Bài học từ Thánh Teresa Avila cho Kitô hữu ngày nay

244

Thánh Teresa là nhà cải cách và nhà lãnh đạo dũng cảm, có cuộc đời và tác phẩm chứa đựng sự khôn ngoan tuyệt vời cho những người theo Chúa Kitô qua nhiều thế kỷ.

Có rất nhiều vị thánh được yêu mến tên là Teresa – Mẹ Teresa Calcutta, Teresa Lisieux, Teresa Benedicta Thánh Giá – mà Thánh Teresa đầu tiên rất dễ bị bỏ qua. Nhưng Teresa Avila được gọi là “Teresa Cả” vì một lý do: Người phụ nữ hoàn toàn huyền thoại này đã sống với sự thánh thiện và niềm tin táo bạo sáng chói từ những trang sử. Cuộc đời phi thường của bà mang lại nhiều bài học để dạy chúng ta ngày nay. Đây chỉ là một vài bài học.

  1. CẦU NGUYỆN TRƯỚC, HÀNH ĐỘNG SAU

Từ khi còn trẻ, Thánh Teresa đã bắt đầu cầu nguyện theo cách suy niệm và chiêm niệm về Thiên Chúa, thường được gọi là “lời nguyện tâm hồn,” tình bạn của bà với Chúa Kitô và tình yêu sâu đậm dành cho Ngài đã nảy nở từ đó. Tuy nhiên, sau một cơn bệnh nặng, bà ngừng cầu nguyện theo cách đó, chỉ tham gia các buổi cầu nguyện chung trong hơn một năm, bởi vì bà tự thuyết phục bản thân rằng “kiềm chế cầu nguyện là dấu hiệu của sự khiêm tốn hơn.” (Tự Truyện)

Không ngạc nhiên gì khi quyết định ngừng chiêm niệm đã khiến bà đau khổ về tình cảm và tinh thần. Sau đó, bà gọi đó là “sự cám dỗ lớn nhất mà tôi gặp phải” và nói rằng “nó hầu như hủy hoại tôi.”

May mắn thay, bà đã gặp một linh mục dòng Đa Minh thánh thiện và uyên bác để làm người linh hướng cho bà, và ngài giúp bà sớm ổn định. Bà không bao giờ bỏ chiêm niệm nữa, và bà kêu gọi mọi người thực hiện việc chiêm niệm như một thói quen thường xuyên. Bà cho biết: “Những phúc lành có được ở một người thực hành chiêm niệm – ý tôi là suy niệm – được nhiều vị thánh và những người tốt lành đã viết ra… Bất cứ ai chưa bắt đầu cầu nguyện, tôi xin họ, vì tình yêu của Chúa, đừng bỏ phúc lành quá lớn như vậy.”

Cách mô tả của bà về sự suy niệm đã trở thành định nghĩa kinh điển về việc thực hành tâm linh này. Bà cho biết rằng suy niệm “không là gì khác ngoài sự giao tiếp thân thiện, và thường xuyên trò chuyện riêng với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết là luôn yêu thương chúng ta.” Tình bạn này là nguồn gốc của điều tốt đẹp bất tận trong cuộc sống của một người và mang lại hoa trái tinh thần to lớn. Bà bảo đảm: “Không ai đã từng coi Chúa là Người Bạn mà không được thưởng.”

Thánh Teresa đã để lại tác động mạnh mẽ nhờ cuộc cải cách tâm linh, những việc làm tốt và những bài viết, thậm chí bà còn trở nên nữ tiến sĩ đầu tiên của Giáo Hội. Tất cả những điều này nảy sinh từ giếng sâu của tình bạn sâu sắc và thân thiết của bà với Thiên Chúa. Giống như rất nhiều vị đại thánh, cuộc đời bà cho thấy rằng các nỗ lực tông đồ luôn phải bắt đầu và bắt nguồn sâu xa từ sự cầu nguyện. Hãy đặt việc suy niệm và chiêm niệm lên hàng đầu, ơn gọi và sứ mệnh của bạn sẽ tự nhiên tuôn trào từ nguồn đó.

