SINH HOẠT HỘI DÒNG Suy niệm hàng tháng Bài suy niệm tháng 9/2012 – Ưu tiên cho người nghèo và...

Bài suy niệm tháng 9/2012 – Ưu tiên cho người nghèo và dấn thân bảo vệ công bằng

BÀI SUY NIỆM
Tháng 9/2012
***
ƯU TIÊN CHO NGƯỜI NGHÈO
VÀ DẤN THÂN BẢO VỆ CÔNG BẰNG

Nếu Đức Kitô đã chọn sự nghèo khó như một lối sống và tình cảnh xã hội, thì người được thánh hiến cũng chọn khấn đức Nghèo Khó của Đức Kitô và tận hiến đời mình cho người nghèo như Ngài (x. Lc 4,18) mà không thể sống đơn thuần sự nghèo khó như một lẽ sống bằng cách khước từ tình trạng khó nghèo trong xã hội. Người được thánh hiến sống nghèo khó về mọi phương diện.
Trong nếp sống và lời giảng của Đức Ki tô về Nước Chúa quang lâm, lối sống nghèo khó và việc loan truyền Tin Mừng cho người nghèo khó là hai sắc thái cơ bản cho việc theo Ngài. Tình yêu của Đức Kitô đối với sự nghèo khó và đối với người nghèo khó phát xuất từ kinh nghiệm duy nhất là tình Cha của Thiên Chúa, vì nhờ đó, mọi người liên kết với nhau bằng tình liên đới căn bản mà trở nên anh em với nhau. Người nghèo được mến thương vì là anh em. Người nghèo được thương mến vì ở trong tình trạng được chân nhận rằng cuộc sống của họ thực sự cần đến Thiên Chúa, một tình trạng nghèo khó của Yavê, (khó nghèo trong tinh thần). Theo ý nghĩa này, những người nghèo là những người tột cùng của xã hội, bị áp bức và sa thải, già nua, bệnh hoạn và nhỏ bé.
Khởi đầu sứ vụ, trong nhà hội ở Nadarét, Chúa Giêsu công bố Mình được thánh hiến để đem Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo ơn giải thoát cho kẻ tù đày, mở mắt cho người mù, trả tự do cho kẻ bị áp bức và rao giảng năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Lc 4,16-19). Giáo hội nhận sứ mệnh của Chúa làm của mình. Giáo hội loan báo Tin Mừng cho những người nam nữ vì Giáo hội dấn thân là để tất cả được cứu độ. Nhưng với một sự quan tâm đặc biệt, một “ưu tuyển”, Giáo hội hướng về những ai ở trong hoàn cảnh nghèo khổ, yếu kém hơn, do đó, có nhu cầu hơn. Những người nghèo có những chiều kích đa dạng, đó là những người bị áp bức, những người sống ngoài lề, những người già cả, những người bệnh hoạn, những trẻ em, tất cả những ai bị coi rẻ và bị đối xử như những kẻ rốt bét trong xã hội (ĐSTH 82).
Khi thực sự sống nghèo, người được thánh hiến cảm thấy cần tham dự cách riêng vào việc chọn lựa và bênh vực những người nghèo khổ. Đứng trước cả một đoàn dân lâm cảnh nghèo khổ, đặc biệt tại những nơi bị loại thải, ngoại ô thành phố, tại phía Nam bán cầu, người được thánh hiến tất nhiên cảm thấy có tiếng mời gọi, quảng đại và liều mạng thực hiện cuộc sống do mình chọn lựa. Thế nhưng, xin chớ để cho sự chọn lựa ấy trở thành ý thức hệ không hồn, vừa ngãng trở vừa loại thải, tới mức khinh bỉ cả những người trung lưu về diện kinh tế, hoặc tệ hơn nữa, gây hận thù, chia rẽ bên trong, hay tạo ra bạo động và gây tội ác giữa tầng lớp của xã hội. Đương nhiên, ta phải vạch trần sự bất công vốn làm khổ cho bao con cái Thiên Chúa, và dấn thân phát huy sự công bằng trong tình cảnh xã hội mà người được thánh hiến đang sống.
Tin Mừng trở nên thiết thực vì lòng mến. Lòng mến là vinh quang của Giáo hội, là dấu chỉ cho thấy Giáo hội trung tín với Chúa. Tất cả lịch sử đời thánh hiến cho thấy điều đó, một lịch sử có thể được coi như một cách chú giải sống động Lời của Chúa Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Nhiều tu hội, nhất là trong thời hiện đại, đã được thiết lập chính là để đáp ứng nhu cầu này hay nhu cầu kia của người nghèo. Ngay cả khi mục đích đó không có tính cách quyết định sự quan tâm tới những người thiếu thốn, diễn tả qua lời cầu nguyện, việc đón tiếp, cho trú ngụ, vẫn thường có trong mọi hình thức của đời thánh hiến kể cả hình thức chiêm niệm (…). Đối với đời thánh hiến, phục vụ người nghèo là một hành vi Phúc Âm hóa và đồng thời đóng ấn trung tín với Tin Mừng và mời gọi hoán cải thường xuyên, bởi vì như thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả nói: “lòng mến bay vút tới đỉnh cao khi sẵn sàng mở lòng nhân hậu để cho nỗi khốn cùng của người đồng loại kéo xuống, và lòng mến càng xuống sâu tới những người yếu hèn thì lại càng thêm sức để lên cao” (ĐSTH 82).

Gợi ý:
Hiến chương điều 29,1-2 dạy: Mỗi chị em cũng như các cộng đoàn hãy cố gắng trở nên chứng tá sống động về đức Bác Ái và đức Nghèo Khó Phúc Âm:
1. Bằng sự tôn trọng công bình xã hội trong tương quan với mọi người.
2. Bằng thái độ sẵn sàng phục vụ mọi người cách vô vị lợi, nhất là người nghèo với sự quan tâm đặc biệt thăng tiến họ.

Sr. Anna Hoàng Mai

MTG. Thủ Đức

 

 

Exit mobile version