Bạn thân mến,
Chúng ta đã chia sẻ suy tư về bác ái và nhận ra rằng bác ái không phải là tình yêu, nhưng chỉ là một hành vi biểu thị hạnh kiểm của con người. Vì thế không chỉ người tốt thực thi nghĩa cử bác ái, mà ngay cả một người tâm địa không trong sáng cũng có thể làm, và còn làm rất tốt hành vi ấy nữa, bạn ạ!
Vâng, bên cạnh việc có rất nhiều người làm từ thiện, bác ái vì cảm nhận được sâu xa nỗi đau của đồng loại, sự khốn cùng của người anh em… chúng ta cũng thấy có những người thực thi điều này vì nhiều mục đích khác nữa.
Người ta có thể làm bác ái, từ thiện vì ‘không lẽ xung quanh ai cũng làm, chẳng lẽ mình không làm! Rủi bị nói này nói nọ thì sao?’… Người ta có thể làm từ thiện, bác ái vì sẽ nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ và lời khen tặng của người chung quanh hay trên mạng xã hội…
Người ta có thể làm bác ái, từ thiện để xà xẻo trong đó những lợi lộc thật khủng, lên đến tiền tỷ, khiến nhiều kẻ nhìn vào sinh lòng ganh tỵ, thèm muốn và cố tìm cách giành giựt về cho mình công việc gọi là từ thiện, bác ái…
Người ta cũng có thể làm bác ái, từ thiện vì được thoả mãn bản tính xã hội, được tự do bay nhảy, được tiếp xúc, làm quen… Người ta cũng có thể làm từ thiện, bác ái, vì đó là cách “Pi-A” (Public Relations) hiệu quả về lâu về dài, mà không tốn tiền quảng cáo cho công việc hay thương thiệu của mình…
Người ta cũng có thể làm bác ái, từ thiện vì đó là dịp tốt để khẳng định bản thân, hoặc như một kẻ cơ hội, hãnh tiến ngang qua sự chung tay, dấn thân của người khác… Và cũng rất vô tư, người ta cũng có thể làm từ thiện, bác ái chỉ vì thấy người khác làm thì mình cũng làm, chứ không vì lý do gì ghê gớm cả….
Vâng, bạn đã rõ, xét tự nó, hành vi bác ái luôn là tốt! Và lẽ thường, điều thiện, lòng tốt lại hay bị lợi dụng. Kẻ mưu mô, tâm địa không trong sáng… thường hay dùng mưu ma, chước quỷ và ngay cả bác ái, để làm bình phong cho mưu đồ xấu xa của họ. Đời là thế mà!
Song cũng không luôn là thế! Bởi lúc đầu, khi làm bác ái, từ thiện, người ta có thể hoàn toàn với một động cơ trong sáng và thành tâm. Nhưng khi đứng trước số tiền quá lớn, hay những vật phẩm có giá trị… người ta bắt đầu suy tính… Họ thấy chính mình cũng vất vả, ngược xuôi… Họ thấy rằng mình cũng phải ăn uống, tiêu xài như ai khác… Và cuối cùng, còn thấy rằng với những hy sinh, dấn thân nơi đầu sóng, ngọn gió… họ cũng xứng đáng với một chút gì trích ra từ con số khủng ấy chứ… Và, đùng một cái, dưới hiệu lệnh của chủ nghĩa duy vật và hưởng thụ, các nhu cầu cá nhân và người thân, tất cả, ùa về như cơn lũ… cuốn trôi tất cả những gì là trong sáng của cái tâm còn sót lại… Và điều phải đến – trở thành kẻ toan tính, trục lợi – đã đến!
Bạn biết đấy, nếu người ta vẫn cần tiền cho cuộc sống, thì việc phải đụng chạm hằng ngày vào nguồn tiền “trên trời rơi xuống”, thì chắc hẳn, ngay cả những kẻ đặt vấn đề “Tiền nhiều để làm gì?” – cũng sẽ lại gặp nhau ở mẫu số chung “tiền bao nhiêu mới đủ”… cho “lòng tham không đáy” của họ, đúng không bạn?
