Bạn trẻ và Mối phúc Hòa bình

240

hoabinhĐối với những ai đã trải qua những lo âu của một thời chiến tranh, thì hai chữ Hòa bình gần như đồng nghĩa với Hạnh phúc, Bình an, không bom đạn, không tiếng súng, không chết chóc,… Với các bạn trẻ “sinh sau đẻ muộn”, thuộc thế hệ 8X, 9X và được sống trong sự che chở bao bọc an toàn, yên vui của gia đình và mọi người thân quen, thì Hòa bình được hiểu theo một cách khác hơn: là vui vẻ, no ấm, tiện nghi, ổn định… Cũng đúng thôi, mỗi người trong chúng ta khám phá thực tại theo cách riêng của mình và mỗi người có một cách để hiểu thực tại ấy theo kinh nghiệm của chính bản thân mình. Vậy thì chúng ta có thể chia sẻ cho nhau điều gì về hai chữ HÒA BÌNH?

Trước hết Hòa bình là một hạn từ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, và người ta liệt kê ba loại ý nghĩa sau: Nghĩa rộng: liên quan tới môi trường áp dụng, rộng hay hẹp, bên trong hay bên ngoài… Chẳng hạn khi nói: tâm hồn tôi bình an: hòa bình nội tâm, nơi đời sống cá nhân tôi (bên trong) và cuộc sống bình an, hòa hợp với mọi người (bên ngoài); gia đình hòa thuận bình an (môi trường hẹp), hòa bình giữa các dân tộc chung sống trong thế giới này (môi trường rộng). Nghĩa hẹp: liên quan đến đặc tính chính xác theo nghĩa của từ này: diễn tả một trạng thái vắng bóng chiến tranh; nghĩa chuẩn nhận: liên quan đến sự cảm nhận các tính chất của hòa bình trong việc nối kết với các giá trị khác như công bằng, bình đẳng, huynh đệ, tự do, dân chủ, trật tự và tính chất ổn định của hiện thực cuộc sống (không có xung khắc từ bên trong cá nhân, không có mâu thuẫn trong tương quan bên ngoài giữa cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng và xã hội).

Các bạn trẻ thì có “kiểu” hiểu riêng của họ về hòa bình khi cảm nghiệm về những gì đang xảy ra quanh họ. Theo những điều tra xã hội (*xin trích dẫn ở đây một nghiên cứu của Giáo sư Mion Renato – UPS), các bạn trẻ định nghĩa thế này về hòa bình: tình trạng một thế giới không có đấu tranh vũ trang (43,3%); không có mâu thuẫn bên trong mỗi quốc gia (16,5%); cuộc sống cá nhân và gia đình với điều kiện kinh tế thuận lợi và may mắn (6,3%); không có bạo lực trong tương quan giữa con người với nhau (21,8%); có sự tăng trưởng về công bằng xã hội giữa các dân tộc cùng chung sống (31,1%); loại bỏ được sự bất bình đẳng, nghi kỵ đàn áp trong một quốc gia (847,5%); một xã hội với hình thái dân chủ, đối thoại cởi mở (24,6%); sự tham gia rộng rãi của mọi người vào các hoạt động chính tri xã hội (5,4%).

Qua cách hiểu chung của các bạn trẻ như trên (dù ở một quốc gia nhất định), chúng ta cũng có thể hiểu thêm rằng: hòa bình gắn liền với đời sống cá nhân và cộng đồng, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và cả tôn giáo nữa.

Ngoài ra, các bạn trẻ, khi đối diện với những điều bất hạnh, bất công hay bạo lực trong xã hội, có thể khám phá ra ý nghĩa và giá trị sâu sắc hơn của Hòa bình: tất cả những gì đi ngược lại với quyền sống của con người, phá hoại sự bình an, hạnh phúc và những gì tốt đẹp trong tương quan tình người, phá vỡ sự hòa điệu giữa mọi sự trong thế giới này (con người-môi trường sống)… đều có thể xem là sự phá hoại hòa bình.

Đứng trước khung cảnh của hòa bình và chiến tranh, bạo lực và bình an, trừng phạt và tha thứ, các bạn trẻ sẽ nghĩ gì? Họ có bao giờ đặt câu hỏi “nguyên nhân do đâu”: Tôi hay là bạn? Người khác hay chính chúng ta? Ai là người có lý? Chắc chắn dù ít hay nhiều, họ đã hiểu và sẽ hiểu rằng một phần trách nhiệm trong những bất đồng chia rẻ là lỗi của chính bản thân mỗi người. Có điều là hình như chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho người khác, hoặc có suy nghĩ rằng người khác là nguyên nhân của những “chuyện bất hòa” hơn là mình. Ở đây chúng ta mới thấy việc hoán cải chính bản thân mình và lòng tha thứ là chìa khóa cần thiết để mở cánh cửa hòa bình hơn là lý luận suông.

