GÓC SUY TƯ CÁC THÁNH Bắc Đẩu Rạng Bình Minh

Bắc Đẩu Rạng Bình Minh

Bắc Đẩu rạng bình minh

 Bắc Đẩu bao gồm 7 ngôi sao sáng nhất nằm trong ranh giới Đại Hùng Tinh (Ursa Major) tại thiên cầu bắc, có hình cái muỗng lớn (Big Dipper). Đại Hùng Tinh ngoài 7 ngôi còn nhiều ngôi sao khác

Trong thơ Hàn Mặc Tử, bài Ave Maria, diễn tả một cảm xúc dâng trào của thi sĩ khi chiêm ngắm Mẹ Maria: “Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh; chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới…”. Bắc Đẩu, là ngôi sao được sánh ví như trụ cột đứng yên và trung tâm vũ trụ. Các ngôi sao, người đi biển, người băng rừng, qua hoang mạc, người lưu lạc… đều dựa vào Bắc Đẩu để xác định vị trí hiện tại của mình. Người hiền minh, nhân đức được sánh ví như sao Bắc Đẩu, không bị lay chuyển bởi thời thế hay thế nhân.

Người chiến thắng khổ đau

Hạnh phúc và khổ đau là hai chiều kích đối nghịch nhau nhưng lại song hành với nhau. Hạnh phúc chỉ thật sự tìm thấy khi chịu đau khổ cho người khác, và chỉ thấy đau khổ khi tìm hạnh phúc cho chính mình. Hạnh phúc của con người là sống và cho người khác. Trong thế giới, cái tôi của mình lớn lên thì hạnh phúc cũng bắt đầu nhỏ lại.

Đức Maria khi nhận đón lời tiên tri Simêon, hẳn đã để tâm suy nghĩ về người con của Mẹ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35). Đau khổ mà Con Thiên Chúa chịu là để cho con người được tìm thấy niềm an ủi cậy trông vì được cứu thoát. Lưỡi đòng đâm thấu tâm hồn Mẹ là lưỡi đòng chịu cùng đau khổ với Con để cộng tác vào công trình cứu độ. Hạnh phúc vẫn luôn ở với Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”, vì Mẹ đã đón nhận “Xin vâng” để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Lời thơ Hàn Mặc Tử diễn tả về nỗi đau của mình: “Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý; Trượng phu lời là Tông đồ triết lý”. Như lời cầu nguyện, như hành trang của người tông đồ. Gánh đau thương để tìm thấy hạnh trong những người anh chị em, những người chung quanh. Bởi thế cứ nghe giọng hạnh phúc trào ra: “Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ; sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ý. Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi”.

Bắc Đẩu rạng bình minh

Bắc Đẩu là ngôi sao của ban đêm để định hướng đi. Những con người sầu khổ mong được cứu thoát như đêm mong rạng bình minh, bằng niềm trông cậy vững chắc như nhìn vào sao Bắc Đẩu để vững niềm hy vọng. Trong thân phận khổ đau không lối thoát, người Kitô hữu đều trông lên Mẹ Maria với bao lời khấn cầu: “Lạy Mẹ xin an ủi chúng con luôn”; hay như “Mẹ ơi đoái thương…”. Trong cơn đau của Hàn Mặc Tử cũng vậy, hướng về Mẹ khấn cầu: “Lạy Bà, Đấng trinh tuyền thánh vẹn, giàu nhân đức giàu muôn hộc từ bi”. Trong cơn lâm luỵ trải qua dưới thế mà Hàn Mặc Tử đã thấy được nguồn vui của suối lệ trào. Phải chăng cái đau khổ đã hoá thành niềm vui vì biết rằng trong đau khổ ấy “con tự hiến thánh con, để họ cũng được hiến thánh” (Ga 17,19). Bài học của Mẹ Maria đón nhận đau thương như “lưỡi đòng đâm thâu” đó là Mẹ mang lấy nỗi đau của con cái Mẹ, mẹ đồng hành với con cái Mẹ trên đường thập giá. Mẹ đón nhận và mang lấy như để sinh lại con trong ân nghĩa với Chúa. Hàn Mặc Tử chiêm ngắm Mẹ Maria “Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh. Là nguồn đau chầu luỵ Nữ Đồng Trinh”, bày tỏ một khát mong cháy bỏng của một hiến dâng: “Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm”.

Chiếu cùng hết ba ngàn thế giới

Ngàn, muôn chỉ về niềm vui bất tận; con số ba chỉ về trật tự trời – đất – người. Ba ngàn thế giới có thể hiểu: Bắc Đẩu biểu trưng vinh quang Thiên Chúa, ánh sáng của tình thương xót của Người chiếu cùng khắp từ đời nọ tới đời kia và trong đó cũng nghe âm hưởng lại tâm tình của Đức Maria: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Trong cuộc sống con người, Đức Maria chỉ cho con cái Mẹ biết rằng: Dầu là ai, ý nghĩa cuộc đời là nhận ra lòng Chúa yêu thương. Chúa yêu thương, trong yêu thương đó, con người thấy được bình an và niềm vui: “Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị… Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí”. Kinh nghiệm của người Kitô hữu trải qua đau khổ bằng niềm vui được diễn tả nhiều trong các lời hát: “Vinh quang của Ta là Thập Giá Chúa Kitô”; hay như “Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Kinh nghiệm về lòng thương của Thiên Chúa đã tuôn trào nơi người Kitô hữu trong lúc đau thương nhất làm nên biết bao trải nghiệm được diễn tả, khiến cho lúc tường thuật lại mà vẫn thấy: “Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ, dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ”. Có phải là say trong đau thương, chắc chắn là không vì người Kitô hữu không phải là những người “ái khổ”, “họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Đau khổ có sức thánh hóa, chính vì vậy mà Thánh Phaolô cũng nói: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,14).

Bắc Đẩu rạng bình minh, cảm nghiệm về bài thơ dường như không dứt: “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu, hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu”, nguồn yêu mến Đức Nữ Đồng Trinh, Mẹ như Bắc Đẩu, đứng vững trong đau thương, tinh tuyền và thánh vẹn. Xin cầu cho chúng con, những con người dưới thế.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Exit mobile version