Trong triết học, cái Tôi hay Bản ngã là phạm trù phản ánh cái riêng có được của trung tâm tinh thần một con người. Được hiểu là cái tôi ý thức, hay đơn giản là Tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.
Con người ai cũng có bản ngã, từ đó hình thành nên cái tôi. Nó mang tính chất cá nhân, vì vậy mỗi con người là một thế giới. Cái Tôi cũng có hai mặt giống như một tấm huy chương, con người liên đới và sống với nhau cũng thể hiện theo khuynh hướng hai mặt trái và phải. Nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành vi của mình, hay dở, tốt xấu, chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có.
Ngày nay cái Tôi được “giải phóng” khỏi nhiều ràng buộc do đà tiến của nhân loại, nhất là khuynh hướng tự do về mọi phương diện, cá nhân có điều kiện phát huy đến mức hình thành nên một “chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa này lấy chính mình làm cơ sở, làm gốc để bắt mọi sự tùy thuộc theo như khuôn mẫu của mình, luôn biểu lộ ý chí để chứng tỏ mình, xây dựng quan điểm và kế hoạch của chính mình, chứ không muốn lệ thuộc vào sự suy nghĩ của người khác, kể cả những chân lý nền tảng.
Nhưng dù thời nào, con người vẫn phải canh chừng cái Tôi, để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường, xây dựng và phát triển một nhân cách trưởng thành. Như quan điểm của Phân Tâm Học, cái Tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội. Dù vậy cái Tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự của trời đất, tác hại lên đời sống tinh thần, nên con người thường coi cái Tôi là một cái xấu phải tiêu diệt, theo nghĩa của đạo đức con người, chứ không phải nghĩa “bản thể” của triết học.
Đối với Đông phương, triết học về Bản Ngã, về Cái Tôi của con người hướng tới sự giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc của cái Tôi, hoặc chuyển hóa cái Tôi đê hạ trở thành cái Tôi cao đẹp, đáng quý.
Trong Kytô giáo, cái Tôi mang nặng tính kiêu ngạo, là gốc của mọi tội lỗi, bất tuân lề luật Thiên chúa, muốn thống trị người khác, nên nó là một thứ nguy hiểm nhất cho con người. Còn như triết lý nhà Phật, coi cái Tôi là một cái “Ngã” phải tiêu trừ để giải thoát thành “Vô Ngã”, nên “kẻ thù nguy hiểm nhất là chính mình” (kinh Phật). Còn như Khổng giáo thì tập trung vào việc tu thân, hãm dẹp cái Tôi luôn muốn phóng túng, nên phải: “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không phải lễ thì đừng nhìn; không phải lễ thì đừng nghe; không phải lễ thì đừng nói; không phải lễ thì đừng làm) – Luận Ngữ. Chữ Lễ của Khổng Tử có nghĩa là sự an hòa trong cái trật tự của quy luật trời đất và giữa con người với nhau.
CÁI TÔI TỒI TỆ
Trong giáo dục nhân bản, lòng tự trọng và sự tôn trọng người khác, cũng như tôn trọng những quy luật trong đời sống là then chốt của mọi vấn đề, tạo nên nhân phẩm, nhân cách của con người. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn nữa là do chính cái Tôi quá lớn của mỗi người không muốn phục tùng, nên mới nảy sinh nhiều xáo trộn, làm đảo lộn trật tự cuộc sống cho chính họ và với mọi người. Lòng tự trọng được thay bằng tự ái, còn sự tôn trọng biến mất trở thành ngông cuồng, phản kháng và chống đối.
Trong việc đối nhân xử thế, để thuận hợp và được lòng người (đắc nhân tâm), yếu tố quan trọng hàng đầu là phải dẹp bỏ hoặc hạ bệ cái Tôi của mình xuống mới có thể hòa hợp được với người khác, mới biết lắng nghe và chấp nhận ngưới khác. Nếu để cái Tôi làm chủ, sẽ sinh ra chuyện mỉa mai, cợt nhả, chỉ trích, cướp lời, tranh khôn, lý sự, đề cao mình, chê bai, thiếu lễ độ, than vãn, trách cứ, bắt bẻ… Đó là những điều tối kỵ trong giao tiếp (thất nhân tâm).
Nhiều người thất bại trong đời sống, từ giáo dục, lãnh đạo, làm ăn, tổ chức… phần lớn do cái Tôi của người đó làm hại chính họ. Khi cái Tôi làm chủ sẽ bị người khác bất mãn, bất hợp tác, xa lánh, không ai có thiện chí giúp đỡ, không ai cảm thông, không ai tin tưởng. Những thất bại nối tiếp nhau ở đời nằm trong vấn đề mấu chốt này, trở thành số phận cho một con người. Nếu họ hạ bệ được cái Tôi vĩ đại này, đừng tự xem mình như cái RỐN của vũ trụ thì số phận họ sẽ thay đổi ngay. Một người luôn nói về mình, đề cao mình, coi thường người khác, chắc chắn người đó sẽ bị ghét bỏ và họ chẳng học điều gì khôn cả. Vì ai dám góp ý cho người đã thấy mình đã đầy đủ rồi (tự mãn).