Nếu nói rằng cuộc sống luôn là một cuộc đấu tranh và sự tiến bộ xã hội dựa trên việc giải quyết các mâu thuẫn trường kỳ, thì hòa bình có lẽ sẽ luôn mãi là mơ ước vì chẳng bao giờ người ta chấm dứt xung đột. Nhiều người bi quan hơn về hòa bình khi thấy rằng con người hình như luôn mang trong mình “máu bạo lực”, đấu tranh để sống còn, nhìn người khác như là kẻ thù hay là “địa ngục”, nhìn “con người là lang sói của nhau”.Và tất cả mọi sự liên quan đến hòa bình, nếu được các bạn trẻ nhìn nhận như thế, sẽ trở thành “chuyện ngoài lề” của đời sống cá nhân họ. Họ sẽ dễ dàng suy nghĩ rằng: ích lợi gì mà thay đổi thế giới này nếu tự bản chất của nó là đấu tranh và bạo lực; ích lợi gì mà thay đổi bản thân mình cho hòa bình nếu tự trong máu thịt đã mang nặng bản năng sinh tồn và tranh đấu cùng với đồng loại để sống còn? Câu nói tương đối phổ biến giờ đây là: “Hãy để cho tôi yên thân!”. Đây cũng là một kiểu chạy trốn trách nhiệm và đóng kín trong chính mình.

Đây kia người ta vẫn nói đến các phong trào hay các “chiến sĩ” tranh đấu cho hòa bình, hay nói đến các giải thưởng Nobel Hòa bình (được trao cho những ai nổ lực dấn thân cho công cuộc xây dựng hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới). Họ là ai? Đó phải là những người có được những phẩm tính nhất định như: sự hiểu biết sâu sắc về giá trị của công lý, hòa bình; khả năng đánh giá và lựa chọn hình thức tranh đấu vì hòa bình trên cơ sở của sự quân bình về quyền và bổn phận, trách nhiệm cá nhân, sự tôn trọng phẩm giá con người, khả năng tha thứ và hoán cải ngay chính bản thân mình vì lợi ích chung…

Điều thực tế là ai cũng ao ước có một cuộc sống bình an, hạnh phúc, được vui sống trong tình huynh đệ thân thiện và yêu thương giữa mọi người. “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” – Đó là lời khẳng định của Tin mừng mà người Kitô hữu được dạy dỗ như là “mối phúc thật”. Người xây dựng hòa bình hiểu rõ “tinh thần của hòa bình” hơn là “chủ trương” hay “khẩu hiệu” hay “phong trào” hòa bình. Họ biết điều gì phải làm, tham gia vào việc kiến tạo hòa bình với tất cả tấm lòng nhân ái, tha thứ và hòa thuận hơn là một cuộc tranh đấu đòi “quyền được hưởng hòa bình” bằng mọi giá kể cả bạo lực; một công việc được chúc phúc hơn là bị nhân loại nguyền rủa rằng đã nhân danh hòa bình mà chà đạp lên trên những đau khổ khác của con người, nhân danh bảo vệ hòa bình để hủy diệt người khác với tên gọi “kẻ thù”.

Với bạn, thế nào là người biết xây dựng hòa bình? Xin trích dẫn ở đây những quan niệm của bạn trẻ ở một nước khác về “mẫu hình người kiến tạo hòa bình” để bạn tham khảo.

Người xây dựng hòa bình có khả năng sống cho tha nhân, quên mình phục vụ (18,3%); có nhiều năng lực (14,5%); hiểu biết ý nghĩa của công bằng trong sự thật (13,5%); có khả năng chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác (11,9%); có khả năng chấp nhận hy sinh gian khổ (10,8%); có lòng can đảm gánh vác bổn phận với tinh thần trách nhiệm và biết đổi mới không ngừng (9,5%); biết sống với niềm tin nơi sức mạnh của sự tha thứ và tinh thần bất bạo động (7,3%); có niềm say mê với cuộc sống và con người (5,6%); biết sống có ước mơ, lý tưởng, kiên trì, lạc quan yêu đời, yêu người…(3,6%).

Người ta dựa trên các câu trả lời để xác lập mô hình như vậy về con người xây dựng hòa bình, còn bạn thì sao? Đâu là mẫu người mà bạn suy nghĩ? Bạn có thể chia sẻ với người khác tinh thần hòa bình chăng?

Chắc chắn nhiều bạn trẻ trên thế giới này muốn sống và chia sẻ tinh thần hòa bình. Tuy nhiên, mong ước là một chuyện còn chuyện sống cho hòa bình lại là một chuyện khác, nó lệ thuộc vào nền giáo dục, niềm tin, chính kiến, môi trường và thời đại. Một điều đơn giản mà ai cũng có thể nghiệm ra, đó là: chúng ta không thể trao ban cho người khác điều mà mình không có. Bạn muốn mang đến cho người khác hòa bình ư? Hãy để cho con tim, khối óc, suy nghĩ và hành động tỏa hương thơm của Hòa bình, của sự bình an, yêu thương, hòa thuận, tha thứ… nơi chính cuộc đời bạn trước đã.

Mỗi chúng ta lại phải bắt đầu kiến tạo hòa bình từ chính cuộc đời mình, bằng chính lời kinh này: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…

Lê An Phong, SDB

_____

* Các số liệu tham khảo được trích dẫn từ nghiên cứu của Renato Mion, Per un futuro di pace, LAS, Roma 1989.