Lời Chúa Năm B Bài giảng thánh lễ đêm Giáng sinh 2017 của Đức Giáo Hoàng...

Bài giảng thánh lễ đêm Giáng sinh 2017 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Nguyên văn bài giảng thánh lễ đêm giáng sinh năm 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thánh đường Vatican, Chúa nhật 24/12/2017

 

Anh chị em thân mến

Bà Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Với cách diễn tả đơn sơ nhưng rất rõ ràng này, thánh Luca đưa chúng ta vào trọng tâm của đêm thánh: Đức Maria sinh ra ánh sáng, Đức Maria cho chúng ta ánh sáng. Một câu chuyện đơn sơ nhấn chìm chúng ta trong biến cố làm thay đổi lịch sử của chúng ta mãi mãi. Tất cả mọi sự, trong đêm ấy, đã trở nên nền tảng của niềm hy vọng.

Chúng ta quay lại trước một vài đoạn. Vì chiếu chỉ của hoàng đế, Đức Maria và Thánh Giuse thấy mình buộc phải ra đi. Họ phải bỏ lại dân tộc của mình, nhà cửa, đất đai của mình để lên đường về kê khai sổ sách. Một chuyến đi không hề thoải mái, cũng không dễ dàng đối với đôi vợ chồng trẻ sắp sinh con: Họ bắt buộc phải bỏ lại xứ sở của họ. Trong lòng đầy tràn hy vọng và niềm tin vào tương lai vì hài nhi con của họ là Đấng phải đến. Tuy nhiên, những bước đi của họ chất đầy những rủi ro và thực sự nguy hiểm đối với những ai phải bỏ lại nhà cửa của mình.

Và tiếp theo họ phải đối diện với những chuyện rất khó khăn: họ đến Bêlem và nhận thấy rằng xứ sở này không đón chờ họ, một vùng đất không có chỗ cho họ trú chân.

Và ở đó, mọi thứ thực sự là một thách thức, Maria đã tặng ban cho chúng ta Đấng Emmanuel. Con Thiên Chúa đã phải sinh ra trong một hang đá bởi vì nơi ấy không có chỗ cho Ngài. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” ( Ga 1:11). Và ở đó… ở giữa bóng đêm của một thành phố không có không gian, cũng không có chỗ cho người viễn khách. Giữa tối tăm của một thành phố đầy dẫy biến động và trong trường hợp này xem ra nó muốn xây dựng một thành phố quay lưng lại với người khác. Chính nơi đó đã cháy lên tia sáng mang tính cách mạng của lòng hiền từ của Thiên Chúa. Ở Bêlem đã tạo ra một cánh cửa nhỏ cho những người bị mất xứ sở, mất quê hương và mất những giấc mơ; ngay cả đối với những người bị chết nghẹt bởi sản phẩm của cuộc sống khép kín.

Nhiều bước chân khác ẩn giấu trong những bước chân của Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúng ta chứng kiến những dấu chân của các gia đình buộc phải ra đi trong thời đại chúng ta. Chúng ta nhận ra dấu vết của hàng triệu người không chọn cách ra đi nhưng họ bị đuổi khỏi xứ sở của họ, để lại sau lưng những người thân. Trong nhiều trường hợp ra đi như thế, họ ra đi với niềm hy vọng và một tương lai tràn trề. Nhiều người khác, ra đi dưới danh nghĩa là sinh tồn. Sống sót sau những ông vua Hêrôđê, áp đặt quyền lực của mình lên người khác và làm tăng thêm sự giàu có cho mình mà cảm thấy không có vấn đề gì trong việc đổ máu của người vô tội.

Đức Maria và thánh Giuse, những người không có chỗ trọ, là những người đầu tiên tin nhận Đấng đến để trao cho chúng ta chứng thư quyền công dân. Đấng mà trong sự nghèo khó và nhỏ hèn của mình đã tuyên bố và cho thấy rằng quyền uy đích thực và tự do thực sự là thể hiện trong sự tôn vinh và cứu giúp người mỏng dòn yếu đuối.

