Bài ca nào Chúa Giêsu đã hát trước khi chết?

44
Sarah Robsdottir
 
“Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ôliu” (Mc 14,26)
Đó là một trong những câu Kinh thánh mà tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần…
“Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ôliu” (Mc 14,26)
Chắc hẳn tôi đã lướt qua phần hát thánh ca đó của Bữa Tiệc Ly, bởi vì những gì diễn ra ngay sau đó – nỗi đớn đau của Chúa Giêsu trên núi Ôliu, nơi các đồ đệ của Ngài đã từ chối Ngài – thực sự quan trọng đối với tôi trong những năm gần đây. Tôi suy niệm về điều này mỗi thứ Ba và thứ Sáu khi tôi cùng với các tín hữu trên toàn thế giới suy gẫm mầu nhiệm năm sự thương của Kinh Mân Côi. Việc suy niệm về nỗi thống khổ của Chúa Giêsu trong vườn mang lại niềm an ủi cho những vết thương chối từ trong lòng tôi. Đó là một tập quán quen thuộc nhưng không bao giờ ngưng nghỉ.
Vì vào một ngày, tôi nghe câu kinh thánh đó được đọc to và trong đầu tôi quay quẫn một số câu hỏi:
Vậy, bài hát nào Chúa Giêsu đã hát ngay trước khi chết?
Phải chăng bài hát đó đọng lại trong đầu Chúa khi Ngài phải chịu đựng đau khổ một mình, bị bạn hữu từ chối, sợ hãi trước sự tra tấn và đóng đinh?
Và bài hát nào tôi sẽ hát, nếu tôi có thể chọn một bài, trước khi chết hoặc phải đối mặt với một thử thách kinh khiếp? Bài hát nào sẽ là tiếng hô xung trận của tôi khi tôi phải đối mặt với thử thách tàn khốc hoặc thậm chí là với cái chết?
Một chút nghiên cứu đã giúp trả lời cho câu hỏi đầu tiên. Các học giả thuộc mọi tầng lớp nhận thấy rằng rất có thể Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã hát bài Hallel, bài thánh ca truyền thống được hát vào cuối bữa ăn Lễ Vượt Qua.
“Hallel” theo tiếng Do Thái có nghĩa là “ngợi khen”; từ đó chúng ta có từ hallelujah, và Hallel bao gồm những câu của Thánh vịnh từ 113 đến 118:
Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.
 
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương
 
Có CHÚA ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi người đời làm chi tôi được?
 
Chư dân xúm lại bủa vây tôi, nhờ danh CHÚA, tôi đã trừ diệt chúng
 
Chúng bủa vây tôi, trùng điệp tư bề, nhờ danh CHÚA, tôi đã trừ diệt chúng.
 
Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc CHÚA làm.
 
Sửa phạt tôi, vâng CHÚA sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết.
 
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.
 
Đây là ngày CHÚA đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
 
Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.
 
ĐỨC CHÚA là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta. Tay cầm lá, hãy sắp thành đám rước đến bên cạnh bàn thờ.
 
Lạy Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ; lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh.
 
Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương….
Rất có thể Chúa Giêsu đã hát những lời tiên tri này về lòng thành tín của Cha Ngài ngay trước khi bị hạn hữu của Ngài chối bỏ và Ngài đổ mồ hôi máu trong vườn; Ngài đã hát những bài ca đó ngay trước khi bị bắt và bị xét xử bất công, bị đánh đòn, đội mão gai và bị đóng đinh…
Thần học gia Scott Hahn đã giải thích tầm quan trọng của những gì đã xảy ra trong Bữa Tiệc Ly ở phần mở đầu cuốn sách “Chúa Giêsu và Nguồn gốc Do Thái của Bí tích Thánh Thể”:
“Cái chết trên đồi Canvê không chỉ đơn giản là một cuộc hành quyết tàn bạo và đẫm máu. Cái chết của Chúa Giêsu đã được biến đổi bằng sự tự hiến tế của Ngài ở Phòng Tiệc Ly. Nó đã trở thành lễ tế của một hy lễ vượt qua không tì vết, lễ vật tự hiến của một vị thượng tế đã hiến mình để cứu chuộc người khác”.
Và hôm nay, khi một Tam Nhật Thánh khác đang ở chóp đỉnh, tôi thấy mình đang lặp đi lặp lại bài ca Hallel. Tôi thấy mình đang suy ngẫm về cuộc sống của riêng mình có thể được biến đổi như thế nào nếu tôi ngừng kháng cự trước những thúc đẩy của Chúa — nếu tôi chỉ cần mở lòng với người bạn khó chịu đó, hoặc nếu tôi chỉ cần làm việc chăm chỉ hơn một chút để mang lại bình an cho đời sống gia đình của mình. Những thách thức này thật khắc nghiệt, nhưng với bài ca Hallel trong lòng, tôi đang tìm thấy sức mạnh để bắt đầu.
G. Võ Tá Hoàng