Bạn có thật đang sống?

82

Gieo GatBạn có thật đang sống chăng ? Tôi thành thật xin lỗi bạn vì tôi đang hỏi bạn một câu hỏi khá ngớ ngẩn như thế, nhưng đây là một câu hỏi tôi cảm thấy thật quan trọng nên mới đề cập tới. Nếu bạn không thể trả lời một cách quả quyết: “Vâng, tôi đang sống” thì có lẽ bạn mới chỉ đang vận động cho cuộc sống của thân xác mà thôi, chứ bạn chưa cảm nhận được hạnh phúc thật sự của cuộc sống thật. Vì thế, tôi xin mạn phép được trình bày một vài suy tư mà câu hỏi tôi đã đặt ra để chúng ta cùng nhau tìm ra lời giải cho câu hỏi trên.

  1. Quan niệm sai về sự sống

Những ý tưởng sai lầm về sự sống có thể khiến cho chúng ta cảm thấy mất đi sự sống thật. Nhiều người cho rằng sống thật là sống với những của cải vật chất mà họ đang nắm giữ. Do đó, theo ho, sống là hưởng thụ cho thật sung sướng và đầy đủ những của cải vật chất như: xe hơi, nhà lầu, y phục sang trọng, vợ đẹp con khôn… Nếu sống là như thế thì con người cứ mãi mãi lo thâu góp của cải vật chất chẳng biết đến bao giờ mới chịu có được niềm vui Cuộc Sống Đích Thật ? Vì của cải vật chất chỉ là những phương tiện phục vụ cho cuộc đời. Những thứ đó tự chúng không thể đem lại cho chúng ta sự thoả mãn lâu dài được. Điển hình là chúng ta rất mau chán những gì chúng ta có, và lại không ngừng ao ước những điều khác mới la hơn.

Chúng ta luôn nghĩ rằng mình sẽ thỏa mãn khi đạt được những gì đã ao ước, nhưng thực tế thì lại không phải vậy. Đạt được điều mong ước chỉ là sự kích thích lòng ham muốn của chúng ta tiến hơn nữa mà thôi, để rồi chẳng mấy chốc chúng ta sẽ trở thành kẻ nô lệ cho của cải vật chất do chính chúng ta tạo ra, hay nói cách khác, trở thành đầy tớ cho những ước vọng bất tận. Trong khi đó, Sự Sống Thật cứ vuột xa dần, để lại một cảm giác trống rỗng, vô vị…

Một xu hướng khác, một số người cho rằng sống tức là hoạt động không ngừng. Do đó, hễ thấy người nào làm việc liên tục thì họ liền bảo: “Đó chính là người thật sự đang sống !” Lao mình vào hết hoạt động này đến hoạt động khác, gánh vác nhiều công việc, gia nhập nhiều tổ chức, luôn dùng điện thoại di động, đi hết chỗ này đến chỗ khác, nước này đến nước khác… Đó là hình ảnh của con người thời hiện đại. Không ngờ họ lại là những con người cảm thấy sợ hãi trước câu hỏi: “Bạn có thật đang sống ?” Họ luôn phải xua khỏi tâm trí những nghi vấn như: “Hoạt động như vậy có thêm được gì cho bạn ?” Càng đi nhanh, họ càng phải cuốn theo với nhịp độ nhanh hơn để dập tắt những mệt mỏi và chán nản. Rồi sẽ đi về đâu ? Rồi sẽ được gì, sẽ còn lại gì cho Cuộc Sống Thật của chính mình ?

Một số người khác nữa lại cho rằng sự sống thì chỉ gói gọn trong thành công và sự nghiệp. Họ tự đặt ra cho mình một mục đích rồi ép mình phải đạt cho bằng được mục đích đó. Chẳng hạn, có một thanh niên nọ muốn trở thành triệu phú trước năm anh ta 40 tuổi. Mục đích của anh ta không chỉ là tài sản mà còn là niềm kiêu hãnh khi đạt được thành công ngay lúc tuổi còn trẻ. Trong lúc thực hiện, có khi anh phải đánh mất những người bạn thật, thậm trí anh có thể trở thành kẻ xa lạ trong gia đình mình. Cuối cùng thành công của anh là một kết quả trống rỗng. Anh ta phải làm gì với quãng đường đời còn lại ? Anh đã mắc vào cái bẫy của thói quen tự tạo, ngày ngày anh phải sống trong lo âu vì phải giữ gìn của cải. Anh đâm ra nghi ngờ, anh cho rằng bạn bè chú ý đến anh chỉ vì họ muốn lợi dụng anh, muốn lấy cái gì đó của anh. Và anh cố gắng trấn an mình rằng, ta đang sung sướng, ta đang có tất cả những gì mà kẻ khác đang mong ước. Thế nhưng nếu có người hỏi anh ta: “Anh có thật đang sống ?” và câu hỏi ấy sẽ lại càng khiến anh phải ray rứt…

2. Sống là tương quan giữa người với người

Làm sao có thể biết chúng ta thật đang sống ? Trước hết, cần phải nhận thức được nguyên nhân chính yếu phân biệt giữa hiện hữu và sống thực.

