TIN TỨC Tin Giáo hội Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho giới trẻ...

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho giới trẻ tại Panama

Các bạn trẻ thân mến,

Thật tuyệt vời biết bao khi chúng ta lại gặp nhau, lần này ở một vùng đất đã tiếp đón chúng ta thật rạng rỡ và ấm áp. Khi chúng ta qui tụ tại Panama, Ngày Giới Trẻ Thế Giới một lần nữa là ngày lễ vui mừng và hy vọng, đem đến cho toàn thể Giáo hội và đối với thế giới đó là một chứng từ đức tin.

Cha còn nhớ tại Krakow, một số người hỏi cha, khi nào cha sẽ đến Panama, và cha đã trả lời: “Tôi không biết, nhưng chắc chắn thánh Phêrô sẽ ở đó. Thánh Phêrô sẽ đến đó”. Hôm nay cha vui mừng nói với các con : Thánh Phêrô đang ở với các con, để cử hành và đổi mới các con trong đức tin và hy vọng. Thánh Phêrô và Giáo hội cùng đi với các con, và chúng tôi muốn nói với các con rằng đừng sợ, hãy tiến về phía trước cùng nghị lực tươi mới và không ngừng nghỉ, điều đó khiến cho chúng ta hạnh phúc hơn và sẵn sàng hơn, làm chứng tốt hơn cho Tin mừng. Hãy tiến về phía trước, đừng tạo nên một Giáo hội song song, muốn “vui vẻ” hơn hoặc “phong cách” hơn nhờ vào cái ngông cuồng tuổi trẻ, như thể đó là tất cả điều các con cần hoặc muốn có. Lối suy nghĩ đó sẽ không tôn trọng các con hay mọi thứ mà Thánh Thần đang nói qua các con.

Không phải vậy đâu! Cùng với các con, chúng tôi muốn tái khám phá và đánh thức lại sự tươi mới không ngừng và trẻ trung của Giáo hội, mở ra cho chúng ta một lễ Hiện Xuống mới (x. THĐ về người trẻ, phần cuối, số 60). Như chúng ta đã trải nghiệm được tại Thượng Hội Đồng Giám mục, điều này chỉ có thể xảy ra khi lắng nghe và chia sẻ, chúng ta khuyến khích nhau để tiếp tục bước đi và làm chứng bằng cách loan báo về Thiên Chúa qua việc phục vụ cho anh chị em của chúng ta cách cụ thể hơn nữa.

Cha biết để đến được đây thật không dễ. Cha biết các con đã nổ lực cố gắng và hy sinh để tham dự ngày Giới Trẻ này. Nhiều tuần làm việc, tận tụy, gặp gỡ suy tư và cầu nguyện khiến cho cuộc hành trình tự nó là một phần thưởng. Người môn đệ không chỉ đơn thuần là người đến một nơi nào đó, nhưng là người bắt đầu lên đường cách dứt khoát, là người không ngại mạo hiểm và tiếp tục bước đi. Đây là niềm vui tuyệt vời : hãy tiếp tục bước đi. Các con đừng sợ mạo hiểm và hãy tiếp tục bước đi. Ngày hôm nay tất cả chúng ta đều có thể đến đây, bởi vì ngay từ lúc này, nơi các cộng đoàn khác nhau, tất cả chúng ta đang “lên đường” với nhau.

