủ động, tích cực trong quá trình tiếp thu kiến thức của mình.

Đồng thời với đổi mới phương pháp dạy – học, các biện pháp khác như biên soạn lại sách giáo khoa theo hướng hiện đại, nhưng “giảm tải”, gắn với thực tiển; từng bước xây dựng trường, lớp xứng hợp hơn; trang cấp thiết bị dạy học hiện đại đầy đủ cho các trường học; nâng chuẩn giáo viên; thay đổi cách thi cử khách quan hơn; đánh giá học sinh cách khoa học, chính xác hơn; … tất cả, nhằm thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy và học.

Kết quả và nguyên nhân:

Dĩ nhiên, làm thay đổi chất lượng giáo dục không thể chỉ trong vài ba năm, nhưng xem ra trong hai thập niên qua, vấn đề chất lượng giáo dục vẫn còn là điều băn khoăn của các thầy cô, phụ huynh học sinh, của toàn xã hội.

Phải chăng, trong các biện pháp nói trên, các nhà quản lí giáo dục – đào tạo đã chưa chú ý đủ đến các biện pháp mang tính “người”? Trong khi, học sinh là đối tượng giáo dục, các thầy cô giáo (theo nghĩa rộng) là người tiến hành công việc giáo dục, hai nhân tố quyết định vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, lại không được xem là quan trọng (Trước đây trong chiến tranh, lớp học là hầm, không có sách vở, không có thiết bị dạy học, … chỉ có thầy với kiến thức và cái tâm, trò với hoài bảo nóng bỏng học để bảo vệ và xây dựng đất nước, vậy mà đã đào tạo nên những thế hệ học sinh thật sự hữu ích cho đất nước và dân tộc. Con người, Thầy-Trò, quan trọng đến thế !). Thật vậy,

1. Về lý thuyết, các học sinh được các thầy cô khuyên dạy “học để mai này phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. …”. Thật dễ thương, có em đã nghe lời các thầy cô, cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân, gia đình để học tập, rèn luyện đạo đức tốt, với ước mơ cao đẹp là được phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Nhưng thực tế, khi các em nhìn cảnh, các anh chị ở các khoá trước, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, … phải trở về với gia đình, làm đủ các nghề lao động tại địa phương để kiếm sống, mà lòng khắc khoải chờ mong một cơ hội được phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, như một phép mầu. Thậm chí, có anh chị chỉ mong tìm được một công việc phù hợp vời ngành nghề được đào tạo, bất kể đồng lương thế nào, cũng đã là quá khó, … điều này tác động tiêu cực không nhỏ đối với học sinh, sinh viên hiện đang học tập trong các trường trung học, đại học, …

Cái mâu thuẩn giữa lý thuyết và thực tế nói trên, khiến nhiều học sinh “học cho có học”, học “vì ba mẹ bắt đi học” ,… Không có mục đích, động cơ học tập, trong hoàn cảnh đó, làm sao đòi hỏi học sinh học tốt, làm sao chất lượng giáo dục – đào tạo nâng cao được ?

2. Có một ít, trong số những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, tìm được việc làm. Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm cũng vậy, được tuyển dụng và được phân công giảng dạy ở một trường nào đó, thường là ở huyện, cách nhà chừng 30 km, là mừng vui lắm !

Nhưng rồi, với mức lương gần 2 triệu đồng mỗi tháng, xăng xe đi lại, thời buổi này, sao đủ chi tiêu? Một giáo viên, sau 15 năm giảng dạy, lúc này lương tháng cũng chỉ gần 3,5 triệu đồng, thêm con cái nữa, biết sống thế nào?

Nhiều giáo viên đã tâm sự, “Muốn mua một cuốn sách hay, cần cho chuyên môn của mình làm của riêng, là điều khó”. Xót xa, nhưng điều đó là có thật.

Nhiều thầy cô phải kiếm việc làm thêm, thậm chí cả những việc lao động nặng nhọc, mong cho bản thân và gia đình đủ sống.

Dẫu có tâm huyết với nghề, ham say công việc giảng dạy của mình đến mấy, đến lúc thầy cô cũng phải buông lơi, … Làm sao nang cao được chất lượng giáo dục – đào tạo !

và giải pháp:

1. Nếu các nhà quản lí xã hội vì mục tiêu nâng cao dân trí để đào tạo hàng loạt những Tú tài, những Cử nhân, … có hiểu biết, nhưng không có việc làm, thì đừng nói đến chuyện nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, vì chính cái mục tiêu ấy đã vô tình làm triệt tiêu động lực học tập của học sinh.

Đào tạo theo nhu cầu sử dụng của các ngành nghề trong xã hội để chắc rằng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, có việc làm, tạo ra động lực học tập của học sinh, một yếu tố mang tính “người”, cần để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.

2. Thực hiện một chế độ tiền lương mới, tương xứng với công việc, bảo đảm cho người có việc làm có mức sống đầy đủ. Có phụ cấp ưu đãi cho ngành giáo dục. Có cái chung và thêm cái riêng, các thầy cô sẽ không  còn lo toan chuyện cơm áo, toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy của mình.

Biết rồi nói mãi, nguồn thu từ người dân không đủ để Nhà nước trả lương theo “lương mới” mà! Xin thưa, nếu các nhà quản lí xã hội quyết tâm tiêu diệt “Quốc nạn tham nhũng” ở mức độ  “tràn lan”, không những đủ, mà còn dư để làm nhiều việc ích nước lợi dân khác.

Nghĩ rằng, bằng việc chấp nhận đồng lương ít ỏi, mỗi một thầy cô cũng như hàng triệu người làm việc ăn lương Nhà nước, hy sinh góp phần mình vào việc đầu tư xây dựng đất nước, hoá ra lại vào túi của những tham quan. Không một ai có thể chấp nhận cái vô lý, bất nhân ấy.

Tôma Hoàng Kim Khánh

Thạc sĩ, Giáo viên Trung học