BÀI SUY NIỆM
Tháng 12/2012
***
LỜI CHÚA VÀ PHỤNG VỤ : NGUỒN MẠCH LINH ĐẠO
Linh đạo của một người được thánh hiến tiên vàn và trên hết phải thuộc về Kinh Thánh. Quả thực, Thánh Kinh là Lời Chúa, là chân lý, là ánh sáng và niềm cậy trông, là năng quyền cứu độ cho bất cứ ai tin theo, là mạch nước trong lành vĩnh cửu của đời sống thiêng liêng. Trong Lời Chúa hàm chứa cả hiệu năng lẫn quyền năng khả dĩ trở thành sự nâng đỡ và sức mạnh linh đạo cho người được thánh hiến. Nơi Lời Chúa, chúng ta gặp gỡ và trò chuyện với Chúa. Lời Chúa là “chuẩn hình chuẩn dạng”, là điểm đối chiếu của mỗi suy tư và tình cảm. Lời Chúa là “tưởng niệm”, “ là ngôn sứ” của đời thánh hiến.
Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo Kitô hữu. Lời chúa nuôi dưỡng tương quan thân tình với Thiên Chúa hằng sống, với ý định cứu chuộc và thánh hóa của Ngài. Vì thế, ngày nay từ buổi đầu trong Tu hội sống đời thánh hiến, và đặc biệt trong các đan viện, việc đọc sách thiêng vẫn được quý trọng. Nhờ đọc sách thánh mà Lời Chúa thấm nhuần cuộc sống, chiếu soi vào cuộc sống ánh sáng của sự khôn ngoan, hồng ân của Thánh Thần. Đành rằng trọn bộ Kinh Thánh đều “có ích cho việc giảng dạy (2Tm 3,16), là nguồn mạch thanh khiết và không bao giờ cạn cho đời sống thiêng liêng”, nhưng các bản văn Tân Ước đáng được tôn trọng đặc biệt. Các sách Tin Mừng chiếm một “địa vị ưu đẳng” trong toàn bộ sách thánh. Những người tận hiến nên chăm chú suy niệm chính bản văn Tin Mừng và bản Tân Ước khác, vì những bản văn này diễn đạt lời lẽ và nêu gương Chúa Kitô và Đức Trinh nữ Maria […]. Suy niệm Lời Chúa trong cộng đoàn cũng có một giá trị lớn. Tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi cộng đoàn, khi suy niệm Lời Chúa chung với nhau, các anh chị em vui sướng chia nhau những kho tàng kín múc từ Lời Chúa, nhờ đó họ cùng tiến lên và giúp nhau bước đi trong đời sống thiêng liêng (ĐSTH 94).
Phụng vụ là nguồn mạch đời sống thiêng liêng vì nó thực hiện ơn cứu độ chúng ta. Với tư cách là ‘tác động của Đức Kitô’ cho dân Ngài, phụng vụ thể hiện ơn cứu chuộc chúng ta vì khi thực thi chức năng linh mục của mình, Đức Giêsu thể hiện mầu nhiệm Vượt Qua cũng như thánh hóa chúng ta. Đây cũng là ‘tác động của Giáo hội’ vì trong phụng vụ, Giáo hội công bố và cử hành cách chính yếu mầu nhiệm Vượt Qua nhờ việc Chúa Kitô hoàn tất công trình cứu thế và tỏ ra là dấu khả giác của mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Vì trong phụng vụ, phần rỗi của chúng ta được thể hiện, cho nên phụng vụ là đỉnh cao phát sinh mọi tác động cũng như tuôn trào mọi nhân đức của Giáo hội.
Cách riêng, phép Thánh Thể là nền tảng của linh đạo này, vì tại trung tâm đời sống và sứ mệnh của mình, Giáo hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo hội. Khi liên kết chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Chúa, nhờ việc tưởng niệm, Thánh Thể làm sống lại mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô tái diễn cho chúng ta, trong đó, Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian, thể hiện cuộc biến đổi cách hữu hiệu con người chúng ta và làm cho chúng ta kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa: thần tính của người tràn ngập chúng ta để biến đổi và canh tân toàn diện con người chúng ta.
Để thực hiện sự hiệp thông với Chúa, phụng vụ thánh hẳn là một phương tiện chính yếu, đặc biệt là việc cử hành Thánh Lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Trước hết, phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo hội, đó chính là Chúa Kitô. Người là mầu nhiệm phục sinh của chúng ta. Người là bánh hằng sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt sống động nhờ Thánh Thần và làm cho Người ta được sống. Thánh thể là tâm điểm của đời sống Giáo hội thì cũng là tâm điểm của đời thánh hiến. Khi khấn giữ những lời khuyên Phúc Âm, làm sao một người đã được kêu mời chọn Đức Kitô như là Đấng duy nhất có thể đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, lại không ao ước hiệp thông sâu xa với Người? Nhờ tham gia mỗi ngày vào Bí Tích làm cho Người hiện diện, vào Hy Lễ làm cho tình yêu dâng hiến của Người trên đồi Calvê hiện diện,vào bữa tiệc nuôi dưỡng và nâng đỡ Dân Chúa suốt cuộc hành hương. Do tự bản chất, bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người, cho những con người và các Tu hội. Trong bí tích Thánh Thể, mỗi người tận hiến được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Cha nhờ Thánh Thần. Chuyên cần chiêm ngắm lâu dài Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể cho chúng ta được sống một phần nào kinh nghiệm của Phêrô khi thấy Chúa hiển dung: “Chúng con được ở đây thật là hay”. Khi cử hành Mình và Máu Đức Chúa, sự hiệp nhất và tình mến của những kẻ dâng Chúa cả cuộc đời, được củng cố và phát triển (ĐSTH 95).
Việc cử hành chung Giờ Kinh Phụng Vụ hoặc ít ra một phần là yếu tố rất sát thực và là bước căn bản của nền linh đạo phụng vụ. Trong việc thường xuyên cử hành các Giờ Kinh, con người thiêng liêng của người thánh hiến hít thở bầu khí trong lành để lớn lên. Sự lưu tâm đến việc cầu nguyện, phụng vụ là nguồn phát sinh cho mỗi thành quả trong kinh nguyện, trong việc tự giáo dục mình cho tinh thần của cộng đoàn. Phụng Vụ Giờ Kinh là việc cầu nguyện công khai của Giáo hội (PV 98), trong đó, chúng ta thực hiện chức linh mục hoàng vương của người được thanh tẩy, nơi mà tiếng Hiền Thê ngỏ cùng Lang Quân chính là tiếng nài van của Đức Kitô với Thân Mình dâng lên Chúa Cha.
Cũng như bí tích Thánh Thể, và nối kết chặt chẽ với bí tích này, các Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành trong cộng đoàn hoặc mỗi người riêng cho mình tùy theo bản chất của mỗi Tu hội. Các Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành trong sự hiệp thông vào lời cầu nguyện của Giáo hội, diễn tả ơn gọi ca ngợi và chuyển cầu, là đặc điểm của những người tận hiến (ĐSTH 95).
Gợi ý :
Hiến chương điều 57,1 và 56 dạy:
– Kinh Thánh là một nguồn lương thực nuôi dưỡng đời sống thánh hiến, chị em phải đọc và suy niệm hằng ngày.
– Phụng vụ với trọng tâm là Thánh lễ, chiếm địa vị vô song, vì Phụng vụ kết hiệp kinh nguyện nội tâm với phượng tự bên ngoài.
Sr. Anna Hoàng Mai
MTG. Thủ Đức