Mặt trời giữa giấc trưa, nằm ngay trên đỉnh đầu, thật là chói chang, mồ hôi rã ra như tắm. Hai thầy trò ngồi nghỉ dưới gốc cây ven đường sau một buổi dong duổi “ngang dọc sơn hà”. Ngồi đấy, người học trò thầm lẩm bẩm: thầy nói đi theo thầy để học mà suốt cả dọc dài từ sáng tới giờ thầy chẳng nói câu nào, chỉ mỉm cười gật đầu chào những người gặp trên đường. Người học trò cảm thấy sốt ruột, ngập ngừng muốn hỏi nhiều lần nhưng lại thôi vì mỗi lần quay qua nhìn thấy gương mặt của thầy, mấy câu hỏi cứ lặn đi đâu mất tăm. Gương mặt xương xương với làn da rám nắng nhưng cặp lông mày rậm và đôi mắt tinh anh sâu hun hút như muốn “đóng băng” người đối diện, khiến họ cảm thấy có chút “đơ người” vì tưởng đang đối diện với một đấng thần linh nào đó. Mỗi lần nhìn vào gương mặt và đôi mắt ấy, người học trò lại cảm nhận một sự cuốn hút, ấm áp và bình an chẳng còn muốn quan tâm hay để ý đến điều gì khác nữa. Chắc có lẽ vì thế mà những câu hỏi cũng trốn đâu mất tiêu luôn.
Giữa trưa nắng mà gặp được bóng râm thật không gì hạnh phúc bằng. Người học trò duỗi thẳng chân để thả lòng những cơ bắp đã nâng đỡ cơ thể từ sáng đến giờ như một cách để tỏ lòng biết ơn nó. Hai tay chống ra phía sau, ngửa mặt lên trời, đôi mắt nhắm lại như để cảm nhận từng cơn gió nhè nhẹ mơn man trên mặt, trên tóc, trên cổ. Cậu hít thở một cách chậm rãi như muốn nếm thử hương vị của gió, của không khí đồng quê. Đang tận hưởng như thế bỗng…
- Con mệt rồi hả?
Cậu giật cả mình, vội vàng lắp bắp
- Dạ? Dạ không, con thấy thật thoải mái khi được ngồi dưới bóng cây giữa trưa nắng và đường xa. Thật là thích
- Cái cây này là con trồng à?
- Dạ? Dạ không ạ
- Thế là con chăm nó sao?
- Dĩ nhiên cũng không ạ, con đâu có phải là người vùng này, con cũng chỉ mới đi qua đây lần đầu tiên thôi
- Thế con có biết ai đã trồng, đã chăm nó không?
- Dạ không
- Ừ, một cái cây ven đường, không phải do con trồng, không phải do con chăm sóc, con cũng không biết ai đã trồng, đã chăm cho nó lớn, thế mà con lại đang được hưởng niềm vui, sự thích thú mà nó đem lại
Người học trò lặng đi, một bài học lớn về lòng biết ơn mà cậu vừa lĩnh hội nơi thầy khiến cậu như tỉnh người ra. Quay sang nhìn thầy, đôi mắt thăm thẳm ấy đang nhìn vào xa xăm, vào những cánh chim hay rặng núi ở tít đằng kia, cậu cũng không biết nữa. Chỉ biết đôi mắt cậu giờ đây cũng đang được mở ra, mở to ra để nhìn khắp núi sông, nhìn những món quà của Thượng Đế ban tặng qua sự hiện diện thinh lặng của thiên nhiên. Cậu thấy hổ thẹn vì chưa làm được gì cho núi sông mà từ khi chào đời cậu đã mang nợ sông núi rồi. Có cái gì đó cuồn cuộn trong lồng ngực, hình như có một sức mạnh nào đó đang chảy trào khiến cậu cảm thấy hơi khó thở. Cậu cố hít một hơi thật dài vừa để tận hưởng cái không khí trong lành cho đầy ắp hai lá phổi, vừa muốn xốc lấy một tinh thần mới cho hành trình tiếp theo, hành trình trồng cây ven đường. Cậu muốn đồng hành cùng các bạn nhỏ trên đường đến trường, cậu muốn nâng đỡ những cô mua ve chai có một chỗ nghỉ ngơi cho đỡ mệt, cậu muốn lắng nghe những câu chuyện của các bác nông dân sau một buổi đồng về nắng nôi mệt mỏi, ngồi ăn trưa dưới bóng cây, rôm rả chuyện trò. Ước mơ là thế, hoài bão là vậy, nhưng cậu biết rằng cậu cần phải theo Thầy học tập nhiều hơn nữa để những gì cậu được lãnh nhận hôm nay cũng sẽ trở nên hoa trái cho người khác được hưởng dùng. Cậu thấy rõ ràng hơn sứ mệnh và cũng là bổn phận hay trách nhiệm của mình. Ngước mắt nhìn đàn chim đang sải cánh trên trời, cậu đã tìm được đáp án cho chính mình.
“Nào anh em chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ư? Nhưng này, Thầy bảo anh em: ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả kẻ gieo lẫn người gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”(Ga 4, 35-38)
Maria Vũ Hằng, MTG. Thủ Đức