SUY NIỆM Lời Chúa Bản lĩnh người tông đồ (Thứ Năm Tuần 6 Phục sinh)

Bản lĩnh người tông đồ (Thứ Năm Tuần 6 Phục sinh)

BẢN LĨNH NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Ga 16, 16-20.

Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. 2 câu thơ trích trong “Những giọt lệ” của Hàn Mạc Tử, hẳn nhiều người đã nghe; vẫn biết cuộc chia tay nào mà chẳng buồn, nhưng đau khổ tới mức “dại khờ và mất hồn” thì quá ư là ủy mị, yếu ớt. Cha ông chúng ta nói : người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo. Đúng, cách sống “lãng tử”, kiểu nói nửa thật nửa đùa, việc làm đầy ẩn ý……, dễ làm người anh em của mình rối lên vì khó hiểu ! Chính những lúc đau khổ, ưu tư, buồn chán, nghi ngờ…. xảy đến, là lúc mỗi người đang thể hiện bản lĩnh của mình cách rõ nhất.

Chúa Giêsu hôm nay nói rất nghiêm túc với các học trò : “một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”. Có người cho rằng, tại sao một vị thầy lại nói “úp úp mở mở” như vậy với các học trò ? Lúc ẩn lúc hiện, khi có khi không, nửa kín nửa hở… thiết tưởng chỉ thích hợp với kẻ xấu, những người có âm mưu đen tối; ví như câu tục ngữ : người đi trong đêm tối, dù không làm việc xấu, cũng không thể cấm chó sủa !

Kinh nghiệm của người đời là thế : không biết thì dựa cột mà nghe. Chủ trương của người cho mình là khôn ngoan, thì khi đối diện với vấn đề phức tạp : hãy đợi chờ cho tai qua nạn khỏi, đợi chờ thời cơ chín mùi mới lên tiếng, chẳng nên vội vàng làm chi ! Còn phản ứng của các môn đệ trong Tin mừng hôm nay là hỏi nhau xem có ai hiểu Thầy mình đang nói gì không ? Thực tế, không phải hết tất cả mọi người khi gặp điều gì khó hiểu, đều có đủ bình tĩnh để suy xét. Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy, nên Ngài không thể cư xử theo kiểu mơ hồ “che che giấu giấu” ! Ngài không có ý gây khó hiểu cho các học trò, hay đánh lừa cảm giác mừng vui lẫn lộn với buồn lo nơi các môn đệ.

Thời gian là thước đo cho sự trung thành giữa những người yêu nhau; thời gian là giai đoạn cần thiết để những người học trò hệ thống hóa kiến thức mà bước đi những bước thật trưởng thành của mình. Người Thầy Giêsu chính là thời gian đối với các học trò, vắng bóng Người Thầy, các học trò sẽ khiếp sợ đủ điều, có sự hiện diện của Thầy, các môn đệ sẽ vui mừng và tự tin chu toàn sứ mạng được trao phó. Nếu tục ngữ có câu : lửa thử vàng, gian nan thử đức; hẳn Chúa Giêsu đặt các môn đệ vào tình yêu hiện tại và tương lai của Ngài bằng niềm vui và hy vọng. “Các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng, các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ biến thành niềm vui.

Kẻ chỉ lo “làm giầu” là người bất nhân, kẻ chỉ lo “làm nhân” là người không giầu (Mạnh Tử). Người có tư cách hay người giầu tiền của, chưa phải là mẫu người hạnh phúc. Người mà trong tay chỉ có một “trái chanh”, cái đầu chứa đựng chỉ chút ít “kiến thức”, nhưng vẫn thảnh nhiên trước giông bão cuộc đời, đó mới là người hạnh phúc. Người môn đệ theo Đức Kitô không phải là người vô cảm với sự an toàn ở trần thế, nhưng trước hết họ phải là người có “bản lĩnh”, đủ khôn ngoan để biết tin tưởng vào Thầy Giêsu. Đủ tình yêu để sứ mạng tông đồ không bị mông lung; và đủ sức mạnh mà trung thành giữ vững niềm tin theo Chúa đến cùng. Amen.

Lm. Jos.DĐH, GP. Xuân Lộc

Exit mobile version