Ví dụ: một người vợ phải làm việc cật lực để nuôi sống bản thân và người chồng lười biếng. Khi có người hỏi bà ta, tại sao bà lại chịu nổi một ông chồng như vậy ? Bà trả lời “Tôi tạo dựng cuộc sống, còn ông ấy làm cho cuộc sống hết ý nghĩa”. Thao bản năng, bà ta biết điều cần thiết trong cuộc sống chính là sự thương yêu giữa người với người. Hiện hữu trở thành sự sống, khi và chỉ khi trung tâm của nó là mối tương giao kỳ diệu giữa người này với người khác. Giả sử có một lúc nào đó bạn nắm được tất cả những gì bạn muốn như: của cải, thành công, danh vọng, uy tín, thế lực, trí thức, sức khoẻ… nhưng bạn lại mất tất cả mối quan hệ với gia đình, với người khác, liệu khi ấy bạn có còn cảm thấy cuộc đời đáng sống không ? Nếu phải chọn lựa, thiết nghĩ chúng ta sẽ chọn ngược lại, để được gần gũi với gia đình, bạn bè cùng các đoàn thể dù có phải chịu nhiều thiệt thòi.

Nếu chúng ta cứ đặt của cải vật chất và cả chuyện tri thức nữa, lên trên những mối quan hệ thì chúng ta vẫn chưa tìm được Sự Sống. Nhiều bậc cha mẹ thường lầm lẫn điều này, đôi khi họ cứ chú tâm vào nhà cửa, vườn tược, bàn ghế, xe cộ của mình hơn là cảm nghĩ của con cái. Họ thường nói:“Đừng cào sước bàn ghế”; “Đừng làm dơ áo của mẹ; “Đừng dẫm lên hoa”… :”Phải cố mà học !”; “Phải đậu cho bằng được !”… Tất cả những cái “đừng” và cái “phải” ấy buộc con cái phải nghe, phải tuân theo. Họ để lộ ra rằng họ chỉ quan tâm đến tài sản, đến danh giá chức phận xã hội hơn là để ý xem phản ứng của con cái họ ra sao trong một nếp sống gia đình như thế.

3. Sống là tương giao với Thiên Chúa

Để hiểu rõ hơn về mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, chúng ta hãy đọc lại câu chuyện dụ ngôn “Người con hoang đàng” mà Thánh Lu-ca đã trình bày ( Lc 15, 11 – 24 ), để từ đó nhận ra tình yêu Thiên Chúa đã dành cho loài người chúng ta.

Trong phần đầu của câu chuyện, người con đã cắt đứt mối tương giao cao đẹp với cha mình, coi tự do, tiền của, những quyến rũ của cuộc sống xã hội là giá trị hơn. Lúc rời bỏ cha, chàng đã quay lưng từ khước điều quan trọng nhất của đời mình là tình cha – con. Đó là khởi điểm của sự chết, “chết” trong mối tương giao. Chành thanh niên đã chọn chết hơn là chọn sống. Ở đây lỗi chính yếu của chàng là gì ? Có phải chàng phung phí tiền bạc chăng ? Có phải chàng đã chọn lầm bạn hữu chăng ? Đó chỉ là những hậu quả mà thôi. Lỗi chính của chàng là khước từ mối tương giao với cha mình.

Lúc còn tiền chàng có mọi sự, bạn bè, và cả những thú vui đam mê nhục dục. Lúc hết tiền, tất cả mọi sự đều mất theo, chỉ còn trơ trọi một mình. Trong dày vò, chán nản và cô đơn, chàng đã đánh mất luôn chính bản thân. Một khi đã vút bỏ những tương quan căn bản, chàng cũng lần hồi mất luôn vật chất, tinh thần, lý tưởng và cuối cùng là với chính bản thân. Đó là sự cô đơn, sự chết dần chết mòn…

Rồi chàng đã tỉnh ngộ, tự nhủ: Ở nhà cha ta biết bao người làm công được cơm canh dư dật, mà ta đây phải chết đói ! Ta sẽ đứng dậy trở về nhà cha ta mà thưa rằng: “Thưa Cha, con đã phạm tội tới trời và với cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha xử với con như những người làm công vậy” ( Lc 15, 17 – 19 ). Chàng đã quay lại với con người thật của mình và sám hối, nhận thức được điều hệ trọng chính là mối tương giao giữa chàng với cha chàng.

