BÀI SUY NIỆM
Tháng 10/2011
***
CÕI LÒNG THỜ PHƯỢNG: CẦU NGUYỆN VÀ TU ĐỨC
Dẫu vậy, chẳng thể tìm thấy căn tính thiêng liêng, ân huệ phong phú, đặc sủng độc đáo, nếu người đó chưa chạy tới cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch chứa chan của đời sống chúng ta. Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta biết giá trị của cầu nguyện bằng chính thái độ cầu nguyện của Ngài. Chúa Giêsu đã đi vào nơi riêng rẽ, trong hoang mạc, trên núi, thông thường suốt đêm thâu để cầu nguyện. Ngài cũng dẫn con người đi với mình để cầu nguyện, bởi lẽ Ngài đã mang lấy thân phận của toàn thể nhân loại nơi thân xác và dâng về cho Chúa Cha bằng cách hiến dâng chính mình (GLCG 2602).
Thế nhưng, cầu nguyện là một hồng ân Thiên Chúa thể hiện nơi những kẻ sống tinh thần nghèo khó, khiêm nhường, nơi tâm hồn thờ phượng trong thinh lặng.
Người ta chỉ nghe lời mời gọi sống thánh thiện và bước theo con đường nên thánh, khi họ có thái độ thờ phượng trong thinh lặng trước Thiên Chúa siêu việt vô biên: “Chúng ta phải tuyên xưng rằng tất cả chúng ta đều cần thứ thinh lặng tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa : Thần học cần, để nêu cao giá trị của cái hồn Thần học là sự khôn ngoan và thiêng liêng. Kinh nguyện cần, để không bao giờ quên rằng thấy Thiên Chúa có nghĩa là xuống núi với một gương mặt chói lọi đến nỗi phải che mặt bằng một tấm khăn (Xh 34,33)… Dấn thân cần, để từ chối giam mình trong một cuộc đấu tranh không có tình yêu, cũng không có tha thứ… Tất cả mọi người, dù có tín ngưỡng hay không, phải học biết giá trị của thinh lặng… Trong thực tế, điều này giả thiết phải hết sức trung thành cầu nguyện phụng vụ và cá nhân, dành thời gian cho tâm nguyện và chiêm niệm, thờ phượng ThánhThể, tĩnh tâm hàng tháng và linh thao tập luyện thiêng liêng” (ĐSTH 38).
Những phương thế tu đức, các chương trình tập luyện thiêng liêng, do Lời Chúa và Thánh Thần linh hứng cũng giúp rất nhiều cho việc thăng tiến thiêng liêng và cho việc nên thánh. Những phương thế tu đức không chiếm hữu thiên đàng, vì sự thánh thiện và phần rỗi là ân huệ nhưng không do Thiên Chúa ban tặng. Việc nên trọn lành và ơn cứu rỗi của chúng ta là công trình của Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có thể cứu độ, chỉ có Ngài mới làm cho chúng ta nên thánh thiện hơn. Tu đức là dấu chỉ cụ thể nỗ lực cộng tác của chúng ta với ơn nhưng không của Ngài, đồng thời cũng giúp chúng ta cầm chắc trong tay đời sống cũng như chủ trị được những đam mê vốn dẫn chúng ta lạc xa Thiên Chúa. Tu đức đời thánh hiến chẳng phải là những khổ chế và thói hành hạ cơ thể mình một cách phi lý. Chúng ta nỗ lực, quyết liệt thực thi khổ chế đầy mến thương vì Tin Mừng và vì Chúa Kitô. Đó cũng là nỗ lực xây dựng lộ trình thiêng liêng, để đạt sự trọn lành đức ái vì Thiên Chúa và vì anh em.
Lộ trình khổ chế là một con đường mời gọi chúng ta rộng mở tâm hồn, mở toang cửa lòng cho đức cậy trông và tín thác : Chúng ta hãy ngỏ cửa lòng mình cho niềm hy vọng ; hãy trải rộng con tim mình ra để đón Chúa Kitô mỗi ngày. Ngài sát gần và chạm đến chúng ta vì khi đi cạnh bên và được Ngài cầm tay dẫn dắt, chúng ta có thể vững vàng tin tưởng hơn.
Lộ trình khổ chế này cũng xin chúng ta không nên quá mệt mỏi với nó, để còn có sức mà đi hết cuộc xuất hành. Xuất hành là đường nội tâm, một sự bố trí thiêng liêng mà Thiên Chúa an bài để chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện năng động của Ngài. Trong lộ trình thiêng liêng của đời thánh hiến, chúng ta khám phá ra nghĩa cử Thiên Chúa can thiệp vào những giây phút tai ương hoạn nạn. Xuất hành là đường lối thiêng liêng, bứng mình ra khỏi sự huyên náo phố phường hoặc khỏi mối lo toan để sống kinh nghiệm sa mạc, nơi mà chúng ta thấy một “Vương quốc tư tế và một dân tộc thánh thiện” (Xh 19,6), trong đó, kinh nghiệm về đời sống tự do trên đường đi trở thành một cuộc giải phóng : Đó là hồng ân diệu kỳ cứu chúng ta khỏi nỗi lo âu sợ hãi.
Khi nói rằng ông Maisen và ông Êlia đàm đạo với Đức Kitô về mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, một cách ý vị, thánh Luca sử dụng từ “cuộc xuất hành” : hai vị “nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tới Giêrusalem” (Lc 9,31). “Xuất hành” là từ ngữ chìa khóa của Mặc Khải. Toàn thể lịch sử cứu độ đều quy về đó, diễn tả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Vượt Qua. Đề tài này đặc biệt được linh đạo đời sống thánh hiến ưa thích, vì nói lên rõ ràng chiều hướng của đời sống này. Chắc chắn cuộc xuất hành bao gồm những gì thuộc về mầu nhiệm Thập Giá, nhưng trong viễn tượng Tabor, “con đường xuất hành” đòi hỏi này, xuất hiện giữa hai luồng ánh sáng : ánh sáng báo trước cuộc Hiển Dung và ánh sáng vĩnh viễn của cuộc Phục Sinh.
Ơn gọi đi vào đời sống thánh hiến-nhìn trong viễn tượng của toàn thể đời Kitô hữu- mặc dù có những từ bỏ và những thử thách, hoặc đúng hơn vì có những điều ấy, là một con đường “ánh sáng” trên đó Đấng Cứu Thế vẫn đưa mắt trông chừng : “Chỗi dậy đi, đừng sợ !” (ĐSTH 40).
Gợi ý: Cầu nguyện và khổ chế là hai trong ba chiều kích linh đạo của người nữ tu Mến Thánh Giá. Chị em chúng ta hãy duyệt xét lại đời sống cầu nguyện và khổ chế của chúng ta.
Sr. Anna Hoàng Mai
HD. Mến Thánh Giá Thủ Đức