Sự yếu đuối và lòng tham của con người khôn cùng là thế! Nếu chẳng có một lương tâm trong sáng được dẫn dắt bởi niềm tin “Trời cao có mắt”, làm sao người ta lại không chấm mút, xà xẻo trong đó, hả bạn? Chúng ta cần cảnh giác với tiền bạc của bá tánh là thế, bạn ạ! Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá cho chuyện này vào trước hoặc sau khi rời cuộc sống này đấy!
Bạn thân mến,
Bác ái đôi khi bị lợi dụng như một thủ thuật để che dấu mưu đồ cá nhân là một điều rất thật trong đời sống. Nhưng còn một điều khác cũng thật không kém. Đó là những người thực thi bác ái, từ thiện cũng có thể bị thao túng, bị sử dụng như một công cụ của quyền lực hay của ai đó… Thông thường, bác ái là một hành vi mang tính tình cờ, ngẫu nhiên… Khi bác ái trở thành hiện tượng khẩn thiết và rộng khắp, đó sẽ là chỉ dấu bất thường của xã hội: nó đang bị tổn thương và cần gấp một sự trợ giúp, một giải pháp hiệu quả từ hệ thống điều hành xã hội… Và nếu cơ cấu ấy không đủ năng lực hay thiếu trách nhiệm để giải quyết vấn đề, đời sống sẽ trở nên bấp bênh và lòng người cũng dễ nảy sinh bất mãn, khó đoán định… Chính lúc ấy, người ta cần một cái van để xả bớt áp lực bị dồn nén trong cộng đồng. Và những công cuộc từ thiện bác ái, khi ấy, có thể nói, chính là những cái van điều áp thật hiệu quả trong tay kẻ thống trị…
Thế nhưng, bạn vẫn có thể nói: “Làm từ thiện… tốt mà, cần gì phải tính toán”. Tiếc thay, đây không phải là chuyện tính toán, nhưng là trí huệ, là khôn ngoan, bạn ạ! Ai đó, chừng như Lê-nin, đã nói: “Nhiệt tình cộng với ‘thiếu hiểu biết’ bằng phá hoại”. Bởi lẽ, bạn không thể làm toán thay cho con, em bạn, để con, em bạn có thể hoàn tất bài kiểm tra… Và bạn cũng không thể học thay cho người thân của bạn, để người đó được tốt nghiệp mà không bằng lực học của mình… Đó không phải là giúp đỡ, cũng chẳng là yêu thương thật sự… Ngược lại, đó là cách hiệu quả nhất để huỷ hoại tương lai của một con người…
Chính vì thế, bạn không thể và không được phép làm thay công việc của bộ máy điều hành một đất nước, trừ trường hợp bạn muốn làm tê liệt hay hủ hoá hệ thống đó khi không để nó thực hiện chức năng của mình… Rảnh rỗi sinh nông nỗi, nó sẽ nghĩ ra những chiêu trò làm cuộc sống của bạn đảo điên đấy!
Hãy khôn ngoan tìm ra cách đúng đắn để làm từ thiện! Hãy hành động sao cho hành vi ấy khắc hoạ nên yêu thương và xứng hợp với con người, bạn ạ! Dẫu cho có kẻ cam tâm để trở thành công cụ, hay đưa mũi cho người ta xỏ… riêng bạn, vì tiếng thơm của cha mẹ bạn, đừng để bị dẫn dắt hay bị biến thành công cụ cho cửa quyền hay một ai đó! Cũng đừng vì mình hay vì một điều gì quá vật chất, quá tầm thường… mà không phải là yêu thương, là dấn thân cho đồng loại, bạn nhé!
Cần Giờ SDB