Bác ái là tình yêu?

90

Bạn thân mến,

Có lẽ, bạn cũng như nhiều người, sẽ bị sốc khi nghe nói “Bác ái không phải là tình yêu”!

Vâng, bình tĩnh nào, bạn tôi ơi! Đúng là chúng ta có cảm giác sai sai sao đó với lời khẳng định trên, bởi ta đã quá quen để nghe nói “Bác ái là tình yêu”. Nhưng chắc bạn không ngờ, đó lại là một ngộ nhận ta thường mắc phải khi nói về bác ái, bạn ạ!

Chúng ta cùng đi vào vấn đề, bạn nhé! Xét về mặt ngữ nghĩa, ta thấy, “Bác ái” được hiểu cách bình dân, là “có lòng thương yêu rộng rãi hết thảy mọi người, mọi loài” (Từ điển Tiếng Việt, NXBKHXH) (1). Còn hiểu theo nguyên ngữ của Bách khoa toàn thư mở, bác ái (caritas), nghĩa là “tình yêu cao cả, rộng khắp”; đôi khi, theo Kito giáo, cũng được gọi là Đức mến và được hiểu “không chỉ là tình cảm đối với Thiên Chúa mà còn là tình cảm dành cho những người xung quanh” (https://vi.wikipedia.org/) (2); và “caritas” cũng là gốc của thuật ngữ “charity” trong tiếng Anh, để chỉ những hoạt động giúp đỡ cộng đồng, người yếu thế (https://www.etymonline.com/) (3). Riêng hiểu theo nghĩa nhà đạo, “bác ái là yêu thương giống như Thiên Chúa” (http://www.simonhoadalat.com/) (4).

Như vậy bác ái không phải là một điều có đó như một sự vật, nhưng nó nói đến tình thương mến hướng đến 2 chiều dọc – ngang trong đời sống nội tâm của con người, như (1) và (2) đã chỉ ra. Còn theo nghĩa (3), bác ái lại là hành vi được thực hiện cho tha nhân. Riêng nghĩa (4), thuộc về phạm trù riêng biệt và khá sâu rộng của nhà đạo, chúng ta sẽ không bàn đến ở đây.

Nếu thế, điều muốn nói ở đây là gì?

Vâng, chúng ta sẽ tiếp tục với tiến trình loại trừ để tìm ra điều muốn nói, bạn nhé!

Bạn biết đấy, “Dò sông, dò biển dễ dò, Đố ai lấy thước mà đo lòng người” hay “Nhìn qua ánh mắt, nụ cười, Làm sao biết được lòng người cạn sâu”… Chính vì thế, chúng ta không thể biết được lòng dạ hay đời sống bên trong của một người, nên chúng ta cũng không dễ để nói về bác ái theo nghĩa (1) và (2). Riêng với điều (4), vượt trên đời thường, “yêu thương như Thiên Chúa”, nên chúng ta không dám lạm bàn ở đây. Chỉ còn cách nhìn vào hành vi của người khác, nghĩa thứ (3), để ta biết đó có phải là hành vi mang tính bác ái hay không, đúng không bạn?

Nhưng điều này xem ra cũng chẳng giải quyết được gì cả, vì một hành vi, dầu có tốt đến mấy thì cũng chẳng bảo đảm được rằng đó là tình yêu! Này nhé, bạn biết những gì chú chuột Magawa làm ở Campuchia chứ (https://infonet.vietnamnet.vn/), chú đã giúp cho nhiều người dân ở đó thoát khỏi thương tật và tử thần, do bom mìn sót lại còn nằm sâu trong lòng đất; và hẳn chắc bạn cũng nghe nhiều về những hành động tuyệt vời của các chú chó cứu người, dầu có lúc phải hy sinh tính mạng (https://danviet.vn/)… Thế nhưng những hành vi ấy dù rất đẹp và làm chúng ta phải trầm trồ, song chúng vẫn không phải là bác ái, và càng không phải là tình yêu! Bạn đồng ý với mình chứ?

