Bài suy niệm tháng 1/2012 – Quyền bính trong cộng đoàn

94

BÀI SUY NIỆM

Tháng 01/2012

***

QUYỀN BÍNH TRONG CỘNG ĐOÀN

Trong đời thánh hiến, vai trò của bề trên nam nữ, tổng quyền cũng như địa phương, luôn luôn có một tầm quan trọng lớn đối với đời sống thiêng liêng cũng như đối với hoạt động truyền giáo. Trong những năm nghiên cứu và giao động vừa qua, đôi khi người ta cảm thấy cần xét lại chức năng này. Nhưng phải nhìn nhận rằng, những người hành xử quyền bính không thể từ khước bổn phận hướng dẫn anh chị em trên con đường thiêng liêng và tông đồ ( ĐSTH 43).

Đức Thánh Cha nói rằng: Từ công đồng tới nay, cần duyệt xét lại chức năng này. Người ta muốn có một bầu khí sống chung tốt hơn. Người ta mong ước dành chỗ nhiều cho mọi ngừơi được tham dự; ước mong chuyển cuộc sống chung quá cậy vào luật lệ sang nếp sống chú tâm hơn vào nhu cầu cá nhân và chăm sóc hơn tới bình diện nhân bản. Nỗ lực xây dựng cộng đoàn ít vụ hình thức hơn, ít độc đoán hơn, nhưng gia tăng tình huynh đệ và sự tham gia của nhiều người hơn. Thông thường, người ta coi đó là thành quả rõ rệt của những năm canh tân hậu công đồng (x.Congr. nos, 47).

Nếu một phía quyền bính phải dành nhiều chỗ cho mọi thành viên tham dự và đảm nhiệm cách hữu hiệu vào cuộc sống cũng như vào các sinh hoạt của cộng đoàn, thì về phía các bề trên không thể trốn lánh nhiệm vụ hữu trách đầu tiên trên cộng đoàn. Cần phải đánh giá đúng mức con người và cộng đoàn để có sự phân quyền thực tiễn hầu tôn trọng quyền tự lập. Dẫu vậy, không hợp với Tin Mừng khi đánh giá quyền bính trên cộng đoàn ở mức tối thiểu là phân chia công tác để phối kiểm những sáng kiến các thành viên của mình. “Nếu bầu khí dân chủ lan tỏa thêm tinh thần đồng trách nhiệm và mời gọi tất cả tham gia vào tiến trình quyết định của nội bộ cộng đoàn tu trì, thì cũng chớ quên rằng tình huynh đệ không phải là thành quả riêng của nỗ lực nhân loại, nhưng tiên vàn còn là hồng ân Thiên Chúa ban cho nữa. Đó là hồng ân đến từ việc vâng nghe Lời Chúa trong đời tu, cũng là hồng ân do bề trên nhắc đến Lời Chúa và liên kết từng  tình  huống  lại  tùy theo tinh  thần của hội dòng”  (Congr. nos, 48).

Bề trên là người chủ tọa cộng đoàn, phải sống và tỏ ra là thầy dạy đường thiêng liêng, là người lãnh đạo đức tin của cộng đoàn, là người giải thích đích đáng về đoàn sủng cho mọi thành viên của cộng đoàn. Chức năng của họ là người lãnh đạo có uy tín, vững vàng và khả tin bởi vì họ vừa sống điều mình dạy, vừa làm mình trở nên mẫu gương cho các chị em trong cộng đoàn. Trước khi sinh động hóa việc tông đồ và truyền giáo, họ phải sinh động hóa một cách thiêng liêng tình yêu và tình bạn giữa người với người, bằng cách tạo dễ dàng và khích lệ mọi người tiến tới đường thiêng liêng đã. Diện mạo của một bề trên quản trị hữu ích cho việc tông đồ và truyền giáo  của cộng đoàn, nhưng không buộc phải là diện mạo tinh thần. Dù sao, tiên vàn phải là con người thiêng liêng, xác tín về vai trò linh đạo vừa để giữ phong cách đời sống cá nhân vừa để xây dựng đời sống huynh đệ, nghĩa là họ phải ý thức hơn cả về tình yêu Thiên Chúa đang tăng trưởng nơi các tâm hồn cũng như làm cho con người mỗi lúc một gắn bó với nhau.

