Bài suy niệm tháng 5

102

BÀI SUY NIỆM

Tháng 05/2011

***

ĐỜI THÁNH HIẾN TRONG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

Vào dịp Hiển Dung, thánh Phêrô đã nói nhân danh các tông đồ khác: “Chúng con ở đây thật hay!” (Mt 17,4). Được thấy vinh quang của Đức Kitô khiến tâm trí và con tim ông bị thu hút, không cô lập ông, nhưng ngược lại ông dùng từ “chúng con” nghĩa là ông và các môn đệ kia liên đới với nhau.

Chiều kích của tiếng “chúng con” giúp ta suy nghĩ về vị trí của đời sống thánh hiến trong mầu nhiệm Giáo hội. Trong những năm gần đây, suy tư thần học về bản chất đời sống thánh hiến đào sâu những viễn tượng mới, phát xuất từ giáo lý của Công đồng Vatican II. Dưới ánh sáng của giáo lý này, người ta ghi nhận rằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm chắc chắn thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội. Điều đó có nghĩa là đời thánh hiến đã xuất hiện từ thời sơ khai, sẽ không bao giờ thiếu vắng trong Giáo hội, vì là một yếu tố cấu tạo và không thể thay thế, diễn tả chính bản tính của Giáo hội (ĐSTH 29).

Đời thánh hiến là ở lại với Chúa Kitô, cũng là một kiểu nương thân bên Chúa. Giống như Phêrô được kinh nghiệm giây phút sống trên núi Tabor, người được thánh hiến cũng vậy. Họ kêu lên với tâm tình ngỡ ngàng: “Ở đây thật tốt đẹp!”. Họ cảm thấy như được tháp nhập với ba vị tông đồ, cảm thấy niềm vui chung của chúng ta, của Giáo hội.

Trước hết, đại từ “chúng con” ám chỉ cộng đoàn tu trì đã được quyện vào kinh nghiệm Hiển Dung. Cộng đoàn chính là núi Tabor, nơi Đức Kitô tỏ mình ra, nơi dào dạt niềm vui ngỡ ngàng cho những người được thánh hiến sống chung với nhau để hưởng cái gọi là “Tốt đẹp chừng nào, được ở nơi đây!” Thế ra, cộng đoàn chúng ta được gọi là nơi “tốt đẹp.” Ai cũng cảm thấy sung sướng vì được ở gần Chúa và sống sát bên Người. Cần gia tăng quan điểm đẹp này luôn mãi. Đời sống cộng đoàn là một chuỗi ngày đền tội. Đó là quan điểm bình dân, quan điểm của ca dao tục ngữ, dẫu là chuyện thứ yếu. Cộng đoàn tu trì dù sao cũng là nơi thần thiêng, đáng chúng ta chiêm ngường, vì tu là cõi phúc, tình là dây oan! Thế nên cảnh nặng nề tu trì chẳng thể là cảm tính vĩnh tồn.

Tiếp đến, cộng đoàn sống đại từ “chúng con” như một cảm nghiệm về Giáo hội. Đức Thánh Cha Gioan Phoalo II nói: Đời tu đương nhiên thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội! Các giám mục nhắc đi nhắc lại rằng đời tu là chuyện riêng của chúng ta. Đời thánh hiến là của Giáo hội chứ không còn nói là cho hoặc vì Giáo hội nữa. Đời thánh hiến là một phần bản tính của Giáo hội. Là Giáo hội bởi vì nó là nét hùng hồn nhất, diễn tả tận căn việc theo Chúa Kitô và Tin Mừng.