Cũng thế, một hành vi tự nó là tốt như giúp người cơ nhỡ, nói lời xin lỗi… thì chưa chắc những hành vi ấy xuất phát từ tình yêu hay sự chân thành… Những hành vi ấy vẫn có thể trở nên hư hoại bởi bất cứ động cơ hay hoàn cảnh xấu xa nghiêm trọng nào. Một kẻ trao tặng người khác một số tiền có thể vì muốn khoe mẽ chứ không do lòng thương mến. Một “đề nghị xin lỗi”, hay lời bao biện cho cái sai của thuộc cấp hay cùng ngành.., không những chẳng giải quyết được gì, nhưng có vẻ như càng làm rõ hơn hiện thực về một sự sai lầm, giả dối cách hệ thống là có thật, như sự kiện “hộ tống ngoáy mũi” ở Thuận An cách nay ít ngày, chẳng hạn.

Như thế, bác ái không phải là Đức ái, cũng chẳng phải là tình yêu! Vì nội hàm (hiểu đơn giản là nội dung) của hạn từ “Đức ái” hay “lòng mến” rất rộng, nó bao trùm luôn cả bác ái (x. 1Cr 13,1-13). Trong khi đó, bác ái được hiểu là hành vi mà nhờ đó, một người biểu lộ tình thương của mình cho người anh em đang trong cảnh nguy nan, hoạn nạn, đang trong lúc “ngặt” chứ không phải trong hoàn cảnh “nghèo”…

Bạn thấy đó, vì chỉ là hành vi bên ngoài, nên nó không cho chúng ta biết được liệu đó có phải là một con người tốt thực sự hay không. Bác ái chỉ là một hành vi biểu thị hạnh kiểm của một con người mà thôi. Bác ái không phải là tình yêu là thế đấy. Bởi nếu bác ái là tình yêu, thì người thực hiện hành vi ấy chắc chắn đã chiếm hữu được tình yêu, hay đã là tình yêu rồi. Trong khi đó, người ta lại có thể núp bóng bác ái để tìm kiếm chính mình, hay lợi lộc cho bản thân… như mấy vụ việc lùm xùm gần đây về việc từ thiện của một số nghệ sĩ, chẳng hạn.

Bạn thân mến,

Vì không phải là tình yêu, mà chỉ là cách biểu lộ động cơ bên trong của một con người, nên bác ái cũng có thể bị bóp méo hay vo tròn bởi người thực hiện hành vi đó. Dẫu vậy, mặc lòng, bạn hãy cứ thực hiện nghĩa cử cao đẹp, có tên gọi là BÁC ÁI này với sự chân thành và yêu thương, bạn nhé!

Bởi hành vi thiện lành của bạn sẽ có sức lay động lòng người và làm cho cuộc sống tốt hơn…

Bởi hành vi thiện lành của bạn sẽ cho thấy chỉ có cái tâm thật sự mới đụng chạm được đến nỗi khốn cùng của đồng loại, chứ không phải là những lời ma mị, dối lừa và hứa hão…

Bởi hành vi thiện lành của bạn cũng sẽ làm rõ hơn những nguyên nhân tàn độc đang tạo nên những cảnh đời bi thương: từ những bước chân bộ hành còn quá non yếu và thơ ngây, lúp xúp sau ba mẹ bỏ lại thành phố sau lưng; hay của thai nhi chờ ngày sinh, “liều mạng” cùng mẹ sau yên xe, để cha đạp cả trăm cây số về nhà…, cho đến các gia đình mà, trên đường di tản, con trẻ lịm đi vì đói rét do cha mẹ không hay biết, khi họ đang cùng nhau lầm lũi trên những chiếc xe máy không lối thoát hướng về quê hương…

Bạn ạ, chúng ta hãy cùng cầu xin Thượng Đế với mong ước một ngày nào đó, trên quê hương, đất nước chúng ta, hai chữ “bác ái”, không còn “thời thượng” như hiện nay, nhưng thay vào đó là hai chữ “TÌNH YÊU”, bạn nhé!

Cần Giờ SDB