Thực tế, cộng đoàn thánh hiến luôn bị chủ nghĩa cá nhân trong xã hội ảnh hưởng. Trong xã hội hiện nay, người ta luôn phổ biến dưới hình thức này hình thức khác, đề cao chủ thể và nhấn mạnh một cách quá đáng về sự phồn vinh vật chất, tâm lý và công nghệ. Người ta thích lo việc riêng tư hoặc tạo uy thế vững chãi cho mình, đề cao tuyệt đối những khát vọng cá nhân và đường lối cá thể mà chẳng thèm nghĩ đến tha nhân cũng chẳng thèm đếm xỉa đến cộng đoàn nữa. Trong bối cảnh này, bề trên hãy xử lý thế nào để cộng đoàn tu trì không biến thành một cư xá, nơi hôi tụ những thuộc hạ, khiến mỗi người mạnh ai nấy sống, nhưng làm sao để điều hành họ như một cộng đoàn huynh đệ, hầu ai cũng hướng chuyện riêng về chuyện của Chúa Kitô.

Một công tác căn bản khác của quyền bính là sinh động cuộc đối thoại. Công tác này đòi có tối thiểu ba chiều kích:

  1. Trước tiên, hãy cổ võ phong cách đối thoại giữa các thành viên. Hãy làm thế nào để các thành viên trò chuyện, gặp gỡ, tạo điều kiện để tiếp xúc, gia tăng thông tin và hiểu biết lẫn nhau hơn. Sự thiếu sót và nghèo nàn về thông tin thường làm suy nhược tình chị em, chỉ vì không biết nếp sống của người khác, khiến người nọ xa lánh người kia, không biết đến chị em mình, đối xử với nhau như người dưng nước lã, ấy là chưa nói đến tình cảnh tồi tệ là rơi vào cô lập hoặc gạt loại lẫn nhau một cách tai hại.
  2. Khích lệ các thành viên đối thoại. Điều đó có nghĩa là biết đàm thoại với nhau một cách thẳng thắn và chân tình. Đàm thoại với nhau sẽ gia tăng hiệu năng giáo dục, tính lịch thiệp, tự chủ, tế nhị, hồn nhiên, và có tinh thần chia sẻ. Không có đối thoại, chẳng thể gia tăng lòng kính trọng, tin tưởng, và yêu thương nhau được.
  3. Dùng đối thoại để dẫn các thành viên vào những quyết định chung. Nơi nào thực hành đối thoại một cách nghiêm túc, sẽ có thể cống hiến cho người trách nhiệm những điều kiện khá hơn để quyết định mưu ích cho đời sống huynh đệ và tông đồ.

Sau khi đã tìm mọi cách để trao đổi trong cộng đoàn, lượng định và phân tích bằng cách cống hiến nhiều đường lối giải quyết khác nhau, tùy theo thể thức Hiến chương ấn định, luôn phải nhường cho người trách nhiệm lời phán quyết sau cùng. Người được thánh hiến sẽ gắn bó với quyết định ấy trong niềm tin hữu trách ngay cả khi quyết định ấy đi ngược với ý kiến riêng, bởi vì kế hoạch của cộng đoàn phải được tiến hành. Trong ý nghĩa này, cần phải cộng tác với quyền bính để chứng tỏ mình tôn trọng những quyết định chung.

Gợi ý:

Theo tinh thần Hiến chương điều 113, mỗi chị em chúng ta cần ý thức: việc thi hành quyền bính trong Hội dòng nhằm mục đích tăng trưởng nhân vị mỗi chị em, xây dựng cộng đoàn hiệp nhất trong Đức Kitô để toàn thể Hội dòng có thêm khả năng làm sáng danh Thiên Chúa và phục vụ hạnh phúc của mọi người.

Sr. Anna Hoàng Mai