Sự hiện diện phổ quát và chứng tá mang tính Phúc Âm của đời sống thánh hiến cho thấy rõ rằng đời sống này không phải là một thực tại biệt lập và bên lề nhưng liên hệ đến toàn thể Giáo hội. Tại Thượng Hội Đồng, các giám mục đã nhiều lần nhắc lại đây là một vấn đề liên hệ đến chúng ta. Trong thực tế, đời thánh hiến được đặt ngay giữa lòng Giáo hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mệnh của Giáo hội, bởi vì đời sống này biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo và tình trạng toàn thể Giáo hội đang ra sức vươn tới chỗ được kết hiệp với Đấng Phu Quân duy nhất. Thượng Hội Đồng Giám Mục nhiều lần khẳng định rằng đời sống thánh hiến trong quá khứ không chỉ đóng một vai trò trợ giúp và nâng đỡ Giáo hội, nhưng còn là một ân huệ quý báu và cần thiết cho hiện tại và tương lai của dân Thiên Chúa, bởi vì đời sống này thuộc về nếp sống, sự thánh thiện và sứ mệnh của dân Thiên Chúa một cách thâm sâu (ĐSTH 3).

Vậy, quan niệm về một Giáo hội chỉ gồm có thừa tác viên thánh và giáo dân không phù hợp với những ý hướng của Thiên Chúa, Đấng Sáng Lập chí thánh như ta thấy trong các sách Tin Mừng và các tác phẩm khác của Tân Ước (ĐSTH 29).

Nếu quả thực đời thánh hiến là con tim của Giáo hội thì cộng đoàn thánh hiến phải cảm thấy mình là Giáo hội, là dấu chỉ cứu độ cho mọi người. Đời thánh hiến là dấu chỉ bí tích hữu hiệu nhất vì là dấu gắn kết một cách vô điều kiện với Tin Mừng, là dấu sứ ngôn về những giá trị Nước Chúa. Đây là chọn lựa dứt khoát trước những giá trị tình cảm, quyền hành và kinh tế. Đời thánh hiến là Giáo hội, chứ không chỉ giáo dân và giáo sĩ mới là như vậy. Giáo hội gồm tất cả các thừa tác viên, các giáo dân và tu sĩ họp thành toàn bộ làm chứng và công bố Đức Chúa phục sinh. Cộng đoàn Giáo hội của Đức kitô hiện hữu với tư cách là cộng đoàn cùng với đời thánh hiến. Không có đời thánh hiến, dung mạo thiêng liêng của Giáo hội sẽ trở nên nghèo nàn về đoàn sủng. Chính đoàn sủng của Giáo hội làm diện mạo Đức Kitô nên tinh ròng, căn tính đoàn sủng của Giáo hội và đoàn sủng của đời thánh hiến luôn mô tả căn tính của Giáo hội.

Xây dựng các đoàn sủng độc đáo của đời thánh hiến cũng là xây dựng Giáo hội. Đây là một kiểu xây dựng khiêm tốn và tinh tế vì không thể nào củng cố đoàn sủng bằng cách đảo lộn tình hiệp nhất của toàn thể thân mình mầu nhiệm. Các đoàn sủng xây dựng Giáo hội và làm cho Giáo hội trở nên dấu chỉ ngôn sứ hữu hiệu tùy theo mức độ chúng giúp cho Giáo hội phục vụ con người. Đời thánh hiến là Giáo hội, không chỉ vì nó phục vụ xã hội trong vài lãnh vực ưu tiên theo khả năng chuyên môn, nhưng vì Giáo hội nhờ đời thánh hiến khiêm tốn hiến trọn đời mình để giúp cho thiên hạ tin theo. Con tim của đời thánh hiến rung nhịp, chỉ vì Giáo hội  Hiền Thê sinh ra từ cạnh sườn Đức Kitô trên thập giá. Ngược lại, con tim của Giáo hội Hiền Thê rung cảm với lịch sử nhờ sức mạnh của những đoàn sủng đời thnh hiến.

Gợi ý :

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte rất thao thức về sự hiệp nhất trong Giáo hội: hiệp nhất giữa chủ chăn và dân Chúa; hiệp nhất giữa những người làm việc tông đồ và hiệp nhất với Tòa Thánh Rôma (x. Ts 37). Vậy, là con cái của ngài, trước tiên chị em chúng ta có ý thức xây dựng tình hiệp nhất ngay trong Cộng đoàn và Hội dòng là những Giáo hội thu hẹp không?