Bài giảng Thánh lễ dưới ánh sáng của Tông huấn Evangelii Gaudium

198

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ

DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA TÔNG HUẤN

EVANGELII GAUDIUM

Lm. Giuse Võ Tá Hoàng

DẪN NHẬP 

Đăng quang Giáo hoàng ngày 13/03/2013 cho đến hôm nay đã hơn một năm 6 tháng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đem lại rất nhiều điều ngạc nhiên cho thế giới, đặc biệt cho các tín hữu Kitô giáo, bằng phong cách thân thiện, giản dị, có chút đột phá và rất năng động của ngài. Năm 2013 ngài được tạp chí uy tín Time của Mỹ bình chọn là nhân vật xuất sắc của năm. Ngoài ra, cũng có nhiều tạp chí nổi tiếng khác trên thế giới dùng tên gọi “hiện tượng Phanxicô”[1] để nói lên sự lôi cuốn đặc biệt của ngài đối với mọi tầng lớp trong xã hội, và đồng thời đề cao sự thành công của ngài ở những năm tháng đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng. Có thể nói Đức Thánh Cha, với ơn Chúa, đã thổi vào Giáo hội một “luồng khí mới”, “niềm vui mới”, nhờ đó tất cả những ai mở lòng ra cho Chúa Giêsu sẽ không bao giờ thất vọng, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn[2]. Vậy đâu là sự mới mẻ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đem lại cho Giáo hội trong thời gian qua?

Trong bài giảng đầu tiên tại nhà nguyện Sistine trước mặt các hồng y đoàn ngày 15/3/2013, cũng như những bài giảng khác sau đó, chúng ta thoáng thấy được hướng đi của Đức Thánh Cha trong suốt triều đại của ngài, khi nhấn mạnh đến ba từ khóa căn bản: ra đi, xây dựng và tuyên xưng. Mới đây, trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, ban hành ngày 21/11/2013, lần nữa Đức Thánh Cha trình bày cho Giáo hội một cách rõ ràng hướng đi mới trong công cuộc truyền giáo, một hướng đi tràn ngập “Niềm Vui của Tin Mừng”. Ngài nói: “Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào trong một chương trình mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới”[3].

Một trong những lối đi để đem “Niềm Vui của Tin Mừng” đến cho mọi người được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Tông huấn này, cách đặc biệt dành riêng cho các linh mục, những người có nhiệm vụ giảng thuyết, qua đề tài “bài giảng” và việc “chuẩn bị bài giảng” [xem các số từ 135-159]. Đề tài này không là một “giáo trình giảng thuyết” độc lập, nhưng là một phần xuyên suốt của Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, nó có mối quan hệ mật thiết với toàn bộ Tông Huấn này.

Đọc lại toàn bộ Tông Huấn gồm 5 chương, chúng ta sẽ thấy cách sắp xếp có chủ đích rõ ràng và mối liên kết chặt chẽ giữa các phần với nhau. Trong chương I và chương V Đức Thánh Cha kêu mời Giáo hội dấn thân vào thế giới, gặp gỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh sống để loan báo Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và theo mẫu gương Đức Maria, “Ngôi Sao của cuộc tân Phúc Âm Hóa”[4], chia sẻ niềm vui cho mọi người để niềm vui được sinh hoa kết trái. Qua đó công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội luôn có phong cách “Maria” và Giáo hội có thể trở thành một mái ấm cho nhiều dân tộc, mở đường để một thế giới mới có thể được sinh ra[5].

Chương II và chương IV Đức Thánh Cha thẳng thắn và rõ ràng nhìn vào những thách đố mà thế giới đương đại cũng như Giáo hội ngày nay đặt ra cho công cuộc tân Phúc Âm Hóa. Tuy những thách đố và những cám dỗ làm giảm đi việc tân Phúc Âm Hóa, nhưng không thể ngăn cản mà còn thúc bách Giáo hội mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha còn cổ vũ các “Mục tử của một Giáo hội không biên giới[6]” không thể tự cho phép mình nhìn nơi khác, nhưng cần thiết phải tìm lại căn tính của mình mà không mặc cảm tự ti[7] để làm sao Niềm Vui Tin Mừng đến được với hết mọi người, dù họ là những người lân cận hay hoàn toàn xa lạ, nhất là những người nghèo về phương diện vật chất và tinh thần, những người cần niềm vui ấy hơn ai hết.

Chương thứ III cũng là chương trung tâm của Tông huấn,  bàn về “Việc Công Bố Tin Mừng”, đó là nhiệm vụ hàng đầu trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng của những người đã lãnh nhận Phép rửa. “Tất cả những người được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo”[8]. Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, cho nên sứ điệp Tin Mừng phải đến với tất cả mọi người, và các nền văn hóa khác nhau, trong mọi ngõ ngách của cuộc sống và mọi môi trường và xã hội[9]. Đức Thánh Cha chú trọng đến việc giảng lễ vì đó là một phương cách để loan báo, chuyển thông sứ điệp Tin mừng cho các Kitô hữu của mọi thời đại. Chương III này gồm có bốn phần, trong đó đề tài “bài giảng” và “chuẩn bị bài giảng” chiếm vị thế trung tâm của chương III, cũng là vị thế trung tâm của Tông Huấn này.