Chúng ta đến từ các nền văn hóa và dân tộc khác nhau, nói các ngôn ngữ khác nhau và ăn mặc khác nhau. Mỗi dân tộc của chúng ta đã trải qua lịch sử và đã sống qua những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta khác nhau trong nhiều khía cạnh. Nhưng không điều nào trong số đó ngăn cản được chúng ta đến gặp gỡ nhau và chung vui với nhau. Vì thế, chúng ta biết rằng, đó là điều hiệp nhất chúng ta. Ai cũng là anh em của chúng ta. Các bạn trẻ thân mến, các con đã hy sinh nhiều thứ để có thể gặp gỡ nhau và theo cách này, các con đã trở thành những thầy dạy và những thợ xây thực sự của nền văn hóa gặp gỡ. Bằng hành động và cách tiếp cận của các con, cách nhìn nhận các vấn đề của các con, những ước muốn và nhất là sự nhạy cảm của các con, các con nghi ngờ và từ chối những kiểu nói có ý gieo rắc sự chia rẽ, loại trừ hoặc khước từ những người không “giống như chúng ta”. Bởi vì các con có bản năng nhận biết được “tình yêu đích thực thì không loại trừ những khác biệt chính đáng, nhưng hòa hợp chúng trong sự thống nhất ưu việt” (Bênêđictô XVI, bài giảng ngày 25/01/2016). Mặt khác, chúng ta biết rằng cha của sự dối trá ưa thích những người chia rẽ nhau và gây gỗ với những người đã học được cách làm việc cùng nhau.

Các con dạy cho chúng tôi biết rằng gặp gỡ nhau không có nghĩa là phải giống nhau hoặc suy nghĩ như nhau hoặc làm những điều tương tự nhau, nghe cùng loại nhạc hoặc mặc chiếc áo bóng đá giống nhau. Không, không phải vậy… Nền văn hóa của sự gặp gỡ là một lời mời gọi chúng ta can đảm sống cho một giấc mơ chung. Vâng, một giấc mơ tuyệt vời, một giấc mơ có chỗ dành cho mọi người. Giấc mơ mà vì đó Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình trên thập giá, Chúa Thánh Thần được tuôn trào vào ngày lễ Ngũ tuần và đã truyền lửa đến con tim của mọi người nam nữ, trong con tim của các con và của cha, trong niềm hy vọng tìm được lý do để lớn lên và hưng thịnh. Một giấc mơ mang danh Chúa Giêsu, được Chúa Cha gieo trồng trong niềm xác tín rằng nó sẽ lớn lên và sẽ sống trong mọi tâm hồn. Một giấc mơ chạy trong huyết quản của chúng ta, làm rung động con tim chúng ta và khiến chúng nhảy múa bất cứ khi nào chúng ta nghe lệnh truyền : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35)

Một vị thánh xuất thân những vùng đất này đã nói rằng “Kitô giáo không phải là một tuyển tập những sự thật cần phải tin, không phải là những quy tắc cần phải tuân theo, hay những điều cấm kỵ. Nhìn theo cách đó nó sẽ gây phiền cho chúng ta. Kitô giáo là một người yêu tôi vô cùng, là người đòi hỏi và cầu xin tình yêu của tôi. Kitô giáo là Chúa Kitô” (x. Thánh Oscar Romero, bài giảng 6/11/1977). Kitô giáo có nghĩa là vì theo đuổi giấc mơ mà vì đó Ngài đã hiến trao mạng sống mình: yêu bằng chính tình yêu mà Ngài đã yêu chúng ta.

Chúng ta có thể hỏi : Điều gì khiến chúng ta hiệp nhất? Tại sao chúng ta lại hiệp nhất? Điều gì thúc đẩy chúng ta gặp gỡ nhau? Chúng ta biết chắc rằng chúng ta đã được yêu thương bằng một tình yêu sâu thẳm, một tình yêu mà chúng ta không thể và cũng không muốn giữ thinh lặng đối với một tình yêu kêu mời chúng ta đáp trả theo cùng một cách : đáp trả bằng tình yêu. Đó là tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta (x. Cor 5,14).

Tình yêu ấy không đè nặng hay áp chế, không gạt sang một bên hay làm câm lặng, không làm nhục nhã hay độc đoán. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, thường hằng, kín đáo và tôn trọng; một tình yêu tự do và giải phóng, chữa lành và nâng dậy. Tình yêu của Thiên Chúa đã làm là nâng cao hơn là hạ nhục, hòa giải hơn là cấm đoán, ban tặng những đổi mới hơn là lên án, hướng đến tương lai hơn là quá khứ. Đó là tình yêu dịu dàng của bàn tay đưa ra để phục vụ, một sự tận tâm không lôi kéo sự chú ý về cho chính mình.

