Từ những ngày đi học xa quê, tôi mới thấm thía câu nói đó. Mỗi dịp nghỉ lễ trong năm học, đặc biệt dịp Lễ Giáng Sinh, tôi thấy buồn khi nhìn bạn bè xôn xao ríu rít kể chuyện về quê đón Giáng Sinh của chúng. Bao lần tôi đón Giáng Sinh nơi đất khách là bấy nhiêu kỉ niệm đẹp thủa nhỏ lại tuôn về. Trong số những kỉ niệm đó, tôi không thể nào quên được kỉ niệm được tôi đặt tên đó là: “Bài học ngày Giáng Sinh”. Tôi nhớ mãi không phải vì sự giúp đỡ tận tâm của anh ấy nhưng vì một bài học ý nghĩa tôi học được trong cái ngày Giáng Sinh lạnh lẽo năm ấy…
Giáng sinh năm 2011, trên con đường đi thăm người thân cùng với Sơ Thìn là chị thiêng liêng của tôi. Bất thình lình xe chúng tôi bị hỏng. Hai chị em tôi cuống lên vì quanh đó là cây cối với đồng ruộng, chẳng có chỗ sửa xe nào cả. Không biết xử lý ra sao? Chị em tôi đành phải dắt bộ trên quãng đường dài vắng vẻ. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy chạy qua vội vã, họ vội vã chạy về để tránh rét. Nhiệt độ về chiều càng lạnh cộng thêm mưa phùn rơi lâm thâm nên chắc hẳn ai cũng muốn về gia đình để được ngồi bên bếp lửa.
Từng cơn gió hun hắt lạnh lùng thổi tới, nó lùa thốc vào da, cứa vào từng thớ thịt tôi. Tôi tự hỏi: “Tại sao ngày Giáng Sinh mà khổ sở thế này?”. Đôi chân tôi rã rời, người tôi cứng đơ ra. Lúc đó tôi chỉ tưởng tượng cái cảm giác được quây quần bên người thân cạnh bếp lửa vừa nhen, có thêm ngô khoai để nướng nữa…Trong cơn bối rối tuyệt vọng, chưa biết tính sao thì bất chợt một người đi qua dừng lại chỗ chúng tôi. Anh hỏi thăm ít câu, chẳng dài dòng, anh loay quay sửa giúp xe chúng tôi. Anh chăm chú làm việc như một thợ sửa xe lành nghề. Thi thoảng anh ngẩng đầu nói chuyện với chị tôi. Cuộc nói chuyện của hai người cứ qua lại, người nói người nghe. Qua câu chuyện hai người đang nói, tôi biết được anh đang trên đường đi ăn lễ Giáng Sinh ở nhà người bạn Công Giáo về. Anh là người ngoại đạo nhưng cách nói chuyện, cử chỉ, việc làm của anh, tôi thấy ánh sáng của Ngôi Lời đang ngự trên anh. Sự tốt lành của anh như sưởi ấm cái lạnh của mùa Giáng Sinh năm đó. Khung cảnh thiên nhiên và vạn vật xung quanh đều tàn úa và không có sức sống. Mấy bác bang phong độ, to khỏe là thế mà giờ đây không còn một chiếc lá nào. Các nàng hoa cỏ ủ rũ, buồn rầu, xấu xí và nhợt nhạt. Tuy cảnh vật xung quanh có những sự tàn phai nhưng con người hiện diện nơi đây thì bừng lên ánh sáng chứa chan tình yêu thương chân thành. Nó mang nhiều cảm xúc đặc biệt, có giá trị ý nghĩa của lễ Giáng Sinh, của hy vọng, của niềm vui, của an bình. Câu chuyện của hai người kia vẫn luyên thuyên trong khi đầu óc tôi đang miên man những suy tư của tuổi mới lớn.
Tôi cảm kích nghĩa cử của anh nhưng lòng tôi vẫn e ngại một điều gì đó bất trắc!… “Xe đã sửa xong”. Lời nói của anh đưa tôi về hiện tại. Chị cám ơn anh bằng một ít tiền. Anh hiền lành mỉm cười, rồi lắc đầu. anh nói: “Có đáng gì đâu. Bỏ một chút công thôi mà. Chị đưa cháu về nhanh kẻo cảm lạnh”. Vừa nói anh vừa nhìn tôi đang đứng run rẩy, tái nhợt vì cảm lạnh. Tự nhiên tôi thấy cái nghĩa cử của chị em tôi trở nên trơ trẽn và hụt hẫng. Tấm lòng quảng đại của anh bị chúng tôi đánh giá sai. Có tiền nào mua được cái tâm?
Đó là một mùa Giáng Sinh lạnh lẽo như bao mùa Giáng Sinh khác. Trong khung cảnh buồn tẻ, trống vắng và lạnh giá, tôi đã thấy một tia nắng của tình người, tình trời. Nó sưởi ấm, nhen nhói vào cái lạnh lẽo của mùa Giáng Sinh năm ấy một niềm tin và hy vọng. Anh cho tôi một bài học quý giá để tôi ra đi gieo rắc an bình, khi tôi đi thăm một người bệnh, khi tôi nâng đỡ một người bần cùng… Và khi tôi gieo an bình chính là lúc Chúa Giêsu lại sinh ra giữa lòng thế giới.
Maria Lê Chung, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức