Bài suy niệm tháng 6/2012 – Những người được thánh hiến cho sứ mạng linh đạo bằng hoạt động

91

BÀI SUY NIỆM

Tháng 06/2012

***

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN CHO SỨ MẠNG LINH ĐẠO BẰNG HOẠT ĐỘNG

 

Mỗi cộng đoàn đời thánh hiến, ngay cả những cộng đoàn chuyên chiêm niệm, không được phép co mình vào vỏ ốc, nhưng phải loan báo, phải phục vụ, và làm chứng tá mang tính sứ ngôn. Đấng Phục Sinh đang sống trong đó đã thông trao Thánh Thần của mình cho cộng đoàn, hầu giúp cộng đoàn làm chứng về sự sống lại của Ngài.

Theo hình ảnh Chúa Giêsu, “Con yêu dấu, mà Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36), những người Thiên Chúa kêu gọi theo Ngài, cũng được thánh hiến và sai đến thế gian để noi gương Người và tiếp tục sứ mệnh của Người. Điều này chủ yếu áp dụng cho mọi môn đệ nói chung. Tuy nhiên, còn áp dụng cách riêng cho những ai được mời gọi “theo sát Chúa Kitô” trong nếp sống đặc thù đời thánh hiến và lấy Người làm tất cả của đời mình. Như vậy, lời mời gọi đối với họ, bao hàm cam kết dâng hiến toàn bộ sứ mệnh ; hơn nữa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần là Đấng ở nguồn gốc mọi ơn gọi và mọi đoàn sủng, chính đời thánh hiến trở thành một sứ mệnh, như cả cuộc đời Chúa Giêsu đã là một sứ mệnh. Nhìn từ góc độ đó, việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm làm cho con người hoàn toàn tự do để phục vụ Tin Mừng, có một tầm quan trọng hiển nhiên. Vì vậy, phải khẳng định rằng sứ mệnh là điều chính yếu cho mọi Tu hội, không những cho những Tu hội đời sống hoạt động tông đồ mà còn cho cả những Tu hội sống đời chiêm niệm nữa (ĐSTH 72).

Chính vì sứ mệnh thuộc bản chất và căn tính của đời thánh hiến và không đơn thuần thuộc đoàn sủng của vài Tu hội hoạt động tông đồ, nên nó là đặc tính của sự thánh hiến. Người được thánh hiến tự bản chất đã là người mang sứ mệnh do chính sự thánh thiện của họ. Nói một cách đích xác hơn, không có chuyện trước hay sau, nghĩa là chúng ta vừa lãnh ơn thánh hiến vừa lãnh sứ mệnh một trật. Nét phiếm diện thường được nêu ra trong các chương trình hoặc trong lúc họp nhau để kiểm điểm đời sống cộng đoàn, lúc nhấn mạnh về chiều kích này, lúc nhấn mạnh chiều kích kia, đơn thuần độc chiều và đôi khi giảm thiểu sự phong phú của đời sống thánh hiến. Thế nên, sự thánh hiến và sứ mệnh không đơn giản là đặc tính của công cuộc bên ngoài nhưng là căn tính của một người hoặc cộng đoàn sống đời thánh hiến.

Thật vậy, trước khi được thể hiện bằng những công cuộc bề ngoài, sứ mệnh cốt ở việc làm cho chính Chúa Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân. Đó là thách đố, đó là mục đích đầu tiên của đời thánh hiến. Càng để cho mình đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, người ta càng làm cho Người hiện diện và hành động trong thế giới, để cho nhân laọi được cứu độ. Lúc đó, người ta có thể nói rằng người được thánh hiến “được sai đi”, do chính sự thánh hiến của mình, người ấy làm chứng cho sứ mệnh theo dự phóng của Tu hội mình. Khi đoàn sủng sáng lập tiên liệu có những hoạt động mục vụ, hiển nhiên là chứng tá đời sống và các công cuộc tông đồ hay thăng tiến nhân bản đều cần thiết : Tất cả nhằm làm cho Chúa Kitô hiện diện. Người là Đấng vừa được thánh hiến cho vinh quang Chúa Cha, vừa được sai đến với thế gian nhằm cứu độ anh chị em mình. Hơn nữa, đời tu tham gia vào sứ mệnh Chúa Kitô bằng một yếu tố khác, một yếu tố riêng cho đời tu, đó là đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, hướng về sứ mệnh. Như vậy, việc hiến dâng cho Chúa càng đi vào nội tâm, cách sống cộng đoàn càng đậm tình huynh đệ, sự dấn thân vào sứ mệnh đặc thù của Tu hội càng hăng say thì đời tu càng có giá trị tông đồ (ĐSTH 72).

Cầu nguyện là hơi thở không thể thiếu cho từng nhiệm vụ tông đồ. Cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn phải được quan tâm đến từng giây phút trong ngày, trong tuần và phải được kéo dài đầy đủ để tạo được những kinh nghiệm mãnh liệt hơn về sự hồi tâm và cầu nguyện khi tĩnh tâm hoặc cấm phòng (x. CKCN 5). Thế nên, thật cấp bách, cần phải có một linh đạo hoạt động vững vàng trong đời sống thánh hiến :

Sau hết, các Tu hội dấn thân vào các hình thức phục vụ tông đồ khác nhau, phải vun trồng một linh đạo vững chắc về hoạt động, để thấy Thiên Chúa. Thật vậy, “người ta phải biết rằng có một cách sống trật tự, đó là chuyển từ đời sống hoạt động sang đời sống chiêm niệm, nhưng đôi khi cũng nên từ đời sống chiêm niệm trở lại đời sống hoạt động, để cho ngọn lửa thắp lên trong tâm trí nhờ chiêm niệm, tỏa lan trọn vẹn trên hoạt động. Như thế, đời sống hoạt động phải dẫn tới đời sống chiêm niệm và từ đó, đời sống chiêm niệm dựa trên những gì tâm trí chúng ta nhận biết, dẫn chúng ta trở lại hành động một cách chắc chắn”. Chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rõ làm sao có thể sống kết hợp với Cha, đồng thời lại có một đời sống với nhiều hoạt động tông đồ. Nếu không liên tục tìm kiếm sự thống nhất nói trên thì luôn có nguy cơ bị suy sụp bên trong, hoang mang và chán nản. Sự kết hợp mật thiết giữa chiêm niệm và hoạt động, hôm nay như hôm qua giúp người ta đương đầu với những sứ mệnh khó khăn mới (ĐSTH 74).

Điều đó có nghĩa là cộng đoàn sống đời hoạt động cần ý tứ và có thời gian thiết yếu lo cho hoạt động tông đồ của mình có phẩm chất cao. Lắm khi các nam nữ tu sĩ không có đủ thời giờ và ngày sống của họ có nguy cơ quá sức bận rộn, xao xuyến và rốt cuộc rơi vào thảm trạng mệt mỏi và kiệt sức. Bởi vậy, cộng đoàn nên có thời dụng biểu nhịp nhàng dành thời gian nhất định cho cầu nguyện, nhất là ai nấy phải biết cách dành thời giờ cho Thiên Chúa (Congr. nos 13).

*Gợi ý : Đời sống cầu nguyện giữ vị trí cao nhất trong Hiến chương cũng như trong đời sống mỗi chị em Mến Thánh Giá, vì nhiệm vụ đầu tiên và chính yếu của tu sĩ là chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và kết hiệp liên lỉ với Người bằng kinh nguyện (HC 55). Đức cha Lambert đã dạy “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng” (Ts 31).

Sr. Anna Hoàng Mai

MTG. Thủ Đức