Bài giảng ngày khai mạc Năm Đức Tin 2012-13.
Ông bà anh chị em thân mến. Như mọi người đã biết, ngày 11 tháng Mười năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô thứ 16 đã ban hành Tự sắc “Porta Fidei-Cánh Cửa Đức Tin, để thiết lập Năm Đức Tin, khởi đầu từ ngày 11 tháng 10 hôm nay, cũng là ngày kỷ niệm 50 Công đồng Va-ti-can thứ 2 và 20 năm ngày công bố cuốn giáo lý Công giáo, sẽ được tiếp tục cho đến Lễ Chúa KiTô-Vua Vũ Trụ vào ngày 24 tháng Mười Một năm 2013.
Hôm nay chúng ta vui mừng và hân hoan bước vào Năm Đức Tin, cùng một lúc với tất cả mọi người trong giáo phận nói riêng, và với toàn thể mọi người trên thế giới trong giáo hội nói chung. Hân hoan, vui mừng bởi vì trong Năm Đức Tin này theo như lời Đức thánh cha Bê-nê-đíc-tô trong tông thư “Cánh Cửa Đức Tin” đã tuyên bố: “Chúng ta không thể chấp nhận để muối trở nên nhạt và ánh sáng bị che dấu. Chúng ta phải tái khám phá sự ưa thích được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Hằng Sống.” Hay nói một cách khác, thứ nhất, chúng ta phải canh tân đời sống Ki-tô hữu để chúng ta để chúng ta trở thành những hạt muối mặn mà và hữu ích. Và thứ hai, chúng ta phải can đảm và mạnh mẽ tuyên xưng đức tin sáng ngời, để ánh sáng đức tin của chúng ta chiếu soi, lan rộng và có ảnh hưởng tốt đến người khác.
Ông bà anh chị em thân mến. Trước hết, chúng ta canh tân đời sống Ki-tô hữu bằng cách thấm nhuần Lời Chúa, như men được nhồi và trộn lẫn trong bột, bởi vì tất cả mọi cách tuyên xưng hay sống đức tin phải được đặt trên nền tảng Lời Chúa. Do đó, chúng ta phải hy sinh thời giờ lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Như chúng ta biết đề tài chính của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới đang diễn ra tại Rô-ma là Tân Phúc Âm Hóa. Mỗi một người Ki-tô hữu chúng ta hôm nay phải được tái Phúc âm hóa để có cuộc sống đức tin vững mạnh hơn trong xã hội và thế giới hôm nay.
Thứ hai, ngoài việc tái phúc âm hóa, chúng ta phải đi xâu vào sự kết hợp mật thiết với Chúa trong các Bí tích. Qua Bí tích Thánh tẩy, cánh cửa đức tin đã được mở rộng ra cho chúng ta. Và Chúa kêu mời chúng ta không những bước vào mà còn muốn chúng ta đi xâu vào ân sủng của Chúa, để được kết hợp mật thiết với Chúa nhất là qua Bí tích Thánh Thể. Do đó Đức thánh cha kêu gọi mọi người chúng ta hãy tái khám phá ý nghĩa cao quí, ẩn dấu trong kho tàng ân sủng của Chúa trong Bí tích cao trọng này, để thứ nhất khi lãnh nhận chúng ta có một thái độ thành kính hơn, một tâm hồn xứng đáng hơn, và thứ hai với một niềm xác tín vào sự hiện diện của Chúa trong Bánh Thánh, để mầu nhiệm này đưa đến những kết quả tốt đẹp cho chúng ta và người khác.