Trong đêm ấy, Đấng không có nơi chốn để sinh ra đã được báo trước cho những ai không có chỗ nơi bàn ăn và trên các nẻo đường của thành phố. Các mục đồng là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng ấy. Đối với công việc của họ, thì họ là những người đang phải sống bên lề xã hội. Điều kiện sống của họ, những nơi họ buộc phải lưu trú, ngăn cản họ tuân giữ tất cả các quy định thuộc nghi thức thanh tẩy tôn giáo, vì thế, họ bị coi là ô uế. Làn da của họ, áo quần của họ, mùi của họ, cách họ nói, nguồn gốc của họ tất cả đều phản bội lại họ. Tất cả mọi thứ phát sinh từ họ đều bị hoài nghi. Họ cần phải cư trú nơi xa, họ sợ hãi. Họ bị xem như là người lương dân giữa các tín hữu, những người tội lỗi giữa những người công chính, những người ngoại kiều giữa những cư dân. Đối với những người ngoại giáo, những người tội lỗi và ngoại kiều, sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Với niềm vui này, trong đêm nay chúng ta được mời gọi để chia sẻ, để tôn vinh và loan báo. Niềm vui mà Thiên Chúa, với lòng xót thương vô hạn của Ngài, đã đón nhận chúng ta những người ngoại giáo, tội lỗi, ngoại kiều và thúc đẩy chúng ta thực thi những điều ấy.

Niềm tin trong đêm nay dẫn chúng ta đến việc nhận biết Thiên Chúa hiện diện trong tất cả mọi hoàn cảnh mà chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa vắng mặt. Thiên Chúa ở trong người thăm viếng không được tiếp đón. Nhiều lần chúng ta không thể nhận ra được Ngài đang đi qua các phố phường, khu xóm của chúng ta; Ngài đang đi trên những chuyến xe bus, Ngài đang gõ những cánh cửa của chúng ta.

Và chính niềm tin này thúc đẩy chúng ta nhường chỗ cho một trí tưởng tượng xã hội mới, không ngại thử nghiệm những hình thức mới về mối liên hệ, trong đó không ai cảm thấy rằng trái đất này không có một vị trí cho họ. Giáng sinh là thời điểm để biến sức mạnh của nỗi sợ thành sức mạnh của lòng bác ái, thành sức mạnh đối với một trí tưởng tượng mới của lòng từ thiện. Lòng bác ái không có thói quen đối với sự bất công như thể nó là cái gì đó rất tự nhiên, nhưng cần phải cam đảm để thực hiện “ngôi nhà bánh” giữa những căng thẳng và đối đầu, thành vùng đất của lòng hiếu khách. Đó là những gì mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đừng sợ, anh em hãy mở tung mọi cánh cửa cho Đức Kitô” (Bài giảng lễ ngày đăng quang Giáo hoàng ngày 22 Tháng 10 năm 1978).

Nơi Hài nhi ở Bêlem, Thiên Chúa đã đến gặp chúng ta để làm cho chúng ta thành những tác nhân chính trong cuộc sống ở xung quanh chúng ta. Ngài tự trao ban để chúng ta giữ lấy Ngài trong đôi tay, nâng lên và và ôm lấy Ngài. Bởi vì, trong Ngài chúng ta không lo ngại khi ẵm trên đôi tay, nâng lên và ôm lấy cách khát khao người khách lạ, kẻ trần truồng, người yếu đau và tù đày (x. Mt 25,35-36). “Anh em đừng sợ, hãy mở tung mọi cánh cửa cho Chúa Kitô”. Nơi Hài nhi này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên sứ giả của niềm hy vọng. Ngài mời gọi chúng ta trở nên người lính canh cho nhiều người bị lún chìm dưới sức nặng của sự tuyệt vọng phát sinh từ những cánh cửa bị khép kín. Nơi Hài nhi này, Thiên Chúa làm cho chúng ta thành những tác nhân chính của lòng hiếu khách của mình.

Xúc động bởi niềm vui của ân ban là Hài nhi nhỏ bé ở Bêlêm, chúng ta cầu xin cho nước mắt của Ngài đánh thức chúng ta khỏi sự thờ ơ của chính mình, xin Ngài mở đôi mắt của chúng ta trước những người đau khổ. Sự hiền dịu của Ngài đánh thức cảm xúc của chúng ta và làm cho chúng ta cảm nhận được lời mời gọi để nhận ra Ngài trong tất cả những người đang đi qua phố phường của chúng ta, trong mọi lịch sử, trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiền từ mang tính cách mạng của Ngài khích lệ chúng ta cảm nhận được lời mời gọi trở nên sứ giả của niềm hy vọng và của lòng nhân từ đối với mọi dân.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Vatican.va

Exit mobile version