Bài suy niệm tháng 4/2012 – Thông hiệp với các Hội Dòng và giáo dân

57

BÀI SUY NIỆM

Tháng 04/2012

***

THÔNG HIỆP VỚI CÁC HỘI DÒNG VÀ GIÁO DÂN

 

Tình tương thân tương ái và hiệp thông huynh đệ trong Giáo hội là một vị thế thần thiêng huy động toàn dân Chúa vào tác vụ. Do đó, mối quan hệ hỗ tương trong Giáo hội phải được nhìn dưới ánh sáng mầu nhiệm hiệp thông và sứ mạng.

Cách riêng, liên quan đến tình hiệp thông giữa các Hội dòng đời sống thánh hiến, cần phải nói rằng mỗi Hội dòng, theo chiều kích huynh đệ, được mời sống trong Giáo hội. Xin các Hội dòng hãy cảm thức và sống trong tình hiệp thông để tôn trọng và đánh giá đúng mức tính chuyên biệt của các đoàn sủng khác nhau.

Các quan hệ thiêng liêng huynh đệ và sự cộng tác giữa các Tu hội đời thánh hiến và Tu hội đời tông đồ khác khau, được củng cố và dưỡng nuôi bởi cảm thức về sự hiệp thông trong Giáo hội. Những con người hiệp nhất với nhau vì đã cùng cam kết bước theo Đức Kitô, và được linh hoạt bởi cùng một Thánh Thần, chỉ có thể biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin Mừng tình yêu, như là những cành của một cây nho duy nhất. Khi nhắc lại gương các đấng sáng lập dòng nam và nữ, lúc còn sống ở trần gian, các ngài đã kết thân với nhau trong một tình bạn thiêng liêng mà vẫn trung thành với bản tính của Tu hội mình, thì những người thánh hiến cũng được kêu mời sống trong tình huynh đệ gương mẫu, có sức khích lệ các thành phần khác nhau trong Giáo hội, làm chứng cho Tin Mừng trong dấn thân hằng ngày (ĐSTH 52).

Vào những năm gần đây, giáo lý trình bày Giáo hội là hiệp thông đã giúp hiểu rõ hơn rằng các thành phần khác nhau trong Giáo hội có thể và phải hiệp lực, trong tinh thần cộng tác và trao đổi các ân huệ, để tham dự hữu hiệu hơn vào sứ mệnh Giáo hội. Chúng ta sẽ có một hình ảnh đúng đắn và đầy đủ hơn về Giáo hội, và nhất là chúng ta sẽ vững mạnh hơn để giải đáp những thách đố lớn của thời đại chúng ta nhờ sự góp phần hữu lý của các ân huệ khác nhau (ĐSTH 54).

Việc sống trong Giáo hội như cơ chế hiệp thông được bổ sung bằng ân điển Thánh Thần, dưới ánh sáng mầu nhiệm ơn gọi nên thánh của tất cả những ai được tái sinh trong Đức Kitô nhờ phép Thánh tẩy, đã dẫn họ vào cộng tác với các Hội dòng và người đời để xây dựng mọi lãnh vực. Về mặt này, việc đánh giá đúng mức thực tại trần thế đã góp phần làm nơi thần thiêng mà người đời tùy theo cách thức riêng và độc đáo của mình tham gia, và không loại trừ ai, sắp xếp việc trần thế đúng theo ý của Thiên Chúa, nhưng tiên vàn bằng chính cuộc sống chứng tá Kitô hữu của họ.

Quan hệ giữa các Tu hội đan tu và chiêm niệm với các giáo dân chủ yếu nằm ở bình diện thiêng liêng, còn quan hệ giữa các Tu hội dấn thân vào việc tông đồ và giáo dân thì được thể hiện qua công tác mục vụ. Những thành viên trong Tu hội đời, giáo dân hoặc giáo sĩ, duy trì những quan hệ với các tín hữu khác, trong những hoàn cảnh thông thường của đời sống hằng ngày. Ngày hôm nay  nhiều Tu hội, thường là do những hoàn cảnh mới, xác tín rằng đoàn sủng của họ có thể được chia sẻ với giáo dân, do đó, giáo dân được mời gọi tham dự nhiều hơn vào linh đạo và sứ mạng của chính Tu hội. Ta có thể nói rằng, dựa trên kinh nghiệm lịch sử của các Tu hội đời hoặc Dòng Ba khác nhau, một chương mới, đầy hy vọng, được mở ra về những tương quan giữa người thánh hiến và giáo dân (ĐSTH 54).

Vì có giáo dân tham gia, các Tu hội phải đào sâu, kỹ lưỡng hơn vài khía cạnh của đoàn sủng, phải giải thích một cách thiêng liêng hơn và có những đề nghị dẫn tới những sinh hoạt tông đồ mới. Vậy khi dấn thân vào các sinh hoạt hoặc các tác vụ, những người thánh hiến nên nhớ rằng, trước hết họ là những người có khả năng lãnh đạo đời sống thiêng liêng. Do đó, họ phải làm sao cho tài năng quý báu về tinh thần sinh hoa kết quả. Giáo dân cũng đóng góp cho các gia đình tu sĩ phần quý báu mang tính trần thế và phục vụ chuyên biệt (ĐSTH 55).

Có một điều cần phải lưu ý cách riêng. Đó là những người được thánh hiến xứng đáng được mời gọi tham gia vào những phong trào Giáo hội. Những phong trào ấy phải hiểu theo nghĩa tổng quát của từ ngữ, được phú ban với nền linh đạo sinh động và sức sống tông đồ mãnh liệt. Họ có thể lôi cuốn chú tâm của một vài tu sĩ vốn tham gia và thâu lượm được những thành quả canh tân thiêng liêng, thành quả dấn thân tông đồ và làm thức tỉnh ơn gọi. Thế nhưng, đôi khi cũng tạo ra những chia rẽ giữa các Dòng tu với nhau.

Đương nhiên, các phong trào có thể làm cho sức phấn đấu thêm phong phú, gia tăng nỗ lực thiêng liêng, chất lượng kinh nguyện, năng nổ sáng kiến tông đồ, trung thành với Giáo hội và gắng đạt tới một đời sống huynh đệ cao hơn nơi cộng đoàn tu trì. Cộng đoàn tu trì cần phải sẵn lòng đáp ứng không những các phong trào với thái độ hiểu biết lẫn nhau, đối thoại với nhau mà còn phải trao đổi nhau những năng khiếu nữa (Congr. nos, 62).

Gợi ý : Về việc hiệp thông với các Hội dòng và giáo dân, Hiến chương điều 72,3 dạy : Chị em cộng tác tích cực với những người làm việc tông đồ tại giáo xứ và giáo phận, trong tinh thần tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau.

 Sr. Anna Hoàng Mai

MTG.TĐ