Và thứ ba, như ngọn đèn sáng không thể đặt dưới gầm giường hay gầm bàn, do đó chúng ta phải mạnh mẽ và can đảm hơn tuyên xưng đức tin của chúng ta. Mục đích chính của sự tuyên xưng, minh chứng đức tin là truyền giáo. Và đây cũng là một trong những đề tài chính của Thượng Hội Đồng Giám Mục và cũng là điểm nhấn mạnh của Đức thánh cha Bê-nê-đíc-tô trong tông thư “Cánh Cửa Đức Tin.” Chúng ta truyền giáo cho chính chúng ta trước, tới những người sống chung quanh và xa hơn. Trong công việc truyền giáo, chúng ta được kêu gọi trong Năm Đức Tin này thứ nhất sống trung thành với giáo huấn của Chúa và giáo hội. Chúng ta biết trong xã hội ngày nay, có rất nhiều sự cám dỗ và lôi cuốn chúng ta xa Chúa, thờ ơ với đời sống đức tin. Chúng ta hãy tự hỏi nếu chúng ta thật sự đang sống đời truyền giáo, thì chúng ta có nhìn ra được những ảnh hưởng của việc truyền giáo của chúng ta ở trong đời sống của những người chung quanh chúng ta không? Chúng ta cần canh tân, đổi mới. Thứ hai chúng ta phải có tấm lòng bác ái và quảng đại. Chúng ta ý thức rằng khi nghèo thì tấm lòng chúng ta trải rộng ra xa hơn, nhưng khi giàu có thì chúng ta thường bị cám dỗ làm cho lòng chúng ta co cụm lại. Thiên Chúa giàu lòng từ bi, nhân hậu và khoan dung. Chúa đã, đang và sẽ ban cho chúng ta nhiều ơn lành hơn chúng ta mong ước và xứng đáng. Tôi biết nhiều người trong giáo xứ có lòng hy sinh, bác ái và quảng đại, nhưng trong Năm Đức Tin này, chúng ta cố gắng sống bác ái và quảng đại hơn. Và thứ ba là chúng ta biết dùng đời sống và nhưng ơn lành Chúa ban để làm sáng danh Chúa thể hiện đức tin của chúng ta một cách cụ thể. Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta thành tâm trong công việc làm sáng danh Chúa, thì Chúa sẽ không bao giờ bỏ quên. Do đó, trước hết tôi kêu gọi tất cả mọi người trong giáo xứ sốt sắng, khiêm nhường và nhất là vui mừng tham gia vào những công việc trong giáo xứ cần đến sự giúp đỡ của mọi người. Và sau đó, tôi kêu gọi sự hy sinh, quảng đại của mọi người trong việc đóng góp và dâng cúng cho chương trình, kế hoạch xây dựng ngôi thánh đường mới để dâng lên và làm sáng danh Chúa. Trùng với Năm Đức Tin, chúng ta phó thác chương trình xây dựng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Maria và thánh cả Giuse, quan thày của giáo xứ. Do đó, tôi kêu gọi mọi người hãy bỏ đi những sự khác biệt, những bất đồng ý kiến. Đây là một công việc khẩn thiết cho giáo xứ không những ở hiện tại mà còn trong tương lai. Tôi cũng kêu gọi mọi người hãy đồng tâm, nhất trí và hy sinh trong việc đóng góp, dâng cúng, cũng như tham gia trong những công việc sắp tới, để giáo xứ chúng ta cùng tuyên xưng đức tin một cách sáng ngời, và nhất là làm sáng danh Chúa.
Trong bài đọc 1 sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay cho chúng ta biết; “Khi hai ông Phao-lô và Banaba tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các Dân ngoại đón nhận Đức Tin…” Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, qua những người can đảm và trung thành với đức tin và với Chúa, trong đó có các Thánh Tử đạo Việt Nam, cha ông chúng ta, đã mở Cánh Cửa Đức Tin cho chúng ta. Chúng ta cũng cầu xin Chúa trong Năm Đức Tin này ban ơn giúp chúng ta không những đi xâu vào và kết hợp mật thiết với ân sủng và tình yêu Chúa hơn, mà còn là những ngọn đèn, ánh sáng để mở cửa tâm hồn cho những người khác. Thế giới và xã hội ngày nay cần đến những người có ánh sáng của Chúa Ki-tô.
Cuối cùng, như ông bà anh chị em đã đọc và đã thấy trước cửa nhà thờ, tôi đưa ra 10 điều và kêu gọi tất cả mọi người trong giáo xứ cố gắng thực hành trong Năm Đức Tin này. Xin Chúa chúc lành và ban ơn cho chúng ta.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa