BÀI SUY NIỆM
Tháng 02/2012
***
LẮNG NGHE NGƯỜI CAO TUỔI
Thông thường người ta quen cho rằng người cao tuổi không còn tương lai. Mọi sự đã xế chiều. Nếu ai cũng sống hiện tại vì tương lai, và tạo điều kiện cho tương lai của mình, thì người già không còn viễn cảnh, bởi lẽ họ chẳng còn khả năng xây dựng tương lai cụ thể với những kế hoạch và chương trình phàm nhân nữa. Thực ra, người cao tuổi vẫn có những ước vọng, có tương lai xây dựng và mơ tưởng, nghĩa là làm nhân chứng cho thời sẽ tới, cho những giá trị Vương Quốc mai sau. Việc làm chứng về cánh chung cho tương lai là lẽ sống cho cả trẻ lẫn già, chứ không riêng cho tuổi nào. Ngược lại, một số người non tuổi lại già nua, đang khi những người cao tuổi lại xuân trẻ hơn vì tâm hồn thư thái và thong dong, không bị ràng buộc bởi muôn vàn điều kiện sinh sống. Về phương diện này, cần phải chăm lo giữ lấy tuổi già và vun trồng nét đẹp của tuổi ấy như một kế hoạch đời sống. Đồng thời người cao tuổi cũng cần được người khác chăm sóc cho.
Mối bận tâm đến người cao tuổi và đau ốm có vai trò quan trọng trong đời sống huynh đệ, nhất là trong thời đại chúng ta. Tại nhiều miền trên thế giới, số người được thánh hiến luống tuổi đang gia tăng. Họ đáng được trân trọng và ân cần săn sóc, không chỉ vì bổn phận công bằng bác ái và lòng tri ân, nhưng những cử chỉ đó muốn diễn tả niềm xác tín là đời sống chứng tá của họ vẫn còn gía trị và đầy công đức. Vì tuổi tác và bệnh tật, họ phải rời bỏ công việc. Chắc chắn các vị ấy có nhiều kho tàng khôn ngoan và kinh nghiệm để cống hiến cho cộng đoàn, nếu cộng đoàn biết gần gũi ân cần săn sóc và lắng nghe các vị ấy (ĐSTH 44).
Theo lời của Đức Thánh Cha, người già có nhiều điều cần trao ban theo đức khôn ngoan và kinh nghiệm, do đó, xin mời những người trẻ biết lắng nghe họ. Như thế, người cao tuổi là sứ điệp bằng lời nói cũng như bằng sự hiện diện dạt dào ý nghĩa. Sứ điệp này không nhất định phải có một nội dung ngổn ngang những ngôn từ siêu đẳng, nhưng là sứ điệp và lời nói qua phong cách hiện diện nhất quán và thực tiễn không thể trách cứ được. Ánh mắt rạng ngời của một thành viên lão thành giống như những ánh sao lung linh chiếu rọi trên cộng đoàn khả dĩ chỉ cho thấy đường lối cam go hiểm trở họ trải qua.
Thế nên, trong cộng đoàn, những người cao tuổi bao giờ cũng có giá trị, mãi mãi có khả năng, luôn luôn có lợi ích, đóng vai trò quý giá, để cầm cân nảy mực cho cộng đoàn. Một cộng đoàn có những thành viên cao tuổi thánh thiện, là một cộng đoàn chẳng bao giờ rơi vào tình cảnh dao động, nhưng sẽ tiến triển vững vàng về đường thiêng liêng. Đang khi theo thói nhân loại mà nói, thể lý của người già càng dốc xuống thì tinh thần càng vươn cao tới mức thành toàn về tình yêu. “Dù con người bên ngoài có tiêu tan đi thì con người bên trong vẫn ngày ngày đổi mới” (2Cr 4,16). Trong tiến trình lột xác và đón nhận thử thách sau chót, tình yêu bác ái làm cho của lễ bản thân mỗi lúc một tinh ròng hơn (T. Goffi). Trong khi công việc tông đồ của thành viên trẻ xuôi chạy như tên bay, thì cần có sự bén nhạy thiêng liêng của những thành viên cao tuổi. Chúng ta cùng nhau xây dựng cộng đoàn xuân trẻ luôn mãi, làm dấu chỉ cụ thể trong lịch sử thanh xuân của Thánh Thần, Đấng canh tân toàn thế giới.
Trong thực tế, sứ mệnh tông đồ, trước khi là hoạt động phải là một chứng tá phó thác toàn thân cho ý muốn cứu độ của Đức Chúa, kín múc nơi những nguồn mạch của kinh nghiệm và sám hối. Vậy, những người lớn tuổi có thể được kêu gọi sống ơn gọi của họ theo nhiều cách : chuyên cần cầu nguyện, kiên nhẫn chịu đựng hoàn cảnh, sẵn sàng phục vụ trong tư cách linh hướng, giải tội hoặc hướng dẫn việc cầu nguyện (ĐSTH 44).
Người được thánh hiến ở tuổi già nua không bao giờ phải nghỉ hưu. Trong tư thế sinh động hóa một cách tế nhị, với nếp sống chứng tá, nhờ các giá trị và ánh sáng của ảnh tượng hiển dung, người già phản ánh một cách hữu hình Mầu Nhiệm của Chúa. Như bức hình sống động được trao cho cộng đoàn kính cẩn giữ gìn, người già mạc khải rõ nét về vinh quang Thiên Chúa. Hào quang của hội dòng hiện ra trên những vết nhăn của cơ thể, biểu lộ lòng can đảm lướt thắng khó khăn bằng con đường khổ chế, leo lên Núi Thánh.
Bởi vậy, cộng đoàn nên quây quần quanh những thành viên lão thành và đau yếu. Tùy khả năng, họ tiếp tục phục vụ bằng cách đón nhận tình cảnh của mình. Như thế họ trở nên nguồn phúc lành cho cộng đoàn, gia tăng dồi dào tinh thần gia đình và làm cho mỗi người liên kết với nhau ngày một hơn. Đời sống của họ thâu lượm một ý nghĩa mãi là tông đồ truyền giáo : Nhờ đức tin, họ phó dâng giới hạn và đau khổ của mình cho các anh chị em, hiệp với cuộc thương khó cứu độ của Chúa và tiếp tục tham gia vào sứ mệnh và đời sống của hội dòng.
Như vậy, người già chẳng những không thoái lui khỏi sứ mạng, nhưng còn vào trọng tâm và tham gia vào những hình thức mới mẻ và hữu hiệu nữa. Cần tạo điều kiện để “những người được thánh hiến chuẩn bị xa tuổi già của mình hầu có thể kéo dài thời gian hoạt động, học cách khám phá ra hình thức mới để xây dựng cộng đoàn và cộng tác vào sứ mạng chung, nhờ khả năng đối phó với những thách đố của tuổi tác, với sự bén nhạy tinh thần và văn hóa, với kinh nguyện và kiên trì làm việc bao lâu còn có thể phục vụ, bất chấp giới hạn của mình” (Congr. nos, 68).
Có một sự trẻ trung tinh thần mà thời gian không thể xóa được : Đó là khi đương sự tìm thấy được trong mọi giai đoạn của cuộc sống một nhiệm vụ mới cần thực hiện – một cách hữu hiệu, phục vụ và yêu mến đặc biệt.
Khi tới lúc kết hiệp với giờ cao điểm của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, người được thánh hiến biết rằng từ nay, Cha hoàn tất nơi mình con đường đào tạo huyền nhiệm đã bắt đầu từ lâu. Cái chết lúc đó sẽ được chờ đón và chuẩn bị như hành vi tối hậu của tình yêu và dâng hiến (ĐSTH 70).
Gợi ý : Hiến Chương điều 46,2 dạy chị em chúng ta : Hãy dành tình yêu thương và sự chăm sóc đặc biệt cho chị em già yếu, bệnh tật.
Sr. Anna Hoàng Mai
MTG. TĐ