Bài học từ suy tôn Thánh Giá

51

BÀI HỌC TỪ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Thánh Giá là một biểu tượng quá quen thuộc với người Kitô hữu. Thánh Giá được xem như là dấu chỉ niềm tin của họ. Qua nhiều thời đại, Thánh Giá vẫn là lời tuyên bố yêu thương vô cùng của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Thật vậy, nơi thập giá, Đức Giêsu-Kitô đã hoàn thành lời chứng thiết tha – “đỉnh cao dâng hiến”. Chúa đã hiến dâng chính sự sống mình để làm của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha nhằm chứng minh lòng kính hiếu Người dành cho Cha, và để minh chứng tình yêu Người dành cho nhân loại. Là người Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi dâng hiến cuộc đời của mình cho Thiên Chúa, cho tha nhân. Chúng ta sử dụng những khả năng Chúa đã ban để phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội theo khả năng của mình.

Thập giá – minh chứng tình yêu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Thiên Chúa yêu con người nên đã ban Đức Giêsu cho trần gian; và Đức Giêsu yêu con người đến nỗi đã ban chính mình Ngài để cứu họ khỏi sự chết muôn đời. Kế hoạch của Chúa là kế hoạch tình yêu tuyệt đối. Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu như Người, biết mở rộng con tim mình đến vô cùng để đón nhận và yêu thương nhau. Chúng ta được mời gọi hãy cho đi, hãy làm những gì mình có thể bằng tất cả tình thương.

Thập giá – bài học về “sự tha thứ đến cùng”. Đức Giêsu chịu chết trên thập để cứu chuộc loài người, để tha thứ mọi tội lỗi trần gian. Dù ta có lỗi phạm thật nhiều mà ta biết chạy đến với Chúa thì Chúa tha thứ tất cả. Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã luôn mời gọi hãy sống tha thứ và bao dung. Ngay cả khi đã bị con người kết án và treo lên trên cây thập tự, Đức Giêsu vẫn chọn tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Dù ai đó có làm điều gì có lỗi với ta, chúng ta hãy nhìn lên thánh giá Chúa để học bài học tha thứ như cách Chúa tha thứ cho ta.

Thập giá – cần đón nhận đau khổ thì mới vượt qua được nó, biến nó thành thánh giá. Đức Giêsu không chỉ chịu nỗi đau về thể xác mà còn chịu nỗi đau tinh thần vì bị vu cáo, phản bội, sỉ nhục, cô đơn. Người đã phải trải qua những nỗi đau tận cùng của kiếp người, rồi đón nhận cái chết, ba ngày sau đã Chúa Cha cho sống lại hiển vinh. Trong cuộc sống, Chúa cũng gửi đến ta những thập giá khác nhau. Để trở thành những môn đệ chân chính của Người, chúng ta phải biết đón nhận những thập giá của nỗi đau, của khó khăn để nhờ đó biến chúng thành thánh giá. Khi chúng ta “vác thập giá” đi theo Chúa, đi đến tận cùng như Người với Người, thì chúng ta sẽ đạt đến vinh quang với Người, chiếm được cuộc sống mai sau.

Suy tôn Thánh Giá là dịp Giáo Hội mời gọi chúng ta dừng lại, chiêm ngắm những “vẻ đẹp tiềm ẩn” nơi Thánh Giá Chúa. Chúng ta hãy lắng nghe những bài học sâu sắc Chúa Giêsu gửi đến chúng ta qua cái chết Người chịu treo trên cây thập tự. Nhìn lên Thánh Giá Chúa, chúng ta thấy tấm lòng bao dung của Con Thiên Chúa Làm Người, cảm thấu sự quảng đại hiến dâng, “yêu cho đến cùng”, tha thứ trọn vẹn của Người dành cho chúng ta. Nếu chúng ta vác thập giá mình đi theo Người trên con đường yêu thương mà Người đã đi qua, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc Nước Trời với Người.

 

Anna Hồng Diễm_ Thanh tuyển sinh HDMTG Thủ Đức