Bạn có tin vào tình yêu này không? Đó có phải là một tình yêu có ý nghĩa?

Đây cũng chính là câu hỏi và cũng là lời mời đã được nói với Đức Maria. Khi sứ thần hỏi Mẹ nếu Mẹ muốn cưu mang giấc mơ này trong lòng mình và đem lại cho nó sự sống, làm cho nó trở thành xác thân. Đức Maria đã trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa; xin hãy thực hiện cho tôi như lời người” (Lc 1,38). Đức Maria đã tìm thấy dũng khí để thưa “vâng”. Mẹ đã tìm thấy sức mạnh để sinh ra sự sống cho giấc mơ của Thiên Chúa. Sứ thần đang hỏi cha cũng như hỏi các con về điều ấy. Các con có muốn giấc mơ ấy trở nên sống động không? Các con có muốn làm cho nó trở thành hiện thực bằng đôi tay, bàn chân, bằng ánh mắt và con tim của các con không? Các con có muốn tình yêu của Chúa Cha mở ra chân trời mới cho các con và đưa các con đi theo những con đường mà các con chưa từng nghĩ ra hay hy vọng, mơ ước hay mong đợi, khiến con tim của chúng ta vui mừng, hát ca và nhảy múa không?

Chúng ta có đủ can đảm để nói với sứ thần như Đức Maria đã nói : “Này tôi là tôi tớ Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi như lời người” không?

Các bạn trẻ thân mến, kết quả tràn đầy hy vọng nhất của ngày này không phải là một văn kiện cuối cùng, một lá thư chung hay một chương trình sẽ được thực hiện. Kết quả tràn đầy hy vọng của cuộc gặp gỡ này sẽ là bộ mặt của các con và lời cầu nguyện. Mỗi một người trong chúng con sẽ trở về nhà với sức mạnh mới được sinh ra sau lần gặp gỡ người khác và gặp gỡ Thiên Chúa. Các con sẽ về nhà lòng tràn đầy Thánh Thần để các con có thể yêu mến và tiếp tục sống giấc mơ khiến chúng ta trở thành anh chị em, và chúng ta đừng để  nguội lạnh gia tăng giữa lòng thế giới của chúng ta. Bất cứ ở đâu chúng ta có thể sống và bất cứ điều gì chúng ta có thể làm, chúng ta luôn có thể ngước lên và nói : “Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con”. Các con có muốn lặp lại những từ ấy với cha không? “Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con”.

Chúng ta không thể kết thúc buổi gặp gỡ ở đây mà không nói lời cám ơn. Cha cám ơn tất cả các con, những người đã chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này với nhiều tâm huyết. Cám ơn vì việc khích lệ nhau để xây dựng và đón tiếp, và để nói lời “xing vâng” với giấc mơ của Thiên Chúa muốn nhìn thấy con cái Ngài tụ họp bên nhau. Cám ơn Đức Tổng Giám mục Ulloa và cộng sự của ngài đã giúp cho Panama có được ngày hôm nay, không chỉ là một con kênh nối kết các đại lục, nhưng cũng là con kênh nơi mà giấc mơ của Thiên Chúa tiếp tục tìm thấy được những dòng suối mới, cho phép nó phát triển, sinh sôi và tỏa lan khắp mọi ngõ ngách của trần gian.

Các bạn trẻ thân mến. Xin Chúa Giêsu chúc lành cho các con và xin Đức Maria Antigua luôn luôn đồng hành với các con để chúng ta có thể nói mà không hề sợ hãi, như Mẹ đã nói : “Này tôi là tôi tớ Chúa. Xin hãy làm cho tôi như lời người truyền.”

G. Võ Tá Hoàng

1

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn Zenit.org

 

 

 

 

 

Exit mobile version