Bài học từ Lộ Đức

129

Cô bé chăn chiên Bernadette Soubirous ở Lộ Đức nghe Bà Đẹp nói: “Hãy uống và rửa bằng nước suối này”. Nghe vậy, cô bé nhìn xung quanh tìm con suối, nhưng không thấy con suối nào. Cô bé cào vào đá sỏi thì thấy nước chảy ra, cô bé lấy nước uống và rửa mặt. Chắc lúc đó nhìn cô mắc cười lắm. Nhưng những ngày sau đó, vũng nước cứ có thêm nhiều nước và rồi chảy thành suối. Bắt đầu từ hôm đó, năm 1858, khách hành hương tuôn đến lấy nước chữa bệnh từ con suối đó. Nhiều phép lạ đã được ghi nhận và được Giáo hội công nhận từ khi Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Và rồi ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11 tháng 2) đã trở thành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân. Có một điều lạ là chính Bernadette cũng chưa bao giờ hưởng lợi từ suối nước chữa lành đó. Vẫn là cô bé yếu đuối, Bernadette không được nhận vào Dòng Ca-mê-lô. Sau đó Bernadette trở thành nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái, rồi chết vì bệnh phổi khi mới 35 tuổi. Do đó, Ngày Thế Giới Bệnh Nhân được Thánh GH Gioan Phaolô II thiết lập từ năm 1992.

Qua ngày này, Đức Mẹ Lộ Đức dạy ba bài học về bệnh nhân: Hiện Hữu, Chữa Lành, Hy Sinh. Và Bernadette đã hiểu như vậy.

  1. HIỆN HỮU

Điều thứ nhất cần chú ý về Lộ Đức là Đức Mẹ đã thực sự đã hiện ra tại đó. Đức Mẹ hiện ra với một cô bé chăn chiên nghèo là Bernadette, chính cô bé tự nhận mình bất xứng nên không dám gọi Đức Mẹ bằng Thánh Danh Maria mà luôn nói là “Bà Đẹp”. Trong lần đầu hiện ra, Đức Mẹ không nói gì, chỉ cười hiền từ với dáng vẻ vui tươi. Cũng như trong các lần hiện ra khác, Đức Mẹ chỉ nói ít hoặc không nói gì. Hiện ra là đủ rồi. Việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức cũng theo kiểu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Mối quan ngại của Đức Mẹ thể hiện mối quan ngại của Chúa Giêsu là luôn quan tâm nỗi đau khổ của người mù, người què, người bệnh, v.v…

Người bệnh không chỉ chịu đau khổ về thể lý mà còn về tinh thần, bởi vì họ luôn bị quên lãng, bị coi là vô dụng, là gánh nặng,… Tất cả chúng ta cũng cảm thấy cô đơn khi chúng ta bị bệnh. Chúng ta cũng được nhắc nhở rằng chúng ta không đơn độc, không bị lãng quên, không là gánh nặng,… Cũng vậy, chúng ta thăm viếng những người bệnh để an ủi họ, đồng thời cũng xác định với họ về tình yêu thương qua sự hiện diện của chúng ta. Sự hiện diện của Chúa Giêsu chứng tỏ mối quan tâm và chăm sóc dành cho bệnh nhân. Đức Mẹ hiện ra là Đức Mẹ thăm viếng chúng ta, điều đó nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta cũng phải thực hiện như Đức Mẹ.

  1. CHỮA LÀNH

Với dòng suối lạ ở Lộ Đức, Đức Mẹ nhắc chúng ta nhớ tới quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu. Thánh Luca viết về Chúa Giêsu: “Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6:19). Sức mạnh chữa lành tiếp tục đi vào thế giới. Không phải tất cả những trường hợp khỏi bệnh đều được công nhận là phép lạ, nhưng mỗi chúng ta có thể giải thích về sự phục hồi hoặc sự chữa lành còn cần thiết hơn y học của loài người. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục chữa lành. Ngài làm vậy không phải để tiêu khiển hoặc gây ngạc nhiên, mà để chứng tỏ rằng Vương Quốc của Thiên Chúa đã xuất hiện trên thế giới.

  1. HY SINH

Đức Mẹ không chữa lành hết mọi người. Không phải bất cứ ai xin chữa lành đều được khỏi bệnh. Không phải bất cứ ai tới Lộ Đức đều được chữa lành. Điều này đem đến cho chúng ta những gì theo cách của Thiên Chúa và còn hơn là phép lạ: khả năng chịu đau khổ với Ngài – nghĩa là hy sinh.

Đau khổ không là tùy ý trong thế giới sa ngã này. Theo bản chất nhân loại sa ngã, cơ thể hướng tới cái chết và đau khổ. Mọi người đều đau khổ, nhưng cách chúng ta phản ứng đối với đau khổ tạo nên sự khác biệt. Chúng ta có thể và nên sử dụng phương tiện y khoa theo ý muốn của chúng ta để chữa trị và làm nhẹ đau đớn, nhưng chúng ta biết rằng chúng có giới hạn và không thể giảm đau hoàn hảo hoặc vĩnh viễn.

Mọi người đều chịu đau khổ, nhưng không phải ai cũng hy sinh. Đau khổ là kinh nghiệm đơn giản về bệnh tật thể lý, bị thương thể lý hoặc tổn thương tinh thần,… Ai cũng đối mặt với những điều đó. Tuy nhiên, hy sinh là kết hiệp đau khổ với Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rõ ràng về thần học của sự đau khổ: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24).

Điều được gọi là “sự đau khổ cứu độ” bắt đầu với cách nhận thức rằng Đức Kitô đã đau khổ trước, đau khổ của chúng ta cũng phải phải được nhìn theo ánh sáng của Ngài. Chúng ta nhớ lại rằng Ngài hiện diện trong chúng ta để chia sẻ đau khổ với chúng ta và chúng ta chia sẻ đau khổ với Ngài. Ngài không là người bàng quan mà luôn cận kề bên chúng ta, nhận lấy đau khổ của chúng ta như của chính Ngài, và vẫn ở trong đau khổ với chúng ta. Cuối cùng, đau khổ của chúng ta trở thành hy sinh khi chúng ta ý thức mà kết hiệp với Chúa Giêsu và dâng mọi đau khổ cho Ngài.

Đây là những điều Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Côlôsê:

  1. “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1:19-20).
  2. “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa” (Cl 1:24-26).
  3. “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3:16-17).

Lm PAUL SCALIA (đại diện giáo sĩ của GP Arlington, Virginia, Hoa Kỳ)

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)