  1. KẾT THÂN VỚI BẠN TỐT VÀ NGƯỜI THÔNG THÁI

Một chủ đề mà Thánh Teresa quay lại trong cuốn tự truyện của ba, được lặp đi lặp lại, là tầm quan trọng của việc duy trì sự đồng hành tốt đẹp và thánh thiện. Bà kể về những người bạn và cả những người giải tội đã đến trong cuộc đời bà vào những thời điểm khác nhau và kéo bà đến gần hoặc xa cách Thiên Chúa. Bài học bà học được qua kinh nghiệm: “Tôi đã học được lợi thế to lớn đến từ sự đồng hành tốt đẹp.”

Bà nhận thức sâu sắc về tác động mà bạn bè có thể có đối với đời sống tinh thần của một người, đến nỗi bà khuyến khích những người theo đuổi sự thánh thiện nên tìm kiếm những người bạn thánh để đồng hành cùng họ trong cuộc hành trình – ngày nay chúng ta có thể gọi là “đối tác giải trình.” Bà viết: “Tôi khuyên những ai thực hành cầu nguyện, đặc biệt là lúc đầu, hãy vun trồng tình bạn và giao tiếp với những người cùng sở thích. Đây là điều quan trọng nhất, nếu chỉ vì chúng ta có thể giúp đỡ nhau bằng lời cầu nguyện của mình, và còn hơn thế nữa bởi vì nó có thể mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích khác.”

Bà nhận thấy ảnh hưởng của bạn bè là yếu tố quan trọng đến mức bà tạm dừng cuốn tự truyện của mình để đề cập một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ có con cái ở lứa tuổi thanh thiếu niên: “Nếu phải khuyên các bậc cha mẹ, tôi nên nói họ phải hết sức quan tâm những người mà con cái họ kết giao ở độ tuổi như vậy. Nhiều tác hại có thể là hậu quả của việc đồng hành tồi tệ và bản chất chúng ta có xu hướng làm theo những gì tồi tệ hơn là những gì tốt đẹp.”

Đặc biệt là thanh thiếu niên dễ bị áp lực từ bạn bè, do nhu cầu phát triển của họ để được xã hội chấp nhận, nhưng nguyên tắc này vẫn đúng đối với mọi lứa tuổi.

  1. SỐNG VÀ COI NHẸ CHÍNH MÌNH

Người ta nói: “Các thiên thần bay bởi vì họ coi nhẹ bản thân mình.” Mặc dù lời đó có thể bị nghi ngờ về mặt thần học, nhưng đúng là coi nhẹ bản thân là dấu hiệu của sự thánh thiện, vì nó đòi hỏi sự khiêm tốn thực sự.

Thánh Teresa có khiếu hài hước, đặc biệt khi nói về bản thân và những người bạn: Bà thường cười khi đề cập điều này hay điều khác. Bà viết: “Đôi khi tôi tự cười mình và nhận ra mình là một sinh vật khốn khổ. Sự khiêm tốn của bà thể hiện rõ khi bà kể lại những hành động thiếu suy nghĩ của mình khi còn trẻ, hoặc liệt kê những sai lầm mà bà mắc phải trong những năm đã qua, với sự tinh tế chứ không hề tự cho mình là đúng.”

Việc xem nhẹ bản thân sẽ không khiến bạn bay bổng, nhưng có thể sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ và dễ chịu. Quan trọng hơn nữa, đó là thái độ xuất phát từ sự hiền lành thánh thiện, và như Đức Kitô đã nói với các môn đệ của Ngài: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5:4)

Sự khiêm nhu có thể không phải là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí người ta khi nhắc đến nhà cải cách dũng cảm Teresa Avila, nhưng sự khiêm nhu đích thực không có nghĩa là rụt rè hoặc khuất phục. Đúng hơn là nó ám chỉ sự tự chủ giữa nghịch cảnh, một phẩm chất mà Thánh Teresa đã thể hiện xuất sắc khi đối mặt với nhiều thử thách của cuộc đời mình.

Những bài học này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nói đến sự khôn ngoan vượt thời gian trong các tác phẩm vĩ đại của Thánh Teresa.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)