Qua cách sắp xếp trên, chúng ta có thể thấy việc loan báo Tin Mừng mang tính toàn bộ, không chỉ ở chiều kích mục vụ xã hội nhưng còn mang chiều kích phụng vụ, vì để “đi ra” với người khác, người ta cần phải kín múc nguồn ơn thiêng nơi phụng vụ, nơi đó “bài giảng có một tầm quan trọng đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, nó vượt quá mọi hình thức huấn giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích”[10].

I. BÀI GIẢNG

Ngay từ đầu Đức Thánh Cha đã mời gọi các mục tử xem xét cách nghiêm túc về bài giảng và việc chuẩn bị bài giảng trong phụng vụ. Đối với ngài bài giảng là “viên đá thử đánh giá sự gần gũi và khả năng thông truyền của vị mục tử đối với dân mình”. Bên cạnh đó ngài cũng ghi nhận một thực tại “đáng buồn” đang xảy ra mà “chúng ta không thể làm ngơ”, “khi các tín hữu lẫn thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng”[11]. Thực vậy, bài giảng được coi như cuộc “đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người”[12], thông qua người giảng thuyết, Thiên Chúa tìm cách đến với con người và bày tỏ quyền năng của Người qua ngôn ngữ nhân loại. Trong bài giảng, người giảng thuyết không chiếm vị trí độc thoại mà là một cuộc đối thoại “để cho tâm điểm của sự chú ý là Chúa, chứ không phải là thừa tác viên của Chúa”[13]. Bài giảng là một phần không thể thiếu của phụng vụ, “giúp cộng đoàn và giảng viên hiểu biết Lời Chúa và dẫn tới hiệp thông với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, để giúp họ thay đổi cuộc sống”[14]. Đặt bài giảng vào trong “khung cảnh phụng vụ” để chúng ta thấy được tầm quan trọng của nó, qua đó giúp chúng ta nhận ra vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời canh tân việc rao giảng, ngõ hầu đem lại hiệu quả tích cực cho cuộc sống của mọi tín hữu.

1. Bài giảng trong khung cảnh Phụng vụ

Nằm trong bối cảnh phụng vụ nên bài giảng có nét đặc trưng riêng, nó trở thành “một phần của lễ hiến dâng lên Cha và là một trung gian cho ân sủng mà Đức Kitô đã tuôn đổ trong cuộc cử hành”[15]. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định: “bài giảng lễ là một phần của hành động phụng vụ, có chức năng giúp hiểu biết Lời Thiên Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống các tín hữu[16]“. “Bài giảng phải được kín múc chủ yếu từ nguồn Thánh Kinh và Phụng vụ, trở nên lời rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô, luôn được hiện tại hóa và tác động trong chúng ta, nhất là khi cử hành Phụng vụ”[17].

1.1. Tương quan với Lời Chúa

Thánh Kinh chính là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng[18]. Thánh Kinh là lời nói của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã nhờ con người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, để con người biết được lòng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và nhận ra Ngài[19]. Thực thế, “bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Thánh Kinh, dẫn đưa các tín hữu đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Bài giảng phải giúp hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành, mời người ta dấn thân cho sứ mạng, khi chuẩn bị cho cộng đoàn tuyên xưng đức tin, cầu nguyện phổ quát và cử hành phụng vụ Thánh Thể”[20]. Cho nên “Bài giảng không phải thời gian suy niệm hay huấn giáo”, “không phải là một hình thức giải trí”, không “mang dáng dấp của một bài diễn văn hay thuyết trình”[21], nhưng là một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên[22].

1.2.  Tương quan với Thánh Thể

 Ngoài việc chỉ rõ ra rằng Thánh Lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, Hiến Chế Mạc Khải còn kết nối cả hai thành một bàn tiệc duy nhất của Chúa: “Giáo Hội luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu[23]”. Trong Tông Huấn này Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Không chỉ bài giảng phải được Lời Chúa nuôi dưỡng, nhưng mọi việc loan báo Tin Mừng cũng phải dựa trên lời ấy”. Và “Lời Chúa khi được lắng nghe và cử hành, trước hết trong Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng và kiện cường tâm hồn các Kitô hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin Mừng trong đời sống hằng ngày. […] Việc giảng lời sống động và hiệu quả có tác dụng chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích, và lời đạt được hiệu quả tối đa trong bí tích”[24].

Thật vậy, các trình thuật của Tin Mừng cũng đã cho chúng ta thấy được những bằng chứng sinh động của bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Trong trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều và diễn từ về Bánh Hằng Sống (x.Ga 6,1-13;22-58; Mt 14, 13 -21; Mc 6,30-44; Lc 9,10 -17), thánh sử Gioan cho thấy sau khi Chúa Giêsu đã ban Lời Người cho dân chúng, Người đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Như vậy, suốt ngày hôm ấy dân chúng được ăn no nê cả Lời và Bánh thần diệu của Người.

Ngoài ra, thánh sử Luca cũng mô tả tiến trình Phụng vụ qua biến cố Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 13-35 Mc 16, 12 -13). Sau khi giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,25), cho đến lúc chiều xuống, đang khi ăn cùng với họ, Người đọc lời chúc tụng và bẻ bánh, các môn đệ nhận ra Người, nhưng Người đã biến mất (x. Lc 24, 30-31), Người để lại cho họ biết bao điều ngạc nhiên. Sau khi được soi sáng bởi Lời Chúa, các môn đệ đã nhận ra được Chúa Giêsu đã sống lại trong việc bẻ bánh, dấu chỉ mới mẻ của sự hiện diện của Người. Đường Emmau đã trở thành biểu tượng của hành trình đức tin: Thánh Kinh và Thánh Thể là những yếu tố tất yếu để gặp gỡ Thiên Chúa[25].