Với dụ ngôn đặc biệt này Chúa Giê-su muốn gợi đến mối tương giao con người chúng ta với Cha trên Trời. Chúng ta có tự do chọn lựa hành động cho mình và phải nhận lấy hậu quả của hành động ấy. Chúng ta có thể tự ý chấp nhận hoặc từ chối mối tương giao của Thiên Chúa. Nếu chấp nhận, chúng ta sẽ có được Sự Sống Đời Đời. Còn nếu chúng ta từ chối, Thiên Chúa vẫn không từ chối chúng ta, Người luôn ngong ngóng chờ đợi chúng ta. Thiên Chúa chính là người Cha nhân từ và tha thứ luôn mở rộng tấm lòng đón nhận những đứa con lạc bước trở về.

Tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người khác hẳn với các loại tình yêu thường tình trong mối tương giao nhân loại. Qua kinh nghiệm thông thường, chúng ta nhận biết mình chỉ có thể được yêu nếu đáp ứng được một vài điều kiện nào đó: nếu chúng ta dâng hiến một điều gì, trở thành một người thế nào, làm được một việc gì chẳng hạn… đó là loại tình yêu NẾU. Chúng ta chỉ được yêu vì chúng ta xinh đẹp, đáng yêu, giàu có, rộng rãi, tài ba và thành đạt… đó là loại tình yêu VÌ… Chỉ là NẾU, chỉ là VÌ mà thôi !

Tình yêu của Thiên Chúa khác hẳn, Ngài yêu chúng ta mặc cho chúng ta có là thế nào đi nữa. Đây chính là loại tình yêu MẶC DÙ. Người cha trong dụ ngôn vừa nói, yêu con trai ngay cả lúc nó bỏ nhà ra đi. Ông mong chờ đứa con quay về từng ngày, lúc nó còn biền biệt ở tận phương xa. Rồi khi đứa con quyết định thất thểu trở lại mái ấm xưa, từ đàng xa, người cha đã thấy, ông chạy ùa ra hôn lấy hôn để. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay từ lúc chúng ta phạm tội và xa lánh Ngài.

Dù chúng ta có tội lỗi như thế nào đi nữa thì tình yêu của Ngài dành cho chúng ta vẫn lớn hơn, bao trùm và xóa nhòa tất cả. Chẳng một ai trong chúng ta lại không được Thiên Chúa yêu thương từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc sự sống… Thế có nghĩa là sự tương giao kỳ diệu gữa Thiên Chúa với con người vẫn luôn có đó trong chính cuộc đời mỗi chúng ta.

4.Tìm được Sự Sống không phải là khó

Vậy thế nào để có được sự sống ? Chúng ta phải làm gì ? Tôi hy vọng những suy nghĩ lan man ở trên giúp chúng ta tìm được giải pháp. Giải pháp rất đơn giản. Hãy bắt đầu bằng những lời nguyện đơn sơ, xin Chúa tha thứ những lỗi lầm cho chúng ta vì cố ý hay vô tình đã xúc phạm đến Ngài, từ chối Ngài.

Trong những ngày cuối năm này, tại sao bạn lại không hãy thưa với Ngài là bạn tha thiết muốn có được Sự Sống Đời Đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho bạn. Bạn hãy xin Thiên Chúa ban Tình Yêu ấy tràn ngập trong bạn, và từ đây bạn làm chủ mọi tình cảm, tư tưởng, lời nói, cùng những hành động của bạn để mọi việc làm của bạn đều nói lên Tình Yêu, đều nói lên niềm xác tín rằng Ngài đang hành động trong bạn;

Bạn cũng hãy tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn như Thiên Chúa đã tha thứ cho bạn. Bạn sẽ phục vụ mọi người như bạn đang phục vụ Thiên Chúa, và bạn hãy làm nhiều hơn nữa, tìm nhiều mối tương giao với Thiên Chúa và với con người, đặc biệt là nơi những người nghèo khổ.

Rồi bạn tự hỏi: “Tôi có thật đang sống ?” Chắc chắn bạn sẽ vui mừng tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Trích nội san Nhóm Muối Đất