Vì vậy người ta có thể đo lường sự nhận thức và tu dưỡng của một người qua sự giao tiếp, bằng cách xem người đó thể hiện cái Tôi như thế nào. Nếu người đó luôn nói về mình, luôn phô trương, đề cao mình, luôn quy chiếu về mình, như vậy chứng tỏ người đó rất kém về trình độ tu dưỡng, kém đức, không thể lãnh đạo hay làm việc phục vụ lý tưởng, đạo đức được, và người này chắc chắn có nhiều thất bại trong cuộc sống. Người ta gọi điều này là « tâm tướng » – thích gì thì nói về cái đó – nên Khổng Tử rất chú trọng đến việc « Tu ngôn ». Nếu quan sát những vị tu hành, rất hiếm khi thấy họ thể hiện cái Tôi.
Cái Tôi của con người rất phức tạp, nó ao ước nhiều thứ. Ao uớc được người ta khen ngợi, được đề cao, được danh dự, được trọng dụng. Họ ước muốn những gì thoải mái, dễ dãi, và không muốn ai động chạm đến những gì của riêng họ, dù là vật chất hay tinh thần. Cái Tôi luôn chê bai người hơn, coi thường người kém họ. Cái Tôi luôn ao ước được một tiếng khen, tìm cách để được khen, nhưng rất sợ hãi và nổi khùng lên vì tiếng chê. Chính những tiếng khen hay tiếng chê sẽ làm cho người ta nhận ngay ra được cái Tôi của một người ở mức độ nào. Một ý tưởng, một năng khiếu thông thường, một chút tài vặt, nhưng cái Tôi có thể thổi lớn lên thành cái vĩ đại, tài ba lỗi lạc hơn người, thậm chí thành thiên tài. Và ảo tưởng này đeo bám vào cái Tôi suốt đời, nếu không biết tu dưỡng.
- Cái Tôi không dám nhận hoặc không nhìn ra bộ mặt thật của mình mà mang một bộ mặt giả dối, bởi vì con người thật của họ có nhiều yếu kém, nết xấu, không muốn cho ai biết. Do đó, chỉ khoe bộ mặt con người ảo chứ không phải con người thật. Để che đậy, sợ cái Tôi bị bóc trần, nhiều khi quá bỉ ổi đến đớn hèn, người ta thường tạo nên những cái Tôi giả tạo, ảo tưởng, vô tội và đáng kính : tôi không như ai, tôi không thế này, tôi không thế nọ, tôi đã làm được cái này cái nọ… thật là tuyệt vời, là tài năng hơn người. Nên Chocarne mới nói: “Chỉ tin tưởng mình, chỉ nghe lời mình. Đó là nguồn sai lầm khốn nạn nhất”.
Cái tôi không dám thẳng thắn nhận những khuyết điểm, những dốt nát, yếu kém của mình chỉ vì tự ái, sợ bị lột trần. Cái Tôi tìm cách đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho xui xẻo chứ không chịu lỗi nơi mình.
Cái TÔI rất kiên cường, dai dẳng và nổi bật về hai điểm là vị kỷ (quy về mình) và kiêu hãnh, như Blaise Pascal nói : «Cái tôi đáng ghét » , đó là nói về cái Tôi của người khác. Và ông nhấn mạnh thêm : “Mỗi cái Tôi là thù địch và muốn làm bạo chúa trên các cái Tôi khác”
Graham Greene, đại văn hào Anh, đã viết : « Khi tôi viết về ngôi thứ nhất, tôi phải đeo chiếc mặt nạ ». Có lẽ vì thế mà Oscar Wilde đã nói : « Kẻ can đảm nhất trong chúng ta cũng sợ cái Tôi của mình »
Thalès de Milet bảo rằng : “Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình”. Chính những cái gần ta nhất lại là cái khó thấy nhất, như lông mày, lông mi ở trước mắt ta… Cái Tôi có quá nhiều lớp vỏ bao bọc : lớp vỏ của xã hội, nghề nghiệp, chức quyền, tiền tài, của cải, nhất là ảo tưởng về chính mình… Nó được nuôi dưỡng bằng tự ái, tự mãn, mặc cảm…
Đại hiền triết Socrate một đời chỉ truyền dạy “Hãy tự biết mình”, nghĩa là đừng ảo tưởng về mình, đừng tô bóng, phóng đại mình lên mà hãy chân thật để nhận biết về mình, biết thân phận hạn chế, yếu kém, dốt nát của mỗi con người trước thiên hạ và trời đất. Cách khác là hãy thành thật nhìn vào bên trong của mình, nhận ra cái Tôi của mình để làm chủ lấy nó, lúc đó mới gặp được đạo – đạo làm người. Cũng như Lão tử nói : “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” (nói thì không biết, biết thì không nói – ham nói về mình, biểu dương sự hiểu biết).
Có người nói “tôi chắng là gì cả”, chưa chắc đã là người thành thật với chính mình, mà phải xem lời nói và việc làm có đi đôi với nhau không, cũng như xem họ có bảo vệ, quy chiếu về mình không. Đức Giêsu đã sống và dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt. 11, 29). Lúc đó cái Tôi sẽ bị triệt tiêu.
Tài năng, tốt xấu, hay dở, đáng khen, đáng chê … tự người khác biết và đánh giá, chứ không cần phô diễn hay bào chữa. Nhưng khi cái Tôi làm chủ thì không như thế, nó cầu tiếng khen và sợ tiếng chê, nên phải thị oai quảng cáo, hoặc bào chữa để củng cố và bảo vệ cái Tôi vĩ đại này.
Hàn Cư Sĩ