2. Bài giảng trong bầu khí gia đình và Giáo hội

Bầu khí phụng vụ là nơi diễn ra cuộc hẹn hò gặp gỡ Thiên Chúa và dân Người. “Người giảng có nhiệm vụ tuyệt vời nhưng khó khăn là kết nối những trái tim yêu thương, trái tim của Chúa và của dân Người”[26]. Cho nên “người giảng thuyết phải biết lòng cộng đoàn của mình, để biết chỗ nào ước muốn của họ về Thiên Chúa đang sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại ấy trước kia rất thương thân nay đã bị thui chột và cằn cỗi”[27]. Để được như thế người giảng thuyết phải mặc lấy tâm tình “từ mẫu” và “hội thánh”, cùng với thái độ gần gũi với mọi người.

2.1.  Tâm tình từ mẫu

Bài giảng phải diễn tả được bầu khí thân tình “như mẹ nói chuyện với con”. Đó là phương pháp mà theo Đức Thánh Cha, sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp, vì đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu, một thứ ngôn ngữ “khêu gợi sự khích lệ, sức mạnh và niềm phấn khởi”[28]. Đức Thánh Cha nói: “Hội Thánh là một người mẹ, và Hội Thánh giảng giống như cách một người mẹ nói chuyện với con, bà biết con tin rằng mẹ dạy gì cũng là vì lợi ích của nó, vì con cái biết rằng chúng được yêu. Một người mẹ tốt có thể nhận ra mọi sự mà Thiên Chúa đang làm nơi con của bà, nên bà lắng nghe các mối quan tâm của chúng và học hỏi từ chúng… Tình yêu thương ngự trị trong gia đình hướng dẫn mẹ và con trong câu truyện; khi trò chuyện mẹ và con cùng dạy và học, trải nghiệm sự sửa sai và tăng trưởng trong cách đánh giá điều gì là tốt[29].

2.2 Tâm tình Hội Thánh

Thánh Thần gợi hứng cho các sách Tin mừng và hành động trong Hội thánh cũng chính là Thánh Thần gợi hứng và soi sáng sẽ giúp cho nhà giảng thuyết lắng nghe đức tin của dân Chúa, nhờ đó mà bài giảng tìm được nơi con tim của dân chúng và nền văn hóa của họ nguồn nước sự sống, giúp giảng viên biết phải nói gì và nói thế nào trong mỗi thánh lễ[30]. Đức tin mà nhà giảng thuyết chia sẻ là đức tin của toàn thể Giáo Hội. Chính khi gắn bó với đức tin của toàn thể Giáo Hội, nhà giảng thuyết mới có thể nhận định đâu là điều Thiên Chúa đang nói trong khung cảnh thực tế này và tìm cách trình bày sứ điệp ấy bằng cách thức của riêng mình.

2.3.  Thái độ gần gũi, vui vẻ và cung giọng ấm áp

 Như một người mẹ, nhà giảng thuyết cần phải tạo sự gần gũi với Dân Chúa qua sự ấm áp của chất giọng, sự dịu dàng của cách nói, niềm vui của những cử chỉ…Cho dù có những bài giảng có vẻ thiếu hấp dẫn, “giảng dai, dài, dỡ”, nhưng nếu người nghe cảm nhận được tinh thần mẫu tử của Hội Thánh, nó vẫn đạt được kết quả tốt[31].

Đức Thánh Cha kết luận: “Cho dù bài giảng đôi khi có thể có phần tẻ nhạt, nhưng nếu có tinh thần từ mẫu và hội thánh, nó sẽ luôn luôn hiệu quả, giống như những lời khuyên bảo nhàm chán của một người mẹ, khi đến lúc, cũng sinh hoa kết quả trong lòng các con bà”[32]. Để việc rao giảng được sinh hoa kết quả tốt hơn, Đức Thánh Cha còn kêu gọi những người giảng thuyết bắt chước Chúa Giêsu: “biết lòng cộng đoàn của mình”, “vượt lên trên những yếu đuối và lỗi lầm của họ”[33], để lôi kéo mọi người đến với Chúa trong hoan lạc của Thánh Thần.

3. Canh tân việc rao giảng

Canh tân việc rao giảng là một đòi hỏi của Giáo hội để “khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng […]. Canh tân việc rao giảng có thể cống hiến cho các tín hữu cũng như cho những người nguội lạnh và không sống đạo, một niềm vui mới trong đức tin và hiệu quả trong hoạt động truyền giáo”[34]. Trong việc canh tân này nhà giảng thuyết có nhiệm vụ tuyệt vời nhưng khó khăn khi đóng vai trò trung gian, truyền tải sứ điệp Tin Mừng cũng như nối kết con người với Thiên Chúa, trong cuộc đối thoại đang diễn ra khi cử hành phụng vụ. “Thực ra, Thiên Chúa có vô vàn cách thức để nói chuyện với con người mà không cần trung gian. Nhưng trong bài giảng, họ muốn có người làm trung gian và bày tỏ tình cảm của mình sao cho, sau bài giảng, mỗi người có thể quyết định mình sẽ tiếp nối cuộc đối thoại theo cách nào mình thích”[35].

Về điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch rõ những cám dỗ có thể làm cho bài giảng không còn đủ chất lượng, ảnh hưởng đến việc cử hành phụng vụ; không đủ chất kết nối trong bầu khí đối thoại; không đem lại sự phong phú cho đức tin, bởi “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Ngài cho biết, các tín hữu rất coi trọng bài giảng, mong đợi nhiều từ bài giảng, do đó, không nên coi bài giảng như “thời gian suy niệm hay huấn giáo”; “Bài giảng không thể mang hình thức giải trí như trên các phương tiện đại chúng; bài giảng phải ngắn[36] và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn hay thuyết trình”[37]; “Bài giảng nếu chỉ nhắm dạy đạo đức hay lý thuyết, hoặc biến thành một bài giảng về chú giải Kinh Thánh, là đi lạc khỏi sự thông truyền đích thực từ trái tim đến trái tim”. “Thay vì nói về các chân lý trừu tượng và các kiểu lý luận khô khan, thì bài giảng truyền đạt vẻ đẹp của các hình ảnh đã được Chúa dùng để khuyến khích người ta hành thiện”[38].

Cũng vậy, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Tông Huấn Verbum Domini đã nhấn mạnh đến thừa tác vụ chuyên biệt của “những người lo việc giảng dạy, phải để ý và quan tâm đến phận vụ của mình. Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man, lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của mọi bài giảng[39]“. “Tâm điểm của sứ điệp rao giảng sẽ vẫn luôn luôn là một: Thiên Chúa, Đấng mạc khải tình thương vô biên của Người nơi Đức Kitô Chịu đóng đinh và phục sinh”[40].

II. CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG

Tuy không nằm trong việc cử hành phụng vụ, nhưng việc chuẩn bị bài giảng thật sự cần thiết, vì bài giảng có chất lượng hay không còn tùy thuộc vào việc chuẩn bị bài giảng của người giảng thuyết. Đức Thánh Cha nói: “Chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi chúng ta phải dành một lượng thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ”[41]. Đức Thánh Cha đưa ra một phương pháp chuẩn bị hẳn hoi, cho dù ai cũng biết, nhưng nó thực sự có ích. Ngài nói thêm: “Một người giảng thuyết không chuẩn bị thì không có “thần khí”; họ là người bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ họ đã nhận lãnh”[42].

Chuẩn bị như thế nào cho tốt? Chúng ta thử tìm hiểu lược đồ theo đề nghị của Đức Thánh Cha trong Tông Huấn này, từ số 145 -159.

1. Dành thời gian cho việc chuẩn bị.

Muốn chuẩn bị phải có thời gian. Phải chấp nhận rằng việc chuẩn bị bài giảng tốn khá nhiều thời gian. Một số mục tử viện cớ không có thời gian để soạn bài vì khối lượng lớn công việc phải làm trong tuần[43]. Tuy nhiên, với khả năng của giáo dân ngày nay khi nghe một bài giảng, họ có thể dễ dàng nhận ra bài giảng ấy có được đầu tư, chuẩn bị chu đáo hay không. Cho nên, đối với Đức Thánh Cha, “người mục tử phải dành thời gian cho công việc này, dù có phải bớt xén thời gian của các công việc quan trọng khác”. Điều đó đòi hỏi người mục tử phải biết hy sinh, “hiến mình và mọi khả năng của mình để làm công cụ cho Chúa”[44]. “Nếu mỗi linh mục đều ý thức giảng thuyết là một phần trong nghề nghiệp của mình, chắc chắn chúng ta sẽ không có những bài giảng thiếu chuẩn bị, nghèo nàn”[45].

2. Tìm hiểu bản văn Kinh Thánh.

Giáo hội luôn nhắc nhớ các nhà giảng thuyết là những thừa tác viên trung thành của Lời Chúa, ý thức rằng “những lời lẽ trong thừa tác vụ của mình không phải là “của mình” nhưng là của Đấng đã sai mình”[46]. Điều trước tiên, nhà giảng thuyết phải “dành thời gian để nghiên cứu học hỏi cách kỹ lưỡng, gạt sang một bên mọi quan tâm khác, mọi mối lo cấp bách khác để tập trung chú ý”[47]. Kinh Thánh chính là cơ sở cho bài giảng. Vì thế, “các nhà giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh; họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê[48]“. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Nếu chúng ta chỉ muốn tìm những kết quả chóng vánh dễ dàng và có ngay lập tức thì đọc bản văn Kinh Thánh là chuyện vô ích”[49].

2.1. Trong tâm tình cầu nguyện

 “Việc đọc Kinh Thánh trong cầu nguyện không phải là một cái gì tách biệt với việc học hỏi mà người giảng thuyết thực hiện để nắm bắt được sứ điệp trọng tâm của bản văn […] Nếu không chúng ta dễ dàng bắt bản văn nói điều mà chúng ta nghĩ là thuận tiện, ích lợi để xác nhận các quyết định trước đó của chúng ta, hợp với lối suy nghĩ của chúng ta. Rốt cuộc sẽ chẳng khác gì sử dụng một điều thánh thiêng vì lợi ích riêng của chúng ra rồi truyền đạt sự lẫn lộn này cho dân chúng”[50]. “Linh mục phải đón nhận Lời Chúa với một con tim ngoan ngoãn và nguyện cầu để cho Lời Chúa thấm nhập đến tận đáy thẳm ý nghĩ và tình cảm của mình và làm nảy sinh nơi mình một tinh thần mới, làm nảy sinh tư tưởng của Chúa” (1 Cr 2,16)[51].

2.2. Trong toàn bộ cấu trúc của bản văn

Như đã nói ở trên, Kinh Thánh chính là cơ sở cho bài giảng của chúng ta. Và “mục đích của chúng ta là khám phá ra sứ điệp chính của Tin Mừng, sứ điệp tạo nên cấu trúc và sự thống nhất cho bản văn. Nếu người giảng thuyết không cố gắng làm việc này, bài giảng của họ thường sẽ không có sự thống nhất hay trật tự; những điều họ nói sẽ chỉ là một sự chồng chất các ý tưởng rời rạc không thể tạo cảm hứng cho người nghe”[52].

Cấu trúc của một bản văn bao gồm nhiều yếu tố: tính lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn chương…

Về tính lịch sử, Đức Thánh Cha phân tích như sau: “bản văn Kinh Thánh mà chúng ta học đã có từ hai hay ba ngàn năm rồi; ngôn ngữ của nó rất khác với ngôn ngữ của chúng ta nói ngày nay. Cả khi chúng ta tưởng mình hiểu được những từ được dịch sang tiếng của chúng ta, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta hiểu đúng những gì mà tác giả thánh muốn nói”[53].

Như chúng ta đã biết, Kinh Thánh được viết ra dưới bàn tay con người, trong con người và qua con người Thiên Chúa hành động[54]. Tất nhiên khi “dùng cách nói của loài người”[55], phải chấp nhận việc tác giả Kinh Thánh đưa vào đó cái nhìn về nhân sinh quan và vũ trụ quan của dân tộc mình. Cho nên, “để hiểu đúng ý nghĩa tác giả thánh muốn khẳng định trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến những cách thức cảm nhận, nói năng hoặc tường thuật của người bản xứ, thường được dùng vào thời đại của thánh sử, cũng như các cách thức mà người thời ấy quen dùng khi giao tế với nhau”[56].

Về phương diện văn chương, Kinh Thánh không đơn giản là một cuốn sách, nhưng đó là một bộ sưu tập được “trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú… Nhà chú giải cũng cần phải tìm hiểu ý nghĩa mà thánh sử muốn diễn tả và thật sự đã diễn tả trong những trường hợp rõ rệt, trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của các ngài, qua các lối hành văn được dùng trong thời đó”[57]. Qua kỹ thuật của khoa phân tích văn chương cung cấp như: chú ý tới các từ lặp đi lặp lại hay nhấn mạnh, nhận ra cấu trúc và chuyển động cụ thể của một bản văn, xem xét vai trò của các nhân vật khác nhau, chúng ta sẽ dần dần khám phá được sứ điệp trung tâm của tác giả chủ yếu muốn thông truyền[58].

2.3. Trong mối liên kết với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh

Để hiểu đúng sứ điệp trung tâm mà tác giả bản văn muốn thông truyền “chúng ta cần liên kết nó với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh như được Hội Thánh truyền lại”[59]. Đây là nguyên tắc quan trọng được Đức Thánh Cha nhắc lại trong số này. Lý do là vì “Chúa Thánh Thần đã linh hứng không chỉ một phần Kinh Thánh, nhưng toàn bộ Kinh Thánh, và trong một số lãnh vực, người ta đã phát triển sự hiểu biết ý muốn của Thiên Chúa dựa trên kinh nghiệm của bản thân họ. Nguyên tắc này cũng ngăn ngừa những cách giải thích sai lạc hay cục bộ có thể mâu thuẫn với các giáo huấn khác của cùng bộ Sách Thánh”[60].

3. Đọc Tin Mừng dưới tác động của Lời Chúa – Lectio Divina

Việc đọc Lời Chúa theo phương pháp này không phải là một cái gì tách biệt với việc học hỏi mà người giảng thuyết thực hiện để nắm bắt được sứ điệp trọng tâm của bản văn; trái lại, nó phải bắt đầu với việc học hỏi ấy rồi tiếp tục phân định xem sứ điệp ấy nói thế nào với đời sống của mình[61]. Chẳng hạn: “Các bài đọc được công bố muốn nói gì? Các bài đọc ấy nói gì riêng với tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong khi quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của họ?”[62].

  • Các bài đọc được công bố muốn nói gì?

Trước hết cần phải nhận biết các bài đọc muốn nói điều gì. Tất nhiên người giảng thuyết cần phải cập nhật hiểu biết của mình đối với bản văn và dựa vào những công cụ hợp thời. Để làm điều đó phải đặt các bản văn song song của Tin Mừng và những tài liệu tham khảo ngầm ẩn hay minh nhiên đối với những đoạn văn Cựu ước. Lý do là bài đọc đó được thực hiện dưới ánh sáng của Truyền thống cùng với sự trợ giúp của Huấn quyền trước đây cũng như hiện tại, tổng hợp các căn bản trong Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

  • Các bài đọc ấy nói gì riêng với tôi?

Câu hỏi này được đặt ra cho người giảng thuyết vì trách nhiệm của họ đối với việc cập nhật các bản văn đã được công bố trong bài giảng. Trong số 59 của Tông Huấn Verbum Domini Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: người giảng thuyết “phải là người đầu tiên được thúc bách bởi Lời Thiên Chúa mà ngài loan báo”[63], bởi vì như thánh Augustinô đã nói: “Người giảng dạy Lời Thiên Chúa ở bên ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái”[64].

  • Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong khi quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của họ?

Người giảng thuyết phải ý thức rằng, tôi đang sống trong mối tương quan thường xuyên với Chúa Giêsu và cố gắng để trở thành một Kitô khác. Người giảng thuyết nghĩ đến cộng đoàn giáo dân của mình, nói cho họ về Chúa Giêsu về nhu cầu tinh thần và vật chất của họ. Cầu xin ơn soi sáng trong giờ kinh nguyện cá nhân cho họ: Lạy Chúa, Chúa muốn nói điều gì cho họ vào Chúa nhật hôm nay? Điều gì Chúa muốn nói xin hãy nói?[65]

Gợi ý cách đọc, suy niệm Lời Chúa theo phương pháp Lectio Divina:

  • Chuẩn bị xin ơn Chúa Thánh Thần Preparatio).
  • Đọc và tìm hiểu bản văn (Lectio).
  • Suy niệm (Meditatio).
  • Cầu nguyện (Oratio).
  • Chiêm niệm (Contemplatio).
  • Dấn thân hành động (Actio). 

4. Sống lời Chúa trước khi chuyển thông cho người khác

Hiểu biết và thực hành tốt về khoa phân tích và chú giải Kinh Thánh vẫn chưa đủ, cần phải để cho Lời Chúa thấm sâu vào trong tâm tưởng để phát sinh hiệu lực. Vì “Ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình”[66]. Như vậy, giảng chủ yếu là “thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm”[67]. Người ta không thể cho điều mình không có. Đây là điều rất quan trọng trong hoạt động mục vụ. Nhắc lại Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay cũng vậy, người ta thích nghe những chứng nhân hơn: “họ khát sự chân thật” và “đòi có những người rao giảng Tin Mừng nói cho họ về một vị Thiên Chúa mà mình biết và thân quen, như thể đang nhìn thấy Người”[68]. Thánh Giêrônimô đã từng nhắc nhở, việc rao giảng phải đi đôi với chứng tá đời sống của mình: “Ước gì các hành vi của anh em không phản bội các lời anh em nói, kẻo khi anh em giảng dạy trong nhà thờ, có người bình luận trong lòng: ‘Thế thì tại sao chính ngài, ngài lại không làm như thế?’”[69].

Cầu nguyện, lắng nghe và sống Lời Chúa là để cho mình có được cái nhìn mới. Đời sống đạo đức của nhà giảng thuyết cũng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng của việc rao giảng. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Nếu không dành thời giờ để nghe lời Thiên Chúa với con tim rộng mở, nếu họ không để cho lời đánh động cuộc đời họ, thách thức họ, thúc đẩy họ, và nếu họ không dành thời giờ cầu nguyện bằng lời ấy, thì quả thực họ sẽ là một tiên tri giả, một kẻ lừa đảo, một kẻ huênh hoang trống rỗng”[70].

Đặc biệt không bao giờ được chùn bước trước những khó khăn, trái lại, hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, vào sự trợ giúp của Thánh Thần: “Vì cũng giống như lúc khởi đầu của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong mỗi người giảng thuyết. Ngài sẽ đặt trên mỗi người giảng thuyết những lời mà họ không thể tự mình tìm ra”[71].

5. Hiểu biết và lắng nghe dân chúng.

Theo Đức Thánh Cha, một trong những mục tiêu của bài giảng là người giảng thuyết phải có khả năng “nối kết sứ điệp của bản văn Kinh Thánh với một tình huống nhân loại, với một kinh nghiệm kêu gào ánh sáng của Lời Chúa”[72]. Điều đó có nghĩa là bài giảng phải có khả năng đáp ứng những thao thức, khát vọng cụ thể của dân Chúa, có khả năng trả lời những câu hỏi họ đặt ra. Để có thể làm được điều đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhà giảng thuyết không phải “dạy” mà phải “học”, để hiểu, để “biết những ước vọng, những nguồn lực và những giới hạn, những cách cầu nguyện, yêu thương, quan niệm về cuộc đời và thế giới”[73].

Để hiểu được mọi người đòi hỏi linh mục trở thành những người biết “đồng hành”. Đồng hành với một thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo, đồng thời dẫn đưa người khác đến gần Thiên Chúa hơn. Ngoài ra cần phải biết “lắng nghe”, vì thiếu nó thì không có sự gặp gỡ thiêng liêng. “Lắng nghe giúp chúng ta tìm ra cử chỉ và lời nói thích hợp để chứng tỏ chúng ta không chỉ là khách qua đường. Chỉ khi có thái độ lắng nghe với lòng tôn trọng và cảm thông, chúng ta mới có thể bước vào con đường tăng trưởng đích thực và đánh thức một khát vọng về lý tưởng Kitô giáo”[74]. Chỉ như thế, nhà giảng thuyết mới có “một sự nhạy bén tâm linh thực sự để đọc được sứ điệp của của Thiên Chúa trong các biến cố” và phân định “điều Chúa phải nói trong hoàn cảnh cụ thể này hay trong tình huống đặc biệt kia”[75].

6. Những hỗ trợ cho việc giảng thuyết

“Một số người nghĩ mình có thể là người giảng giỏi vì họ biết phải nói cái gì, nhưng họ không chú ý tới việc phải nói như thế nào, phải cấu tạo một bài giảng ra sao”[76]. Đây là một thực tế được Đức Thánh Cha dẫn ra trước khi đưa ra những ý tưởng hỗ trợ cho việc giảng thuyết của linh mục. Thực vậy, ngày nay chúng ta vẫn thường nghe nhiều người phàn nàn về việc giảng và soạn giảng của các linh mục. Rất đông các tín hữu đã đặt ra những đề nghị về chất lượng của bài giảng, đặc biệt về vấn đề nội dung của nó: đôi lúc người ta lắng nghe những đề tài rất xa lạ đối với các bài đọc của Thánh lễ, hay những ý kiến cá nhân của chủ tế; hay có khi người ta nghe lặp lại hầu hết đoạn văn vừa được công bố. Cho nên, Đức Thánh Cha khuyên nhà giảng thuyết đừng xem nhẹ cách thức diễn đạt, bởi vì nhà giảng thuyết “không phải chỉ biết những gì mình nói mà còn phải nói như thế nào”[77]. Quan tâm đến cách chúng ta giảng là một sự quan tâm thiêng liêng sâu xa, “nó chứng tỏ một tình yêu tinh tế và tích cực bằng cách từ chối không cống hiến một sản phẩm có chất lượng tồi”[78]. Để có được bài giảng tốt, Đức Thánh Cha đề nghị thêm những hỗ trợ sau:

6.1 Dùng hình ảnh minh họa

Sử dụng hình ảnh làm cho bài giảng trở nên “phong phú và hấp dẫn” hơn. Tuy vậy, không phải tất cả các hình ảnh đều có thể đưa vào bài giảng, “cần phải học cách sử dụng và cách khêu gợi hình ảnh”. Vì hình ảnh hấp dẫn làm cho người nghe cảm nhận được sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt như một cái gì thân quen, gần gũi, có thể thực hiện, có liên quan tới cuộc đời của họ. Một hình ảnh thích hợp có thể giúp người ấy cảm nếm được sứ điệp, đánh thức ước muốn và đánh động ý chí hướng tới Tin Mừng[79].

6.2. Ngôn từ đơn sơ và chủ đề thống nhất

Giảng lễ là một nghệ thuật cần được trau dồi sao cho sứ điệp Tin Mừng đến được với người nghe một cách hiệu quả nhất. Do đó, ngôn từ mà người giảng dùng phải trở thành thứ dụng cụ sắc bén cho sự thuyết phục của Chúa Thánh Thần, và cũng trở thành phương tiện chuyển tải lương thực nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu[80]. Về điểm này, Đức Thánh Cha nói như sau: “Nguy cơ lớn nhất đối với một người giảng thuyết là họ quá quen với ngôn ngữ của riêng mình, khiến họ nghĩ mọi người khác tất nhiên cũng hiểu và sử dụng được nó”[81]. Đức thánh cha nhắc nhở không nên dùng những ngôn từ quá chuyên môn của thần học và huấn giáo, không nằm trong ngôn ngữ thông thường của người nghe[82].

Bên cạnh việc sử dụng ngôn từ, Đức Thánh Cha còn lưu ý bài giảng cần phải có một chủ đề thống nhất, rõ ràng và mạnh lạc. Thật vậy, để có được một bài giảng ngắn và nội dung đầy đủ, súc tích, chúng ta phải suy nghĩ, chọn lọc sắp xếp từng tư tưởng và lời nói.

Mạch lạc về nội dung: “sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và cần thiết nhất. Sứ điệp trở thành đơn giản, nhưng đồng thời không làm mất sự thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó nó càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục”[83].

Trật tự về cấu trúc: “cần phải có một chủ đề thống nhất, có trật tự rõ ràng và có sự mạch lạc giữa các câu, để cộng đoàn dễ dàng theo dõi và nắm bắt”[84].

6. 3. Giảng tích cực

Nhà giảng thuyết là những thừa tác viên của Lời Chúa, là người chuyển thông sứ điệp Tin Mừng cho cộng đoàn, là người nói lời của Chúa chứ không phải của mình. Vì thế, bài giảng không có chỗ cho việc phàn nàn, than vãn, phê bình, chỉ trích và tiêu cực. Trái lại, qua bài giảng, nhà giảng thuyết phải giúp cho dân mình nhận ra Lời Chúa đang đồng hành với họ, an ủi và nâng đỡ họ những lúc khó khăn, vạch ra cho họ một giá trị tích cực, niềm hy vọng và sự mới mẻ vĩnh hằng.

KẾT LUẬN

Đề tài bài giảng và chuẩn bị bài giảng chúng ta vừa theo dõi, một cách tổng thể, đây là tổng hợp có hệ thống của Đức Thánh Cha Phanxicô từ các văn kiện của Giáo hội, các Tông huấn và các tài liệu liên quan khác. Qua cách trình bày của toàn bộ Tông huấn này chúng ta thấy được trái tim rực nóng của ngài, muốn canh tân và dẫn đưa Giáo hội của Chúa Kitô can đảm bước đi trong niềm vui mới của việc Tân Phúc Âm Hóa.

Trong việc rao giảng Tin Mừng, trước hết, Đức Thánh Cha muốn chia sẻ những thao thức và tâm huyết phát xuất từ kinh nghiệm cá nhân của người mục tử đã từng sống giữa cộng đoàn của những người nghèo khổ, yếu đuối, để hiểu biết, cảm thông và chia sẻ Niềm Vui Tin Mừng cho họ. Thứ đến, ngài muốn khơi lại niềm say mê Đức Kitô của người mục tử, để không chùn bước trước những khó khăn, thử thách[85], nhưng sẽ mãi là ngọn lửa làm cho mọi con tim được bừng cháy.

Cuối cùng, cho dù đang đối diện với những thách thức của một thế giới đang thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn, tham tham, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm; cho dù lương tâm bị chai lỳ và đời sống nội tâm bị trói buộc vào lợi ích riêng[86], thì Giáo hội vẫn phải can đảm “đi ra” trong sứ mạng của mình, để “khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng”[87], dùng tất cả mọi phương tiện, con người, để rao giảng “niềm vui mới mẻ” là Đức Kitô, Đấng luôn yêu thương và không muốn ai bị loại ra khỏi ơn cứu độ của Người. Đó là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội, cách riêng cho những ai được tuyển chọn cách đặc biệt trong việc rao giảng Tin Mừng này. “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cor 9,16).

Lm. Giuse Võ Tá Hoàng

http://ghphuyen.com

———————————————————————–

[1] Tờ Le Figaro đã bắt đầu bằng từ tiếng Tây Ban Nha « fenomenal»; Tờ Huffington Post : il fenomeno Franceso…

[2] x. GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1

[3] Sđd, số 1

[4] Sđd, số 287

[5] Sđd, số 228

[6] Sđd, x. số 210

[7] Sđd, x. số 79

[8] Sđd, số 120

[9] Sđd, x. số 132-134

[10] Sđd, số 137

[11] Sđd, x. số 135

[12] Sđd, số 137

[13] Sđd, số 138

[14] Sđd, số 138

[15] Sđd, số 138

[16] GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 59

[17] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 35

[18] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 12

[19] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến Chế Mạc Khải, x. số 9 – 13

[20] GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 59

[21] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, x. số 137-138

[22] Sđd, x. số 35

[23] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến Chế Mạc Khải, số 21

[24] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 174

[25] Huấn từ của ĐTC Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa nhật thứ III Phục sinh tại quảng trường thánh Phêrô. (http://gpquinhon.org/qn/news/GIAO-HOI-HOAN-VU/Moi-ngay-hay-doc-mot-doan-Tin-mung-va-hay-di-ruoc-le-moi-Chua-nhat-2326/#.VE26Gx2UfvU)

[26] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 143

[27] Sđd, số 137

[28] Sđd, số 139

[29] Sđd, x.số 139

[30] Sđd, x. số 139

[31] Sđd, x. số 140

[32] Sđd, số 140

[33] Sđd, số 141

[34] Sđd, số 11

[35] Sđd, số 143

[36] Không xác định chính xác giới hạn thời gian của bài giảng, nhưng Giáo Hội khuyên làm bài giảng ngắn, trước hết bởi vì bài giảng cần có tỉ lệ cân đối với toàn bộ buổi lễ. Người ta bớt đi cảm giác khi nghe bài giảng tới 20 phút hoặc lâu hơn nữa, rồi sau đó vội vàng qua phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Xem http://www.vietcatholic.net/News/Html/113589.htm

[37] Sđd, số 138

[38] Sđd, số 142

[39] GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông Huấn Verbum Domini, số 59

[40] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 11

[41] Sđd, số 145

[42] Sđd, số 145

[43] Sđd, x. số 145

[44] Sđd, số 145

[45] THOMAS V. LISKE S.T.D. “Thành công trên tòa giảng”, ĐCV THÁNH QUÝ CẦN THƠ 1995, pg 7;

[46] GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, số 26

[47] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, x. số 146

[48] GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông Huấn Verbum Domini, số 59

[49] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 146

[50] Sđd, số 152

[51] GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, số 26

[52] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 147

[53] Sđd, số 147

[54] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến Chế Mạc Khải, x. số 11

[55] Sđd, số 12

[56] Sđd, số 12

[57] Sđd, số 12

[58] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, x. số 147

[59] Sđd, số 148

[60] Sđd, số 148

[61] Sđd, số 152

[62] x. GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông Huấn Verbum Dominum, số 59.

[63] Sđd, số 59

[64] Sđd, số 59; Sermo 179, 1: PL 38, 966.

[65] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, x. số 153

[66] Sđd, số 150

[67] Sđd, số 150; Thánh Tôma Aquinô, S.Th.II-II, q.188,a.6

[68] Sđd, số 150

[69] GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông Huấn Verbum Domini, số 59; x. Epistula 52, 7; CSEL 54, 426-427.

[70] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 151

[71] Sđd, số 151

[72] Sđd, số 154

[73] Sđd, số 154

[74] Sđd, số 171

[75] Sđd, số 154

[76] Sđd, số 165

[77] Sđd, số 156

[78] Sđd, số 156

[79] Sđd, x. số 157

[80] GM PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC, Canh Tân Việc Rao Giảng Lời Chúa Trong Thánh Lễ, 30/4/2013, http://www.simonhoadalat.com

[81] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 158

[82] Sđd, x. số 158

[83] Sđd, số 35

[84] Sđd, số 158

[85] Sđd, x. số 151

[86] Sđd, số 2

[87] Sđd, số 11